Hen là một tình trạng thường gặp gây ảnh hưởng đến đường thở. Triệu chứng điển hình thường là khò khè, ho, nặng ngực và khó thở. Triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ cho đến rất nghiêm trọng. Các phương pháp điều trị mang lại hiệu quả trong việc làm giảm và phòng ngừa triệu chứng.
Bệnh thường được điều trị bằng dụng cụ hít. Một bệnh nhân hen điển hình thường sử dụng bình hít dự phòng mỗi ngày (để phòng ngừa triệu chứng khởi phát) và dùng bình hít cắt cơn khi cần (nếu triệu chứng bùng phát). Bài này giới thiệu một cách tổng quan về hen. Có nhiều bài khác nằm trong loạt bài về hen.
Hen là gì và nó ảnh hưởng đến ai?
Hen là một tình trạng ảnh hưởng đến đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) của phổi. Có từng đợt tiểu phế quản co thắt gây hẹp đường dẫn khí ở những người bị hen. Điều này gây ra những triệu chứng điển hình. Mức độ hẹp, và thời gian của một cơn hen, có thể thay đổi rất lớn.
Hen có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất trong thời kì thơ ấu. Ít nhất 1 trong số 10 trẻ em và 1 trong số 20 người trưởng thành bị hen. Hen có thể có tính gia đình nhưng cũng có những bệnh nhân hen không có người thân nào bị bệnh.
Triệu chứng hen
Triệu chứng thường gặp là ho và khò khè. Bạn cũng có thể cảm thấy khó thở và nặng ngực. Triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến rất nặng giữa những người khác nhau và ở những thời điểm khác nhau trên cùng một người. Mỗi cơn có thể kéo dài khoảng một giờ, hoặc đôi khi kéo dài vài ngày, vài tuần cho đến khi được chữa trị.
Triệu chứng điển hình của hen nhẹ không được điều trị là gì?
Bạn có thể có những triệu chứng nhẹ một vài lần. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy khò khè nhẹ và ho nếu bị cảm lạnh hoặc một nhiễm trùng tại phổi, hoặc khi bị sốt mùa hè (hay fever), hoặc khi vận động. Hầu hết thời gian bạn không có triệu chứng. Một đứa trẻ bị hen nhẹ có thể bị ho vào buổi tối nhưng khỏe mạnh vào ban ngày.
Triệu chứng điển hình của hen trung bình không được điều trị là gì?
Bạn thường có những đợt khò khè và ho. Đôi khi bạn cảm thấy khó thở. Bạn cũng có thể có những đợt bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên, bạn thường bị khò khè trong hầu hết các ngày. Triệu chứng thường nặng lên về đêm hoặc buổi sáng sớm. Bạn thường giật mình thức dậy giữa đêm vì ho hoặc vì nặng ngực. Trẻ nhỏ có thể không có triệu chứng điển hình. Đôi khi rất khó khăn để phân biệt giữa hen và nhiễm trùng hô hấp tái diễn ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng điển hình của cơn hen cấp nặng là gì?
Bạn cảm thấy khò khè rất nhiều, nặng ngực và thở rất khó khăn. Nói chuyện rất khó bởi khó thở. Triệu chứng nặng có thể khởi phát từng đợt nếu bạn thường có triệu chứng trung bình. Đôi khi, triệu chứng nặng cũng khởi phát ở những bệnh nhân thường chỉ có triệu chứng nhẹ.
Nguyên nhân của hen
Triệu chứng của hen gây ra bởi viêm đường dẫn khí, có thể bị kích phát bởi những yếu tố khác nhau ở những cá nhân khác nhau. Hiện tượng viêm làm lớp cơ xung quanh đường dẫn khí co thắt. Điều này gây hẹp đường dẫn khí. Khi đó, không khí sẽ khó lưu thông vào và ra khỏi phổi. Điều này dẫn tới khò khè và khó thở. Hiện tượng viêm cũng làm lớp lót đường dẫn khí tạo ra nhiều đàm nhầy, gây ra ho và càng làm tắc nghẽn thêm đường dẫn khí. Biểu đồ sau đây biểu diễn diễn biến của một cơn hen cấp.
Hình 1. Biểu đồ biểu diễn diễn biến của một cơn hen cấp
Triệu chứng hen có thể bùng phát từng đợt. Đôi khi không có lý do rõ ràng cho những đợt bùng phát. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể nhận ra triệu chứng sẽ khởi phát, hoặc tệ hơn, trong một số trường hợp nhất định. Có thể tránh một số yếu tố kích phát nhất định, qua đó có thể làm giảm nhẹ triệu chứng. Những điều có thể kích phát triệu chứng hen bao gồm:
- Nhiễm trùng – cụ thể là cảm lạnh, ho hoặc nhiễm trùng trong lồng ngực.
- Phấn hoa và nấm – hen thường nặng lên trong đợt sốt mùa hè (hay fever).
(Hay fever: sốt do rơm rạ. Khi mùa thu hoạch đến, người nông dân chất rơm rạ thành đống to, thì nhận thấy rằng số người bị sốt cũng tăng lên. Thực chất đây là do mùa hè là mùa thực vật phát triển tốt, sản sinh nhiều phấn hoa và nấm mốc, đây mới là tác nhân gây sốt trên những người có cơ địa mẫn cảm – chú thích của người dịch).
- Vận động – tuy nhiên, vận động và chơi thể thao lại tốt cho người bị hen. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng bình hít trước khi vận động để ngăn ngừa triệu chứng khởi phát. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, hen khởi phát do vận động thường biểu thị cho hen không được điều trị đầy đủ. Nếu điều này xảy ra, có thể cho thấy bạn cần nâng bậc điều trị dự phòng của mình (xem phần dưới).
- Một số loại thuốc – ví dụ, khoảng 1 trong 50 người bị hen dị ứng với aspirin, điều này có thể kích phát triệu chứng. Những thuốc khác có thể kích phát triệu chứng hen bao gồm:
- Thuốc giảm đau kháng viêm như ibuprofen (ví dụ, Nurofen®), diclofenac,…
- Thuốc chẹn beta như propanolol, atenolol, hoặc timolol. Bao gồm cả nhóm thuốc chẹn beta nhỏ mắt để điều trị cườm nước.
- Hút thuốc và khói thuốc – nếu bạn hút thuốc lá và bị hen, bạn phải cố gắng bỏ thuốc. Đến gặp nhân viên y tế để được tư vấn nếu bạn gặp khó khăn. Hút thuốc lá thụ động cũng có thể làm xấu đi tình trạng hen. Ngay cả khi người lớn tránh hút thuốc gần trẻ em thì khói thuốc trên quần áo, tóc,… cũng có thể làm cho triệu chứng hen tệ hơn. Tất cả trẻ em xứng đáng được sống trong một ngôi nhà không khói thuốc – đặc biệt là trẻ bị hen.
- Những khói và hóa chất khác – ví dụ, hơi từ sơn, các loại dung môi, và ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng có thể là một lý do làm cho hen ngày càng phổ biến.
- Một số loại gối và nệm – các loại lông trong gối có thể kích phát triệu chứng. Có ý kiến cho rằng một số người khởi phát hen do những hóa chất (isocyanate/methyl ethyl ketone,…) phóng thích với lượng rất nhỏ từ gối và nệm dạng bọt biển.
- Cảm xúc – hen không phải do thần kinh gây ra, tuy nhiên, căng thẳng, thay đổi cảm xúc, hoặc vui vẻ quá mức có thể kích phát triệu chứng.
- Dị ứng với động vật – ví dụ, mèo hoặc chó nhà, và ngựa. Động vật thường không gây khởi phát triệu chứng trong hầu hết các trường hợp; tuy nhiên, một số người nhận thấy rằng triệu chứng của họ nặng lên khi ở gần một số động vật nhất định.
- Mạt nhà – đây là một sinh vật rất nhỏ sống trong nệm và những bề mặt vải khác trong nhà. Nếu bạn dị ứng với nó, nó có thể làm triệu chứng xấu đi. Không thể loại bỏ hoàn toàn mạt nhà ra khỏi nhà. Để làm giảm đáng kể số lượng mạt nhà, cần rất nhiều thời gian và rất nhiều biện pháp khác nhau. Ví dụ, dùng tấm trải giường đặc biệt, không sử dụng thảm, không sử dụng hoặc xử lý đồ chơi mềm. Tuy nhiên, nếu triệu chứng khó kiểm soát với điều trị và bạn được khẳng định có dị ứng với mạt nhà, việc giảm số lượng mạt nhà có thể có ích.
- Một vài loại thức ăn – điều này ít gặp. Thức ăn thường không phải là yếu tố kích phát trong đa số trường hợp.
Một vài người chỉ khởi phát triệu chứng khi tiếp xúc với những tác nhân nhất định – ví dụ, hen do gắng sức. Như đã đề cập, gắng sức có thể làm triệu chứng hen xấu đi ở nhiều bệnh nhân hen. Tuy nhiên, vài người chỉ khởi phát triệu chứng khi họ vận động, còn những khoảng thời gian còn lại đều khỏe mạnh. Một ví dụ khác là một vài người lại khởi phát triệu chứng khi tiếp xúc với một số hóa chất.
Hen được chẩn đoán như thế nào?
Đôi khi triệu chứng khá điển hình và bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán được. Nếu nghi ngờ có thể sử dụng một số xét nghiệm đơn giản. Hai phương pháp thường dùng là hô hấp kí và đánh giá lưu lượng đỉnh.
Hô hấp kí
Hô hấp kí là biện pháp thăm dò lượng không khí bạn có thể thổi vào một thiết bị gọi là máy hô hấp kí. Hai kết quả quan trọng bao gồm:
- Lượng không khí bạn có thể thổi ra trong một giây – Gọi là thể tích thở ra gắng sức trong một giây (FEV1).
- Tổng lượng không khí bạn có thể thổi ra trong một hơi thở – Gọi là dung tích sống gắng sức (FVC).
Tuổi của bạn, chiều cao và giới tính ảnh hưởng đến thể tích phổi của bạn. Nên, nếu kết quả được đánh giá dựa trên chỉ số trung bình dựa trên tuổi, chiều cao và giới tính của bạn.
Một giá trị được tính từ lượng khí bạn có thể thổi ra trong một giây chia cho tổng lượng khí bạn thổi ra trong một hơi thở (gọi là tỉ lệ FEV1:FVC). Giá trị nhỏ cho thấy bạn bị tắc nghẽn đường dẫn khí, điều điển hình trong hen (nhưng giá trị nhỏ còn gặp trong một số trường hợp khác). Do đó, hô hấp kí có thể được thực hiện lại sau khi điều trị. Sự cải thiện giá trị này sau điều trị làm giãn nở đường thở, là điển hình trong hen.
Ghi chú: Hô hấp kí có thể bình thường ở những bệnh nhân hen không triệu chứng khi đo. Nên nhớ rằng, triệu chứng của hen có thể xuất hiện hoặc không. Do đó, kết quả bình thường không loại trừ hen. Tuy nhiên, nếu triệu chứng của bạn gợi ý hen, nên thực hiện đo trong trường hợp đang có triệu chứng.
Hình 2. Máy đo và cách đo hô hấp ký
Đánh giá lưu lượng đỉnh kí
Đây là một biện pháp thay thế. Máy lưu lượng đỉnh kí là một thiết bị nhỏ mà bạn thổi vào. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn. Nó đo tốc độ dòng khí mà bạn thổi ra. Dù bạn khỏe mạnh cỡ nào, nếu đường thở của bạn bị tắc nghẽn, lưu lượng đỉnh của bạn sẽ thấp hơn giá trị mong đợi so với tuổi, thể trạng và giới tính của bạn. Nếu bạn bị hen không điều trị, bạn sẽ có lưu lượng đỉnh thấp và thay đổi. Và lưu lượng đỉnh buổi sáng cũng có thể thấp hơn buổi chiều tối nếu bạn bị hen.
Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn viết nhật kí trong khoảng hai tuần về lưu lượng đỉnh. Trong trường hợp điển hình, bệnh nhân hen sẽ có lưu lượng đỉnh thấp và thay đổi qua nhiều ngày. Lưu lượng đỉnh sẽ cải thiện khi tình trạng tắc nghẽn đường thở được điều trị. Đo lưu lượng đỉnh thường xuyên sẽ giúp đánh giá kết quả điều trị.
Những biện pháp khác
Nếu chẩn đoán vẫn còn chưa rõ ràng, những chuyên gia có thể cần thực hiện thêm những biện pháp chẩn đoán chuyên sâu. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, điều này là không cần thiết.
Điều trị hen như thế nào?
Đối với hầu hết bệnh nhân hen, triệu chứng có thể được ngăn ngừa gần như hoàn toàn với điều trị. Nên bạn có thể có một cuộc sống hoàn toàn bình thường với học tập, làm việc, và chơi thể thao,…
Bình hít
Hầu hết bệnh nhân hen được điều trị với bình hít. Bình hít đưa một lượng thuốc nhỏ vào trong đường dẫn khí. Liều lượng được tính để có thể hiệu quả với đường dẫn khí. Tuy nhiên, lượng thuốc đi vào phần còn lại của cơ thể là rất nhỏ nên tác dụng phụ gần như không có, nếu có thì cũng không đáng kể. Có rất nhiều dụng cụ hít được chế tạo bởi các công ty khác nhau. Mỗi dụng cụ phù hợp với một loại đối tượng bệnh nhân. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn bệnh nhân trên từng loại dụng cụ.
Thuốc trong bình hít có thể chia thành loại cắt cơn, ngừa cơn và giãn phế quản tác dụng dài:
- Bình hít cắt cơn được dùng để làm giảm triệu chứng. Thuốc trong bình xịt cắt cơn có tác dụng làm giãn cơ ở đường dẫn khí. Điều này làm cho đường dẫn khí mở rộng ra và triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng. Những thuốc này được gọi là thuốc giãn phế quản, vì chúng làm giãn phế quản và tiểu phế quản. Có rất nhiều thuốc cắt cơn khác nhau – ví dụ, salbutamol và terbutaline. Những thuốc này có rất nhiều tên, do nhiều công ty khác nhau sản xuất. Nếu bạn chỉ có triệu chứng thưa thớt, đôi khi bạn chỉ cần dùng thuốc cắt cơn. Tuy nhiên, nếu bạn dùng thuốc cắt cơn ba lần trở lên trong tuần để làm giảm triệu chứng, thì bạn cần thuốc ngừa cơn.
- Bình hít ngừa cơn được dùng mỗi ngày để dự phòng triệu chứng xuất hiện. Thuốc thường dùng trong bình thuốc ngừa cơn là steroid. Có rất nhiều loại khác nhau. Steroid có tác dụng làm giảm viêm đường thở. Khi không còn hiện tượng viêm, đường dẫn khí sẽ không bị tắc nghẽn và sẽ không gây ra triệu chứng. Cần từ 7 – 14 ngày để steroid phát huy tác dụng. Do đó, thuốc này sẽ không có tác dụng làm thuyên giảm triệu chứng. Tuy nhiên, thông thường sau một tuần, triệu chứng sẽ không còn hoặc giảm đáng kể. Có thể cần tới sáu tuần để đạt đến hiệu quả tối đa. Bạn nên tiếp tục sử dụng thuốc ngừa cơn ngay cả khi bạn không còn triệu chứng – để phòng ngừa triệu chứng quay trở lại. Có thể bạn sẽ không cần phải sử dụng bình hít cắt cơn thường xuyên nữa.
Mật độ xương có thể giảm nếu sử dụng lâu dài liều cao steroid hít. Do đó bệnh nhân thường xuyên sử dụng steroid hít cần phải có nguồn cung cấp chế độ ăn đầy đủ canxi. Sữa là một nguồn cung cấp canxi tốt nhưng đôi khi cần tránh ở bệnh nhân hen. Một số nguồn cung cấp canxi khác bao gồm bánh mì, một vài loại rau (cải xoăn, đậu bắp, rau chân vịt và xà lách xoong), và một vài loại trái cây (ví dụ, mơ khô).
- Thuốc giãn phế quản tác dụng dài có thể được sử dụng kèm theo bình hít ngừa cơn. Thuốc giãn phế quản tác dụng dài làm giảm triệu chứng bằng cách làm giãn nở đường thở nhưng tác dụng kéo dài hơn thuốc cắt cơn. Những thuốc trong nhóm này có tác dụng lên tới 12 giờ sau mỗi liều. Chúng bao gồm salmeterol và formoterol. (Một vài loại bình hít chứa một loại steroid cộng với một thuốc giãn phế quản tác dụng dài rất tiện lợi). Thuốc giãn phế quản tác dụng dài có thể được phối hợp nếu triệu chứng không được kiểm soát đầy đủ với bình hít ngừa cơn.
Buồng đệm được dùng với một số loại bình hít. Chúng thường được sử dụng cho trẻ em, tuy nhiên, cũng có rất nhiều người lớn cần sử dụng. Buồng đệm giống như một ống nhựa được gắn với bình hít. Nó giữ thuốc như một buồng chứa khi ấn bình hít. Một van ở đầu ngậm giúp giữa thuốc trong buồng đệm đến khi bạn hít vào. Khi bạn thở ra, van này đóng lại. Nên, bạn không cần phải phối hợp tốt khi hít thuốc khi bạn có buồng đệm. Một mặt nạ có thể được dùng với một số loại buồng đệm thay vì đầu ngậm. Cách này thường được dùng cho trẻ nhỏ, giúp trẻ có thể hít thuốc đơn giản bằng cách hít thở bình thường qua mặt nạ.
Hình 3. Một số loại bình hít trong hen phế quản
Thuốc viên giúp giãn nở đường thở
Hầu hết bệnh nhân không cần thuốc viên, vì bình hít hầu hết có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, thuốc viên (hoặc dạng lỏng cho trẻ em) được kê để phối hợp với bình hít nếu triệu chứng không được cải thiện tốt với bình hít đơn độc. Có nhiều loại thuốc viên giúp giãn nở đường thở. Trẻ nhỏ đôi khi sử dụng thuốc lỏng thay vì thuốc viên.
Steroid đường uống
Sử dụng steroid trong thời gian ngắn (như prednisolon) thường giúp làm giảm độ nặng cũng như thời gian của một cơn hen. Thuốc steroid uống có tác dụng làm giảm tình trạng viêm đường dẫn khí. Ví dụ, cơn cấp nặng có thể xảy ra nếu bạn bị cảm hoặc nhiễm trùng vùng ngực.
Mọi người thường lo lắng khi sử dụng steroid đường uống. Tuy nhiên, sử dụng thuốc trong thời gian ngắn (khoảng một tuần) thường rất hiệu quả và không để lại tác dụng phụ. Hầu hết tác dụng phụ của steroid xuất hiện khi bạn sử dụng chúng trong thời gian dài (suốt nhiều tháng), hoặc khi bạn dùng liều cao trong thời gian ngắn.
Omalizumab
Omalizumab là một loại thuốc chỉ được sử dụng ở một số lượng nhỏ người bị hen dị ứng dai dẳng không thể kiểm soát bằng các loại thuốc khác. Vì vậy, đây không phải là một điều trị thường quy. Thuốc này là thuốc tiêm. Nó có tác dụng ức chế miễn dịch làm giảm quá trình viêm đường thở trong hen. Điều trị bằng omalizumab chỉ được chỉ định khi có ý kiến chuyên gia.
Liều thuốc sử dụng như thế nào?
Mỗi bệnh nhân có nhu cầu sử dụng thuốc khác nhau. Liều tốt nhất của bình hít ngừa cơn là liều nhỏ nhất có thể dự phòng triệu chứng. Bác sĩ có thể cho liều ngừa cơn cao lúc đầu, để đạt hiệu quả nhanh chóng. Khi triệu chứng thuyên giảm, liều có thể được giảm dần dần sau vài tuần. Mục tiêu là tìm liều nhỏ nhất có thể giúp ngừa triệu chứng quay trở lại.
Một vài bệnh nhân hen chịu đựng triệu chứng của mình. Họ nghĩ rằng việc có triệu chứng là bình thường ngay cả khi họ đang điều trị. Một ví dụ thường gặp là tình trạng ho đêm làm rối loạn giấc ngủ. Nhưng, nếu điều này lặp đi lặp lại và làm triệu chứng không thể kiểm soát, báo với bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn. Triệu chứng có thể được phòng ngừa – ví dụ, bằng các điều chỉnh liều của bình hít dự phòng, hoặc thêm một thuốc giãn phế quản tác dụng dài.
Kế hoạch điều trị điển hình
Một kế hoạch điều trị điển hình cho bệnh nhân hen trung bình là:
- Bình hít ngừa cơn (thường là steroid), vào mỗi buổi sáng và lúc đi ngủ. Cách này có thể giúp ngừa cơn suốt ngày và đêm.
- Bình hít cắt cơn có thể phải được sử dụng nếu có triệu chứng nặng hơn xuất hiện. Ví dụ, nếu triệu chứng bùng phát khi bệnh nhân bị ho hoặc cảm lạnh.
- Nếu bệnh nhân có triệu chứng khi gắng sức (chơi thể thao) thì một liều thuốc cắt cơn trước khi chơi thể thao là đủ để ngăn ngừa triệu chứng.
- Liều thuốc ngừa cơn có thể phải tăng lên trong một thời gian ngắn khi bạn bị ho hoặc cảm lạnh, hoặc trong mùa sốt mùa hè.
- Một vài bệnh nhân có thể cần phải sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài nếu triệu chứng không được kiểm soát với những thuốc trên.
- Đầu tiên, chỉnh liều của bình hít dựa vào lời khuyên của bác sĩ hoặc điều dưỡng. Qua đó, bạn có thể đồng ý với kế hoạch quản lý hen của bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn.
Kế hoạch hành động cho hen là gì?
Kế hoạch hành động cho hen là một kế hoạch do bạn và bác sĩ đặt ra. Kế hoạch giúp bạn điều chỉnh liều của bình hít, tùy vào triệu chứng hoặc lưu lượng đỉnh. Kế hoạch nhằm điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Kế hoạch được trình bày bằng văn bản, thường theo một mẫu chuẩn, để bạn có thể theo dõi bất kì lúc nào. Các nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân hoàn thành kế hoạch kiểm soát hen cá nhân có thể kiểm soát triệu chứng tốt hơn, và kế hoạch của họ giúp họ làm việc như bình thường.
Hen có khỏi không?
Không có thuốc điều trị khỏi hen hoàn toàn. Tuy nhiên, khoảng một nửa trẻ em bị hen sẽ hết ở tuổi trưởng thành.
Đối với rất nhiều người lớn, hen có thể có những đợt tốt và đợt xấu. Một vài người có triệu chứng tệ hơn trong mùa đông, một số khác lại yếu đi trong mùa sốt mùa hè. Dù không điều trị khỏi được, hen có thể điều trị được. Nâng bậc điều trị khi triệu chứng xấu thường có thể kiểm soát được triệu chứng.
Một vài điểm khác về hen
Học cách sử dụng đúng bình hít là rất quan trọng. Ở một vài người, triệu chứng dai dẳng đơn giản là vì họ không dùng đúng bình hít và thuốc trong bình không đi vào đường dẫn khí đầy đủ. Liên hệ với điều dưỡng hoặc bác sĩ điều trị nếu bạn không rõ cách sử dụng đúng bình hít.
Gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu triệu chứng không được kiểm soát đầy đủ, hoặc tệ hơn. Ví dụ, nếu:
- Ho đêm hoặc khò khè làm mất ngủ.
- Triệu chứng gây giới hạn vận động.
- Lưu lượng đỉnh nhỏ hơn bình thường.
- Bạn cần dùng thuốc cắt cơn nhiều hơn bình thường.
Điều chỉnh thời gian hoặc liều dùng các thuốc này có thể giúp kiểm soát triệu chứng.
Đến gặp bác sĩ ngay khi bạn khởi phát triệu chứng nặng không thể kiểm soát với thuốc cắt cơn. Cụ thể là, bạn nói ngắn hơi do khó thở. Bạn có thể cần xử trí cấp cứu với thuốc cắt cơn liều cao và một số điều trị khác, đôi khi phải nhập viện. Cơn hen nguy kịch có thể đe dọa tính mạng.
Bạn nên tiêm ngừa cúm mỗi năm nếu bạn cần sử dụng steroid đường hít liều cao và kéo dài và/hoặc uống steroid và/hoặc có cơn hen cần phải nhập viện.