Tác giả: Bác sĩ Colin Tidy, hiệu đính: Giáo sư Cathy Jackson. Chỉnh sửa lần cuối ngày 5 tháng 5 năm 2016. Được chứng nhận bởi The information standard.
Người dịch: Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, hiệu đính: Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Phạm Minh Thư
Tổng quan
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ dịch trong khoang nằm giữa phổi và thành ngực có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tràn dịch có thể gây khó thở. Nhiều trường hợp cần phải đặt ống để dẫn lưu dịch ra ngoài. Điều trị chủ yếu là điều trị nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi.
Tràn dịch màng phổi là gì?
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ dịch trong khoang ở giữa phổi và thành ngực.
Màng phổi là lớp màng mỏng lót bên trong thành ngực và bao phủ phổi. Bình thường chỉ có một lượng nhỏ dịch ở giữa hai lớp màng phổi. Lượng dịch này hoạt động như dầu bôi trơn giữa phổi và thành ngực khi bạn thở. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi có chất dịch tích tụ ngày càng nhiều giữa màng phổi với thành ngực và tách phổi ra khỏi thành ngực.
Nguyên nhân
Tràn dịch màng phổi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến của tràn dịch màng phổi (ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác):
- Viêm phổi, bệnh lao và ung thư có thể gây viêm nhiễm ở phổi và màng phổi. Điều này có thể làm tích tụ dịch và gây ra tràn dịch.
- Một số tình trạng viêm khớp cũng có thể gây viêm ở màng phổi. Ví dụ như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus ban đỏ hệ thống đôi khi có thể gây tràn dịch màng phổi.
- Suy tim gây ra ‘áp lực ngược’ lên các tĩnh mạch đưa máu về tim làm dịch có thể thoát ra khỏi mạch máu và bệnh nhân có thể có triệu chứng phù chân. Đây là triệu chứng hay gặp của suy tim, nhưng tràn dịch màng phổi cũng có thể xảy ra.
- Nồng độ protein trong máu thấp cũng có xu hướng làm dịch thoát ra khỏi các mạch máu. Ví dụ, xơ gan và một số bệnh thận có protein trong máu thấp có thể gây ra tràn dịch màng phổi.
Triệu chứng
Bạn có thể thấy đau ngực nhưng trong nhiều trường hợp tràn dịch màng phổi thường không gây đau. Lượng dịch tích tụ ở mỗi người cũng khác nhau. Khi lượng dịch tích tụ nhiều, đè ép lên phổi làm cho phổi không thể nở ra khi hít thở giống như người bình thường sẽ làm cho bạn bị khó thở.
Bạn cũng có thể có các triệu chứng của bệnh lý gây ra tràn dịch màng phổi. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi nên bạn cũng có thể có rất nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào từng nguyên nhân. Ví dụ như bạn có thể bị ho và sốt cao nếu nguyên nhân là viêm phổi.
Xét nghiệm cần thiết
X-quang ngực thường được dùng để chẩn đoán tràn dịch màng phổi. Nếu đã biết nguyên nhân của tràn dịch thì không cần làm thêm nhiều xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu tràn dịch màng phổi là dấu hiệu đầu tiên của một bệnh tiềm ẩn thì cần làm thêm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm phổi, xét nghiệm máu và lấy mẫu dịch và màng phổi để kiểm tra trong phòng xét nghiệm.
Điều trị tràn dịch màng phổi
Điều trị nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi
Phần lớn điều trị được hướng đến là điều trị nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi. Ví dụ, sử dụng kháng sinh để điều trị viêm phổi, hóa trị hoặc xạ trị để điều trị bệnh ung thư, v.v … Do đó, việc điều trị sẽ rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tràn dịch. Nếu nguyên nhân gây bệnh được điều trị thành công thì có khả năng rất cao tràn dịch màng phổi sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu nguyên nhân gây bệnh không thể điều trị, hoặc chỉ có thể điều trị một phần thì dịch màng phổi có thể tích tụ trở lại sau khi được dẫn lưu ra ngoài.
Điều trị tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi lượng ít thường không gây ra triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, có thể chỉ cần theo dõi. Điều trị chỉ cần thiết nếu tràn dịch gây ra các triệu chứng như khó thở.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu nguyên nhân không được điều trị, thì tràn dịch màng phổi gần như sẽ quay trở lại trong vòng vài tuần và tiếp tục làm cho bệnh nhân khó thở, lúc đó bác sĩ có thể thực hiện lại thủ thuật dẫn lưu màng phổi.
Tràn dịch màng phổi lượng nhiều làm bạn cảm thấy khó thở và phải dẫn lưu bớt dịch tích tụ ở trong khoang giữa 2 màng phổi ra ngoài. Thủ thuật này còn được gọi là dẫn lưu màng phổi, bác sĩ sẽ đưa một ống tiêm qua thành ngực. Trước đó, bệnh nhân sẽ được gây tê ở da và thành ngực để làm giảm đau. Thủ thuật này có thể chỉ cần làm một lần để điều trị triệu chứng cho bệnh nhân.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các điều trị khác có thể bao gồm:
- Gây dính màng phổi. Trong thủ tục này, một hóa chất đặc biệt (gọi là chất gây dính) được tiêm vào khoang giữa hai màng phổi để gây ra tình trạng viêm màng phổi và giúp hai màng phổi ‘dính’ lại với nhau. Điều này giúp ngăn cho dịch tích tụ trở lại. Hóa chất gây dính thường được sử dụng bao gồm tetracycline, bột Talc và bleomycin. Gây dính màng phổi thường được sử dụng nhiều nhất trong điều trị tràn dịch màng phổi tái phát do ung thư.
- Đặt ống dẫn lưu dịch vĩnh viễn để dịch có thể thoát ra ngoài sau khi hình thành.
- Phẫu thuật tạo cầu nối (giống như dẫn lưu bên trong) để dịch chảy từ khoang ngực xuống khoang bụng. Thủ thuật này được gọi là dẫn lưu màng phổi màng bụng và đôi khi được sử dụng.
- Bóc vỏ màng phổi. Đây là một phẫu thuật để loại bỏ màng phổi, đôi khi được sử dụng ở những người bị tràn dịch màng phổi do ung thư khi các điều trị khác đã thất bại.
Tài liệu tham khảo
https://patient.info/chest-lungs/pleural-effusion-leaflet