Tổng quan
Phổi có 2 phần chính là hệ thống phế quản (đường hô hấp) và phế nang (các túi khí). Khi chúng ta hít vào, không khí di chuyển xuống khí quản qua các ống phế quản và vào đến phế nang. Tại các phế nang này diễn ra quá trình trao đổi khí: oxy (O2) đi vào máu trong khi carbon dioxide (CO2) được thải ra ngoài.
Viêm phế quản mãn tính là tình trạng niêm mạc lót trong các ống phế quản bị sưng đỏ lên và tiết nhiều chất nhầy. Các chất nhầy này làm hẹp lòng ống và gây khó thở. Bệnh khí phế thũng là tình trạng nhiều phế nang bị mất đi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình trao đổi khí và việc thở ra cũng trở nên khó khăn hơn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic obstructive pulmonary disease, COPD) là bệnh phổi bao gồm cả hai bệnh trạng trên, thường gặp ở những người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh COPD là gì?
COPD có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm:
- Ho kéo dài (mãn tính)
- Ho kèm theo chất nhầy
- Hay nhiễm trùng đường hô hấp (như cúm và cảm lạnh)
- Khó thở, đặc biệt là khi vận động, tập thể dục
- Cảm giác ngực bị ép chặt
- Thở khò khè
Ban đầu, bạn có thể không có triệu chứng hoặc chỉ có vài triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, vì COPD là một bệnh tiến triển. Các triệu chứng sẽ xuất hiện từ từ và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Các triệu chứng của COPD phát triển trong nhiều năm. Và cuối cùng chúng sẽ ảnh hưởng đến mức độ hoạt động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây ra COPD?
COPD xảy ra do tổn thương ở phổi, khi người bệnh thường xuyên hít các chất kích thích trong một thời gian dài. Các chất kích thích thường là:
- Các chất ô nhiễm trong không khí
- Hơi hóa chất, khí, hơi nước, hay sương
- Khói thuốc lá (kể cả khi hút thuốc lá thụ động)
- Bụi
Các yếu tố nguy cơ của COPD là gì?
Yếu tố nguy cơ chính đối với COPD là hút thuốc. Khoảng 80% đến 90% các trường hợp COPD là do hút thuốc trong thời gian dài. Cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc chống tiến triển bệnh là bỏ thuốc lá.
Công nhân thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hoặc khói bụi ở nơi làm việc cũng có nguy cơ mắc bệnh COPD. Nếu hút thuốc lá, những công nhân trên còn có nguy cơ cao hơn.
Chẩn đoán và xét nghiệm
Làm thế nào để phát hiện và chẩn đoán COPD?
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào của COPD. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về việc hút thuốc hoặc tiếp xúc với quá nhiều bụi, khói, khí, hơi nước, hay sương trong thời gian qua.
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm đo chức năng hô hấp. Đó là một xét nghiệm đặc biệt để xem phổi đang hoạt động như thế nào. Bạn cũng có thể cần chụp phim X-quang ngực vì hình ảnh X-quang có thể cho thấy vài dấu hiệu của COPD. Bác sĩ cũng có thể đề nghị làm xét nghiệm máu hoặc một vài xét nghiệm đặc biệt khác để phân tích chất nhầy của bạn.
Điều trị
Có cách nào chữa khỏi bệnh COPD không?
Không. Không có cách nào để chữa COPD khỏi hẳn.
Điều trị COPD như thế nào?
Việc điều trị COPD chỉ nhằm giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, kiểm soát các triệu chứng, và làm giảm nguy cơ bị biến chứng.
Các lựa chọn điều trị bao gồm:
Ngừng hút thuốc: Nếu bạn đang hút thuốc, việc quan trọng nhất có thể làm là ngừng hút thuốc ngay. Điều này sẽ giúp ngăn chặn hoặc làm chậm lại những tổn thương ở phổi. Nó là cách duy nhất để giúp các triệu chứng không trở nên tệ hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về cách bỏ hút thuốc. Càng bỏ thuốc lá sớm, bạn sẽ càng có nhiều cơ hội sống lâu hơn và khỏe hơn.
Thuốc men: Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều loại thuốc giúp bạn thở tốt hơn và cảm thấy tốt hơn. Những loại thuốc này có thể bao gồm:
- Thuốc làm giãn phế quản: Những loại thuốc này giúp làm giãn các tế bào cơ xung quanh các phế quản, giúp đường hô hấp rộng hơn và làm việc hít thở dễ dàng hơn.
- Steroids: Steroids có thể giảm bớt phản ứng viêm, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên chúng thường chỉ được dùng ở những người mắc bệnh COPD thể nặng.
- Kháng sinh: Thuốc kháng sinh giúp điều trị những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn vốn có thể làm các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Vaccine: Việc tiêm phòng có thể giúp ngăn ngừa một số nhiễm trùng đường hô hấp nhất định, chẳng hạn như bệnh cúm và viêm phổi. Bệnh nhiễm trùng có thể làm các triệu chứng của COPD tồi tệ hơn hoặc gây tổn thương phổi nhiều hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm vaccine khi nào và thường xuyên ra sao.
Liệu pháp oxy: Một số trường hợp bị COPD dạng nặng hơn cần phải sử dụng oxy. Bệnh nhân sẽ thở oxy qua ống mắc trên mũi hoặc thông qua mặt nạ dưỡng khí.
Phục hồi chức năng phổi: Các chương trình phục hồi chức năng giúp bạn cải thiện bệnh trạng. Một đội ngũ nhân viên y tế có thể giúp bạn tìm hiểu về bệnh tình của mình cũng như tư vấn, gợi ý chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp với nhu cầu của bạn.
Phẫu thuật: Mặc dù rất hiếm nhưng một số trường hợp COPD nghiêm trọng có thể được cải thiện nhờ phẫu thuật. Bệnh nhân có thể được cắt phổi hoặc ghép phổi. Phẫu thuật thường được thực hiện chỉ khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác.
Làm thế nào để dùng thuốc xông/hít?
Với thuốc xông, bạn có thể dùng ống hít định liều cầm tay, hoặc sử dụng máy khí dung để chuyển một lượng thuốc nhất định vào phổi. Máy khí dung biến thuốc ở dạng lỏng thành dạng hơi (như một đám khói) và bạn có thể hít vào. Máy này thường được sử dụng để điều trị những người bị COPD nặng. Nó cũng giúp cho những người gặp khó khăn khi sử dụng ống hít dạng cầm tay.
Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách uống thuốc. Điều quan trọng là cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Để phổi của bạn nhận được lượng thuốc cần có.
Biến chứng
Các biến chứng của bệnh COPD là gì?
Bệnh nhân COPD có nguy cơ gặp các biến chứng như sau:
- Vấn đề về tim: COPD có thể gây ra rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) và suy tim.
- Cao huyết áp: COPD có thể làm tăng áp lực máu (huyết áp) trong các mạch máu đến phổi. Sự tăng huyết áp động mạch phổi sẽ dẫn đến suy tim và gây khó khăn khi vận động.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Bệnh nhân thường hay bị cảm, cúm, hoặc thậm chí viêm phổi. Các bệnh nhiễm trùng làm các triệu chứng tồi tệ hơn hoặc gây tổn thương phổi. Bệnh nhân cần được tiêm chủng ngừa bệnh cúm và viêm phổi hàng năm.