Định nghĩa
Chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”) là bệnh gì?
Bệnh nhân của chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu” hay hội chứng BDD) hay lo lắng về những khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể bất kể chúng có thật hay do chính người bệnh tưởng tượng ra.
Những ai thường mắc phải chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”)?
Cứ 100 người, kể cả nam và nữ, sẽ có 1 đến 2 người mắc bệnh mặc cảm ngoại hình, 2-15% trong đó đã từng phẫu thuật thẩm mỹ.
Chứng mặc cảm ngoại hình thường bắt đầu ở tuổi dậy thì và có thể kéo dài suốt đời.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”)?
Những dấu hiệu và triệu chứng thường thấy của chứng BDD bao gồm:
- Bệnh nhân không thể ngừng suy nghĩ về một bộ phận nào đó trên cơ thể và tin rằng có điều gì đó không ổn kể cả khi họ hoàn toàn bình thường
- Một số các bộ phận có thể được người bệnh chú ý quá mức như: mũi, răng, lông mặt hoặc lông trên người, ngực, tóc, nốt ruồi, sẹo và cơ.
- Bệnh nhân ám ảnh quá mức với ngoại hình trong nhiều giờ một ngà Họ liên tục soi gương hoặc kiểm tra các bộ phận cơ thể. Hoặc họ thường gặp bác sĩ thẩm mỹ, đến thẩm mỹ viện và nha sĩ để chỉnh sửa các khiếm khuyết nhưng vẫn không hài lòng với kết quả.
- Các đặc điểm khác của chứng mặc cảm ngoại hình bao gồm dành nhiều thời gian trong ngày để chải chuốt, từ chối chụp hình, trang điểm đậm hoặc mặc nhiều quần áo như để ngụy trang.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ nếu bạn có ý định làm tổn thương chính mình hoặc khi người thân nói rằng bạn đang quá lo lắng về khiếm khuyết không có thực. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”) là gì?
Nguyên nhân gây ra mặc cảm ngoại hình vẫn chưa được xác định rõ. Các bệnh tâm thần liên quan đến chứng mặc cảm ngoại hình có thể bao gồm trầm cảm nghiêm trọng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan tỏa, chứng sợ chỗ đông người và rối loạn ăn uống. Bệnh chưa được chứng minh có di truyền từ cha mẹ.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”)?
Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc chứng “sợ xấu”:
- Có người trong gia đình mắc chứng bệnh này
- Trải qua những ký ức tiêu cực, chẳng hạn như thời thơ ấu bị trêu chọc
- Áp lực của xã hội, mọi người kỳ vọng một vẻ đẹp nào đó ở bệnh nhân
- Có biểu hiện của rối loạn tâm thần như lo âu hay trầm cảm
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”)?
Điều trị mặc cảm ngoại hình không dễ, nhất là khi bệnh nhân không hợp tác trị liệu.
Trị liệu nhận thức hành vi đi kèm với thuốc khá hiệu quả và được áp dụng phổ biến nhất. Trong trị liệu nhận thức hành vi, bác sĩ phải biết được tác nhân gây bệnh và tìm cách cắt đứt mối liên hệ giữa tác nhân đó với phản ứng tâm thần (mặc cảm ngoại hình) của bệnh nhân.
Bệnh nhân thường có sự mong đợi không thực tế về phẫu thuật tạo hình, do đó, người bệnh nên gặp bác sĩ tâm lý để được trò chuyện về những mặc cảm ngoại hình của mình.
Liệu pháp điều trị theo nhóm cũng có hiệu quả cao trong điều trị các bệnh rối loạn tâm thần.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”)?
Chứng mặc cảm ngoại hình thường không được nhận ra do bệnh nhân thường tránh nói với bác sĩ về các triệu chứng. Bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ từ tiền sử bệnh và khám sức khỏe hoặc chuyển cho một chuyên gia (bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý) để đánh giá được tốt hơn. Tiêu chuẩn chẩn đoán là bệnh nhân cảm thấy lo lắng với cơ thể mà không thể giải thích bằng cách bệnh tâm thần khác.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chứng mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”)?
Rối loạn mặc cảm ngoại hình (hội chứng “sợ xấu”) có thể được kiểm soát nếu bạn:
- Cân nhắc trị liệu phối hợp với các thành viên trong gia đình, bạn đời và những người quan trọng khác
- Hợp tác hoàn toàn với bác sĩ và quyết tâm điều trị dứt bệnh
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.