Khò khè là một tiếng rít xuất hiện khi bạn thở. Đây là một triệu chứng thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây khò khè. Nếu bạn bị khó thở hoặc có các triệu chứng báo động khác xuất hiện cùng khò khè và bạn không biết phải làm gì, hãy đi khám bác sỹ ngay lập tức. Phần dưới đây sẽ thảo luận về những nguyên nhân chính gây khò khè.
Thở khò khè là gì?
Thở khò khè là một tiếng rít xuất hiện khi không khí đi qua một đường thở bị hẹp. Âm thanh này thường gặp trong kỳ thở ra hơn là kỳ hít vào (mặc dù không phải lúc nào cũng vậy). Âm thanh này là do không khí phải đi qua đường thở hẹp hơn bình thường. Đường thở bị hẹp do những nguyên nhân sau:
- Co thắt phế quản: tức là cơ bên trong đường thở co lại, dẫn đến hẹp (co thắt) đường thở.
- Phù nề niêm mạc đường thở
- Nhiều đờm trong đường thở
- Dị vật: Ví dụ bạn hít phải một hạt lạc (thường gặp ở trẻ em)
- Sự phát triển không bình thường của đường thở, ví dụ khối u (ung thư)
Tôi nên làm gì khi bị khò khè
Khò khè là một triệu chứng rất phổ biến, có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý của phổi và đường thở ở bất kỳ lứa tuổi nào. Mức độ nặng của bệnh lý gây ra khò khè cũng khác nhau. Thông thường, những triệu chứng khác liên quan đến đường hô hấp hoặc liên quan đến phổi có xu hướng xuất hiện cùng lúc với triệu chứng khò khè. Trong một số trường hợp đặc biệt, ho là triệu chứng thường gặp nhưng các triệu chứng nặng khác có thể xuất hiện như khó thở.
Khò khè xuất hiện cùng triệu chứng khó thở
Khó thở có thể là ngừng thở, thở nhanh hoặc thở gắng sức. Nếu bạn có triệu chứng khó thở và chưa có hướng dẫn rõ ràng về những việc bạn cần làm thì hãy đi gặp bác sĩ ngay lập tức. (Một số người bị hen phế quản lên lịch khám định kỳ với bác sĩ. Ví dụ, nếu họ thấy xuất hiện triệu chứng khò khè và bắt đầu khó thở, họ sẽ biết cần uống thuốc gì. Tuy nhiên, nếu bạn không có kế hoạch trước đó và xuất hiện khó thở, bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. Trường hợp đặc biệt, trẻ em có biểu hiện khó thở thì cũng cần phải đi khám ngay).
Khò khè kèm theo những triệu chứng nặng khác
Nhắc lại, nếu bạn bị đau ngực, ho ra máu hoặc có những triệu chứng báo động khác thì tốt nhất là bạn phải đi gặp bác sĩ ngay.
Khò khè không kèm theo khó thở hoặc các triệu chứng nặng khác
Triệu chứng khò khè nhẹ trong khi ho, cảm lạnh hoặc những bệnh lý do nhiễm vi rút của đường hô hấp trên là thường gặp. Trong tình huống này, cách tốt nhất là đi gặp bác sĩ nếu các triệu chứng mơ hồ. Nếu khò khè tái diễn khi bị bị nhiễm vi rút đường hô hấp thì có thể là bạn bị hen.
Những kiến thức về đường thở và phổi
Trong lồng ngực có 2 lá phổi, một bên phải và 1 bên trái. Chúng được phân cách bởi quả tim nằm giữa 2 lá phổi.
Không khí chúng ta hít vào từ mũi, thông qua họng (hầu họng) và vùng thanh âm (thanh quản) và vào khí quản. Cuối cùng khí quản phân chia thành 2 phần gọi là phế quản. Phế quản chính bên phải sẽ đi vào phổi phải. Phế quản chính bên trái sẽ đi vào phổi trái. Những phế quản này sau đó tiếp tục chia nhánh nhỏ hơn. Cuối cùng, phế quản sẽ phân chia thành các tiểu phế quản là những ống dẫn khí nhỏ nhất trong phổi. Hệ thống ống dẫn khí này có thể ví như hình ảnh của cái cây lộn ngược, trong đó khí quản được ví như thân cây, các phế quản và tiểu phế quản được ví như những cành cây. Thuật ngữ y khoa chỉ toàn bộ đường dẫn khí được gọi là đường hô hấp.
Tận cùng của những tiểu phế quản tận là các phế nang. Các phế nang là các túi nhỏ được lót bên trong bởi một lớp rất mỏng các tế bào. Chúng cũng có hệ thống cung cấp máu phong phú. Các phế nang nhỏ bé này là nơi mà oxy sẽ vào máu và là nơi CO2 sẽ được thải ra khỏi máu.
Khò khè thường liên quan tới các vấn đề của các phế quản nhỏ và/hoặc các tiểu phế quản.
Nguyên nhân gây khò khè
Có rất nhiều nguyên nhân. Phần dưới là tổng quan chính về các nguyên nhân thường gặp và quan trọng hơn.
Hen suyễn
Hen là bệnh lý ảnh hưởng đến các đường thở nhỏ (tiểu phế quản). Theo thời gian các đường thở bị hẹp (co thắt) do co thắt phế quản (đã mô tả ở trên). Hen suyễn có thể khởi phát ở bất kỳ lưới tuổi nào, nhưng hầu hết khởi phát ở trẻ nhỏ. Ít nhất cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ và cứ 20 người lớn thì có một người bị hen phế quản. Triệu chứng thường gặp là ho và khò khè. Bạn cũng có thể bị khó thở và xuất hiện cảm giác nặng ngực. Các triệu chứng này thay đổi từ nhẹ tới nặng ở những người khác nhau hoặc ở cùng một người nhưng ở những thời điểm khác nhau. Ở mỗi đợt bệnh, các triệu chứng này có thể kéo dài vài giờ, hoặc tồn tại vài ngày hoặc vài tuần nếu không được điều trị.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một thuật ngữ chung bao gồm tình trạng viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng. Mạn tính có nghĩa là tình trạng dai dẳng. Viêm phế quản là tình trạng viêm của đường thở trong phổi (phế quản). Khí phế thũng là sự tổn thương đường thở nhỏ và các túi khí (phế nang) của phổi. Viêm tiểu phế quản mạn tính và khí phế thũng thường xuất hiện cùng nhau. Thuật ngữ COPD được dùng để mô tả sự tắc nghẽn đường dẫn khí dẫn đến tình trạng viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng hoặc cả hai. Nguyên nhân chính của COPD là hút thuốc lá.
Giãn phế quản
Giãn phế quản là tình trạng giãn rộng bất thường của một hoặc nhiều đường thở. Chất nhầy được tạo ra nhiều trong đường thở bất thường, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Triệu chứng chính là ho đờm nhiều. Bạn cũng có thể ho ra máu do đường thở bị viêm bất thường và xuất hiện khò khè. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra giãn phế quản. Ví dụ, viêm phổi nặng trước đây, một vài nguyên nhân di truyền và một vài tình trạng có thể phá hủy một phần của đường thở.
Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là một tình trạng nhiễm trùng của đường thở nhỏ trong phổi (tiểu phế quản). Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Hầu hết trẻ bị bệnh đều không nghiêm trọng và tự lành. Đôi khi bệnh nặng hơn và cần nhập viện điều trị. Nguyên nhân thường gặp là do vi rút được gọi là vi rút hợp bào đường hô hấp (RSV). Ở Anh, viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở những tháng mùa đông từ (tháng 11 đến tháng 3).
Những nhiễm khuẩn khác
Bất kỳ tình trạng nhiễm khuẩn ở một vị trí nào đó trên đường thở sẽ có thể khởi phát khò khè. Ví dụ, nhiễm khuẩn phế quản (viêm phế quản cấp) thường gặp người lớn và có thể gây ra khò khè kèm theo các triệu chứng khác. Nhiễm vi rút đường hô hấp là nguyên nhân thường gặp ở trẻ em.
Hít dị vật
Ví dụ, một hạt lạc khi bị hít vào sẽ gây tắc nghẽn không hoàn toàn một phế quản.
Các nguyên nhân ít gặp hơn
Bao gồm ung thư phổi, các tình trạng viêm nhiễm khác và những bệnh lý của phổi hiếm gặp khác.
Những thăm khám và xét nghiệm nào cần được làm?
Bác sĩ có thể hỏi rất nhiều câu hỏi khác nhau về bản chất của khò khè và hỏi xem bạn có các triệu chứng khác không. Bác sĩ sẽ thăm khám cho bạn, từ đó nguyên nhân gây bệnh có thể sáng tỏ và bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm gì tiếp theo, cần làm thêm các xét nghiệm nào cho phù hợp.
Nhiều người có biểu hiện khò khè tái diễn mà các nguyên nhân gây bệnh thì ít khi rõ ràng. Ví dụ bị hen suyễn hoặc COPD.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân không rõ hoặc tình trạng của bạn rất nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân được nghĩ đến (dựa trên các triệu chứng và thăm khám lâm sàng). Những xét nghiệm thường được chỉ định là X-quang ngực và đo chức năng hô hấp.
Điều trị khò khè như thế nào?
Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Xem những tờ rơi về những căn bệnh có thể gây khò khè.
Tài liệu tham khảo
http://patient.info/health/wheeze