Viêm phế quản cấp

(3.93) - 56 đánh giá

Tổng quan

Viêm phế quản cấp là gì?

Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng cây phế quản. Cây phế quản được tạo bởi những ống mang khí đến hai lá phổi. Khi những ống này bị nhiễm trùng, chúng trở nên phù nề và đọng chất nhầy (dịch đặc) bên trong. Tình trạng này làm cho bạn khó thở.

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm phế quản kéo dài trong thời gian ngắn (thường ít hơn vài tuần lễ), trong khi viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm phế quản kéo dài hoặc tái phát nhiều lần (và thường do sự kích thích thường xuyên của cây phế quản, trong đó khói thuốc lá là một trong số chúng).

Triệu chứng

Triệu chứng của viêm phế quản cấp là gì?

Những triệu chứng của viêm phế quản cấp có thể gặp là:

  • Đau họng
  • Sốt
  • Ho có thể có đàm trong, vàng hoặc mủ xanh
  • Nặng ngực
  • Thở hụt hơi (khó thở)
  • Khò khè
  • Ớn lạnh
  • Đau mỏi người

Bạn nên khám bác sĩ nếu:

  • Khò khè hoặc ho kéo dài hơn hai tuần, đặc biệt vào ban đêm khi nằm hoặc khi hoạt động.
  • Ho kéo dài hơn hai tuần và thỉnh thoảng thấy miệng có vị khó chịu. Có thể bạn bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), là tình trạng mà dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Ho ra máu, cảm thấy rất mệt và yếu, sốt cao liên tục và thở hụt hơi. Bạn có thể đã bị viêm phổi.

Bao lâu thì mới hết ho sau viêm phế quản cấp?

Thỉnh thoảng ho có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng sau đợt viêm phế quản cấp. Thông thường, điều này xảy ra vì cây phế quản cần một thời gian đủ dài để hồi phục. Tuy nhiên, việc ho không hết có thể là dấu hiệu của những bệnh khác, chẳng hạn như hen phế quản hoặc viêm phổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân nào gây viêm phế quản cấp?

Viêm phế quản cấp gần như do virus tấn công lớp lót trong (lớp niêm mạc) của cây phế quản và gây ra viêm nhiễm. Khi cơ thể chống lại những con virus này, tình trạng phù nề xảy ra và tạo nhiều đàm hơn. Cơ thể cần một thời gian để có thể diệt những virus này và chữa lành những tổn thương trên ống phế quản.

Trong hầu hết các trường hợp, những con virus gây cảm lạnh cũng thường gây ra bệnh viêm phế quản cấp. Nghiên cứu cho thấy viêm phế quản cấp do nhiễm vi khuẩn thường ít gặp hơn các bác sĩ thường nghĩ. Nấm cũng có thể gây viêm phế quản nhưng là đó là trường hợp hiếm gặp. Việc tiếp xúc với những kích thích (như khói thuốc, bụi hoặc không khí ô nhiễm) cũng có thể gây viêm phế quản.

Vì sao chúng ta bị viêm phế quản?

Những virus gây viêm phế quản cấp được phóng thích ra không khí hoặc dính lên bàn tay của người bệnh khi họ ho. Bạn có thể bị viêm phế quản cấp nếu hít phải những virus này. Bạn cũng có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với bàn tay có chứa virus và sau đó lại quẹt vào mắt, mũi hoặc miệng bạn.

Những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng có thể bị viêm phế quản cấp do dịch acid từ dạ dày trào ngược vào cây phế quản.

Điều trị

Viêm phế quản cấp được điều trị như thế nào?

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp thường tự khỏi. Nghỉ ngơi, uống nhiều nước không chứa caffein (như nước lọc hoặc nước hoa quả) và tăng ẩm độ trong môi trường sống là những việc nên làm. Những loại thuốc giảm đau không cần kê toa của bác sĩ có thể giúp giảm viêm, giảm đau và hạ sốt. Thuốc kháng viêm không phải là steroids (ibuprofen, naproxen và aspirin) có thể giúp giảm đau và kháng viêm. Acetaminophen cũng có hiệu quả tương tự.

Việc dùng thuốc giảm ho không cần kê toa được chấp nhận khi ho khan (không khạc ra đờm). Không nên dùng chúng khi đang ho có đàm, vì trong trường hợp này, ho giúp tống xuất đờm ra khỏi cây phế quản nhanh hơn. Thuốc ho không được khuyến khích dùng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 4 tuổi.

Bởi vì viêm phế quản cấp thường gây ra bởi virus, nên kháng sinh không có ích lợi gì. Thậm chí ngay cả khi bạn ho ra đàm có màu hay đàm đặc, kháng sinh có lẽ cũng không giúp bạn hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghĩ rằng tình trạng viêm phế quản là do vi khuẩn, họ có thể kê toa có kháng sinh.

Nếu bạn hút thuốc lá, bạn nên cai thuốc lá ngay. Điều này giúp cây phế quản bình phục mau hơn.

Một số người bị viêm phế quản cấp cần dùng những loại thuốc vốn được dùng trong điều trị hen phế quản. Việc thở khò khè chứng tỏ bạn có thể cần thuốc điều trị hen phế quản. Những loại thuốc này có thể giúp mở ống phế quản rộng hơn và thải bớt đàm nhầy. Thuốc thường sử dụng qua những dụng cụ hít như ống hít hay bình xịt, máy xông hoặc máy phun khí dung. Những dụng cụ này giúp đưa thuốc đến thẳng cây phế quản. Bác sĩ sẽ quyết định kiểu điều trị nào là phù hợp với bạn.

Phòng tránh

Làm thế nào để tôi không bị viêm phế quản cấp lần nữa?

Một trong những cách tốt nhất để khỏi bị viêm phế quản cấp là rửa tay, vì điều này giúp diệt virus trước khi chúng có thể xâm nhập vào cơ thể.

Nếu bạn hút thuốc lá, cách phòng chống viêm phế quản cấp tốt nhất là cai thuốc lá. Khói thuốc làm tổn thương cây phế quản và làm nó dễ bị virus tấn công hơn. Khói thuốc cũng làm chậm quá trình lành bệnh, vì thế bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để bình phục.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/acute-bronchitis.html

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Phạm Anh Khoa - BS.TS. Phạm Nguyên Quý
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Viêm phế quản mạn tính

(53)
Tổng quan Viêm phế quản mạn tính là gì? Viêm phế quản mạn tính (viêm phế quản mạn) là tình trạng viêm (hoặc dễ bị kích thích) của đường thở trong ... [xem thêm]

Hội chứng ngừng thở khi ngủ

(59)
Nếu bị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở, bạn có nhiều giai đoạn ngừng thở khi ngủ khoảng 10 giây hoặc hơn. Bạn choàng tỉnh giấc ... [xem thêm]

Viêm phổi

(24)
Tổng quan Viêm phổi là gì? Viêm phổi là tình trạng viêm của phổi. Phổi gồm có hai phần: đường thở (còn được gọi là cây phế quản) và phế nang. Khi hít ... [xem thêm]

Đợt bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

(47)
Đợt bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là sự tiến triển xấu đột ngột các dấu hiệu, triệu chứng vượt quá mức độ hàng ngày, đặc biệt là tình ... [xem thêm]

Một số bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp dưới

(10)
Bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp rất thường gặp, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào thời điểm thời tiết giao mùa như mùa mưa của các tỉnh thành ... [xem thêm]

Những bệnh liên quan đến Amiăng

(28)
Những người phơi nhiễm với amiăng có thể phát bệnh trong cuộc sống sau này. Những bệnh này hầu hết ảnh hưởng đến phổi, tuy nhiên cũng có thể ảnh ... [xem thêm]

Thở có kiểm soát

(85)
Thở có kiểm soát (hay thở chu môi) là cách thở mà bác sĩ hay điều dưỡng hướng dẫn bệnh nhân nhằm hỗ trợ tình trạng khó thở. Vì đây là một kỹ thuật ... [xem thêm]

Tràn dịch màng phổi

(74)
Tác giả: Bác sĩ Colin Tidy, hiệu đính: Giáo sư Cathy Jackson. Chỉnh sửa lần cuối ngày 5 tháng 5 năm 2016. Được chứng nhận bởi The information standard. Người ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN