Tổng quan
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng viêm của phổi. Phổi gồm có hai phần: đường thở (còn được gọi là cây phế quản) và phế nang. Khi hít thở, không khí di chuyển qua đường thở và vào đến phế nang. Từ phế nang, khí oxy được đưa vào máu trong khi khí carbonic được thải ra ngoài từ máu. Khi bị viêm phổi, phế nang trở nên viêm (sưng tấy và phồng) và chứa đầy dịch. Điều này gây khó thở.
Viêm phổi thường gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus. Cũng có thể do nấm hoặc những hóa chất hít vào phổi.
Điểm khác biệt giữa các thể viêm phổi?
Có 4 thể viêm phổi:
- Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng là loại viêm phổi phổ biến nhất. Bạn bị mắc bệnh này từ cộng đồng (như nơi làm việc, trường học, nơi buôn bán hoặc nơi tập thể dục). Vi khuẩn, virus, nấm hoặc những chất kích thích trong không khí có thể gây viêm phổi mắc phải cộng đồng. Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae là tác nhân phổ biến nhất gây nên loại viêm phổi này. Loại viêm phổi này cũng có thể mắc phải sau khi bạn bị cảm lạnh hoặc cảm cúm.
- Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện (còn được gọi là viêm phổi bệnh viện) là loại viêm phổi mắc phải khi bạn nằm trong bệnh viện, đặc biệt tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc đang sử dụng máy thở. Cũng có thể bị sau những ca mổ lớn (đại phẫu, như mổ lồng ngực) cũng như khi đang nằm hoặc điều trị tại trung tâm chạy thận và viện điều dưỡng. Loại viêm phổi này rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em, người lớn tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch.
- Viêm phổi hít là loại viêm phổi do hít sặc chất tiết vào trong phổi. Điều này thường xảy ra sau khi bạn nôi ói làm sặc chất tiết vào phổi và không đủ sức để ho tống những chất lạ này ra khỏi phổi được. Viêm phổi hít rất hay xảy ra ở người già, khi khả năng nuốt đã suy giảm.
- Viêm phổi cơ hội là loại viêm phổi mắc phải ở những người bị suy giảm miễn dịch. Loại viêm phổi này được gây ra bởi những loại vi sinh vật vốn không gây bệnh ở những người khỏe mạnh, nhưng chúng có thể trở nên nguy hiểm ở những người trong tình trạng suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV, AIDS, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc những người vừa mới ghép tạng.
Triệu chứng
Triệu chứng của viêm phổi?
Triệu chứng của viêm phổi có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ và thể viêm phổi mắc phải. Triệu chứng phổ biến cũng tương tự như bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, bao gồm:
- Ho
- Sốt
- Khạc đàm nhầy
- Khó thở
- Ớn lạnh
- Đau ngực
Bạn cũng có thể bị vã mồ hôi, đau đầu và mệt mỏi.
Nếu có một hay những triệu chứng nêu trên, hoặc đột nhiên cảm thấy sức khỏe yếu đi sau bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, bạn nên đi khám bác sĩ.
Viêm phổi do tác nhân không điển hình là gì?
Viêm phổi do tác nhân không điển hình là dạng viêm phổi nhẹ. Thường do virus hoặc Mycoplasma pneumoniae. Triệu chứng thường không nặng và không kéo dài hơn so với những loại viêm phổi nghiêm trọng khác. Có thể không cần phải nhập viện để điều trị khi mắc phải loại viêm phổi này.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Những nguy cơ của viêm phổi là gì?
Bạn có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn nếu:
- Lớn hơn 65 tuổi. Khi cơ thể già đi, hệ miễn dịch cũng trở nên yếu hơn để có thể chống lại các tác nhân viêm nhiễm như viêm phổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có nguy cơ cao hơn do hệ miễn dịch của bé vẫn chưa được hoàn thiện.
- Mắc bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch yếu đi, cơ thể dễ dàng mắc phải viêm phổi do cơ thể không đủ sức chống lại tình trạng viêm nhiễm. Những người có hệ miễn dịch suy yếu cũng dễ mắc phải viêm phổi do vi khuẩn, virus và bào tử nấm vốn thường không gây viêm phổi ở người khỏe mạnh.
Những người có những bệnh lý sau dễ mắc phải viêm phổi:- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đặc biệt đang sử dụng corticoid qua đường hít trên 24 tuần.
- Suy giảm miễn dịch do HIV
- Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS)
- Suy tim
- Khí phế thũng
- Đái tháo đường
- Những người mới được ghép tạng và đang hóa trị cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
- Làm việc trong các công xưởng hoặc nông trại. Làm việc trong môi trường khói bụi, hóa chất, ô nhiễm không khí hoặc độc chất có thể gây tổn thương phổi và làm phổi dễ bị tổn thương khi viêm nhiễm như viêm phổi.
- Hút thuốc lá hoặc nghiện rượu. Khói thuốc lá làm tổn thương các lông chuyển ở phổi, vốn giúp phổi loại bỏ nấm và vi khuẩn. Nghiện rượu cũng làm tăng nguy cơ hít sặc gây viêm phổi hít, do hít sặc chất vào trong phổi. Điều này thường xảy ra do khi nôn ói làm sặc vào phổi và không đủ sức để ho chất nôn ói ra khỏi phổi. Nghiện rượu cũng làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các tế bào bạch cầu (vốn giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm).
- Đang nằm viện, đặc biệt ở khu săn sóc đặc biệt (ICU). Viêm phổi mắc phải trong bệnh viện có thể rất nghiêm trọng hơn những loại viêm phổi khác. Nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi phải thở máy. Vì thở máy làm cho khó ho và những chất đàm nhớt ứ đọng gây viêm nhiễm trong phổi.
- Vừa mới trải qua cuộc đại phẫu hoặc một chấn thương nặng. Quá trình phục hồi sau cuộc đại phẫu hoặc chấn thương nặng thường làm cơ thể yếu đi. Điều đó làm giảm phản xạ ho, vốn là cơ chế đề kháng nhanh để chống tác nhân xâm nhập vào phổi. Quá trình hồi phục cũng cần phải nằm nghỉ ở giường bệnh một thời gian dài. Việc nằm ngửa trong thời gian dài làm dịch và đàm nhớt chảy xuống và tồn đọng trong phổi, tạo môi trường để vi khuẩn phát triển.
- Chủng tộc người Alaska hoặc người Mỹ da đỏ. Vì nhiều lý do không rõ, những người thuộc chủng tộc này thường dễ bị mắc bệnh viêm phổi hơn.
Chẩn đoán và xét nghiệm
Bác sĩ chẩn đoán viêm phổi như thế nào?
Bác sĩ chẩn đoán viêm phổi dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng. Một số xét nghiệm cần thiết như chụp X quang phổi hoặc xét nghiệm máu. Phim X quang phổi có thể giúp bác sĩ thấy được hình ảnh và mức độ lan rộng của viêm phổi. Chụp CT ngực cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp. Xét nghiệm máu và đàm có thể giúp xác định được loại vi khuẩn, virus hay nấm gây nên viêm phổi.
Điều trị
Điều trị viêm phổi như thế nào?
Việc điều trị tùy thuộc vào thể viêm phổi mắc phải, mức độ nặng, sức khỏe và tuổi tác.
Đối với viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh. Hầu hết các triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng vài ngày, mặc dù ho có thể kéo dài vài tuần. Hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Uống đủ loại kháng sinh được kê toa. Nếu không, một vài chủng vi khuẩn có thể còn lại trong cơ thể. Điều này có thể gây viêm phổi trở lại. Đồng thời nó cũng gia tăng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh.
Thuốc kháng sinh không hiệu quả đối với virus. Nếu bị viêm phổi do virus, bác sĩ sẽ thảo luận về cách điều trị làm giảm triệu chứng. Bạn có thể mua thuốc không cần toa bác sĩ để hạ sốt, giảm đau và giảm ho. Tuy nhiên, nếu bạn còn ho cũng không sao vì ho giúp làm sạch phổi. Hãy thông báo cho bác sĩ trước khi uống thuốc ho.
Nếu viêm phổi do nấm, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng nấm.
Trong trường hợp viêm phổi nặng, bạn cần phải nhập viện. Nếu bạn cảm thấy khó thở, bạn có thể cần phải được thở oxy. Kháng sinh có thể tiêm qua đường tĩnh mạch. Những người suy giảm miễn dịch, suy tim hay có bệnh phổi, và những người đã bị ốm nặng trước khi bị viêm phổi cần phải nhập viện để điều trị. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn trên 65 tuổi cũng có nguy cơ nhập viện vì viêm phổi cao hơn.
Những việc cần làm tại nhà để cải thiện sức khỏe?
Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh hoặc/và một số thuốc khác được bác sĩ kê toa, bạn nên làm thêm một số việc sau:
- Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi giúp cơ thể chống lại tình trạng viêm nhiễm.
- Uống nhiều nước. Nước giúp chống lại tình trạng mất nước và làm loãng đàm. Có thể dùng nước lọc, nước trà hoặc nước súp.
- Ngưng hút thuốc lá nếu đang hút thuốc, và tránh khói thuốc lá. Khói thuốc có thể làm triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Khói thuốc lá cũng làm dễ bị viêm phổi và các vấn đề hô hấp trong tương lai. Bạn nên tránh than củi hoặc những khu vực khói bụi.
- Nên nghỉ học hoặc nghỉ làm cho đến khi hết các triệu chứng. Thường thì đợi đến khi hết sốt và không còn ho ra đàm nữa. Hãy hỏi bác sĩ tình trạng đã ổn chưa và khi nào có thể quay lại đi học hoặc làm việc.
- Tắm nước ấm hoặc thiết bị làm ẩm để giúp làm sạch phổi và dễ thở hơn.
Liệu có cần phải tái khám bác sĩ?
Bác sĩ có thể hẹn bạn tái khám sau khi bạn được chẩn đoán viêm phổi. Ở lần tái khám này, bác sĩ sẽ chụp thêm một phim Xquang phổi để đảm bảo hết viêm phổi. Hãy nhớ rằng hình ảnh trên phim có thể mất vài tháng để trở về bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể quyết định lựa chọn phương pháp điều trị khác.
Mặc dù bạn đã cảm thấy khỏe hơn, nhưng tốt hơn là nên đi khám lại, đặc biệt khi bạn đang hút thuốc lá. Vi khuẩn có thể vẫn còn trong phổi ngay cả khi triệu chứng không còn.
Biến chứng
Biến chứng thường gặp của viêm phổi là gì?
Một số trường hợp viêm phổi nặng cần phải điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ chỉ định thở oxy và truyền thuốc kháng sinh.
Biến chứng của viêm phổi bao gồm tràn dịch màng phổi và nhiễm khuẩn máu (huyết).
Tràn dịch màng phổi xảy ra khi dịch tích tụ trong lớp mô giữa phổi và thành ngực và trở nên viêm nhiễm. Điều này gây khó thở. Để rút dịch ra khỏi cơ thể, một ống hay kim nhỏ sẽ được đặt giữa phổi và thành ngực để dẫn lưu hoặc bạn có thể cần phải phẫu thuật.
Nhiễm khuẩn máu xảy ra khi vi khuẩn từ vùng phổi bị viêm lan vào trong máu. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng các cơ quan khác trong cơ thể. Nhiễm khuẩn máu cần phải điều trị bằng kháng sinh.
Bệnh nhân có vấn đề về tim hoặc phổi, hút thuốc lá, và trên 65 tuổi dễ bị biến chứng của viêm phổi hơn.
Phòng ngừa
Làm sao để phòng ngừa viêm phổi?
Có thể phòng ngừa viêm phổi bằng những cách sau:
- Chủng ngừa cúm hàng năm. Bệnh nhân thường dễ bị viêm phổi do vi khuẩn sau khi nhiễm cúm. Có thể phòng ngừa tình trạng này bằng cách tiêm chủng cúm. Mũi chủng ngừa cúm không bảo vệ hệ tất cả các chủng cúm, chỉ 3 đến 4 chủng mà bác sĩ cảm thấy nguy hiểm hoặc dễ bùng phát trong năm tới.
- Chủng ngừa phế cầu. Xem thêm thông tin bên dưới về vaccine.
- Thao tác vệ sinh tốt. Tay của bạn có thể tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh hằng ngày. Có thể do tiếp xúc với các bề mặt như nắm cửa, bàn tay của người khác hoặc từ bàn phím máy tính. Hãy dành thời gian để rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Rửa tay bằng xà bông với nước ấm ít nhất 20 giây. Nếu xà bông và nước không sẵn có, bạn có thể dùng dung dịch cồn rửa tay nhanh.
- Không hút thuốc lá. Khói thuốc lá làm tổn thương phổi và làm cơ thể bạn khó chống lại những tác nhân gây bệnh và bệnh tật. Nếu đang hút thuốc lá, hãy hỏi bác sĩ để cai thuốc lá ngay khi có thể.
- Thực hành lối sống lành mạnh. Ăn khẩu phần cân bằng với trái cây và rau. Tập thể dục đều đặn. Ngủ đủ giấc. Những điều này giúp hệ miễn dịch của bạn hoạt động tốt.
- Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Ở xung quanh người bệnh sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.
Có vaccine chủng ngừa viêm phổi không?
Hiện chưa có vaccine chủng ngừa cho tất cả loại viêm phổi, nhưng hai trong số chúng đã có trên thị trường. Loại đầu được gọi là vaccine ngừa phế cầu kết hợp (pneumococcal conjugate vaccine (PCV)) được dùng cho tất cả trẻ em dưới 5 tuổi. Vaccine chiết xuất từ polysaccharide của phế cầu (PPSV) được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và người lớn tuổi có nguy cơ bị viêm phổi cao. Vaccine này được chỉ định khi:
- Có tuổi lớn hơn 65 tuổi
- Hút thuốc lá
- Nghiện rượu
- Mắc bệnh lý mạn tính như hen phế quản, đái tháo đường, suy tim hoặc bệnh phổi
- Bị xơ gan
- Bị suy giảm miễn dịch: HIV, AIDS, suy thận hoặc tổn thương lách
- Đã phẫu thuật cắt lách
- Mắc bệnh hồng cầu hình liềm
- Có ghép thiết bị trợ thính
- Đang sử dụng thuốc chống thải ghép
- Đang điều trị hóa trị
Vaccine ngừa phế cầu không ngăn hết tất cả các chủng gây viêm phổi. Nhưng chúng có thể giảm bớt nguy cơ viêm phổi nặng cũng như những biến chứng của viêm phổi có thể đe dọa đến tính mạng.
Vaccine ngừa phế cầu có gây tác dụng phụ gì không?
Tác dụng phụ của PCV không thường gặp, nhưng có thể gồm:
- Sưng đỏ tại nơi tiêm
- Sốt nhẹ
- Dễ kích thích
- Chán ăn
Tác dụng phụ của PPSV ít gặp , nhưng có thể gồm:
- Sưng đỏ tại nơi tiêm
- Đau cơ
- Sốt nhẹ