Mắc ung thư trong thai kì

(3.73) - 13 đánh giá

Người dịch: Hoàng Mạnh Cường

Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 04/2018

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 10/2019

Mắc ung thư xảy ra trong quá trình mang thai là không phổ biến. Tuy nhiên khi ung thư xảy ra, đây là một vấn đề phức tạp cho người mẹ và nhóm chăm sóc sức khỏe. Bản thân ung thư hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến em bé đang phát triển. Tuy nhiên, các bác sĩ phải lựa chọn kỹ lưỡng cách chẩn đoán và điều trị cho phụ nữ đang mang thai bị mắc ung thư. Do đó, việc tìm một nhóm chăm sóc sức khỏe có kinh nghiệm trong việc điều trị ung thư ở phụ nữ mang thai là rất quan trọng. Tìm hiểu thêm về tìm kiếm một bác sĩ ung thư.

Các loại ung thư xảy ra trong thai kỳ

Ung thư vú là loại ung thư xảy ra phổ biến nhất khi mang thai, với tỷ lệ khoảng 1/3.000 phụ nữ mang thai. Vú thường lớn hơn và thay đổi cấu trúc trong thai kỳ, do đó, những thay đổi gây ra do ung thư có thể rất khó phát hiện, hoặc những thay đổi này có thể không biểu hiện bất thường ra ngoài. Vì lý do này, phụ nữ mang thai mắc ung thư vú có thể bị chẩn đoán muộn hơn so với phụ nữ không mang thai.

Các bệnh ung thư khác có xu hướng xảy ra trong thai kỳ và đồng thời cũng phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi:

  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư tuyến giáp
  • U lympho Hodgkin
  • U lympho không Hodgkin
  • Ung thư hắc tố
  • Bệnh nguyên bào nuôi thai kỳ

Chẩn đoán ung thư khi mang thai

Mang thai có thể làm chậm việc chẩn đoán ung thư. Điều này được lý giải là do một số triệu chứng của ung thư như đầy hơi, đau đầu, thay đổi về vú hoặc đi tiêu ra máu, xảy ra rất phổ biến trong thai kỳ. Nhưng việc mang thai đôi khi cũng giúp phát hiện ung thư. Ví dụ như, xét nghiệm Pap smear được thực hiện trong chăm sóc thai kỳ chuẩn có thể giúp phát hiện ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, siêu âm được thực hiện trong thai kỳ có thể giúp tìm thấy ung thư buồng trứng.

Một số xét nghiệm chẩn đoán ung thư an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Tuy nhiên, một số xét nghiệm khác có thể gây hại:

  • X quang.Nghiên cứu cho thấy rằng mức độ phóng xạ của tia X sử dụng trong X quang chẩn đoán quá thấp để có thể gây hại cho thai nhi. Nếu có thể, phụ nữ mang thai có thể sử dụng lá chắn chì che bụng trong quá trình chụp X-quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT).Chụp CT tương tự như chụp X quang nhưng đem lại độ chính xác cao hơn nhiều. Chụp CT có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư, đồng thời cũng giúp đánh giá mức độ lan rộng của bệnh. Chụp CT đầu hoặc ngực thường an toàn trong thai kỳ do thai nhi không tiếp xúc trực tiếp với bức xạ. Phụ nữ mang thai có thể sử dụng lá chắn chì che bụng trong quá trình chụp CT. Đối với chụp CT bụng hoặc xương chậu, chỉ nên được thực hiện nếu thực sự cần thiết và sau khi đã trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe.
  • Các xét nghiệm khác. Cộng hưởng từ (MRI), siêu âm và sinh thiết thường an toàn trong thai kỳ.

Điều trị ung thư trong thai kỳ

Lập kế hoạch điều trị ung thư trong thai kỳ đòi hỏi một nhóm các bác sĩ đa chuyên ngành làm việc cùng nhau, bao gồm các bác sĩ ung thư và bác sĩ sản khoa chuyên về các thai phụ có nguy cơ cao. Bác sĩ sản khoa là những bác sĩ chăm sóc thai phụ trong khi mang thai và ngay sau khi sinh. Bác sĩ ung thư và bác sĩ sản khoa sẽ:

  • So sánh các lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tốt nhất cho người phụ nữ và những nguy cơ có thể xảy ra với em bé đang phát triển.
  • Xem xét các yếu tố, bao gồm:
    • Giai đoạn mang thai
    • Loại, vị trí, kích thước và giai đoạn của bệnh ung thư
    • Mong muốn của người phụ nữ và gia đình
  • Theo dõi chặt chẽ người phụ nữ trong quá trình điều trị và đảm bảo em bé khỏe mạnh.

Đôi khi các bác sĩ chọn cách trì hoãn hoặc tránh một số phương pháp điều trị cho phụ nữ mang thai mắc ung thư. Ví dụ:

  • Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, một số phương pháp điều trị ung thư có nguy cơ cao gây hại cho thai nhi.Vì vậy, nhóm chăm sóc sức khỏe có thể trì hoãn điều trị cho đến tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ.
  • Khi ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn cuối của thai kỳ, nhóm chăm sóc sức khỏe có thể trì hoãn việc điều trị cho đến khi em bé được sinh ra.
  • Trong các trường hợp khác, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, nhóm chăm sóc sức khỏe có thể trì hoãn việc điều trị ung thư cho đến sau khi sinh.
  • Một số phương pháp điều trị có thể gây hại cho thai nhi trong tất cả các tam cá nguyệt.Vì vậy, các bác sĩ thường tránh sử dụng các phương pháp này trong khi mang thai. Ví dụ, xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nguy cơ cho em bé phụ thuộc vào liều xạ trị và vùng của cơ thể được xạ trị.

Những phương pháp điều trị có thể được sử dụng trong khi mang thai

Một số phương pháp điều trị ung thư có thể được sử dụng trong thai kỳ như:

  • Phẫu thuật.Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ loại bỏ khối u và một số mô khỏe mạnh xung quanh. Phương pháp này gây ra rất ít nguy cơ cho trẻ và cũng là được coi là phương pháp điều trị ung thư an toàn nhất trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.
  • Hóa trị.Các bác sĩ sử dụng hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, nhóm chăm sóc sức khỏe có thể cân nhắc và lựa chọn sử dụng phương pháp điều trị này ở một vài thời điểm nhất định trong thai kỳ:
    • Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, hóa trị có nguy cơ gây ra dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai.Trong giai đoạn này các cơ quan của thai nhi vẫn đang phát triển.
    • Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ, các bác sĩ có thể sử dụng một số loại hóa trị không có nguy cơ rõ rệt lên thai nhi.Nhau thai hoạt động như một rào cản giữa người mẹ và em bé ngăn không cho một số loại thuốc đi qua. Các thuốc khác có thể vượt qua nhau thai nhưng chỉ với một lượng nhỏ. Những nghiên cứu cho thấy rằng, khi so sánh với những em bé không tiếp xúc với hóa trị, những em bé tiếp xúc với hóa trị khi còn trong bụng mẹ không có biểu hiện bất thường ngay sau khi sinh hoặc trong quá trình tăng trưởng và phát triển.
    • Hóa trị ở giai đoạn sau của thai kỳ có thể gây ra các tác dụng phụ cho bà mẹ, từ đó có thể gián tiếp gây hại cho em bé.Một tác dụng phụ có thể xảy ra là số lượng tế bào máu thấp trong khi chuyển dạ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
    • Một số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể thảo luận về việc khởi phát chuyển dạ sớm để bảo vệ em bé khỏi các nguy cơ từ việc điều trị ung thư.Tuy nhiên, việc tiếp tục thai kỳ cho tới khi trẻ được chuyển dạ và sinh ra tự nhiên vẫn thường được khuyến nghị hơn. Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng có tiếp xúc với hóa trị.
    • Phụ nữ đang được điều trị hóa chất sau khi sinh không nên cho con bú.Hóa chất có thể truyền từ mẹ sang bé thông qua sữa mẹ.

Mang thai ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ ung thư

Bản thân việc mang thai hầu như không ảnh hưởng đến kết quả của điều trị ung thư. Tuy nhiên, nếu việc chẩn đoán hay điều trị ung thư bị chậm trễ do mang thai, bệnh có thể gây ra những tác động lớn. Điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến ung thư. Hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe về sự ảnh hưởng của việc mang thai tới nguy cơ ung thư và phục hồi sau điều trị.

Những câu hỏi cần hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe

Nếu bạn đang mang thai và gần đây được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hãy cân nhắc hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe những câu hỏi sau:

  • Bạn đã có bao nhiêu kinh nghiệm trong việc điều trị cho phụ nữ mang thai mắc ung thư?
  • Bạn sẽ làm việc với bác sĩ sản khoa như thế nào?
  • Tôi có cần phải thực hiện xét nghiệm đặc biệt nào không?
  • Kế hoạch điều trị nào nên được thực hiện?Tại sao?
  • Tôi cần bắt đầu điều trị ngay lập tức hay nên trì hoãn việc điều trị?
  • Việc trì hoãn điều trị có ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của tôi không?
  • Liệu việc tiếp tục thai kỳ có an toàn không?
  • Những nguy cơ ngắn hạn và dài hạn xảy ra với tôi và em bé trong quá trình điều trị là gì?
  • Việc điều trị sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh như thế nào?
  • Tôi có thể cho con bú được không?
  • Những dịch vụ hỗ trợ và các nguồn lực khác có thể giúp đỡ cho tôi và gia đình?

Những nguồn tài liệu liên quan

Chiến đấu cho Henry: Câu chuyện của tôi về Ung thư và Mang thai

Có con sau khi mắc ung thư: Mang thai

Có con sau khi mắc ung thư: Hỗ trợ sinh sản và các lựa chọn khác

Tìm hiểu thêm thông tin

Hy vọng cho Mẹ và bé: Phụ nữ mang thai với Mạng lưới ung thư

MedlinePlus: Mang thai và Ung thư

Viện Ung thư Quốc gia: Điều trị ung thư vú trong thai kỳ

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/cancer-during-pregnancy

Biên dịch - Hiệu đính

Ths. BS. Nguyễn Hải Nam - Lê Hà Cảnh Châu
Đánh giá:

Bài viết liên quan

U nguyên bào tủy ở trẻ em: Yếu tố nguy cơ

(77)
Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường Hiệu đính: Ths.Bs Phạm Võ Phương Thảo, Lê Hà Cảnh Châu Bài viết này giới thiệu về các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh u ... [xem thêm]

Mong đợi gì từ phục hồi chức năng ung thư?

(78)
Phục hồi chức năng ung thư có thể giúp bạn giành lại quyền kiểm soát nhiều khía cạnh trong cuộc sống trong và sau khi điều trị ung thư. Mục tiêu là cải ... [xem thêm]

Hướng dẫn cho thanh thiếu niên | Chương 3 – Điều trị ung thư

(47)
Biên dịch: Nguyễn Đông Hải Hiệu đính: Lê Trần Ánh Ngân, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 2/2012 Được chấp thuận bởi ... [xem thêm]

Những triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối

(12)
Ung thư gan là một trong những dạng ung thư phổ biến trên thế giới. Các triệu chứng của ung thư gan có thể tiến triển và xấu đi theo thời gian. Ung thư gan ... [xem thêm]

Hướng dẫn cho thanh thiếu niên | Chương 5 – Những thay đổi trong gia đình

(27)
Biên dịch: Phan Thị Thanh Hương Hiệu đính: Bs. Lê Trần Ánh Ngân, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 2/2012 Được chấp thuận ... [xem thêm]

Những câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn khi kết thúc điều trị ung thư

(33)
Người dịch: BS. Đặng Thị Tâm Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Văn Tuy Khi bạn đã kết thúc điều trị ung thư, bạn sẽ nói chuyện với bác sĩ về các bước tiếp ... [xem thêm]

Chảy máu và các mảng bầm tím trong điều trị ung thư

(18)
Người dịch: Bs Phạm Võ Phương Thảo Người hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Văn Tuy Một số bệnh ung thư và phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra các vấn ... [xem thêm]

Hướng dẫn cho thanh thiếu niên | Chương 11 – Con đường phía trước

(44)
Biên dịch: Nguyễn Thị Xuân Hương Hiệu đính: Ths. Phạm Võ Phương Thảo, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 2/2012 Được chấp ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN