Tìm hiểu chung
Block nhánh là bệnh gì?
Block nhánh (BBB) là tình trạng đường dẫn truyền xung điện đến tâm thất trái hoặc phải làm tim đập bị chậm lại hoặc bị gián đoạn. Thỉnh thoảng, bệnh có thể khiến quá trình bơm máu từ tim đến hệ tuần hoàn kém hiệu quả. Hiện vẫn chưa có điều trị đặc biệt nào cho bệnh block nhánh. Tuy nhiên, những nguyên nhân gây ra block nhánh như bệnh tim, cần phải được điều trị kịp thời
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của block nhánh là gì?
Ở hầu hết các bệnh nhân, block nhánh không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nếu có, triệu chứng phần lớn là do tim không bơm đủ máu, dẫn đến ngất, choáng váng, đau thắt ngực.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị ngất, hãy gặp bác sĩ để được giúp tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn. Nếu bạn có bệnh tim hoặc được chẩn đoán mắc bệnh block nhánh, hãy hỏi bác sĩ về các buổi khám định kỳ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh block nhánh?
Thông thường, xung điện trong cơ tim sẽ truyền tín hiệu để tim đập. Những xung điện này đi theo một đường truyền và bao gồm một tập hợp các sợi cơ tim. Trong đó có nhóm các sợi gọi là bó His, nối với tâm thất trái và phải. Nếu một hoặc cả hai bó nhánh bị tổn thương, ví dụ như do suy tim, sẽ khiến cho xung điện bị gián đoạn và gây tình trạng rối loạn nhịp tim.
Nguyên nhân gây ra block nhánh tùy thuộc vào nhánh trái hay phải bị ảnh hưởng. Trường hợp bị block nhánh trái là do bệnh tim, cao huyết áp, suy tim sung huyết, bệnh cơ tim. Một số nguyên nhân gây block nhánh phải là khiếm khuyết tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim, mô sẹo để lại do phẫu thuật tim, viêm cơ tim, tắc mạch phổi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc block nhánh?
Block nhánh thường được chẩn đoán ở người lớn tuổi, đặc biệt là người đang bị cao huyết áp hoặc cholesterol cao. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc block nhánh?
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc block nhánh là:
- Tuổi tác cao. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi hơn là người đang ở độ tuổi trung niên;
- Có tiền sử mắc một số bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp hoặc bệnh tim có khả năng mắc block nhánh cao.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán block nhánh?
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành đo điện tâm đồ để kiểm tra xung điện tim. Bằng cách đặt điện cực ở tim, bác sĩ có thể quan sát được hình dạng của xung điện ở tim dưới dạng sóng. Phương pháp này có thể giúp chẩn đoán block nhánh cũng như nhánh bên nào bị ảnh hưởng.
Sau khi phát hiện bệnh, bác sĩ của bạn có thể sẽ tiến hành siêu âm tim. Máy siêu âm sử dụng sóng âm để phác họa cấu trúc tim, độ dày của cơ tim, và tình trạng của van tim. Ngoài ra thủ thuật này cũng có thể giúp phát hiện nếu bạn mắc bệnh tim bẩm sinh.
Những phương pháp nào dùng để điều trị block nhánh?
Những người mắc bệnh nhưng không có các triệu chứng kể trên thì không cần chữa trị. Tuy nhiên, nếu bạn có bệnh về tim gián tiếp gây nên block nhánh, bạn cần phải điều trị nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị có thể bao gồm dùng các thuốc làm giảm huyết áp, suy tim hoặc dùng thủ thuật tạo hình mạch đặt ống thông tim (coronary angioplasty).
Nếu bạn đã từng bị ngất và mắc block nhánh, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng phương pháp máy trợ tim nhân tạo (Artificial pacemakers). Máy được gắn dưới phần ngực trên, cùng với hai dây điện nối máy với tâm thất phải. Máy sẽ cung cấp xung điện khi cần để tim đập bình thường. Máy an toàn và đáng tin cậy, nhưng cần tránh các tác động từ trường hoặc lực siêu âm của các máy quét bảo vệ như ở sân bay. Ngoài ra, còn có liệu pháp tái đồng bộ tim (Cardiac resynchronization). Liệu pháp tương tự như dùng máy trợ tim nhân tạo nhưng sẽ có thêm một sợi dây thứ ba nối với tâm thất trái của tim để giữ hai bên tim hoạt động đồng bộ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của block nhánh?
Hiện không có biện pháp phòng ngừa cho tình trạng rối loạn dẫn truyền trong tim. Tuy nhiên, bạn có thể nỗ lực giữ cho tim khỏe mạnh để ngăn ngừa những tình trạng dẫn đến block nhánh như bệnh tim mạch vành. Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của block nhánh bao gồm:
- Nếu bạn là người hút thuốc, hãy từ bỏ ngay;
- Giảm cholesterol và chất béo trong bữa ăn;
- Giữ cân nặng ở mức bình thường;
- Tập thể dục thường xuyên nhưng vừa phải;
- Kiểm soát những bệnh khác như cao huyết áp, tiểu đường,…;
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.