Hầu như tất cả các bác sĩ, dược sĩ đều thuộc nằm lòng rằng hơn 90% các viêm hô hấp trên trong những ngày đầu được gây ra bởi virus . Và họ đều biết virus không đáp ứng với kháng sinh. Nhưng điều nghịch lí là tại sao hơn 90 % các đơn thuốc với chẩn đoán viêm hô hấp trên lại có kháng sinh?
Khi được hỏi, hầu hết họ đều nói rằng: không cho kháng sinh thấy cứ thiếu thiếu thế nào ấy, cảm thấy không yên tâm lắm, không cho kháng sinh sợ bội nhiễm, viêm phổi….. Và vì rằng các bác sĩ khi mới đi làm, thấy đàn anh đàn chị làm như vậy thì cũng làm theo, lâu ngày thành thói quen, không cho thì thấy thiếu, thấy bất an, và khi thử không cho, đôi khi họ lại gặp những ca viêm phổi, nhiễm trùng nặng … và họ quy kết rằng: “Có thể do không dùng kháng sinh từ trước‘’ và thế là họ sợ, lại tiếp tục đi theo lối cũ.
Vậy thực sự kháng sinh có giúp phòng ngừa được viêm phổi hay không?
Tác nhân gây viêm phổi
Với trẻ dưới 5 tuổi
Trên 50 % viêm phổi là do virus, do đó cho kháng sinh sớm ngay từ khi viêm hô hấp trên là không có tác dụng gì.
Vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm phổi là
- Phế cầu: muốn diệt được phế cầu gây viêm phổi phải dùng kháng sinh liều cao (ví dụ amoxicillin 90 mg/ kg/ ngày) ít nhất 7 ngày . Vì vậy việc cho kháng sinh liều lửng lơ không tới không thể ngừa được viêm phổi do vi khuẩn này. Hiện này các gia đình có điều kiện cũng cho con tiêm phòng khá đầy đủ vaccine phế cầu góp phần làm giảm tỉ lệ viêm phổi do con này.
- HiB: amoxicillin đơn thuần không diệt được con này vì nó đã kháng thuốc. Thêm vào đó HiB đã được chủng ngừa cho hầu hết trẻ em có tiêm chủng các mũi quinvaxem hay pentaxim hay 6 in 1 do đó tỉ lệ gặp con này không cao nữa.
- 1 số tác nhân ít gặp hơn: tụ cầu vàng, liên cầu … Tụ cầu vàng một khi gây viêm phổi thì rất dữ dội, và có thể có đường vào từ vết thương da, can thiệp dao kéo….cho kháng sinh. Ví dụ như amox, cefu với liều bình thường hầu như khó có thể diệt được nó. Tỉ lệ viêm phổi do liên cầu không cao
Với trẻ trên 5 tuổi, ngoài các tác nhân trên thì vi khuẩn không điển hình đóng vai trò quan trọng. Các kháng sinh nhóm betalactam không có tác dụng với những vi khuẩn này.
Dịch tễ học
Sau đó hãy xét xem yếu tố dịch tễ. Có bao nhiêu % số trẻ bị nhiễm virus đường hô hấp trên (URI) sẽ có biến chứng viêm phổi hay bội nhiễm nơi khác?
Câu hỏi thật khó trả lời. Đối với các bác sĩ điều trị nội trú trong khoa hô hấp, họ tiếp xúc với toàn bệnh nhân viêm phổi, và đứa nào trong số đó cũng bị nhiễm virus đường hô hấp trên (URI) trước đó và điều đó dẫn đến 1 ngộ nhân rằng, URI rất dễ gây viêm phổi. Vậy thì hãy cho kháng sinh ngay và sớm đi nào. Thực tế dân số URI không bị viêm phổi ngoài cộng động rất nhiều, tập trung tại các phòng khám ngoại trú, thậm chí cha mẹ còn không cho trẻ đi khám nữa. Tôi tin con số không biến chứng nó gấp bội phần con số có biến chứng.
Những trẻ nào hay bị biến chứng?
Một bước nữa , hãy xem những trẻ nào hay bị biến chứng.
- Những trẻ không chủng ngừa, hoặc có nhưng không đầy đủ thì dễ bị biến chứng hơn
- Những trẻ suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém dễ bị biến chứng hơn
- Những trẻ sống trong môi trường đông đúc, mất vệ sinh dễ bị biến chứng hơn .
- Trẻ hút thuốc lá thụ động
- Trẻ bị bệnh hen
- Trẻ có bệnh nền, ví dụ: tim bẩm sinh, loạn sản phế quản phổi, bại não, trào ngươc….
- Trẻ ít được quan tâm
Vậy những đối tượng này chúng ta nên xem kĩ , cân nhắc thật nhiều trước khi cho kháng sinh.
Với cá nhân tôi , không có bằng chứng nhiễm khuẩn, không có yếu tố nghi ngờ mạnh mẽ => không kháng sinh.
Tài liệu tham khảo
https://www.facebook.com/diendannhikhoa/posts/606242336239957