Tìm hiểu chung
Bệnh bạch sản là gì?
Bạch sản là bệnh gây ra những mảng da dày, trắng trên lưỡi và trong lớp lót niêm mạc miệng. Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh, nhưng các chất kích thích khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Bệnh bạch sản nhẹ thường không gây hại và có thể tự biến mất. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể liên quan đến ung thư miệng nên cần điều trị kịp thời. Bạn nên lưu ý rằng chăm sóc nha khoa thông thường cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch sản là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch sản có thể khác nhau tùy vào mỗi người. Bệnh bạch sản được đặc trưng bởi những vết lở trông không bình thường bên trong khoang miệng. Những vết lở có thể khác nhau về hình thức và có thể có các đặc điểm sau:
- Màu trắng hoặc màu xám không thể rửa sạch
- Dày, cứng, bề mặt bị sưng
- Có lông (đối với bệnh bạch sản lông). Những người bị suy yếu hệ miễn dịch do thuốc hoặc do bệnh tật, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc HIV/AIDS có thể mắc “bạch sản dạng lông”. Bạch sản dạng lông gây ra các mảng trắng mờ có hình dạng giống nếp gấp hoặc đường lằn ở 2 bên đầu lưỡi. Bệnh này thường bị nhầm lẫn với nấm miệng — một loại bệnh truyền nhiễm với dấu hiệu từ những mảng trắng mịn có thể tẩy ra, ngay khu vực kéo dài từ phía sau cổ họng lên đầu thực quản và cả bên trong gò má. Nấm miệng cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS.
- Đốm đỏ (hiếm gặp).
Đốm đỏ có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu bạn có các vết loang xuất hiện cùng với những đốm đỏ.
Bệnh thường xuất hiện trên lưỡi và có thể bên trong má, nướu răng. Các vết lở có thể mất vài tuần để phát triển và hiếm khi gây đau đớn.
Một số phụ nữ có thể phát triển bệnh ở bên ngoài bộ phận sinh dục hoặc trong vùng âm hộ.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn tình trạng này tồi tệ hơn và ngăn chặn việc cấp cứu y tế, vì vậy, bạn nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng nghiêm trọng này.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh bạch sản?
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh bạch sản vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Hút thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất, nhai thuốc lá cũng có thể gây ra bệnh.
Một số nguyên nhân thông thường khác bao gồm:
- Chấn thương bên trong má, chẳng hạn như vết cắn
- Răng không đồng đều
- Răng giả, đặc biệt nếu lắp không đúng
- Cơ thể bị viêm.
Bên cạnh đó, virus Epstein-Barr (EBV) là nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch sản lông. Một khi xâm nhập vào cơ thể, EBV sẽ ở trong đó vĩnh viễn. EBV thường không hoạt động nhưng có thể gây ra vết loét của bệnh bạch sản lông và phát triển bệnh bất cứ lúc nào. Người có HIV hoặc gặp các vấn đề miễn dịch khác có tỷ lệ phát bệnh cao.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh này?
Bệnh thường phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ, tỷ lệ nam − nữ là 2:1. Hầu hết các trường hợp của bệnh xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 50 đến 70. Khoảng 80% bệnh nhân trên 40 tuổi.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch sản?
Bạn có thể có nguy cơ cao mắc tình trạng này nếu đang:
- Hút thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh bạch sản và ung thư miệng
- Uống rượu kết hợp với hút thuốc.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh?
Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh, bác sĩ có thể tiến hành khám răng miệng. Trong quá trình khám, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể xác nhận vết loét có phải là của bệnh bạch sản hay không. Bạn có thể nhầm lẫn tình trạng này với bệnh nấm miệng. Đây là một loại nấm trong miệng. Các vết loét mà bệnh nấm miệng gây ra thường nhẹ hơn so với các vết loét của bệnh bạch sản và dễ chảy máu.
Bạn có thể cần làm một số xét nghiệm khác để xác nhận nguyên nhân gây ra bệnh. Điều này giúp các bác sĩ đề xuất một phương pháp điều trị và có thể ngăn ngừa các vết loét phát triển thêm.
Nếu nghi ngờ một vết loét nào đó, nha sĩ hoặc bác sĩ sẽ làm sinh thiết. Để thực hiện sinh thiết, họ lấy một mẩu mô nhỏ từ một hoặc nhiều vết loét. Sau đó gửi mẫu mô đó tới nhà nghiên cứu bệnh học để chẩn đoán. Mục đích là để tìm dấu hiệu của bệnh ung thư miệng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh bạch sản?
Mục tiêu của việc điều trị là nhằm loại bỏ các mảng bạch sản trong miệng. Loại bỏ các nguyên nhân gây kích ứng cũng giúp các mảng bạch sản biến mất. Bạn nên:
- Chữa trị các tác nhân răng miệng chẳng hạn như răng hô, bề mặt hàm răng giả có dấu hiệu bất thường, hoặc các miếng trám răng bất thường càng sớm càng tốt.
- Ngừng hút thuốc hoặc sử dụng các loại hình sản phẩm từ thuốc lá khác.
- Ngừng uống thức uống có cồn.
Nếu việc loại bỏ các nguồn kích ứng bên trong không hiệu quả, các bác sĩ sẽ đề nghị bôi thuốc lên các mảng trắng hoặc phải tiến hành phẫu thuật nhằm loại bỏ chúng. Các vết loét nhỏ có thể được lấy ra nhờ sinh thiết mở rộng hơn bằng cách sử dụng phương pháp laser hoặc dao mổ. Các vết loét bạch sản lớn đòi hỏi phẫu thuật miệng.
Đối với bệnh bạch sản dạng lông, việc sử dụng thuốc kháng virus thông thường sẽ làm các mảng bám biến mất. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thoa thuốc lên các mảng bám. Thuốc mỡ bôi có chứa axit retinoic cũng có thể được sử dụng để làm giảm kích thước vết loét.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Tránh tất cả các sản phẩm thuốc lá và hỏi bác sĩ về các phương pháp để giúp bỏ thuốc lá. Nếu bạn bè hoặc thành viên trong gia đình tiếp tục hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, bạn nên khuyến khích họ kiểm tra răng miệng thường xuyên. Ung thư miệng thường không gây đau cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng.
- Tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu. Rượu là yếu tố có thể gây ra cả hai bệnh bạch sản và ung thư miệng. Kết hợp rượu và thuốc lá có thể giúp các hóa chất độc hại trong thuốc lá xâm nhập vào các mô trong miệng dễ dàng hơn.
- Đi khám nha sĩ định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng.
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bởi chúng có chứa các chất oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch sản.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.