Lướt qua vài trang mạng thấy có vài bài báo dẫn lời bác sĩ rằng: Không nên dùng hạ sốt trước khi được bác sĩ chẩn đoán ra bệnh. Và sốt cao co giật rất nguy hiểm, rồi mức độ sốt thể hiện sự nguy kịch của bệnh, dùng thuốc hạ sốt sẽ làm lu mờ triệu chứng khiến bác sĩ không chẩn đoán được bệnh…
Có nên dùng thuốc hạ sốt trước khi được bác sĩ chẩn đoán không?
Trước hết: Không phải sốt nào cũng phải đi khám bác sĩ.
Nếu con bạn sốt nhẹ 38 độ ngày thứ nhất kèm sổ mũi, ho, trẻ vẫn chơi bời ăn uống bình thường. Tôi nghĩ bạn nên để con ở nhà. Xách con tới nơi đông đúc như bệnh viện nhi thì chỉ tổ bị lây bệnh thêm. Nếu bạn có kinh tế hay có bác sĩ quen, hãy tới để xin tư vấn, chủ yếu là để bác sĩ dặn dò các dấu hiệu phải đi khám.
Một ngày biết bao nhiêu ngàn trẻ con bị sốt đủ mọi lí do đứa nào cũng chờ bác sĩ khám mới được thì trường Phạm Ngọc Thạch có sinh ra mỗi năm 1 vạn Bs cũng không đủ. Nhà nước đẻ thêm Bệnh viện nhi đồng 4,5,7…xyz cũng không có chỗ chứa.
Trong những tình huống có chỉ định dùng thuốc hạ sốt mà nhà ở xa cơ sở y tế, nửa đêm thì phải làm sao?
Acetaminophen (paracetamol) là một thuốc hạ sốt khá an toàn, có thể mua mà không cần kê toa. Mấu chốt vấn đề là dùng sao cho đúng liều, và đúng chỉ định, bố mẹ nào không thuộc nằm lòng thuốc thuốc này thì tôi đánh giá rất thấp.
Sốt lợi hay hại?
Trên cái đời này, cái gì cũng có 2 mặt lợi và hại hết. Sốt ở một nhiệt độ vừa phải thì có lợi, có lợi như nào thì nhiều người nói rồi tôi không nói lại nữa. Khi nào sốt có hại? là khi sốt thái quá.
Thế nào là sốt thái quá?
Thái quá là sốt >40 độ hoặc sốt 40 độ trở lên trong máu, quá trình chuyển hóa các chất sẽ bị rối loạn, mọi lợi ích của sốt sẽ bị đảo ngược, các emzym bản chất protein sẽ bị tổn thương, cũng giống như trứng gà gặp nhiệt là đông vón lại vậy đó. Vậy thì nên dùng hạ sốt trong 2 trường hợp này đối với một em bé trước đó khỏe mạnh.
Với những em bé có bệnh nền sẵn như bệnh tim phổi bẩm sinh, bệnh não bẩm sinh… thì thậm chí nên dùng thuốc hạ sốt sớm hơn. Một số em bé đang trong tình trạng bệnh lí đặc biệt; chấn thương đầu, sốc, bỏng… cũng cần hạ sốt sớm hơn.
Mức độ sốt không phản ánh trung thực mức độ nặng của bệnh
Tôi lấy ví dụ bệnh ban đào Roseola tôi đăng trong bài trước, trẻ sốt 40 – 41 độ nhưng bệnh này nhẹ đa số tự hết không cần điều trị. Nhưng bệnh Lao phổi chỉ sốt nhẹ về chiều mà nó giết người ghê gớm.
Ta cứ hiểu đại khái mức độ sốt giống như mức độ dữ dội của một cuộc chiến. Nếu cả ta và địch đều rất mạnh thì trận chiến diễn ra tưng bừng, khói lửa mù trời. Nếu cả ta và địch đều yếu hay 1 bên yếu thì trận chiến diễn ra lèo tèo, chỉ vài tiếng súng là tàn cuộc và có 1 bên sẽ chết, thế thôi.
Co giật do sốt là một tình trạng lành tính và không nguy hiểm, không để lại di chứng
Ngày nay khoa học đã chứng minh điều này.
Về phần co giật do sốt tôi cũng có viết 1 bài rồi. Bạn nào quan tâm thì tìm mà đọc.
Chúng ta không nên quá cực đoan trong vấn đề xử trí sốt
Ngay ngày hôm qua tôi gặp 1 bà mẹ “dũng cảm‘’ để con sốt liên tục 40- 41 độ nhằm “nâng cao khả năng đề kháng, tự điều hòa‘’. Em bé nằm li bì, quấy cả ngày, đêm không ngủ được. Vô tôi cho 1 liều hạ sốt em vui vẻ trở lại.
Tôi chỉ hỏi mẹ 1 câu: ‘’Bây giờ không cần cho chị bị sốt hành, chỉ cần 1 đêm chị không ngủ được, ngày hôm sau chị thấy thế nào, chị nghĩ ngày hôm sau chị đủ sức để tự điều hòa và nâng cao đề kháng sao?”
Tài liệu tham khảo
https://www.facebook.com/diendannhikhoa/posts/681838102013713