Tìm hiểu chung
Ung thư amidan là bệnh gì?
Ung thư amidan là một loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào trong amidan. Amidan là hai bộ phận có hình bầu dục ở phía sau miệng và là một phần của hệ thống miễn dịch có vai trò tiêu diệt vi sinh vật. Bệnh ung thư amidan xảy ra nhiều nhất ở amidan khẩu cái, nằm ở hai bên cổ họng, bệnh cũng có thể xuất hiện ở amidan họng (còn gọi là sùi vòm họng), nằm ở phía sau khoang mũi hoặc amidan lưỡi nằm ở phía sau của lưỡi. Hầu hết các trường hợp ung thư amidan là ung thư biểu mô tế bào gai, phát sinh từ các mô niêm mạc miệng, bên cạnh đó cũng có thể xuất hiện u lympho amidan (một loại ung thư hệ thống miễn dịch).
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư amidan là gì?
Một số triệu chứng của bệnh ung thư amidan rất tương tự như triệu chứng của viêm họng. Tuy nhiên, viêm họng phổ biến nhất ở những người độ tuổi từ 5-15 tuổi trong khi ung thư amidan thường ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi trên 50. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư amidan:
- Loét ở phía sau miệng hoặc cổ họng nhưng không lành;
- Amidan sưng, 2 bên có kích thước không bằng nhau (một bên lớn hơn bên còn lại);
- Đau miệng và họng dai đẳng;
- Đau tai;
- Nuốt khó hoặc nuốt đau;
- Đau khi ăn các loại trái cây chua;
- Có bướu ở cổ;
- Đau cổ;
- Nước bọt có máu;
- Khó thở.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa bệnh ung thư amidan diễn tiến nặng hơn và tránh các tình huống phải cấp cứu, vì vậy hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh tình trạng này.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư amidan?
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến của bệnh ung thư amidan, bao gồm:
- Hút thuốc lá;
- Uống rượu quá nhiều;
- Thiếu vitamin A;
- Tiếp xúc với amiăng;
- Vệ sinh răng miệng kém.
Bệnh ung thư amidan cũng có liên quan đến một số loại bệnh nhiễm trùng gây u nhú ở người (HPV). HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục. Các bác sĩ cho biết nhiễm HPV sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư amidan.
Ung thư amidan cũng có liên quan với các loại bệnh ung thư khác. Trong thực tế, một số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ họng đồng thời cũng mắc phải bệnh ung thư thực quản, phổi hoặc ung thư bàng quang, lý do là vì các bệnh ung thư thường có các yếu tố nguy cơ như nhau hoặc vì ung thư phát sinh ở bộ phận này có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh ung thư amidan?
Bệnh ung thư amidan có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nam giới thường dễ bị bệnh ung thư amidan hơn nữ giới. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư amidan?
Một số cá nhân có nhiều khả năng bị ung thư amidan do lối sống hoặc môi trường sống. Bạn có nhiều khả năng bị ung thư amidan nếu uống rượu, hút thuốc lá, bị nhiễm virus HPV hoặc HIV, trên 50 tuổi. Bạn cũng có nhiều khả năng bị ung thư amidan nếu đã từng cấy ghép nội tạng. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây ra bệnh ung thư amidan, trong đó bao gồm cả ung thư biểu mô tế bào gai amidan. Rượu cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, kết hợp hút thuốc lá và rượu thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn rất nhiều.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư amidan?
Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh án và kiểm tra sức khỏe. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện một vài xét nghiệm sau đây nếu cần thiết:
- Chọc hút bằng kim nhỏ (bác sĩ sẽ lấy ra một lượng nhỏ mô khỏi amidan bằng kim và kiểm tra các tế bào dưới kính hiển vi);
- Xét nghiệm máu;
- Chụp X-quang;
- Chụp cộng hưởng từ;
- Chụp cắt lớp phát xạ positron.
Sau đó, bác sĩ sẽ phân loại giai đoạn bệnh. Phân loại bệnh ung thư thành bốn giai đoạn giúp bác sĩ biết được bệnh ung thư đã diễn tiến đến mức độ nào. Dưới đây là chi tiết các giai đoạn:
- Giai đoạn I. Khối u nhỏ (dưới 2 cm) giới hạn tại khu vực amidan và không di căn đến các hạch bạch huyết xung quanh;
- Giai đoạn II. Khối u từ 2-4 cm nhưng chưa di căn;
- Giai đoạn III. Khối u lớn hơn 4 cm và đã di căn đến một hạch cổ cùng bên với khối u. Các hạch bạch huyết 3 cm hoặc nhỏ hơn;
- Giai đoạn IV. Đây là giai đoạn phức tạp nhất, việc tiên lượng và điều trị trở nên khó khăn.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh ung thư amidan?
Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư amiđan, loại ung thư, mong muốn khi điều trị. Có ba phương pháp điều trị được sử dụng:
- Phẫu thuật. Hầu hết bệnh nhân sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư. Một số bệnh nhân mắc bệnh ung thư amidan giai đoạn I hoặc II có thể không cần điều trị thêm sau phẫu thuật, mặc dù bác sĩ có thể đề nghị xạ trị khi tế bào ung thư còn sót lại có nguy cơ phát triển thành khối u khác;
- Xạ trị. Sau khi phẫu thuật, nhiều bệnh nhân trải qua xạ trị để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Tùy thuộc vào tình hình sức khỏe mà bác sĩ quyết định sử dụng loại tia xạ nào;
- Hóa trị. Nếu bạn bị ung thư amidan giai đoạn III hoặc IV thì có thể sẽ cần hóa trị. Một phương pháp điều trị mới là hóa trị cảm ứng đang được ứng dụng để thu nhỏ khối u.
Hầu hết các bác sĩ sẽ đề nghị điều trị phẫu thuật ở mức tối thiểu sau đó sẽ xạ trị tại chỗ. Một số bác sĩ cũng sử dụng phương pháp làm tăng cao nhiệt độ cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ung thư amidan?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Tránh ăn trầu;
- Ăn nhiều rau và trái cây;
- Bỏ hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc điếu và thuốc lá không khói;
- Giảm uống rượu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.