Điều trị rối loạn lo âu

(4.5) - 20 đánh giá

Rối loạn lo âu là gì?

Lo âu là một phản ứng bình thường để đối phó với căng thẳng và thực sự có thể có ích trong một số hoàn cảnh. Tuy nhiên, đối với một số người, sự lo lắng có thể trở thành quá mức. Mặc dù những người lo âu có thể nhận ra họ đang lo quá mức cần thiết, họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát lo âu và điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt hàng ngày của họ. Các rối loạn lo âu rất đa dạng, trong đó có rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn hoảng sợ. Tựu trung, chúng là những dạng rối loạn tâm thần phổ biến nhất.

Các rối loạn lo âu sau đây sẽ được nói đến trong bài:

  • Rối loạn lo âu lan toả (GAD)
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD)
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
  • Rợ xã hội (hoặc rối loạn lo âu xã hội)

Nguyên nhân nào gây ra rối loạn lo âu?

Các nhà khoa học đang tìm hiểu các yếu tố di truyền (gene) đóng vai trò như thế nào trong sự hình thành rối loạn lo âu và cũng đang tìm hiểu những tác động của yếu tố môi trường như ô nhiễm, căng thẳng về thể chất, tâm lý và chế độ ăn uống. Ngoài ra, đang có nhiều nghiên cứu về “bệnh sử tự nhiên” (diễn tiến của bệnh khi không điều trị) của các rối loạn lo âu ở các đối tượng khác nhau, sự phối hợp của các rối loạn lo âu, và những rối loạn lo âu đi kèm với các bệnh tâm thần khác như trầm cảm.

Các nhà khoa học hiện nay cho rằng, cũng như bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 1, bệnh tâm thần rất phức tạp và có thể là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường, tâm lý, và phát triển. Ví dụ, mặc dù một số nghiên cứu trên các cặp song sinh và gia đình cho thấy di truyền liên quan đến sự hình thành một số rối loạn lo âu, các vấn đề như rối loạn Stress sau sang chấn (PTSD) lại phát sinh từ sang chấn tâm lý. Nghiên cứu di truyền có thể giúp giải thích tại sao một số người gặp sang chấn tâm lý lại bị PTSD còn những người khác thì không.

Một số vùng của não là nhân tố chính trong việc gây ra sợ hãi và lo lắng. Sử dụng kỹ thuật chụp ảnh não và kỹ thuật hóa học thần kinh, các nhà khoa học đã phát hiện ra hạch hạnh nhânvùng hải mã đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các rối loạn lo âu.

Hạch hạnh nhân là một cấu trúc hình quả hạnh nhân nằm sâu trong não, được cho là trung tâm liên lạc giữa những vùng thu nhận tín hiệu cảm giác và những vùng não giải nghĩa các tín hiệu này. Nó có thể cảnh báo cho những phần còn lại của não rằng một mối đe dọa đang hiện diện và kích hoạt phản ứng sợ hãi hay lo lắng. Những ký ức về cảm xúc được lưu trữ trong trung tâm hạch hạnh nhân có thể đóng vai trò trong rối loạn lo âu gồm những nỗi sợ hãi rất đặc hiệu, chẳng hạn như nỗi sợ chó, sợ nhện, hoặc sợ đi máy bay.

Vùng hải mã là phần não mã hóa các sự kiện gây sợ hãi thành ký ức. Các nghiên cứu đã cho thấy vùng hải mã dường như nhỏ hơn ở những người đã từng là nạn nhân của lạm dụng trẻ em hoặc những người từng tham gia chiến đấu. Nghiên cứu xác định những nguyên nhân làm giảm kích thước vùng hải mã và vai trò của chúng trong những cơn hồi tưởng (flashback), trong những thiếu sót về ký ức liền mạch (explicit memory, hồi tưởng có chủ ý về quá khứ), và trong những ký ức đứt đoạn về sự kiện đã gây sang chấn tâm lý thường gặp trong PTSD.

Bằng cách tìm hiểu thêm về cơ chế mà não bộ hình thành sợ hãi và lo lắng, các nhà khoa học có thể đưa ra phương pháp điều trị rối loạn lo âu tốt hơn. Ví dụ, nếu một chất dẫn truyền thần kinh cụ thể nào đó được chứng minh là đóng vai trò quan trọng trong sự sợ hãi, người ta có thể điều chế những loại thuốc có tác dụng ngăn chặn những chất đó, làm giảm phản ứng sợ hãi. Nếu biết rõ cách thức mà bộ não tạo các tế bào mới, người ta có thể kích thích sinh trưởng thêm nhiều tế bào thần kinh mới trong vùng hải mã ở những người bị PTSD.

Nghiên cứu hiện nay của Viện Sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ về rối loạn lo âu hướng đến hiệu quả của thuốc và trị liệu hành vi trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức, mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc đối với trẻ em và vị thành niên bị rối loạn lo âu kết hợp với tăng động giảm chú ý.

Các triệu chứng thường gặp của rối loạn lo âu

Không giống như kiểu lo lắng tương đối nhẹ và ngắn do một sự kiện sang chấn gây ra (chẳng hạn như phát biểu nơi đông người hoặc buổi hẹn hò đầu tiên), rối loạn lo âu phải kéo dài ít nhất là 6 tháng và có thể nặng lên nếu không được điều trị. Mỗi dạng rối loạn lo âu có những triệu chứng khác nhau, nhưng đều là tập hợp các triệu chứng quanh sự sợ hãi khiếp đảm một cách vô lý và quá mức.
Rối loạn lo âu thường xảy ra cùng với các bệnh tâm thần hoặc thể chất khác, bao gồm cả việc lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện, những thứ có thể che dấu các triệu chứng lo âu hay làm cho những triệu chứng đó tồi tệ hơn. Trong một số trường hợp, những bệnh lý đó cần phải được chữa trị trước khi điều trị rối loạn lo âu.

Có những liệu pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu, và nghiên cứu đang mở ra những phương pháp điều trị mới có thể giúp hầu hết những người bị rối loạn lo âu sống một cuộc sống trọn vẹn, hữu ích. Nếu bạn nghĩ rằng bạn bị rối loạn lo âu, bạn nên tìm kiếm thông tin và điều trị ngay lập tức.

Nguy cơ của rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu người Mỹ từ 18 tuổi trở lên (khoảng 18%) trong một năm nhất định nào đó, làm cho họ chìm trong sợ hãi và bất định.

Trong đời, phụ nữ dễ bị rối loạn lo âu hơn nam giới 60%. Nguy cơ rối loạn lo âu của người da đen không mang gốc Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha ít hơn 20% và người gốc Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha thì ít hơn 30% so với người da trắng không thuộc nhóm sắc dân này.

Một cuộc khảo sát quốc gia quy mô lớn về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên ở Hoa Kỳ cho biết, khoảng 8% thanh thiếu niên độ tuổi từ 13-18 bị rối loạn lo âu, với các triệu chứng thường xuất hiện lúc khoảng 6 tuổi. Tuy nhiên, ở những trẻ này, chỉ có 18% được chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Xem thêm bài viết Bệnh lý rối loạn lo âu của TS.BS. Nguyễn Ngọc Hòa

Chẩn đoán rối loạn lo âu thế nào?

Bác sĩ phải tiến hành khám đánh giá chẩn đoán cẩn thận để xác định xem các triệu chứng của một người là do rối loạn lo âu hay một vấn đề thể chất gây nên. Nếu chẩn đoán là rối loạn lo âu, phải xác định được dạng rối loạn hoặc sự kết hợp của các dạng rối loạn hiện có ở người bệnh, cũng như xác định bất kỳ điều kiện đồng thời nào đó, như trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện. Đôi khi nghiện rượu, trầm cảm, hoặc các tình trạng phối hợp khác có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức việc điều trị rối loạn lo âu phải đợi cho đến khi kiểm soát được các điều kiện đồng thời đó.

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu

Nói chung, rối loạn lo âu được điều trị bằng thuốc, bằng các biện pháp trị liệu tâm lý cụ thể tùy bệnh hoặc bằng cả hai. Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào rối loạn và lựa chọn của người được điều trị.

Người bị rối loạn lo âu đã được điều trị cần thông báo chi tiết với bác sĩ hiện tại của họ về việc điều trị trước đó. Nếu đã dùng thuốc, họ cần nói với bác sĩ đã dùng thuốc gì, liều khởi đầu điều trị, tăng giảm trong liệu trình thế nào, đã có tác dụng phụ gì, và điều trị có giúp giảm lo âu hơn không. Nếu được trị liệu bằng tâm lý, họ nên mô tả loại trị liệu gì, tần suất các buổi trị liệu, và điều trị có hiệu quả không.

Thường mọi người cho rằng, họ “thất bại” trong điều trị hoặc biện pháp điều trị không hiệu quả; trên thực tế là do liệu trình chưa đủ dài, hoặc phương pháp chưa đúng. Đôi khi phải thử một số cách điều trị khác nhau hoặc kết hợp điều trị mới có thể tìm ra được phương pháp hiệu quả.

Thuốc

Thuốc không chữa khỏi rối loạn lo âu, nhưng thuốc có thể kiểm soát được rối loạn trong khi người bệnh trị liệu tâm lý. Thuốc phải do bác sĩ kê đơn, thường là bác sĩ tâm thần, người có thể tự mình trị liệu tâm lý cho bệnh nhân, hoặc làm việc theo nhóm cùng với các nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội, hoặc chuyên viên tham vấn cung cấp liệu pháp tâm lý. Các loại thuốc chính điều trị rối loạn lo âu là thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu và thuốc ức chế beta để kiểm soát một số các triệu chứng cơ thể. Với biện pháp điều trị thích hợp, nhiều người bị rối loạn lo âu có thể sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, bình thường như tất cả mọi người.

Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm được phát triển để điều trị trầm cảm nhưng cũng hiệu quả đối với rối loạn lo âu. Mặc dù các loại thuốc này có tác dụng thay đổi hóa học trong não từ ngay liều đầu tiên, nhưng để thuốc có hiệu lực đầy đủ cần phải phải có một loạt thay đổi, thường là mất khoảng 4-6 tuần thì các triệu chứng mới bắt đầu giảm dần. Điều quan trọng là phải tiếp tục dùng những loại thuốc này đủ lâu để thuốc phát huy tác dụng.

Các thuốc nhóm SSRI
Một số thuốc chống trầm cảm mới được gọi là thuốc Ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, viết tắt là SSRI. SSRI làm thay đổi nồng độ serotonin dẫn truyền thần kinh trong não, mà cũng như các chất dẫn truyền thần kinh khác, có tác dụng giúp các tế bào não liên lạc với nhau.

Fluoxetine (Prozac ®), sertraline (Zoloft ®), escitalopram (Lexapro ® ), paroxetin (Paxil ®), và citalopram (Celexa ®) là một số loại SSRI thường được chỉ định điều trị rối loạn hoảng sợ, OCD, PTSD, và sợ xã hội. SSRIs cũng được sử dụng để điều trị rối loạn hoảng sợ khi bệnh xảy ra kết hợp với OCD, sợ xã hội, hoặc trầm cảm. Venlafaxine (Effexor ®), một loại thuốc có liên quan chặt chẽ với các loại thuốc SSRI, được dùng để điều trị GAD. Các loại thuốc này ban đầu dùng liều thấp sau đó tăng dần cho đến khi có hiệu quả điều trị.

Thuốc SSRI có ít tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc chống trầm cảm cũ, nhưng đôi khi chúng gây buồn nôn nhẹ hoặc cảm giác bồn chồn nhẹ khi mới uống. Các triệu chứng này giảm dần theo thời gian. Một số người bị cũng bị rối loạn chức năng tình dục khi dùng SSRI, nhưng có thể điều chỉnh liều lượng hoặc chuyển sang dùng loại SSRI khác.

Nhóm chống trầm cảm ba vòng
Thuốc chống trầm cảm ba vòng cũ hơn so với SSRI và cũng có tác dụng điều trị như SSRI trên các rối loạn lo âu ngoại trừ OCD. Loại thuốc này cũng bắt đầu bằng liều thấp rồi tăng dần. Đôi khi thuốc gây chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, tăng cân, các hiện tượng này có thể điều chỉnh được bằng cách thay đổi liều lượng hay chuyển sang một loại thuốc ba vòng khác.

Các loại thuốc ba vòng như imipramine (Tofranil ®), được kê đơn cho rối loạn hoảng sợ và GAD, và clomipramine (Anafranil ®), là thuốc ba vòng duy nhất hiệu quả trong điều trị OCD.

Nhóm MAOI
Thuốc ức chế men monoamine oxidase (MAOI) là nhóm thuốc trầm cảm lâu đời nhất. Các loại thuốc MAOI phổ biến nhất thường chỉ định điều trị rối loạn lo âu là phenelzine (Nardil ®), tiếp theo là tranylcypromine (Parnate ®), và isocarboxazid (Marplan ®), là các loại thuốc hữu ích trong việc điều trị rối loạn hoảng sợ và sợ xã hội. Những người dùng IMAO không được ăn nhiều loại thức ăn và đồ uống (bao gồm pho mát và rượu vang đỏ) có chứa tyramine, không được uống một số loại thuốc nhất định, bao gồm một số loại thuốc tránh thai, thuốc giảm đau (như Advil ®, Motrin ®, hoặc Tylenol ®), thuốc dị ứng và thuốc cảm lạnh, các loại thực phẩm bổ sung bằng thảo dược; những chất này có thể tương tác với MAOI gây tăng huyết áp nguy hiểm. Miếng dán ngoài da MAIO ra đời có thể giúp làm giảm những nguy cơ này. MAOI cũng có thể tương tác với các loại thuốc SSRI, gây ra một tình trạng nghiêm trọng gọi là “hội chứng serotonin”. Hội chứng này mà có thể gây lú lẫn, ảo giác, tăng tiết mồ hôi, cứng cơ, co giật, thay đổi huyết áp hay nhịp tim, và các tình trạng khác có nguy cơ đe doạ tính mạng.
Thuốc chống lo âu
Benzodiazepine hiệu lực cao có tác dụng chống lo âu và ngoài gây buồn ngủ, nó còn có một số tác dụng phụ khác. Do người dùng có thể bị quen thuốc nên cần phải tăng liều để đạt được tác dụng tương đương, benzodiazepine thường được kê đơn trong thời gian ngắn, đặc biệt là đối với những người đã từng lạm dụng ma túy hoặc rượu và những người dễ trở nên phụ thuộc vào thuốc. Một ngoại lệ cho quy tắc này là những người mắc rối loạn hoảng sợ, những người này có thể dùng benzodiazepine kéo dài đến một năm mà không sợ gây hãi.

Clonazepam (Klonopin®) dùng cho bệnh sợ xã hội và GAD, lorazepam (Ativan®) là loại thuốc hữu hiệu đối với rối loạn hoảng sợ, alprazolam (Xanax®) hiệu quả cho cả rối loạn hoảng sợ và GAD.

Một số người có triệu chứng cai thuốc nếu họ ngưng dùng benzodiazepin đột ngột thay vì giảm dần liều, và lo âu có thể trở lại một khi ngừng dùng thuốc. Những nguy cơ này khiến một số bác sĩ ngại sử dụng các loại thuốc đó, hoặc sử dụng với liều lượng chưa đủ.

Buspirone (Buspar®), một dạng azapirone, là một loại thuốc chống lo âu mới, dùng để điều trị GAD. Tác dụng phụ có thể bao gồm chóng mặt, đau đầu và buồn nôn. Không giống như benzodiazepin, buspirone phải uống liên tục trong ít nhất 2 tuần mới đạt được tác dụng chống lo âu.

Thuốc chẹn beta

Các loại thuốc ức chế beta như propranolol (Inderal ®), là thuốc sử dụng để điều trị bệnh tim, có thể ngăn ngừa các triệu chứng cơ thể đi kèm với một số rối loạn lo âu nhất định, đặc biệt là sợ xã hội. Khi có thể dự đoán được một tình huống gây sợ (chẳng hạn phải phát biểu), bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế beta để kiểm soát các triệu chứng cơ thể của lo âu.

Sử dụng thuốc

Trước khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn lo âu:

  • Yêu cầu bác sĩ cho bạn biết về hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc.
  • Nói cho bác sĩ biết về bất kỳ phương pháp điều trị thay thế hoặc loại thuốc không kê đơn nào mà bạn đang sử dụng.
  • Hỏi bác sĩ khi nào nên dừng thuốc và dừng như thế nào. Một số loại thuốc không thể dừng đột ngột mà phải giảm từ từ dưới sự giám sát của bác sĩ.
  • Hợp tác với bác sĩ để xác định loại thuốc phù hợp và liều lượng tốt nhất.
  • Cần biết rằng một số loại thuốc có hiệu quả chỉ khi uống thường xuyên và các triệu chứng có thể tái phát nếu dừng thuốc.

Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần có chuyên môn, như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội, hoặc chuyên viên tư vấn, để tìm hiểu nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu và cách đối phó với các triệu chứng.

Liệu pháp hành vi nhận thức

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) rất hữu ích trong điều trị các rối loạn lo âu. Yếu tố nhận thức giúp mọi người thay đổi lối suy nghĩ để bớt nỗi sợ, còn yếu tố hành vi giúp mọi người thay đổi cách họ phản ứng với các tình huống gây lo âu.

Ví dụ, CBT có thể giúp người bị rối loạn hoảng sợ hiểu rằng cơn hoảng sợ của họ không hẳn là những cơn đau tim, và giúp những người sợ xã hội học cách vượt qua ý nghĩ cho rằng mọi người luôn theo dõi và phán xét mình. Khi một người đã sẵn sàng đối đầu với sợ hãi, họ được hướng dẫn kỹ thuật tập nhiễm/phơi nhiễm, để bản thân được giải mẫn cảm với tình huống kích hoạt lo âu.

Những người bị OCD mà sợ bụi bẩn và vi trùng, được động viên cứ để tay bẩn và chờ đợi với khoảng thời gian giữa hai lần rửa tay ngày càng tăng dần. Các nhà trị liệu sẽ giúp đối phó với những lo âu mà chờ đợi lâu gây ra; sau khi lặp đi lặp lại bài tập nhiều lần, lo âu sẽ giảm bớt. Những người bị sợ xã hội có thể được động viên đưa mình vào những tình huống xã hội gây sợ và cố gắng không để mình bị khuất phục bởi cám dỗ chạy trốn hoặc gây ra những sai lầm nhỏ trong giao tiếp và quan sát phản ứng của mọi người. Vì hệ quả thường nhẹ hơn rất nhiều so với những gì mà người bệnh lo sợ, lo âu sẽ giảm dần. Những người mắc PTSD có thể được hỗ trợ bằng cách gợi lại sự kiện đau buồn đã xảy ra với họ trong môi trường an toàn, giúp làm giảm nỗi sợ hãi mà sự kiện đó gây ra. Các nhà trị liệu CBT cũng dạy bài tập hít thở sâu và các bài tập khác để giảm bớt lo lắng và khuyến khích thư giãn.
Liệu pháp hành vi dựa trên tập nhiễm đã được áp dụng trong nhiều năm để điều trị các chứng sợ đặc hiệu. Người được điều trị dần dần đối mặt với đối tượng hoặc tình huống gây sợ, lúc đầu chỉ là qua ảnh hay băng hình, rồi sau đó là đối mặt trực tiếp. Thường là nhà trị liệu sẽ đi cùng người được trị liệu tới tình huống gây sợ hãi để hỗ trợ và hướng dẫn khi cần thiết.

CBT được thực hiện khi người được trị liệu quyết định rằng họ đã sẵn sàng tham gia, họ chấp nhận và hợp tác. Để có hiệu quả, phương pháp trị liệu phải nhằm vào những lo lắng cụ thể của người được trị liệu và phải phù hợp với nhu cầu của họ. Không có tác dụng phụ nào khác ngoài sự khó chịu do lo lắng tạm thời gia tăng.

Liệu pháp nhận thức hành vi hoặc liệu pháp hành vi thường kéo dài khoảng 12 tuần. Liệu pháp có thể điều trị cho cá nhân hoặc theo nhóm người có vấn đề tương tự. Trị liệu nhóm đặc biệt hiệu quả đối với sợ xã hội. “Bài tập về nhà” thường được giao cho người tham gia thực hiện trong thời gian giữa các buổi điều trị. Có bằng chứng cho thấy lợi ích CBT mang lại kéo dài hơn so với các tác dụng của thuốc điều trị rối loạn hoảng sợ, và kết quả cũng có thể đúng với OCD, PTSD, và sợ xã hội. Nếu một rối loạn tái phát trở lại vào thời điểm sau đó, có thể áp dụng lại đúng liệu pháp đó để điều trị thành công trong lần tiếp theo.
Thuốc có thể dùng kết hợp với liệu pháp tâm lý trong một số trường hợp rối loạn lo âu cụ thể, và đây là phương pháp điều trị tốt nhất cho nhiều người.

Sống chung với bệnh

Nếu bạn cho rằng mình bị rối loạn lo âu, người đầu tiên bạn nên gặp là bác sĩ gia đình của bạn. Bác sĩ có thể xác định những triệu chứng báo động đó có phải là do rối loạn lo âu, hay do một tình trạng nội khoa, hoặc cả hai.

Nếu được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu, bước tiếp theo thường là đi khám chuyên gia sức khỏe tâm thần. Những bác sĩ điều trị rối loạn lo âu hiệu quả nhất là những người được đào tạo về điều trị nhận thức hành vi và/hoặc liệu pháp hành vi, và những người sẵn lòng sử dụng thuốc khi cần.

Bạn cần cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với chuyên gia tâm thần mà bạn chọn. Nếu bạn không thấy thoải mái, bạn nên tìm sự giúp đỡ ở nơi khác. Một khi bạn tìm được chuyên gia sức khỏe tâm thần mà bạn cảm thấy thoải mái, hai bên cần hợp tác với nhau chặt chẽ, lập kế hoạch để cùng điều trị rối loạn lo âu của bạn.
Hãy nhớ rằng khi bạn bắt đầu dùng thuốc, điều quan trọng là không được ngưng dùng thuốc đột ngột. Một số loại thuốc phải được giảm dần dưới sự giám sát của bác sĩ nếu không phản ứng xấu có thể xảy ra. Hãy chắc chắn rằng bạn đã trao đổi với bác sĩ kê đơn thuốc của bạn trước khi bạn ngưng thuốc. Nếu gặp trở ngại với tác dụng phụ, có thể tránh được bằng cách điều chỉnh liều lượng và thời gian uống thuốc.

Đa số các gói bảo hiểm y tế, trong đó có cả các các tổ chức bảo vệ sức khỏe (HMO), sẽ chi trả cho điều trị rối loạn lo âu. Hãy gọi công ty bảo hiểm của bạn và tìm hiểu. Nếu bạn không có bảo hiểm, Cơ quan Y tế và bộ phận Dịch vụ Nhân sinh của chính quyền quận của bạn có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại một trung tâm sức khỏe tâm thần cộng đồng, mức chi phí tại nơi này dựa vào khả năng chi trả của bạn. Nếu bạn là đối tượng trợ cấp xã hội, bạn có thể để được chăm sóc thông qua chương trình hỗ trợ y tế Medicaid của tiểu bang.

Cách để điều trị hiệu quả hơn

Việc tham gia một nhóm tự giúp hoặc nhóm hỗ trợ và chia sẻ khó khăn cũng như tiến bộ với người khác có tác dụng tốt đối với nhiều người bị rối loạn lo âu. Tham gia các cuộc trò chuyện trên mạng cũng có thể hữu ích, nhưng nên xem xét cẩn thận bất kỳ lời khuyên nào nhận được qua Internet, vì những người quen biết qua Internet thường chưa bao giờ biết mặt nhau và việc sử dụng tên tuổi giả là phổ biến. Giãi bày với một người bạn đáng tin cậy hoặc người của nhà chùa, nhà thờ cũng có thể là một cách tốt, nhưng đó không phải là biện pháp thay thế cho việc điều trị bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Kỹ năng kiểm soát căng thẳng và áp dụng thiền định có thể giúp những người bị rối loạn lo âu tĩnh tâm và có thể nâng cao hiệu quả điều trị. Có bằng chứng sơ bộ rằng, tập aerobic có thể có tác dụng trấn an. Vì caffeine, các thuốc bất hợp pháp, thậm chí một số thuốc cảm không cần kê đơn, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn lo âu nên phải tránh những thứ này. Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn trước khi dùng bất cứ loại thuốc bổ trợ nào.

Gia đình rất quan trọng trong phục hồi của người rối loạn lo âu. Lý tưởng nhất là gia đình hỗ trợ, nhưng không làm kéo dài các triệu chứng của người thân. Các thành viên gia đình không nên coi thường rối loạn hoặc đòi hỏi phải cải thiện tình hình mà không cần điều trị.

Các thử nghiệm lâm sàng

NIMH hỗ trợ các nghiên cứu về rối loạn và sức khỏe tâm thần. Xem thêm: Hướng dẫn cho người tham gia về nghiên cứu lâm sàng Sức khỏe Tâm thần.
Tham gia, tham khảo về một bệnh nhân hoặc tìm hiểu về kết quả nghiên cứu tại ClinicalTrials.gov, cơ sở dữ liệu của NIH/Thư viện Y khoa Quốc gia, lưu đăng ký thử nghiệm lâm sàng tất cả các loại bệnh với sự tài trợ của liên bang và tư nhân.

Tìm những nghiên cứu về rối loạn lo âu do NIH tài trợ hiện đang tuyển người tham gia.

Tài liệu tham khảo

http://www.nimh.nih.gov/health/topics/anxiety-disorders/index.shtml

Biên dịch - Hiệu đính

Ths.BS. Hồ Dũng - Lê Vân Anh
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Nguyên nhân gây tự kỷ là gì?

(12)
Tự kỷ không do nguyên nhân đơn lẻ và nguyên nhân thực sự vẫn chưa được rõ. Do sự phức tạp của bệnh và thực tế là các triệu chứng cũng như mức độ ... [xem thêm]

Đau dây thần kinh sinh ba

(52)
Dây thần kinh sinh ba là gì? Các dây thần kinh sinh ba (còn gọi là dây thần kinh số V hay dây thần kinh sọ thứ năm) là một trong những dây thần kinh chính ... [xem thêm]

Rối loạn vận động

(56)
Mất điều hòa vận động Thất Điều (ataxia-mất điều hoà vận động): Là triệu chứng do tổn thương não, thân não hoặc tuỷ sống. Triệu chứng bao gồm: ... [xem thêm]

Thay đổi cảm xúc sau đột quỵ

(11)
Sau cơn đột quỵ, bệnh nhân có thể phản ứng theo kiểu này, nhưng vài tuần sau đó lại theo kiểu khác. Một số bệnh nhân sau đột quỵ có thể phản ... [xem thêm]

Chẩn đoán đột quỵ

(53)
Việc chẩn đoán cơn đột quỵ đang tiến triển là cực kỳ quan trọng, bởi vì cách thức điều trị đột quỵ được quyết định tùy vào kiểu đột quỵ, ... [xem thêm]

Mất điều hòa (thất điều) và rối loạn chức năng vận động tiểu não

(93)
Giới thiệu chung Tiểu não và thân não Mất điều hòa (thất điều) là thiếu sự kiểm soát của cơ hoặc thiếu sự phối hợp của các vận động tự chủ, ... [xem thêm]

Bệnh Wilson

(68)
Bệnh Wilson là gì? Bệnh Wilson là bệnh di truyền gây tích tụ quá nhiều đồng trong cơ thể. Đây là rối loạn di truyền hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1 trên 30.000 ... [xem thêm]

Điều trị rối loạn lo âu

(20)
Rối loạn lo âu là gì? Lo âu là một phản ứng bình thường để đối phó với căng thẳng và thực sự có thể có ích trong một số hoàn cảnh. Tuy nhiên, đối ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN