Đau dây thần kinh sinh ba

(3.84) - 52 đánh giá

Dây thần kinh sinh ba là gì?

Các dây thần kinh sinh ba (còn gọi là dây thần kinh số V hay dây thần kinh sọ thứ năm) là một trong những dây thần kinh chính của vùng mặt. Có một dây thần kinh sinh ba mỗi bên. Từ trong não, chúng đi ra khỏi hộp sọ ở phía trước tai. Nó được gọi là “sinh ba” vì nó chia thành ba nhánh chính. Mỗi nhánh lại chia thành nhiều dây thần kinh nhỏ hơn.

Các dây thần kinh từ nhánh đầu tiên (V1) đi đến da đầu, trán và xung quanh mắt. Các dây thần kinh từ nhánh thứ hai (V2) đi đến khu vực xung quanh má. Các dây thần kinh từ nhánh thứ ba (V3) đi đến khu vực xung quanh quai hàm.

Các nhánh của dây thần kinh sinh ba dẫn truyền xúc giác (cảm giác sờ) và cảm giác đau từ các vùng mặt, răng và quanh miệng đến não. Các dây thần kinh sinh ba cũng điều khiển các cơ dùng để nhai và chi phối việc tạo nước bọt và nước mắt.

Đau dây thần kinh sinh ba là gì và các triệu chứng của nó?

Đau dây thần kinh là sự đau đớn do dây thần kinh gây ra. Khi bị đau dây thần kinh sinh ba, bạn bị đau đột ngột ở một hoặc nhiều nhánh, biểu hiện ở những vùng mà chúng dẫn truyền cảm giác. Các nhánh thứ hai (V2) và thứ ba (V3) thường bị ảnh hưởng nhất và các cơn đau thường nặng. Do đó, cơn đau thường xuất hiện xung quanh má hay vùng hàm hoặc cả hai. Nhánh đầu tiên (V1) thường ít bị ảnh hưởng, vì vậy cơn đau trên trán và xung quanh mắt ít gặp hơn. Đau dây thần kinh sinh ba thường ảnh hưởng đến một bên của khuôn mặt. Dù hiếm, việc cả hai bên mặt đều bị ảnh hưởng có thể xảy ra.

Trong đau dây thần kinh sinh ba, người bệnh cảm thấy như bị châm chích (“như điện giật”), bị đâm thủng bởi dụng cụ sắc bén như khi bị dao đâm. Nó thường mất đi sau một vài giây nhưng cũng có thể kéo dài đến hai phút. Cơn đau có thể rất bất ngờ và nghiêm trọng đến mức có thể làm bạn bị giật hoặc phải nhăn mặt đau đớn. Thời gian giữa mỗi cơn đau có thể là vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Đôi khi một vài cơn đau lặp lại liên tiếp. Sau một cơn đau dữ dội, bạn có thể bị đau âm ỉ và ấn thấy đau ở các vùng bị ảnh hưởng. Hiện tượng này thường giảm bớt trong một thời gian ngắn. Cơn đau liên tục ở vùng mặt thường không phải là do đau dây thần kinh sinh ba.

Bạn có thể có các điểm kích thích đau trên mặt mà khi chạm vào hoặc thậm chí khi không khí thổi qua cũng có thể gây đau! Các điểm đó thường xung quanh mũi và miệng. Vì vậy, một số người không rửa mặt hoặc cạo râu vì sợ đau. Trong những lúc đó, ăn uống, nói chuyện, hút thuốc, đánh răng hoặc nuốt cũng có thể gây đau. Giữa các cơn đau, người bệnh thường không có triệu chứng nào khác, các dây thần kinh hoạt động bình thường và bác sĩ sẽ không phát hiện bất thường nào khi khám.

Đau dây thần kinh sinh ba tiến triển như thế nào?

Cơn đau đầu tiên thường xảy ra mà không có báo trước không có lý do rõ ràng. Những cơn đau tiếp đó đến và đi. Tần suất các cơn đau dao động, từ cả trăm lần một ngày, đến một vài lần mà thỉnh thoảng mới xuất hiện. Cơn đau đầu tiên có thể kéo dài trong nhiều ngày, tuần hoặc tháng và sau đó, thông thường, chúng biến mất một khoảng thời gian.

Những cơn đau kế tiếp thường xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, chúng có thể cách nhau đến vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Không thể dự đoán cơn đau tiếp theo sẽ xảy ra khi nào hoặc sẽ tái phát thường xuyên như thế nào. Cơn đau có xu hướng trở nên thường xuyên hơn khi về già.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh sinh ba?

Khoảng 9 trong 10 trường hợp bệnh là do một mạch máu chèn ép tại gốc của dây thần kinh nơi mà chúng đi từ não ra khỏi hộp sọ. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết được lý do tại sao mạch máu lại bắt đầu chèn ép dây thần kinh sinh ba khi về già. Mặc dù hiếm, đau dây thần kinh sinh ba có thể là triệu chứng của những bệnh khác ví dụ như u não, bệnh xơ cứng rải rác (đa xơ cứng) hoặc các bất thường ở nền sọ. Những bệnh khác có thể kèm theo đau mặt là đau dây thần kinh số IX, đau dây thần kinh sau khi nhiễm herpes, hội chứng Reader, hội chứng Sluder, đau thần kinh thể gối, đau khớp thái dương hàm, đau đầu dạng chùm, đau thần kinh mặt sau chấn thương, đau do bệnh về răng, hốc mắt hoặc xoang. Trong một số trường hợp, nguyên nhân là không rõ ràng.

Ai thường bị đau dây thần kinh sinh ba?

Đau dây thần kinh sinh ba không phổ biến. Khoảng 10 trong 100.000 người bị bệnh này mỗi năm. Bệnh chủ yếu xảy ra ở người lớn và thường bắt đầu ở tuổi 60 hoặc 70. Phụ nữ thường bị nhiều hơn đàn ông.

Biến chứng của chứng đau dây thần kinh sinh ba?

Đau dây thần kinh sinh ba có thể trầm trọng. Nếu không được điều trị, bạn có thể chán nản hoặc lo lắng. Bạn có thể không dám đánh răng hay không dám ăn vì sợ những việc ấy gây ra đau đớn. Điều này có thể dẫn đến giảm cân và tình trạng vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, vì nguyên nhân là áp lực từ mạch máu nên không có biến chứng ảnh hưởng đến dây thần kinh sinh ba hoặc đến não.
Trong một số ít các trường hợp, đau dây thần kinh sinh ba xảy ra do những bệnh khác mà các triệu chứng khác của bệnh này xuất hiện sau đó. Ví dụ như trong bệnh xơ cứng rải rác, đau dây thần kinh sinh ba có thể xuất hiện cùng với liệt cơ, mất thăng bằng hoặc giảm thị lực.

Tôi có cần chụp não hoặc các xét nghiệm khác không?

Thường là không. Chẩn đoán đau dây thần kinh sinh ba dựa trên các triệu chứng điển hình. Một người đau dây thần kinh sinh ba điển hình là một người lớn tuổi, có triệu chứng kinh điển, không có triệu chứng khác cho thấy có bệnh tiềm ẩn khác như bệnh xơ cứng rải rác và đáp ứng tốt với thuốc điều trị (xem bên dưới). Trong trường hợp điển hình này, việc chụp não hay làm xét nghiệm khác thường không cần thiết.

Tuy nhiên, chụp cộng hưởng từ não (MRI) có thể được xem xét trong một số trường hợp. Ví dụ:
• Khi chẩn đoán không được chắc chắn (nếu có các triệu chứng không điển hình).
• Khi nghi ngờ nguyên nhân do tổn thương khác.
• Khi đau dây thần kinh sinh ba xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi).
• Khi bệnh không cải thiện với điều trị bằng thuốc (xem bên dưới).
• Khi phẫu thuật được chỉ định.

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn nếu cần chụp MRI.

Các loại thuốc điều trị đau dây thần kinh sinh ba là gì?

Carbamazepine là lựa chọn phổ biến

Carbamazepine nằm trong nhóm thuốc chống co giật. Nó thường được sử dụng để điều trị bệnh động kinh. Đau dây thần kinh sinh ba không phải là bệnh động kinh. Tuy nhiên tác dụng của carbamazepine là ổn định các xung thần kinh và nó thường điều trị đau dây thần kinh sinh ba rất tốt. Có khả năng khá cao là carbamazepine sẽ giảm bớt triệu chứng trong vòng 1-2 ngày.

Thuốc thường được bắt đầu với liều thấp và tăng dần cho đến khi đạt mức cần thiết để ức chế những cơn đau. Sau đó thuốc nên được duy trì thường xuyên để ngăn chặn cơn đau trở lại. Liều carbamazepine cần thiết để kiểm soát cơn đau thay đổi tùy người.

Thông thường, carbamazepine được duy trì cho đến khoảng một tháng sau khi hết những cơn đau. Sau đó liều có thể được giảm dần và chấm dứt nếu có thể. Bệnh nhân có thể không bị tái phát trong một thời gian sau đó (giai đoạn thuyên giảm). Tuy nhiên, những cơn đau có thể sẽ quay trở lại trong tương lai. Khi đó việc điều trị sẽ được tái khởi động. Một số người thấy rằng carbamazepine có tác dụng tốt lúc đầu nhưng trở nên kém hiệu quả hơn trong những năm sau.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng carbamazepine, nhất là khi thuốc được dùng với liều cao hơn mức cần thiết. Tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm: buồn ngủ, khó chịu, mệt mỏi và chóng mặt. Thường thường, những tác dụng phụ này chỉ là thoáng qua, do đó việc điều trị bằng thuốc vẫn nên được duy trì nếu đau được giảm bớt và tác dụng phụ không quá tệ.

Mặc dù hiếm, carbamazepine có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên gan hoặc máu. Vì vậy, hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu có những vấn đề sau trong khi dùng thuốc: sốt, đau họng, loét miệng, thâm (bầm) tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân, vàng da, phát ban – đặc biệt là nếu phát ban là các chấm nhỏ màu tím – bị tróc/lột da, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn. Những triệu chứng này có thể do máu hoặc gan bị ảnh hưởng.

Các loại thuốc khác

Các loại thuốc khác có thể được sử dụng nếu carbamazepine không có tác dụng tốt hoặc gây ra tác dụng phụ xấu. Chúng bao gồm các loại thuốc giúp ổn định xung động thần kinh. Ví dụ: gabapentin, oxcarbazepine, baclofen hoặc lamotrigine. Đôi khi, sự kết hợp hai loại thuốc là cần thiết nếu việc dùng một loại không đủ hiệu quả. Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc codeine không chữa được đau dây thần kinh sinh ba.

Kích thích não sâu

Nếu bạn bị đau dây thần kinh sinh ba rất nặng và không đáp ứng với thuốc, bạn có thể được điều trị theo phương pháp này. Kích thích não sâu là phương pháp truyền xung điện vào một phần của não bằng cách sử dụng đầu dò. Chụp não (thường là MRI hoặc CT) sẽ được sử dụng để đảm bảo đầu dò đặt đúng vị trí. Tùy theo lựa chọn của bạn, gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân sẽ được chỉ định. Vì phương pháp này còn tương đối mới, những rủi ro và lợi ích của nó vẫn đang được nghiên cứu. Bạn có khả năng được điều trị như một phần của quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Lựa chọn phẫu thuật để điều trị

Phẫu thuật là một lựa chọn nếu thuốc không có tác dụng hoặc gây tác dụng phụ. Về cơ bản, phẫu thuật điều trị đau dây thần kinh sinh ba được chia làm hai loại:

  • Phẫu thuật giải ép vi mạch: Như đã đề cập trước đó, hầu hết các trường hợp của đau dây thần kinh sinh ba là do mạch máu trong não đè lên dây thần kinh sinh ba khi nó rời khỏi hộp sọ. Phẫu thuật giải ép vi mạch là phẫu thuật làm giảm áp lực do mạch máu gây lên dây thần kinh sinh ba dẫn đến giảm đau. Vì vậy, phương pháp này là lựa chọn tốt nhất để kiểm soát triệu chứng lâu dài. Tuy nhiên, đây là một ca mổ cần gây mê toàn thân và phẫu thuật não để tiếp cận đến gốc của dây thần kinh trong não. Mặc dù phẫu thuật thường thành công, một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau phẫu thuật với tỉ lệ thấp, chẳng hạn như đột quỵ hoặc điếc. Rất ít người bị tử vong do phẫu thuật này.
  • Điều trị phẫu thuật đốt hủy: Có những cách khác nhau để phá hủy gốc của dây thần kinh sinh ba qua đó giảm nhẹ triệu chứng. Ví dụ, xạ phẫu định vị (stereotactic radiosurgery, hay phẫu thuật bằng dao gamma). Phẫu thuật này hướng bức xạ nhắm vào rễ dây thần kinh sinh ba để tiêu diệt chúng. Lợi thế của phương pháp này là dễ thực hiện hơn phẫu thuật giải nén vi mạch vì không liên quan đến phẫu thuật não. Vì vậy, nguy cơ bị biến chứng nặng hoặc tử vong sẽ ít hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị mất cảm giác một phần khuôn mặt hoặc mắt, vì phương pháp này có thể làm dây thần kinh không còn hoạt động bình thường nữa. Ngoài ra, khả năng tái phát sau phẫu thuật đốt hủy là cao hơn phẫu thuật giải ép.

Cả hai phương pháp giải ép vi mạch và điều trị đốt hủy đều có thể chữa khỏi bệnh với tỉ lệ cao. Tuy nhiên, mỗi phương pháp có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Nếu bạn đang cân nhắc việc phẫu thuật, những lời khuyên từ chuyên gia là rất cần thiết và có thể giúp bạn quyết định phương pháp nào là tốt nhất cho mình.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/Trigeminal-Neuralgia.htm
http://www.bvngoaithankinhqt.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=38
http://bjr.birjournals.org/content/74/881/458.figures-only
http://www.fpa-support.org/2013/01/korean-researchers-help-predict-whether-mvd-will-work-in-tn-patients/
http://www.bvngoaithankinhqt.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=38

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Lâm Xuân Nhã - BS. Lê Trần Minh Sử
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Mất điều hòa (thất điều) và rối loạn chức năng vận động tiểu não

(93)
Giới thiệu chung Tiểu não và thân não Mất điều hòa (thất điều) là thiếu sự kiểm soát của cơ hoặc thiếu sự phối hợp của các vận động tự chủ, ... [xem thêm]

Rối loạn lo âu

(46)
Định nghĩa Thỉnh thoảng lo âu là điều bình thường trong cuộc sống. Bạn có thể cảm thấy lo âu khi gặp phải một vấn đề trong công việc, trước khi thi ... [xem thêm]

Điều trị tự kỷ

(94)
Điều trị tự kỷ Không có điều trị nào giúp chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tự kỷ cũng như không có một phương pháp điều trị nào có thể áp dụng với ... [xem thêm]

Hội chứng cơ hình lê (cơ tháp)

(96)
Hình: Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp Hội chứng cơ hình lê là gì? Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp (Piriformis syndrome) là một rối ... [xem thêm]

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em

(74)
Định nghĩa Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường ... [xem thêm]

Bệnh Wilson

(68)
Bệnh Wilson là gì? Bệnh Wilson là bệnh di truyền gây tích tụ quá nhiều đồng trong cơ thể. Đây là rối loạn di truyền hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1 trên 30.000 ... [xem thêm]

Thay đổi cảm xúc sau đột quỵ

(11)
Sau cơn đột quỵ, bệnh nhân có thể phản ứng theo kiểu này, nhưng vài tuần sau đó lại theo kiểu khác. Một số bệnh nhân sau đột quỵ có thể phản ... [xem thêm]

Rối loạn vận động trong bệnh teo đa hệ thống

(26)
Bệnh teo đa hệ thống (multiple system atrophy – MSA) là một bệnh thoái hóa thần kinh, tăng tiến dần với các triệu chứng của parkinson, thất điều tiểu não, suy ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN