Việc chẩn đoán cơn đột quỵ đang tiến triển là cực kỳ quan trọng, bởi vì cách thức điều trị đột quỵ được quyết định tùy vào kiểu đột quỵ, và trong một số trường hợp, tùy cả vào vị trí của tổn thương não.
Những tình trạng bệnh lý khác có các triệu chứng tương tự như đột quỵ và cơn thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack, TIA) sẽ phải được loại trừ để chẩn đoán đột quỵ. Một số tình trạng đó là co giật, ngất, đau nửa đầu, các vấn đề về tim hoặc các bệnh lý khác.
Đột quỵ được chẩn đoán như thế nào?
Xác định kiểu đột quỵ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là do động mạch não bị tắc.
Đột quỵ do xuất huyết là do mạch máu não bị vỡ.
Điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ khác với điều trị đột quỵ do xuất huyết.
Thời gian từ khi có triệu chứng đến khi có chẩn đoán chính xác
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể được điều trị bằng thuốc làm tan huyết khối (cục máu đông), gọi là tPA (chất hoạt hóa plasminogen mô). Vì vậy, điều quan trọng là phải có được chẩn đoán chính xác trước khi bắt đầu điều trị.
Để bệnh nhân được điều trị bằng thuốc làm tan huyết khối như tPA, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và điều trị cho bệnh nhân trong vòng 4,5 giờ từ khi triệu chứng bắt đầu. Việc này thường được tiến hành trong phòng cấp cứu. Nếu đã quá 4,5 giờ, tPA không được dùng nữa.
Trong phòng cấp cứu, bác sĩ hoặc nhóm cấp cứu đột quỵ có thể sẽ:
- Hỏi bệnh nhân xem những triệu chứng của đột quỵ bắt đầu từ lúc nào
- Hỏi về bệnh sử (bao gồm bệnh sử gia đình, nghề nghiệp, thói quen…)
- Thăm khám tổng quát và hệ thần kinh.
- Làm một số xét nghiệm (máu)
- Chụp CT (cắt lớp điện toán) hoặc MRI (cộng hưởng từ) não. Thông tin từ những hình ảnh của bộ não sẽ giúp xác định kiểu đột quỵ.
- Xem xét các kết quả xét nghiệm cần thiết khác.
Có những loại xét nghiệm chẩn đoán nào?
Các xét nghiệm cung cấp thông tin về cấu trúc (hình dạng), chức năng (cách hoạt động) cũng như tình trạng mạch máu (sự tưới máu) của bộ não. Hầu hết các xét nghiệm đều an toàn và không gây đau.
Các xét nghiệm chẩn đoán được chia thành hai nhóm là xét nghiệm hình ảnh và khảo sát dòng chảy của máu.
Xét nghiệm hình ảnh
- CT (chụp cắt lớp điện toán) hoặc chụp CAT: Trong CT, tia xạ được sử dụng để tạo ra hình ảnh của não (giống như khi chụp X-quang). CT thường là một trong những xét nghiệm được cho làm trước tiên đối với bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ. Kết quả chụp CT cung cấp những thông tin có giá trị về nguyên nhân của đột quỵ, vị trí và phạm vi vùng não bị tổn thương.
- MRI (chụp cộng hưởng từ): Trong MRI, từ trường mạnh được sử dụng để tạo ra hình ảnh của não. Cũng giống như chụp CT, chụp cộng hưởng từ cho thấy vị trí và phạm vi của vùng não bị tổn thương. Hình ảnh MRI rõ nét hơn và chi tiết hơn CT, vì vậy MRI thường được dùng để chẩn đoán những tổn thương nhỏ và sâu.
- CTA (chụp cắt lớp điện toán mạch máu): Trong CTA, một chất tương phản đặc biệt (thuốc cản quang) được bơm vào tĩnh mạch và hình ảnh các mạch máu được chụp lại để khảo sát các bất thường, chẳng hạn như túi phình động mạch.
- MRA (chụp cộng hưởng từ mạch máu): Trong xét nghiệm này, hình ảnh mạch máu được chụp lại bằng máy quét cộng hưởng từ để xác định chỗ phình động mạch não.
Khảo sát dòng chảy của máu
Khảo sát này cho biết thông tin về tình trạng của các động mạch cung cấp máu cho não chạy trong đầu và cổ của bệnh nhân.
- Chụp mạch máu não (hay Chụp động mạch não, Chụp DSA). Trong xét nghiệm này, Một chất cản quang đặc biệt được tiêm vào mạch máu qua catheter (ống thông) và sau đó dùng X-quang chụp lại. Khảo sát này cho hình ảnh động về dòng máu chảy trong các mạch máu, giúp đánh giá kích thước và vị trí của chỗ bị tắc. Xét nghiệm này cũng rất có giá trị trong việc chẩn đoán phình hoặc dị dạng mạch máu.
Những câu hỏi có thể hỏi bác sĩ và y tá
Hãy dành vài phút để viết ra các câu hỏi mà bạn quan tâm để hỏi nhân viên y tế. Một trong số đó có thể là:
- Những xét nghiệm này có gây ra biến chứng không?
Tài liệu tham khảo
1. http://www.strokeassociation.org/idc/groups/stroke-public/@wcm/@hcm/documents/downloadable/ucm_309722.pdf
2. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003799.htm