Sau cơn đột quỵ, bệnh nhân có thể phản ứng theo kiểu này, nhưng vài tuần sau đó lại theo kiểu khác. Một số bệnh nhân sau đột quỵ có thể phản ứng bằng sự buồn bã; một số khác lại vui vẻ. Những cảm xúc này có thể xảy ra do các nguyên nhân sinh học và tâm lý gây ra bởi đột quỵ. Những thay đổi này có thể biến đổi theo thời gian và có thể gây trở ngại cho việc phục hồi chức năng.
Đột quỵ gây ra những thay đổi cảm xúc bằng cách nào?
Cảm xúc thường khó kiểm soát, đặc biệt là ngay sau cơn đột quỵ. Một số thay đổi là kết quả của tổn thương thực thể và những thay đổi về mặt hóa học trong não do đột quỵ gây ra.
Một số thay đổi cảm xúc khác là phản ứng bình thường trước những thách thức, nỗi sợ hãi và sự chán nản mà một người có thể cảm thấy khi đang cố gắng đối mặt với những ảnh hưởng của đột quỵ. Thông thường, việc nói về những tác động của đột quỵ và ghi nhận những cảm giác này sẽ giúp bệnh nhân sau đột quỵ đối mặt và thích nghi với những cảm xúc đó.
Những thay đổi cảm xúc thường gặp sau đột quỵ là gì?
Cảm xúc giả hành não, hay “cảm xúc biến thiên”, “khóc phản xạ” hoặc “tâm trạng không ổn định” có thể gây nên những hiện tượng sau đây:
- Thay đổi cảm xúc nhanh chóng: bệnh nhân có thể “òa khóc nức nở” không vì lý do cụ thể nào và nhanh chóng nín khóc hoặc có thể bắt đầu cười to.
- Khóc hoặc cười không phù hợp với tâm trạng.
- Khóc hoặc cười vào những thời điểm bất thường hoặc kéo dài hơn mức thông thường.
Trầm cảm sau đột quỵ có những đặc điểm sau đây:
- Cảm giác buồn bã
- Cảm giác tuyệt vọng hoặc vô dụng
- Dễ nóng giận, cáu gắt
- Thay đổi trong việc ăn uống, ngủ và suy nghĩ
Trầm cảm sau đột quỵ có thể cần phải được điều trị. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể là một trở ngại cho quá trình phục hồi của bệnh nhân. Đừng ngần ngại dùng thuốc chống trầm cảm mà bác sĩ đã chỉ định.
Những thay đổi cảm xúc thường gặp khác bao gồm:
- Chán nản
- Lo lắng
- Giận dữ
- Thờ ơ hoặc không quan tâm tới những chuyện đang xảy ra
- Thiếu động lực
- Trầm cảm hoặc buồn bã
Làm thế nào để thích nghi với những thay đổi cảm xúc này?
- Hãy tự nhủ rằng cảm giác của bản thân là không “tốt” cũng không “xấu”. Hãy làm quen với các cảm xúc của mình mà không cần phải cảm thấy tội lỗi.
- Tìm những người hiểu được cảm giác của bạn. Hỏi tìm các nhóm trợ giúp.
- Tập luyện thường xuyên, đầy đủ và làm những hoạt động mà bạn thích.
- Tự thưởng cho bản thân về những tiến bộ đã đạt được. Hãy ăn mừng những tiến bộ, cả lớn lẫn nhỏ.
- Học cách “tự nói” với mình một cách tích cực. Hãy cho phép mình được sai sót.
- Yêu cầu bác sĩ giúp đỡ. Hãy đề nghị được giới thiệu đến một chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được tư vấn tâm lý và/hoặc được cho thuốc.
- Đột quỵ có thể khiến bạn dễ bị mệt. Hãy nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt. Hãy chắc chắn rằng bạn ngủ đủ giấc hằng đêm. Đôi khi, việc thiếu ngủ có thể gây ra những thay đổi cảm xúc và cũng khiến bạn khó thích nghi.
Những câu hỏi có thể hỏi bác sĩ và y tá
Hãy dành vài phút để viết ra các câu hỏi mà bạn quan tâm để hỏi nhân viên y tế. Một trong số đó có thể là:
- Người nhà có thể làm gì để giúp tôi mỗi khi tôi xúc động?
- Những thay đổi cảm xúc này sẽ đỡ dần chứ?
Tài liệu tham khảo
http://www.strokeassociation.org/idc/groups/stroke-public/@wcm/@hcm/documents/downloadable/ucm_309718.pdf