Giới thiệu
Nếu suy xét kỹ về rất nhiều việc cần dùng bàn tay, bạn sẽ hiểu vì sao các khớp ở ngón tay lại rất quan trọng. Viêm khớp ngón tay có nhiều nguyên nhân và khớp ngón tay bị viêm sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày do đau và biến dạng khớp. Đau không chịu đựng nổi hoặc biến dạng khớp nặng hơn do viêm có thể là dấu hiệu cho thấy cần phải điều trị bằng phẫu thuật.
Hướng dẫn này sẽ giúp bạn hiểu:
- Tiến triển của bệnh viêm khớp ngón tay
- Cách chẩn đoán của các bác sĩ
- Những phương thức điều trị hiện có
Giải phẫu
Khớp ngón tay bình thường hoạt động như thế nào?
Xương ở lòng bàn tay được gọi là xương đốt bàn tay. Mỗi xương đốt bàn tay sẽ nối với mỗi ngón tay. Những xương nhỏ gọi là xương đốt ngón tay sẽ xếp nối tiếp nhau tạo thành các ngón tay.
Các khớp ngón tay chính ở bàn tay được tạo thành bởi sự kết nối giữa xương đốt ngón tay và xương đốt bàn tay. Các khớp này được gọi là khớp bàn ngón tay. Khớp bàn ngón tay này cử động giống như cái bản lề cửa khi bạn gập ngón tay lại hoặc duỗi thẳng ngón tay ra.
Ba xương đốt ngón tay ở mỗi ngón tay nối với nhau bởi hai khớp, gọi là khớp liên đốt ngón tay. Cái gần với khớp bàn ngón tay nhất được gọi là khớp liên đốt gần. Khớp gần đầu ngón tay gọi là khớp liên đốt xa. Riêng ngón cái chỉ có một khớp liên đốt giữa hai xương đốt ngón cái. Các khớp liên đốt này cũng hoạt động như khớp bản lề khi bạn gập và duỗi ngón tay.
Các khớp ngón tay được bao phủ ở ngoài cùng bởi lớp sụn khớp. Chất sụn trắng bóng này có độ cứng như cao su. Chức năng của sụn khớp là hấp thu các va chạm và tạo một bề mặt cực kỳ trơn láng để thuận lợi cho chuyển động. Sụn khớp rất cần thiết ở bất kỳ chỗ nào mà bề mặt của hai xương chuyển động về phía nhau, hoặc khớp nhau.
Nguyên nhân
Viêm khớp xảy ra do những nguyên nhân gì?
Viêm khớp thoái hoá là tình trạng khớp bị hao mòn, hay thoái hoá, thường diễn ra từ từ qua nhiều năm. Viêm khớp thoái hoá còn được gọi là viêm khớp xương hoặc thoái hoá khớp.
Xem thêm bài Viêm xương khớp ( thoái hóa khớp) của BS. Huỳnh Kim Hiệu và TS.BS Phạm Nguyên QúyCác dạng chấn thương, như bong gân nặng hoặc gãy xương, có thể gây tổn thương sụn khớp. Chấn thương gây ảnh hưởng đến bất cứ khớp ngón tay nào, thậm chí cả khi nó không trực tiếp tác động đến sụn khớp, cũng có thể làm thay đổi hoạt động của khớp. Sau khi bị gãy, xương sẽ lành theo một cách hơi khác so với trước và ảnh hưởng đến cách sắp xếp các khớp liên quan. Khi chấn thương làm khớp thay đổi cách sắp xếp và chuyển động, lực có thể bắt đầu đè ép lên bề mặt sụn khớp. Hiện tượng này cũng tương tự như máy móc bị mất cân bằng sẽ hư nhanh hơn. Qua thời gian, sự mất cân bằng trong khớp sẽ dẫn tới phá hủy sụn khớp. Vì sụn khớp không thể tự phục hồi tốt, tổn thương sẽ càng nặng thêm. Dần dần, khớp sẽ không thể chịu đựng được những tổn thương tăng dần này và triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Quá trình phá hủy khớp bắt đầu ngay khi các dấu hiệu viêm khớp xuất hiện.
Triệu chứng (Biểu hiện bệnh)
Viêm khớp thường có những biểu hiện nào?
Đau là vấn đề chính của viêm khớp. Đầu tiên, đau chỉ xuất hiện khi bạn bắt đầu một hoạt động. Khi đang hoạt động, cơn đau thường giảm bớt. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi được vài phút thì cơn đau và cứng khớp sẽ tăng lên. Khi viêm khớp nặng hơn, cơn đau sẽ xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Do tác động của viêm, khớp bị ảnh hưởng sẽ bị sưng và ấm.
Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, ngón tay thường biến dạng khi bệnh tiến triển. Các khớp bàn ngón tay bắt đầu hướng về một bên (về phía ngón út). Hiện tượng này gọi là lệch về phía xương trụ, có thể gây yếu tay và đau, gây khó khăn trong việc sử dụng bàn tay trong hoạt động thường ngày.
Cả bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hoá khớp đều có thể ảnh hưởng đến khớp liên đốt ngón tay. Khớp liên đốt sẽ bắt đầu gập hoặc duỗi quá mức, tạo thành các biến dạng đặc trưng. Biến dạng cổ thiên nga xuất hiện khi các khớp liên đốt gần bị lỏng và duỗi quá mức, trong khi khớp liên đốt xa bị gập lại. Khi khớp liên đốt gần bị gập và khớp liên đốt xa duỗi ra sẽ tạo thành biến dạng boutonniere.
Xem thêm bệnh viêm khớp dạng thấp của BS. Phan Thị Xuân ViênCả hai bệnh viêm khớp đều làm to mặt sau các khớp liên đốt gần. Những vùng này có thể đau và sưng. Khớp liên đốt gần sưng to tạo thành các nốt Bouchard. Thoái hoá khớp cũng gây ra tình trạng sưng to tương tự ở khớp liên đốt xa, gọi là nốt Heberden.
Chẩn đoán
Các bác sĩ xác định bệnh viêm khớp như thế nào?
Chẩn đoán viêm khớp của khớp ngón tay bắt đầu từ bệnh sử. Chi tiết về bất kỳ chấn thương nào từng xảy ra ở bàn tay rất quan trọng và có thể gợi ý về các nguyên nhân khác cho tình trạng bệnh hiện tại.
Dựa trên bệnh sử, bác sĩ sẽ khám bàn tay và các khớp khác trên cơ thể. Bác sĩ cần xem xét cử động của mỗi khớp đã bị ảnh hưởng thế nào.
Bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang để biết các khớp bị thay đổi như thế nào. Xét nghiệm này có thể giúp xác định mức độ thoái hóa khớp do viêm khớp. Phim X-quang còn giúp bác sĩ ước lượng lượng sụn khớp trên bề mặt khớp.
Điều trị
Viêm khớp được điều trị như thế nào?
Điều trị không can thiệp phẫu thuật
Điều trị thường được bắt đầu khi khớp bị đau. Nếu khớp chỉ đau khi làm việc nặng hoặc nhiều thì có thể dùng thuốc kháng viêm nhẹ, như Aspirin hay Ibuprofen. Việc giảm hoạt động hoặc thuyên chuyển khỏi công việc đòi hỏi nhiều cử động lặp lại của bàn tay và ngón tay có thể là cần thiết để giúp kiểm soát triệu chứng bệnh.
Việc tiêm Cortisone vào khớp ngón tay có thể giúp giảm đau tạm thời. Cortisone là thuốc kháng viêm rất mạnh. Khi tiêm vào khớp, Cortisone sẽ giúp giảm đau. Tác dụng này chỉ kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Thủ thuật này sẽ đi kèm nguy cơ thấp về nhiễm trùng khớp. Bất kỳ thủ thuật tiêm khớp nào cũng có nguy cơ nhiễm trùng khớp, cả kể tiêm Cortisone vào khớp.
Hoạt động phục hồi chức năng, như vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu, đóng vai trò thiết yếu trong điều trị viêm khớp ngón tay không can thiệp bằng phẫu thuật. Mục tiêu chính là giúp bạn biết cách kiểm soát triệu chứng và biết cách giữ bàn tay và các khớp ngón tay ở tình trạng tốt nhất. Bạn sẽ học cách làm dịu cơn đau và triệu chứng, bao gồm nghỉ ngơi, giảm đau bằng nhiệt hoặc thuốc thoa ngoài da.
Băng thun hoặc nẹp ngón tay tùy chỉnh theo từng cá nhân có thể được dùng để hỗ trợ khớp ngón tay. Những thiết bị này được thiết kế để giảm đau, ngăn ngừa biến dạng khớp, hoặc ngăn khớp đã biến dạng bị nặng hơn.
Bài tập về biên độ chuyển động (ROM) và căng cơ sẽ được đề nghị để cải thiện khả năng vận động của ngón tay. Bài tập tăng sức mạnh cho cánh tay và bàn tay sẽ giúp giữ vững bàn tay và bảo vệ ngón tay khỏi sốc và áp lực. Nhân viên phục hồi chức năng sẽ đưa ra các lời khuyên để giúp bạn hoàn thành bài tập mà không bị quá sức.
Phẫu thuật
Hàn xương
Phương pháp hàn xương (hay làm cứng khớp) dùng cho bất cứ khớp nào đều nhằm mục đích loại bỏ cơn đau bằng cách cho phép các xương tạo thành khớp đó phát triển về phía nhau, hoặc kết hợp với nhau để tạo thành một khối xương đặc. Hàn xương được dùng cho nhiều khớp và đã rất phổ biến trước khi phương pháp thay khớp nhân tạo được phát minh. Hiện nay, hàn xương vẫn còn rất phổ biến trong việc điều trị đau và biến dạng khớp do viêm. Hàn xương được dùng phổ biến cho khớp liên đốt gần và liên đốt xa, mang lại hiệu quả chắc chắn hơn và dễ hơn rất nhiều so với việc cố gắng giữ lại chuyển động khớp bằng cách thay khớp.
Thay khớp nhân tạo
Hiện đã có khớp nhân tạo cho khớp ngón tay. Phẫu thuật viên chuyên về bàn tay sẽ dùng các khớp nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại để thay cho các khớp bị viêm. Khớp nhân tạo tạo thành một bản lề mới, cho phép khớp chuyển động tự do và giảm đau. Thủ thuật đặt khớp mới vào được gọi là thay khớp.
Phục hồi chức năng
Tôi nên làm gì sau khi điều trị?
Trong trường hợp không phẫu thuật
Nếu không phẫu thuật, bạn nên bắt đầu các bài tập về biên độ vận động (ROM) cho ngón tay khi đã bớt đau. Theo sau đó là các bài tập về sức mạnh. Nhân viên phục hồi chức năng sẽ cùng bạn làm ra các dải băng thun hoặc nẹp ngón tay dành riêng cho bạn (đã đề cập ở trên) nếu cần. Các bài tập về vận động tinh tế được dùng để giúp bàn tay và ngón tay của bạn chuyển động nhịp nhàng. Bạn sẽ nhận thêm các lời khuyên để kiểm soát triệu chứng và chuyển sang tập luyện tại nhà sau 4 đến 6 tuần.
Trong trường hợp phẫu thuật
Bàn tay của bạn sẽ được nâng đỡ bằng một miếng đệm dày và một nẹp ngón tay để hỗ trợ sau phẫu thuật. Các bài tập vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu thường là cần thiết trong 8 tuần sau phẫu thuật. Một số điều trị ban đầu sẽ giúp kiểm soát đau và sưng sau mổ. Bạn cũng sẽ cần bắt đầu một vài bài tập để tăng sức mạnh của cơ và giữ vững các cơ quanh khớp ngón tay. Sẽ có các bài tập khác để cải thiện kiểm soát vận động tinh tế và các chức năng của bàn tay. Bạn sẽ nhận được lời khuyên về cách thực hiện các hoạt động để tránh không gây thêm sức ép lên khớp ngón tay.
Xem thêm bài Phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp của TS.BS Trần Văn Vương