Cắt mí mắt

(3.71) - 50 đánh giá

Tìm hiểu về phẫu thuật cắt mí mắt

Phẫu thuật cắt mí mắt là gì?

Khi chúng ta lớn tuổi, mí mắt sẽ giãn ra và các cơ hỗ trợ chúng yếu đi, dẫn đến tích tụ chất béo dư ở trên và dưới mí mắt làm cho lông mày chảy xệ, mí mắt trên sụp xuống và xuất hiện bọng mắt. Điều này làm cho bạn trông già hơn và da bị chảy xệ nghiêm trọng quanh mắt có thể làm giảm tầm nhìn (tầm nhìn ngoại vi), đặc biệt là tầm nhìn phần trên và xung quanh.

Phẫu thuật cắt mí mắt, còn được gọi là phẫu thuật chỉnh hình mí mắt, là một loại phẫu thuật sửa chữa mí mắt bị sụp bằng cách loại bỏ da thừa, cơ và mỡ.

Mục đích của phẫu thuật cắt mí mắt là loại bỏ những vấn đề về thị giác và giúp đôi mắt trông trẻ trung và lanh lợi hơn.

Khi nào bạn cần thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt?

Bạn có thể cân nhắc phẫu thuật cắt mí mắt nếu mí mắt bị rủ hoặc sụp xuống khiến mắt không thể mở hoàn toàn. Việc loại bỏ mô thừa ở mí mắt trên có thể cải thiện thị lực.

Phẫu thuật chỉnh hình mí mắt có thể là một lựa chọn tốt nếu bạn có:

  • Bọng mắt hoặc mí mắt trên xệ
  • Da dư ở mí mắt trên gây cản trở tầm nhìn ngoại vi
  • Da dư ở mí mắt dưới
  • Quầng thâm dưới mắt

Thận trọng khi phẫu thuật cắt mí mắt

Những điều bạn nên biết trước khi thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt

Những người có thể thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt bao gồm:

  • Người khỏe mạnh không có tình trạng sức khỏe làm giảm khả năng lành vết thương
  • Không hút thuốc lá
  • Những người có cái nhìn tích cực và mục tiêu thực tế
  • Những người không có các tình trạng nghiêm trọng về mắt

Các chống chỉ định tương đối và tuyệt đối với phẫu thuật bao gồm mí mắt dưới quá lỏng, sa lông mày đáng kể (rủ xuống hoặc nặng) – bác sĩ có thể yêu cầu nâng lông mày, mắt lồi hoặc phồng mắt liên quan đến vành xương xung quanh mắt, các bệnh hệ thống như chảy máu quá nhiều hoặc khó lành vết thương, các triệu chứng của bệnh khô mắt.

Các biến chứng và tác dụng phụ

Sau khi phẫu thuật, bạn có thể có các triệu chứng tạm thời như:

  • Tầm nhìn mờ do thuốc mỡ bôi mắt
  • Chảy nước mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Nhìn đôi
  • Mắt sưng húp, mí mắt tê liệt
  • Sưng và bầm tím
  • Đau hoặc khó chịu

Rủi ro của phẫu thuật cắt mí mắt có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng và chảy máu
  • Mắt bị khô, kích thích
  • Khó nhắm mắt hoặc các vấn đề mí mắt khác
  • Sẹo nổi rõ
  • Chấn thương cơ mắt
  • Đổi màu da
  • Mờ mắt tạm thời hoặc mất thị lực (hiếm gặp)
  • Rủi ro liên quan đến phẫu thuật nói chung, bao gồm phản ứng gây mê và cục máu đông.

Điều quan trọng là bạn cần hiểu các biện pháp phòng ngừa, các biến chứng và tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi phẫu thuật cắt mí mắt. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để biết thêm thông tin.

Quy trình phẫu thuật cắt mí mắt

Chuẫn bị trước khi phẫu thuật cắt mí mắt

Trước khi lên lịch phẫu thuật, bạn sẽ gặp bác sĩ thực hiện và thảo luận với họ về những nội dung sau:

  • Lịch sử y tế của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi về các phẫu thuật bạn từng làm trước đây (nếu có), tình trạng sức khỏe trong hiện tại cũng như quá khứ, chẳng hạn bạn bị khô mắt, tăng nhãn áp, vitamin, thảo dược bổ sung, rượu và thuốc lá.
  • Sự mong đợi từ phẫu thuật cũng được thảo luận, từ đó bác sĩ có thể tư vấn về những liệu trình phù hợp với bạn.

Trước khi thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt, bạn sẽ trải qua:

  • Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, bao gồm kiểm tra tình trạng tiết nước mắt cũng như đánh giá các phần của mí mắt.
  • Kiểm tra thị lực. Bác sĩ mắt tiến hành kiểm tra mắt và thị lực của bạn, bao gồm cả tầm nhìn ngoại vi.
  • Chụp ảnh mí mắt. Đôi mắt bạn trước khi phẫu thuật sẽ được chụp ảnh từ các góc độ khác nhau. Những bức ảnh này giúp lập kế hoạch phẫu thuật, đánh giá hiệu quả trước mắt và lâu dài của nó và giúp hỗ trợ khi có bảo hiểm.

Bên cạnh đó, bạn có thể được yêu cầu:

  • Ngưng sử dụng các thuốc aspirin, ibuprofen, naproxen natri, naproxen hay bất kỳ loại thuốc thảo dược nào làm tăng quá trình chảy máu. Bạn hãy hỏi bác sĩ cần dừng các thuốc này bao lâu trước khi tiến hành phẫu thuật và trong quá trình chuẩn bị, bạn chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định.
  • Bỏ thuốc lá vài tuần trước khi phẫu thuật. Hút thuốc có thể làm giảm khả năng hồi phục sau phẫu thuật.
  • Nhờ người thân đưa đón sau khi thực hiện phẫu thuật. Bạn cần có người ở lại với bạn trong đêm đầu tiên khi trở về nhà sau cắt mí mắt.

Quá trình phẫu thuật cắt mí mắt

Thời gian phẫu thuật tùy thuộc vào loại thủ thuật và mức độ sửa chữa mà bạn nhắm đến. Phẫu thuật cắt mí mắt có thể kéo dài đến hàng giờ.

Phẫu thuật này thường được thực hiện tại cơ sở ngoại trú. Bác sĩ phẫu thuật tiêm thuốc tê vào mí mắt và thuốc tĩnh mạch giúp bạn thư giãn.

Nếu bạn làm phẫu thuật cắt mí mắt trên và dưới, bác sĩ thường cắt mí mắt trên trước. Bác sĩ sẽ cắt dọc theo nếp gấp của mí mắt, loại bỏ phần da dư thừa, cơ và có thể chất béo, sau đó khâu vết rạch lại.

Với mí mắt dưới, bác sĩ phẫu thuật rạch ngay dưới lông mi theo nếp nhăn tự nhiên của mắt hoặc bên trong mí mắt dưới. Bác sĩ sẽ loại bỏ hoặc định hình lại mỡ thừa, cơ và phần chảy xệ, sau đó đóng vết cắt lại.

Nếu mí mắt trên sụp xuống gần với con ngươi, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện chỉnh hình mí mắt với thủ thuật sa mí mắt.

Điều gì xảy ra sau phẫu thuật cắt mí mắt?

Sau khi phẫu thuật, bạn được chuyển đến phòng hồi sức để bác sĩ theo dõi các biến chứng. Bạn có thể về nhà sau đó và hồi phục ở nhà.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để biết thêm thông tin.

Phục hồi sau phẫu thuật cắt mí mắt

Bạn nên làm gì sau khi phẫu thuật cắt mí mắt?

Trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật cắt mí mắt, bạn có thể bôi thuốc mỡ và chườm lạnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể băng nhẹ mắt khi hoàn tất thủ thuật.

Bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc mắt, bôi thuốc hoặc uống thuốc để lành vết mổ và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp sau:

  • Chườm túi nước đá lên mắt trong 10 phút mỗi giờ sau khi phẫu thuật. Ngày hôm sau, bạn sử dụng túi nước đá chườm mí mắt từ 4–5 lần trong ngày.
  • Nhẹ nhàng lau mí mắt và nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc bôi thuốc mỡ theo quy định.
  • Tránh căng thẳng, nâng vật nặng và bơi lội trong một tuần.
  • Tránh các hoạt động nặng, như thể dục nhịp điệu và chạy bộ, trong một tuần.
  • Tránh hút thuốc lá.
  • Tránh dụi mắt.
  • Nếu sử dụng kính áp tròng, bạn không đeo chúng trong khoảng 2 tuần sau khi phẫu thuật.
  • Đeo kính râm màu tối để bảo vệ da mí mắt khỏi ánh nắng mặt trời và gió.
  • Kê đầu cao hơn ngực khi ngủ trong một vài ngày.
  • Chườm băng nén mát để giảm sưng.

Sau một vài ngày, bạn quay trở lại phòng mạch bác sĩ để cắt các mũi khâu (nếu có chỉ không tiêu).

Trong khoảng một tuần, bạn tránh dùng aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những biệt dược khác), naproxen sodium (Aleve, những biệt dược khác), naproxen (Naprosyn) và các loại thuốc bổ sung thảo dược khác có thể làm tăng chảy máu. Nếu cần, bạn sử dụng acetaminophen (Tylenol, những biệt dược khác) để kiểm soát cơn đau.

Đi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Nhịp tim bất thường
  • Đau mắt mới nghiêm trọng
  • Chảy máu
  • Các vấn đề về thị giác

Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Hội chứng Turcot

(18)
Tìm hiểu chungHội chứng Turcot là gì?Hội chứng Turcot là một tình trạng bệnh lý di truyền rất hiếm gặp, đặc trưng bởi sự phát triển của nhiều bướu ... [xem thêm]

Thoái hóa đốt sống cổ

(73)
Hầu hết trường hợp, lão hóa là nguyên nhân chủ yếu khiến đốt sống cổ bị thoái hóa. Tuy nhiên, ngày nay tỷ lệ người trẻ tuổi bị thoái hóa cột sống ... [xem thêm]

Gàu

(13)
Tìm hiểu chungGàu là bệnh gì?Gàu là bệnh mạn tính xuất hiện ở da đầu, biểu hiện của bệnh là làm bong tróc những mảnh da chết trên da đầu và triệu ... [xem thêm]

Hội chứng Cowden

(67)
Tìm hiểu chungHội chứng Cowden là gì?Hội chứng Cowden, còn được gọi là hội chứng đa u lành tính, là một bệnh di truyền đặc trưng chủ yếu bởi sự tăng ... [xem thêm]

Hội chứng đau cục bộ phức hợp

(89)
Tìm hiểu chungHội chứng đau cục bộ phức hợp là gì?Hội chứng đau cục bộ phức hợp là một dạng đau bất thường mãn tính thường ảnh hưởng đến một ... [xem thêm]

Rosacea (Chứng đỏ mặt)

(12)
Tìm hiểu chungBệnh Rosacea (Chứng đỏ mặt) là gì?Bệnh rosacea (hay còn gọi là chứng đỏ mặt) là một bệnh da phổ biến gây mẩn đỏ ở mặt và thường tạo ... [xem thêm]

Đau lưng mạn tính

(74)
Tìm hiểu về đau lưng mạn tínhĐau lưng mạn tính là gì?Đau lưng mạn tính hay đau lưng mãn tính là tình trạng đau lưng kéo dài hơn 3 tháng. Cơn đau lưng này có ... [xem thêm]

Triệt sản nữ

(46)
Tìm hiểu về phương pháp triệt sản nữTriệt sản nữ là gì?Triệt sản nữ là một phương pháp tránh thai, ngăn trứng tiếp cận tinh trùng. Các bác sĩ sẽ chặn ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN