Vẹo cột sống bẩm sinh

(3.74) - 33 đánh giá

Giới thiệu

Bệnh vẹo cột sống bẩm sinh là khiếm khuyết về độ cong ở mặt phẳng đứng ngang của cột sống lúc mới sinh. Tỷ lệ là 1 trên 10.000 trẻ sơ sinh và ít gặp hơn so với các loại vẹo cột sống bắt đầu xuất hiện ở tuổi vị thành niên.

Trẻ em bị vẹo cột sống bẩm sinh đôi khi còn có các dị tật đi kèm khác chẳng hạn như bất thường ở thận hoặc bàng quang.

Mặc dù vẹo cột sống bẩm sinh hiện diện ngay khi sinh, nhưng đôi khi nó không được phát hiện kịp thời cho đến khi trẻ đến tuổi vị thành niên.

Phân loại vẹo cột sống bẩm sinh

Hình thành không đầy đủ các đốt sống

Vì cột sống được tạo thành trước khi sinh nên một phần của một (hoặc nhiều) đốt sống có thể không được hình thành hoàn chỉnh. Khi điều đó xảy ra, các bất thường được gọi là tật nửa đốt sống và có thể tạo thành một góc gù vẹo ở cột sống. Góc vẹo có thể trầm trọng hơn khi trẻ lớn lên.

Bất thường này có thể xảy ra với một hoặc nhiều đốt sống khác nhau trên chiều dài cột sống. Khi có nhiều hơn một đốt sống bị tật thiếu nửa đốt sống, các đốt sống này đôi khi sẽ bù trừ cho nhau và làm cột sống cân đối hơn.

Phân chia các đốt sống không hoàn chỉnh

Trong quá trình phát triển của thai nhi, hình thái cột sống đầu tiên là một cột liên tục duy nhất mà sau đó sẽ tách thành các đoạn và trở thành các đốt sống. Nếu việc tách này không hoàn chỉnh sẽ dẫn đến kết quả là dính một phần hay toàn bộ của hai hoặc nhiều đốt sống với nhau.

Điều này sẽ ngăn chặn sự phát triển cột sống từ một bên sau khi một đứa trẻ được sinh ra và làm cho mức độ vẹo cột sống tăng lên khi trẻ lớn.

Sự kết hợp giữa tật nửa đốt sống và dính đốt sống

Sự kết hợp giữa dính cột sống và tật nửa đốt sống gây ra vấn đề nghiêm trọng nhất cho việc phát triển cột sống. Những trường hợp này có thể cần phải được phẫu thuật sớm ở tuổi nhỏ để ngăn chặn sự tăng độ vẹo của cột sống.

Các đường cong bù trừ

Ngoài đường cong vẹo, cột sống của trẻ em cũng có thể phát triển thêm đường cong bù trừ để duy trì tư thế thẳng đứng. Điều này xảy ra khi cột sống cố gắng để bù đắp cho một đường cong vẹo cột sống. Bằng cách tạo ra các đường cong khác theo hướng ngược lại ở trên hoặc dưới khu vực bị ảnh hưởng. Các đốt sống có hình dạng bình thường trong đường cong bù.

Triệu chứng

Vẹo cột sống bẩm sinh thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra của bác sĩ nhi khoa. Khi lúc mới sinh do bất thường nhẹ phía sau lưng.

Vì vẹo cột sống không gây đau đớn. Nên nếu vẹo cột sống cộng với việc không được phát hiện lúc mới sinh. Nó có thể không được phát hiện cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng – có thể đến tận cuối tuổi vị thành niên. Bé có thể nghi ngờ điều gì đó không ổn khi quần áo không vừa vặn với mình. Cha mẹ có thể phát hiện ra vấn đề khi nhìn thấy con mình mặc đồ tắm.

Các dấu hiệu của vẹo cột sống bao gồm:

  • Hai vai nghiêng và không đồng đều nhau, với một bả vai nhô ra hơn so với bên kia
  • Nổi xương sườn ở một bên
  • Vòng eo không đồng đều
  • Một bên hông cao hơn
  • Cơ thể bị nghiêng sang một bên
  • Trong một số trường hợp hiếm gặp, bé có thể có một vấn đề với tủy sống hoặc dây thần kinh làm cho bị yếu cơ, tê hoặc mất phối hợp tay chân.

Chẩn đoán

Thăm khám

Nghiệm pháp chuẩn để kiểm tra vẹo cột sống là cúi cong người về phía trước. Con của bạn sẽ cúi cong người về phía trước. Sau đó bác sĩ sẽ quan sát bé từ phía sau để tìm kiếm một sự khác biệt trong hình dạng của xương sườn ở mỗi bên. Mọi bất thường ở cột sống sẽ được phát hiện tốt nhất khi con bạn đang ở trong vị trí này.

Khi con bạn đứng thẳng, bác sĩ sẽ kiểm tra xem hông có cân bằng, vai cân bằng, và vị trí đầu của bé có ngay chính giữa hông. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sự chuyển động của cột sống theo các hướng.

Để loại trừ vấn đề về tủy sống hoặc thần kinh, bác sĩ có thể kiểm tra sức mạnh cơ ở chân của bé và các phản xạ ở bụng và chân.

Xét nghiệm

Mặc dù nghiệm pháp cúi cong về phía trước có thể phát hiện chứng vẹo cột sống nhưng nó không thể phát hiện sự hiện diện của những bất thường bẩm sinh. Kiểm tra hình ảnh có thể cung cấp thêm thông tin cần thiết.

X-quang

Hình ảnh của cột sống của bé được chụp từ 2 phía trước-sau và bên. X-quang sẽ cho biết các đốt sống bất thường và mức độ nghiêm trọng đường cong.

Sau khi bác sĩ chẩn đoán chứng vẹo cột sống bẩm sinh. Bé sẽ được chuyển đến một bác sĩ chuyên phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em để đánh giá và theo dõi kỹ hơn.

Chụp cắt lớp điện toán (CT)

CT có thể cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về cột sống của bé, hiển thị kích thước, hình dạng và vị trí của các đốt sống. Để xem các đốt sống tốt hơn, bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh 3-D làm từ CT giống như xem một bức ảnh thật của cột sống.

Siêu âm

Bác sĩ sẽ siêu âm thận của bé để phát hiện bất kỳ bất thường nếu có.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp MRI có thể đánh giá các mô mềm tốt hơn so với chụp CT. MRI sẽ được thực hiện để kiểm tra bất thường của tủy sống ít nhất một lần cho một bé.

Điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị cho chứng vẹo cột sống bẩm sinh. Trong kế hoạch điều trị cho bé, bác sĩ sẽ đánh giá phân loại bất thường cột sống, mức độ nghiêm trọng của đường cong, và những vấn đề sức khỏe khác của bé.

Bác sĩ sẽ dự đoán khả năng đường cong vẹo của bé sẽ trở nên tồi tệ hay không, và đề nghị phương pháp điều trị nhất cho bé.

Điều trị không phẫu thuật

Theo dõi : Bé với một đường cong vẹo góc nhỏ không thay đổi sẽ được theo dõi để đảm bảo rằng đường cong sẽ không trở nên tệ hơn. Mặc dù điều đó không xảy ra với mọi bé. Vẹo cột sống bẩm sinh có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi cột sống phát triển dẫn đến biến dạng của lưng trở nên rõ ràng hơn. Nhiều khả năng đường cong vẹo của bé sẽ nặng hơn theo sự phát triển của bé

Vì vậy, bác sĩ sẽ theo dõi sự thay đổi đường cong cột sống của bé bằng cách cho chụp X-quang cột sống định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng trong những năm phát triển của bé.

Hoạt động thể chất không làm tăng nguy cơ tiến triển của đường cong. Trẻ em bị vẹo cột sống bẩm sinh có thể tham gia ở hầu hết các môn thể thao và hoạt động yêu thích.

Nẹp lưng. Thường thì nẹp lưng không có hiệu quả trong điều trị vẹo cột sống bẩm sinh nhưng đôi khi chúng được sử dụng để hạn chế phát triển đường cong bù trừ từ đốt sống bình thường.

Điều trị phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật cho bé:

  • có đường cong nhẹ nhưng tăng đáng kể trong quá trình theo dõi bằng phim X-quang
  • có đường cong vẹo nghiêm trọng từ lần đầu tiên thăm khám
  • có cột sống hoặc thân mình bị biến dạng nhiều
  • có dấu hiệu thần kinh do bất thường trong tủy sống

Một mục tiêu quan trọng của phẫu thuật là cho phép cột sống và lồng ngực phát triển càng nhiều càng tốt. Có một số lựa chọn phẫu thuật như sau:

Hàn liên đốt sống. Trong phương pháp này, các đốt sống cong bất thường được kết hợp lại với nhau bằng dụng cụ kim loại tạo thành một khối xương vững chắc. Điều này sẽ chấm dứt sự phát triển của đoạn cột sống bị vẹo và ngăn chặn các đường cong từ trở nên tệ hơn.

Cắt bỏ đốt sống bị tật nửa đốt sống. Đốt sống bị tật khuyết nửa đốt sống có thể được phẫu thuật cắt bỏ. Việc điều chỉnh một phần của đường cong được thực hiện bằng cách này có thể kết hợp thêm với việc đặt dụng cụ cố định. Phương pháp này chỉ có thể kết hợp 2-3 đốt sống với nhau.

Đặt dụng cụ thay đổi được chiều dài. Thanh dọc dụng cụ cố định đốt sống sẽ được kéo dài bằng một phẫu thuật nhỏ và được lặp đi lặp lại mỗi 6-8 tháng. Mục tiêu kéo dài thanh dụng cụ là để cho phép cột sống bé tiếp tục tăng trưởng trong khi sửa chữa các đường cong. Một hoặc hai thanh dọc được gắn vào cột sống ở trên và dưới đường cong. Cứ mỗi 6-8 tháng, bé trở lại gặp bác sĩ và thanh dọc được kéo dài ra để theo kịp với sự phát triển của bé. Khi bé đã phát triển đầy đủ, các thanh sẽ được thay thế và hàn cứng khớp đốt sống được thực hiện.

Phục hồi chức năng. Trẻ nhỏ thường phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật và được xuất viện trong vòng 1 tuần. Tùy thuộc vào cuộc phẫu thuật, bé có thể cần phải mặc nẹp lưng trong vòng 3-4 tháng. Một khi vết mổ ổn định, bé được phép tham gia vào hầu hết các hoạt động mà trước đây bé đã từng tham gia.

Kết quả dài hạn

Vẹo cột sống bẩm sinh được phát hiện ở trẻ nhỏ là một trong những loại vẹo cột sống khó điều trị. Các đường cong có thể lớn ngay lúc đầu. Cùng với sự phát triển cơ thể của bé, nhiều khả năng đường cong sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặc dù việc hàn liên đốt sống khi còn nhỏ tuổi sẽ làm cho cột sống và thân mình bé ngắn đi. Nhưng bé có thể có cuộc sống chất lượng tốt và có được các chức năng cơ thể bình thường, hoặc gần như bình thường.

Tài liệu tham khảo

  • http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=A00576
  • http://www.childrenshospital.org/health-topics/conditions/congenital-scoliosis
  • http://www.srs.org/patient_and_family/scoliosis/congenital_scoliosis/
  • http://www.pediaos.fr/scolioses
  • Biên dịch - Hiệu đính

    TS.BS. Huỳnh Kim Hiệu - BS. Đậu Thế Canh
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Bệnh Lyme

    (94)
    Giới thiệu Bệnh Lyme là một bệnh viêm nhiễm do ve đốt. Nó lây truyền thông qua con ve sống ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Bạn có thể đến những nơi có ... [xem thêm]

    Phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp

    (28)
    Giới thiệu Viêm khớp là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy giảm chức năng mãn tính. Phần lớn các thể viêm khớp đều chưa có cách điều trị. Nhưng ... [xem thêm]

    Nhiễm trùng hậu phẫu

    (14)
    Giới thiệu Một trong những tiến bộ lớn nhất của ngoại khoa ở thế kỷ 20 là tìm ra giải pháp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật. Bất kỳ ... [xem thêm]

    Viêm khớp dạng thấp

    (40)
    Viêm khớp dạng thấp là gì? Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng viêm mãn tính thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Không giống ... [xem thêm]

    Chấn thương dây chằng chéo trước

    (89)
    Dãn hoặc rách dây chằng chéo trước là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở vùng đầu gối. Các vận động viên tham gia các môn thể thao cường ... [xem thêm]

    Thay khớp háng nhân tạo

    (76)
    Giới thiệu Đau khớp háng do bởi thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động trọn vẹn của bệnh nhân. Trải qua hơn 25 năm, đã ... [xem thêm]

    Viêm khớp

    (92)
    Giới thiệu Các khớp của bạn có một cấu tạo tuyệt vời nhằm hạn chế thấp nhất các tác động và tổn thương khi cử động khớp. Gần như tất cả các ... [xem thêm]

    Phẫu thuật thay khớp vai nhân tạo

    (97)
    Giới thiệu Phẫu thuật thay khớp vai (còn gọi là tạo hình khớp vai) không phổ biến như phẫu thuật thay thế cho khớp đầu gối và khớp háng. Tuy nhiên, khi ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN