Giới thiệu
Đau khớp háng do bởi thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động trọn vẹn của bệnh nhân. Trải qua hơn 25 năm, đã có nhiều bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thay khớp háng giúp cải thiện rất lớn kết quả phẫu thuật. Phẫu thuật thay khớp háng (còn được gọi Tạo hình khớp háng) đang trở nên phổ biến hơn khi dân số thế giới bắt đầu già đi.
Bài hướng dẫn này sẽ giúp bạn hiểu
- Điều phẫu thuật viên mong muốn đạt được
- Những điều xảy ra trong phẫu thuật
- Kỳ vọng sau phẫu thuật như thế nào
Giải phẫu
Khớp háng hoạt động như thế nào?
Khớp háng là một trong những khớp chỏm của cơ thể. Ổ khớp háng gọi là ổ cối và tạo thành một hố sâu bao quanh đầu xương dạng quả bóng của đầu trên xương đùi, hay được gọi là chỏm xương đùi. Các cơ dày ở mông phía sau và các cơ dày ở đùi phía trước bao quanh vùng háng.
Bề mặt của chỏm xương đùi và bên trong ổ cối được bao bọc bởi sụn khớp. Lớp sụn này dày khoảng ¼ inch ở hầu hết các khớp lớn. Sụn khớp là một chất cứng, trơn cho phép các bề mặt trượt lên nhau mà không gây tổn thương.
Căn nguyên
Bác sĩ phẫu thuật mong muốn đạt được những gì?
Nguyên nhân chính cho việc thay thế bất kì khớp thoái hóa nào bằng một khớp nhân tạo là để ngăn chặn các xương cọ xát vào nhau. Sự cọ xát này gây đau. Thay thế khớp bị thoái hóa và gây đau bằng một khớp nhân tạo là tạo một bề mặt mới cho khớp, giúp khớp cử động trơn trượt và không gây đau. Mục đích nhằm giúp người bệnh trở lại với sinh hoạt và lao động được thoải mái và ít đau hơn.
Chuẩn bị
Bệnh nhân nên chuẩn bị gì cho cuộc phẫu thuật?
Tiến hành phẫu thuật nên được quyết định khi có sự tham gia của bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật chỉ sau khi bệnh nhân cảm thấy hiểu được hết về phẫu thuật này.
Khi đã đưa đến quyết định phẫu thuật, một số thứ cần phải thực hiện. Phẫu thuật viên xương khớp có thể làm một số kiểm tra thể chất toàn diện cho bệnh nhân. Điều này chắc chắn rằng bệnh nhân ở trong tình trạng tốt nhất có thể để tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân cũng cần có thời gian để gặp bác sĩ vật lý trị liệu vì họ sẽ giúp bệnh nhân tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
Mục đích thứ nhất của sự thăm khám vật lý trị liệu trước mổ là để ghi lại những thông tin cơ bản. Điều này bao gồm đo mức độ cơn đau hiện tại, các khả năng chức năng, và sự chuyển động và độ khoẻ của mỗi khớp háng.
Mục đích thứ hai của sự thăm khám vật lý trị liệu trước mổ là để chuẩn bị cho phẫu thuật sắp tới. Bệnh nhân sẽ bắt đầu tập luyện một số bài tập sẽ tập sau cuộc mổ. Bệnh nhân cũng sẽ được tập sử dụng cả khung tập đi và nạn. Phẫu thuật viên có thể sử dụng khớp có xi măng hoặc không xi măng có thể xác định mức trọng lượng cơ thể có thể chống chân mổ khi đi bộ.
Phẫu thuật này yêu cầu phẫu thuật viên mở khớp háng khi phẫu thuật. Điều này gây 1 ít nguy cơ trật khớp háng sau mổ. Để tránh trật khớp, bệnh nhân tuân theo những hướng dẫn nghiêm ngặt về những tư thế háng cần tránh (gọi là dự phòng trật khớp háng). Bác sĩ điều trị sẽ ôn lại những điều phòng tránh này với bệnh nhân trong thăm khám trước mổ và rèn luyện thường xuyên để đảm bảo bệnh nhân luyện tập thường xuyên trong vòng ít nhất 6 tuần sau mổ. Một số phẫu thuật viên đồng ý với việc dừng các dự phòng sau 6 đến 12 tuần sau mổ vì họ cảm thấy các mô mềm đã lành khoẻ để giữ khớp khỏi bị trật.
Cuối cùng, bác sĩ trị liệu đánh giá những điều cần thiết tại nhà khi bệnh nhân được ra viện.
Bệnh nhân có thể bị yêu cầu hiến máu trước phẫu thuật. Máu này có thể được lấy 3 đến 5 tuần trước phẫu thuật, và cơ thể sẽ tạo các tế bào máu mới để bù vào lượng đã mất. Để khi phẫu thuật, nếu bệnh nhân cần truyền máu, bệnh nhân sẽ nhận chính máu của họ từ ngân hàng máu.
Quá trình phẫu thuật
Điều gì xảy ra trong cuộc phẫu thuật?
Trước khi mô tả kỹ thuật, hãy nhìn qua khớp háng nhân tạo trước
Khớp háng nhân tạo
Có 2 kiểu khớp háng nhân tạo chính là:
- Khớp nhân tạo có xi măng
- Khớp nhân tạo không xi măng
Thay khớp có xi măng được thực hiện bằng một loại xi măng Epoxy gắn kết khối kim loại vào xương. Khớp không xi măng được phủ sẵn trên bề mặt 1 lớp lưới dạng rổ cho phép xương mọc vào bên trong và gắn kết khớp giả vào xương.
Cả hai phương pháp đều được sử dụng rộng rãi. Ở một số ca có sự kết hợp 2 loại trên mà trong đó phần chỏm của khớp giả là loại có xi măng, còn phần ổ cối thì không xi măng. Quyết định dùng khớp háng nhân tạo xi măng hay không xi măng thường được đưa ra bởi phẫu thuật viên, dựa trên tuổi và lối sống của bệnh nhân, và kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
Mỗi khớp giả bao gồm 2 phần chính.
- Phần ổ cối nhân tạo (ổ khớp) thay thế ổ cối. Phần ổ cối có cấu tạo gồm vỏ kim loại với một lớp nhựa lót bên trong cung cấp bề mặt chịu lực. Lớp nhựa được dùng rất cứng và trơn đến mức bạn có thể trượt băng trên một thảm nhựa như vậy mà không gây trầy sướt nó.
- Phần xương đùi nhân tạo (thân và chỏm) thay thế chỏm xương đùi. Phần xương đùi được tạo từ kim loại. Đôi khi, thân kim loại được gắn với chỏm bằng sứ.
Phẫu thuật
Phẫu thuật viên bắt đầu rạch da ở mặt bên đùi để vào khớp háng. Có nhiều đường mổ vào khớp háng khác nhau có thể được dùng. Chọn đường mổ nào thường dựa trên sự thành thạo và ưu thích của phẫu thuật viên.
Khi vào được khớp háng, phẫu thuật viên làm trật chỏm xương đùi ra khỏi ổ cối. Sau đó chỏm xương đùi được cắt bỏ qua vết cắt ở cổ xương đùi bằng máy cưa.
Sau đó làm tiếp phần ổ cối. Phẫu thuật viên dùng khoan điện và một cái doa đặc biệt (một dụng cụ cắt dùng để mở rộng hoặc tạo lỗ) để cắt bỏ phần sụn từ bên trong ổ cối. Phẫu thuật viên tạo hình ổ cối thành hình bán cầu. Điều này được thực hiện nhằm đảm bảo vỏ kim loại của phần ổ cối nhân tạo sẽ nằm vừa khít bên trong. Sau khi tạo hình ổ cối, phẫu thuật viên kiểm tra thử phần ổ cối mới để chắc chắn nó vừa khít.
Ở nhiều loại khớp háng nhân tạo không xi măng, vỏ kim loại được giữ bởi độ chặt khít thích hợp hoặc bằng cách sử dụng vít để giữ vỏ tại chỗ. Ở nhiều khớp có xi măng, một loại Ximang Epoxy đặc biệt được sử dụng để kết dính phần ổ cối nhân tạo vào xương.
Để bắt đầu thay thế xương đùi, những cái ráp đặc biệt (các dụng cụ lắp vào) được sử dụng để tạo hình xương đùi rỗng có hình dạng chính xác với thân kim loại của phần xương đùi nhân tạo. Một khi kích thước và hình dạng đạt yêu cầu, thân khớp nhân tạo được nhét vào trong ống xương đùi.
Một lần nữa, thân khớp nhân tạo không xi măng được giữ chặt tại chỗ bởi độ khít chặt phù hợp vào ống xương đùi (tương tự như sự ma sát giữ một chiếc đinh đóng vào một cái lỗ mà lỗ có đường kính nhỏ hơn đường kính đinh). Thân khớp nhân tạo có xi măng, ống xương đùi được mở rộng đến một kích thước lớn hơn một chút so với thân khớp nhân tạo, và xi măng Epoxy được sử dụng để gắn kết thân kim loại khớp nhân tạo vào ống xương đùi.
Chỏm kim loại nhân tạo thay thế chỏm xương đùi được đặt vào sau đó.
Khi các bác sĩ phẫu thuật đã hài lòng mọi thứ đã vừa vặn với nhau, vết mổ được đóng lại với các mũi khâu. Một số lớp các mũi khâu được sử dụng dưới da, và một trong hai mũi khâu hoặc ghim kim loại sau đó được sử dụng để đóng da. Vết mổ được băng lại, và bệnh nhân trở lại phòng hồi sức.
Biến chứng
Có thể xảy ra điều xấu gì?
Như với tất cả các thủ thuật phẫu thuật lớn, biến chứng có thể xảy ra. Tài liệu này không cung cấp một danh sách đầy đủ các biến chứng có thể xảy ra, nhưng nó sẽ trình bày một số vấn đề phổ biến nhất. Một số biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật thay khớp háng bao gồm:
- biến chứng gây mê
- viêm tắc tĩnh mạch
- nhiễm trùng
- trật khớp
- lỏng khớp
Các biến chứng gây mê
Hầu hết các thủ thuật phẫu thuật đòi hỏi một số loại thuốc gây mê được thực hiện trước khi phẫu thuật. Một số rất nhỏ các bệnh nhân có vấn đề với gây mê. Những vấn đề này có thể là các phản ứng với những loại thuốc được sử dụng, các vấn đề liên quan đến các biến chứng y tế khác, và các vấn đề do gây mê. Hãy chắc chắn thảo luận về những nguy cơ và mối bận tâm của bệnh nhân với bác sĩ gây mê.
Viêm tắc tĩnh mạch (Cục máu đông)
Viêm tắc tĩnh mạch, đôi khi được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), có thể xảy ra sau bất kì phẫu thuật nào, nhưng nó có nhiều khả năng xảy ra sau phẫu thuật khớp háng, xương chậu, hoặc khớp gối. DVT xảy ra khi máu trong các tĩnh mạch lớn của chân tạo thành cục máu đông. Điều này có thể làm chân sưng lên, sờ nóng và đau. Nếu cục máu đông trong tĩnh mạch vỡ ra, chúng có thể đi đến phổi, gây tắc các mao mạch và cắt đứt nguồn cung cấp máu cho một phần của phổi. Điều này được gọi là thuyên tắc phổi. Hầu hết các phẫu thuật viên ngăn ngừa DVT rất tích cực. Có rất nhiều cách để làm giảm nguy cơ bị DVT, nhưng có lẽ là hiệu quả nhất là việc bệnh nhân vận động càng sớm càng tốt. Hai biện pháp phòng ngừa thường dùng khác bao gồm:
- vớ áp lực để giữ cho máu ở chân di chuyển
- thuốc làm loãng máu và ngăn ngừa cục máu đông hình thành
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể là một biến chứng rất nghiêm trọng sau phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Nguy cơ bị nhiễm trùng sau thay khớp háng có lẽ là khoảng 1%. Một số nhiễm trùng có thể xuất hiện rất sớm, thậm chí trước khi bệnh nhân rời khỏi bệnh viện. Còn lại có thể trở nên không rõ ràng trong nhiều tháng, thậm chí vài năm, sau cuộc phẫu thuật. Nhiễm trùng có thể lan tỏa vào các khớp nhân tạo từ các vùng bị nhiễm khác. phẫu thuật viên có thể muốn chắc chắn rằng bệnh nhân có uống thuốc kháng sinh khi có can thiệp nha khoa hoặc phẫu thuật trên bàng quang hoặc ruột già để giảm nguy cơ lan tràn mầm bệnh cho khớp.
Xem thêm bài Phòng ngừa nhiễm trùng sau hậu phẫu của TS.BS Phạm Ngọc Thùy TrangTrật khớp
Cũng giống như khớp háng thực sự, khớp háng nhân tạo có thể trật khớp nếu chỏm xương đi ra khỏi ổ khớp. Có một nguy cơ lớn hơn ngay sau khi phẫu thuật, trước khi các mô xung quanh khớp mới lành lại, nhưng luôn luôn có rủi ro. Bác sĩ trị liệu vật lý sẽ hướng dẫn bệnh nhân cẩn thận như thế nào để tránh các hoạt động và tư thế có thể có xu hướng gây ra trật khớp háng. Một khớp háng bị trật nhiều hơn một lần có thể phải được mổ lại để làm nó vững hơn. Điều này có nghĩa là cần một phẫu thuật khác.
Lỏng khớp
Lý do chính mà các khớp nhân tạo thất bại là do sự lỏng lẻo của kim loại hay xi măng khỏi xương theo thời gian. Nhiều cải tiến lớn đã được thực hiện để kéo dài tuổi thọ của khớp nhân tạo, nhưng hầu hết cuối cùng sẽ lỏng ra và cần phải mổ lại. Bệnh nhân có thể hy vọng sử dụng khớp háng nhân tạo từ 12 đến 15 năm, nhưng trong một số trường hợp khớp háng sẽ bị lỏng sớm hơn. Khớp háng bị lỏng là một vấn đề bởi vì nó gây đau. Khi cơn đau trở nên không thể chịu nổi, một phẫu thuật khác có thể sẽ được yêu cầu để thay lại khớp mới.
Sau phẫu thuật
Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật?
Sau khi phẫu thuật, háng sẽ được bao phủ bằng băng độn. Giày hoặc tất đặc biệt được mang ở chân để giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành. Một đệm hình tam giác có thể được đặt giữa hai chân của bệnh nhân để giữ cho hai chân không bắt chéo hay xoay vào trong.
Nếu phẫu thuật viên có sử dụng gây mê toàn thân, y tá hoặc bác sĩ chuyên khoa hô hấp sẽ đến thăm phòng của bệnh nhân để hướng dẫn một loạt các bài tập thở. Bệnh nhân sẽ sử dụng một dụng cụ thở có đo dung tích phổi để cải thiện hơi thở và tránh các vấn đề có thể gây viêm phổi.
Các điều trị vật lý trị liệu (phục hồi chức năng) được dự kiến 1-3 lần mỗi ngày khi bệnh nhân còn ở trong bệnh viện. điều trị đầu tiên được lên kế hoạch ngay sau khi bệnh nhân thức tỉnh từ phẫu thuật. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ bắt đầu bằng cách giúp bệnh nhân di chuyển từ giường bệnh vào một chiếc ghế. Đến ngày thứ hai, bệnh nhân sẽ bắt đầu đi bộ đường dài có sử dụng lạng hay khung tập đi. Hầu hết các bệnh nhân có thể chống chân mổ an toàn khi đứng hoặc đi bộ. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật viên sử dụng khớp giả không xi măng, bệnh nhân có thể được hướng dẫn để hạn chế trọng lượng chống chân mổ khi đứng và đi bộ.
Bác sĩ trị liệu sẽ xem xét lại các bài tập để bắt đầu săn chắc và tăng cường cơ vùng đùi và cơ vùng háng. Các vận động của khớp cổ chân và gối được áp dụng để giúp chân hết sưng và để ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông.
Bệnh nhân thường có thể xuất viện sau 4-7 ngày trong bệnh viện. bệnh nhân sẽ được về nhà khi có thể chứng minh khả năng lên và xuống khỏi giường an toàn, đi bộ lên đến 75 feet (bước) với lạng hay khung đi bộ, đi lên xuống cầu thang một cách an toàn. và luôn nhớ sử dụng biện pháp dự phòng trật khớp háng. Những bệnh nhân vẫn cần được chăm sóc thêm có thể được gửi đến một đơn vị bệnh viện khác cho đến khi họ được an toàn và sẵn sàng để về nhà.
Hầu hết các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình khuyên bệnh nhân nên tái khám theo lịch trình cơ bản sau khi thay khớp nhân tạo. độ thường xuyên cần được thăm khám thay đổi từ mỗi 6 tháng đến mỗi 5 năm, tùy theo hoàn cảnh của bệnh nhân và những gì bác sĩ phẫu thuật đề nghị.
Những bệnh nhân có khớp nhân tạo đôi khi sẽ có cơn đau, nhưng nếu bệnh nhân có khoảng thời gian đau kéo dài hơn một vài tuần, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật. Trong khi kiểm tra, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ cố gắng để xác định lý do tại sao bệnh nhân cảm thấy đau đớn. X-quang có thể được thực hiện ở khớp nhân tạo để so sánh với những film (X-quang) chụp trước đó để xem liệu có bất kỳ bằng chứng nào về việc lỏng khớp không.
Phục hồi chức năng
Bệnh nhân nên mong đợi gì trong khi phục hồi?
Sau khi bệnh nhân xuất viện, bác sĩ trị liệu có thể gặp để cho 1 đến 6 phương pháp điều trị tại nhà. Điều này để đảm bảo bệnh nhân được an toàn và về nhà và việc lên xuống xe. Bác sĩ trị liệu sẽ xem xét lại chương trình tập luyện, tiếp tục làm việc với bệnh nhân về biện pháp dự phòng trật khớp, và đưa ra khuyến cáo về sự an toàn của bệnh nhân.
Những lời khuyên an toàn bao gồm nâng cao ghế toa-lét và băng ghế bồn tắm, và nâng cao bề mặt của ghế. Điều này sẽ giúp khớp háng của bệnh nhân không bị gập quá mức khi ngồi xuống. băng ghế tắm và tay vịn có thể tăng sự an toàn trong phòng tắm. Các đề nghị khác có thể bao gồm việc sử dụng ánh sáng phù hợp và việc loại bỏ các thảm lỏng lẻo hoặc dây điện trên sàn.
Bệnh nhân nên sử dụng khung tập đi hoặc lạng theo hướng dẫn. Nếu là khớp háng có xi măng, bệnh nhân sẽ tăng trọng lượng đặt lên chân mổ nếu cảm thấy thoải mái. Nếu là khớp háng không xi măng, bác sĩ phẫu thuật có thể muốn bệnh nhân chỉ đặt các ngón chân của chân đã phẫu thuật xuống sau mổ 6 tuần. Hầu hết các bệnh nhân tiến đến sử dụng một cây gậy trong 3-4 tuần.
Ghim khâu da sẽ được lấy ra hai tuần sau khi phẫu thuật. Bệnh nhân thường có khả năng lái xe hơi trong vòng 3 tuần và đi bộ mà không cần trợ giúp trong 6 tuần sau mổ. Sau khi được sự chấp thuận của bác sĩ phẫu thuật, bệnh nhân nói chung có thể quay lại hoạt động tình dục sau 1-2 tháng sau khi phẫu thuật.
Trị liệu tại nhà kết thúc khi bệnh nhân an toàn khi có thể ra khỏi nhà, điều mà có thể mất đến ba tuần sau mổ.
Vật lý trị liệu thường kết thúc khi chăm sóc tại nhà hoàn thành. Nhưng một vài thăm khám bổ sung trong vật lý trị liệu ngoại trú có thể cần thiết cho những bệnh nhân có vấn đề đi bộ hoặc những người cần để có thể trở lại loại công việc hay hoạt động nặng hơn.
Bác sĩ trị liệu có thể sử dụng nhiệt, nước đá, hoặc kích thích điện để giảm bớt sưng hoặc đau đớn.
Bác sĩ trị liệu đôi khi điều trị bệnh nhân trong một hồ bơi. Tập thể dục trong một bể bơi gây ít tác động hơn trên khớp háng, và độ nổi cho phép di chuyển và luyện tập dễ dàng hơn. Một khi bệnh nhân đã bắt đầu các bài tập trong hồ bơi và các phần khác trong chương trình luyện tập nâng cao, bệnh nhân có thể được hướng dẫn trong một chương trình độc lập.
Khi bệnh nhân có thể đưa toàn bộ trọng lượng qua chân mổ an toàn, một số dạng bài tập cân bằng có thể được lựa chọn để tiếp tục giữ vững và kiểm soát khớp háng.
Cuối cùng, một nhóm các bài tập có thể được sử dụng để mô phỏng các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi lên và bước xuống, ngồi xổm, đi trên địa hình không bằng phẳng. Bài tập cụ thể sau đó có thể được chọn để mô phỏng nhu cầu công việc hay sở thích.
Nhiều bệnh nhân ít đau và cử động tốt hơn sau khi phẫu thuật thay khớp háng. Bác sĩ trị liệu sẽ làm việc với bệnh nhân để giúp giữ khớp háng mới khoẻ mạnh càng lâu càng tốt. Điều này có thể yêu cầu bệnh nhân điều chỉnh hoạt động của bệnh nhân để tránh việc đưa quá nhiều tác động cho khớp háng mới. Các môn thể thao nặng đòi hỏi phải chạy, nhảy, dừng và bắt đầu đột ngột, và cúp bóng không được khuyến khích. Bệnh nhân có thể cần phải xem xét các công việc thay thế để tránh các hoạt động công việc đòi hỏi nhu cầu nặng cần nâng, bò, và leo.
Mục tiêu của trị liệu là giúp bệnh nhân tối đa hóa sức mạnh, đi lại bình thường, và cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động. Khi bệnh nhân hồi phục tốt, thăm khám thường xuyên ở bác sĩ trị liệu sẽ dừng lại. Bạn sẽ chịu trách nhiệm về việc thực hiện các bài tập như 1 phần của chương trình tại nhà
Xem thêm bài Phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp của TS.BS Trần Văn VươngTài liệu tham khảo
http://www.orthogate.org/patient-education/hip/artificial-joint-replacement-of-the-hip