Ngày nay, có rất nhiều bệnh nhân bị đau nhức xương khớp, cột sống tìm đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được chẩn đoán “thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống…” Vậy thực ra thoái hóa là gì? Nó có nghiêm trọng không? Làm sao để chữa trị hay tránh bị thoái hóa?… là những câu hỏi mà hầu hết các bệnh nhân thường quan tâm.
Thoái hóa xương khớp là gì ?
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ trải qua quy luật tất yếu của tạo hóa là “sinh, lão, bệnh, tử”, hệ xương khớp cũng vậy.
Thoái hóa xương khớp là tình trạng “lão hóa” của hệ thống xương, khớp.
Hầu hết các trường hợp thoái hóa xương, khớp đều do diễn tiến tự nhiên của sự già đi của cơ thể theo thời gian. Chính vì vậy, thoái hóa xương khớp thường gặp hơn ở những bệnh nhân cao tuổi (trên 50 tuổi). Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra ở những người trẻ do chấn thương như các gãy xương phạm khớp, mất vững khớp do đứt dây chằng…; dị tật xương khớp bẩm sinh; do bệnh lý như viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp do các bệnh tự miễn…; béo phì hay chịu lực khớp quá mức lặp đi lặp lại ở một số vận động viên thi đấu chuyên nghiệp cũng có thể gây thoái hóa khớp sớm.
Triệu chứng của thoái hóa xương khớp
Khớp bị thoái hóa sẽ gây đau, sưng, cứng khớp và suy giảm chức năng của khớp. Các triệu chứng sẽ nặng hơn khi vận động khớp thoái hóa nhiều và giảm đi khi cho khớp nghỉ ngơi. Một số trường hợp thoái hóa khớp nặng sẽ gây biến dạng khớp và giảm nghiêm trọng khả năng vận động gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của bệnh nhân.
Chẩn đoán thoái hóa xương khớp
Để chẩn đoán thoái hóa xương khớp, các bác sĩ thường dựa vào sự kết hợp các triệu chứng lâm sàng như chụp Xquang khớp thường sẽ thấy các gai xương… (trong hầu hết các trường hợp, các gai xương này không phải là nguyên nhân gây đau cho bệnh nhân); và làm một số xét nghiệm chuyên biệt…
Các gai xương ở khớp gối trên Xquang (mũi tên)
Vậy thoái hóa xương khớp có chữa khỏi không?
Nếu thoái hóa xương khớp xảy ra ở người trẻ và có nguyên nhân rõ ràng thì có thể điều trị nguyên nhân sẽ ngăn chặn được sự tiến triển của thoái hóa khớp.
Nhưng nếu xảy ra ở người già do diễn tiến tự nhiên theo quy luật tất yếu của cuộc sống thì không thể nào ngăn được, cũng như không thể nào làm cho người ta có thể “trẻ mãi không già”. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng một số biện pháp phối hợp để kéo dài hơn thời gian dẫn đến thoái hóa khớp nặng, giúp cải thiện sự vận động và chất lượng sống như sau:
- Tập thể dục điều độ và kiểm soát cân nặng (giảm cân nếu thừa cân).
- Tránh vận động nhiều khi khớp đang viêm đau.
- Áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc như: tập vật lý trị liệu, châm cứu, nhiệt trị liệu đúng chỉ định…
- Dùng thuốc: giảm đau, kháng viêm trong giai đoạn đau cấp, một số thực phẩm chức năng có lợi cho khớp đặc biệt là Glucosamine Sulfate.
- Phẫu thuật khi cần thiết như: loại bỏ nguyên nhân rõ ràng gây đau trong thoái hóa khớp (sạn khớp, rách sụn…), thay khớp nhân tạo khi thất bại với các phương thức điều trị bên trên.