Sốt cao có thể khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng và thiếu năng lượng để làm việc. Liệu có cách hạ sốt nhanh tại nhà nào để bạn lại phấn khởi, tràn đầy sức sống và khỏe mạnh không?
Trong bài viết sau, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu sốt bao nhiêu độ là cao, những nguyên nhân gây sốt và 10 cách hạ sốt nhanh tại nhà để sớm chấm dứt cơn sốt nhé.
Sốt bao nhiêu độ là cao?
Thân nhiệt bình thường của một người là 37ºC. Tuy nhiên, mức nhiệt này có thể dao động với mỗi người, nằm trong khoảng 36,1°C – 37,2ºC hoặc hơn. Sự thay đổi nhiệt độ này là phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ hoạt động và thời điểm đo trong ngày. Thân nhiệt của một người sẽ thấp đi khi càng lớn tuổi.
Vậy sốt bao nhiêu độ là cao? Thân nhiệt của một người được tính là bị sốt khi nhiệt kế chỉ mức 38°C. Nhiệt độ sốt cao sẽ là từ 38,5ºC trở lên.
Tương tự, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ bị sốt khi thân nhiệt dao động ở 38°C. Cụ thể, trẻ sẽ bị sốt khi ở trong từng trường hợp dưới đây:
- Nhiệt độ ở miệng > 37,5°C
- Nhiệt độ ở nách > 37,2°C
- Nhiệt độ ở tai > 38°C
- Nhiệt độ đo ở hậu môn > 38°C
Khi bị sốt, bạn cần nhanh chóng tìm cách hạ sốt tại nhà, tránh trường hợp chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng và gây ra những biến chứng như viêm thanh quản, viêm phổi, biến chứng não, co giật, hôn mê sâu, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim…
Khi nhiệt độ cơ thể đạt đến 40ºC trở lên, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Lúc này, bạn không thể áp dụng các cách giảm sốt tại nhà mà cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Những nguyên nhân thường gặp gây sốt cao
Bạn có thể bị sốt do mắc một số bệnh lý dưới đây:
1. Sốt siêu vi
Sốt siêu vi là tình trạng nhiễm virus, đặc trưng bởi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Sốt siêu vi sẽ đi kèm với những triệu chứng sau:
- Ớn lạnh
- Sốt không giảm bớt dù có dùng thuốc
- Sốt kéo dài trong thời gian dài.
- Đau nghiêm trọng quanh khớp, nôn mửa, sưng mặt và phát ban.
- Sổ mũi
- Đau họng
- Ho
- Khàn giọng
- Đau đầu
Trong một số trường hợp, sốt siêu vi cũng có khả năng kéo theo tình trạng tiêu chảy hoặc đau dạ dày.
2. Sốt do vi khuẩn
Vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ khiến người bệnh bị sốt và gây nhiễm trùng những bộ phận dưới đây:
- Nhiễm trùng hệ thần kinh: Đây là bệnh khiến bạn gặp những triệu chứng như đau đầu, rối loạn cảm xúc, cứng gáy, lú lẫn, thờ ơ, cáu kỉnh, nhạy cảm với ánh sáng…
- Viêm phổi hoặc viêm phế quản: Tình trạng nhiễm trùng này khiến bạn ho, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, suy nhược, tiêu chảy, buồn nôn…
- Nhiễm trùng cơ quan sinh dục: Nhiễm trùng cơ quan sinh dục khiến bạn đau rát khi vệ sinh, đi ngoài ra máu, đau lưng, đau vùng chậu, vùng kín có mùi hôi, đau khi giao hợp…
- Nhiễm trùng đường ruột: Bệnh có thể gây chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, dạ dày khó chịu, rối loạn giấc ngủ…
- Nhiễm trùng da: Khi bị triệu chứng này, bạn sẽ thấy trên da sưng tấy, phát ban, nổi mủ…
3. Sốt do thuốc
Bạn có thể bị sốt nhẹ do dùng một số loại thuốc như thuốc kháng sịnh. Đây là cách mà cơ thể bạn phản ứng dị ứng với thành phần trong thuốc. Nếu bạn bị sốt do thuốc thì nhiệt độ cơ thể sẽ trở lại bình thường sau khi dừng thuốc.
4. Cảm cúm và cảm lạnh
Bệnh cảm khác với bệnh cúm, mặc dù các triệu chứng bạn gặp phải thường tương đồng nhau. Các triệu chứng của bệnh cảm thường xuất hiện từ từ, bao gồm các cơn sốt ở 39°C, đau đầu và ho. Các triệu chứng của bệnh cảm cũng có thể là các cơn đau cơ, viêm họng và mệt mỏi. Ngược lại, bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột, các cơn sốt có thể cao trên 39°C kèm các triệu chứng như ớn lạnh, đổ mồ hôi và ăn không ngon miệng.
Trang bị thêm kiến thức về cảm và cúm để bảo vệ bản thân tốt hơn, đọc ngay cách phân biệt cảm cúm và cảm lạnh.
10 cách hạ sốt nhanh tại nhà
1. Cách hạ sốt nhanh nhờ tắm với nước ấm
Một trong những cách hạ sốt nhanh cho người lớn là tắm bằng nước ấm hoặc ngâm mình trong nước ấm. Điều này sẽ giúp cơ thể bạn vận chuyển máu đến các cơ quan nội tạng, giúp cơ thể chống lại cảm lạnh, nhờ đó mà thân nhiệt sẽ hạ xuống.
2. Cách hạ sốt nhanh bằng ngâm mình trong bọt biển
Việc ngâm mình trong bọt biển mát rượi sẽ giúp làm giãn các vùng có nhiệt độ cao của cơ thể như nách và háng, qua đó có thể giúp hạ sốt.
3. Cách hạ sốt nhanh bằng trà thảo mộc
Khi bị sốt, bạn có thể nấu một tách trà yarrow (hoa Cúc Vạn Diệp). Loại thảo mộc này sẽ mở các lỗ chân lông và kích hoạt tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn, qua đó giúp giảm sốt. Bạn nên cho một thìa canh thảo mộc vào một cốc nước đã nấu chín trong 10 phút rồi để nguội nước. Bạn cần uống 1 hoặc 2 ly cho đến khi cơ thể bắt đầu đổ mồ hôi.
Một loại thảo mộc khác cũng khiến bạn đổ mồ hôi là hoa nhài. Đây cũng là một sự lựa chọn tốt cho các vấn đề liên quan khác như cúm và cảm lạnh hoặc có chất nhầy quá nhiều ở cổ họng. Để chế biến trà hoa nhài, bạn trộn 2 muỗng cà phê thảo mộc vào một cốc nước đun sôi và ngâm trong nước khoảng 15 phút. Sau đó, bạn vớt các cánh hoa ra và uống 3 lần/ngày đến khi cơn sốt giảm hẳn.
4. Cách giảm sốt tại nhà bằng gia vị
Bạn hãy thử rắc một lượng vừa đủ ớt cayenne lên thực phẩm hoặc đồ ăn mỗi khi bị sốt. Một trong những thành phần chính của ớt cayenne là capsaicin − thành phần rất nóng và cay thường được tìm thấy trong ớt nóng. Ăn một lượng vừa đủ loại ớt này sẽ giúp cơ thể bạn đổ mồ hôi và cũng thúc đẩy nhanh sự tuần hoàn máu, giúp hạ sốt nhanh chóng.
5. Cách hạ sốt nhờ uống đủ nước
Khi bị sốt, cơ thể bạn rất dễ bị thiếu nước. Bổ sung nước chính là cách giảm sốt an toàn mà hiệu quả. Khi bị sốt, bạn nên uống một lượng nước vừa đủ (khoảng từ 8−12 cốc nước mỗi ngày). Các loại nước thể thao như Gatorade cũng là một sự lựa chọn hữu ích, bởi chúng không những bù đắp lượng muối mà còn bù lượng chất khoáng bị mất đi khi bị mất nước.
6. Cách hạ sốt nhanh bằng vitamin C
Nước cam và các loại nước trái cây giàu vitamin C khác là những lựa chọn tốt cho bạn. Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại các tác nhân ảnh hưởng từ bên ngoài. Chúng cũng cung cấp lượng nước, đồng thời còn làm dịu cơ thể.
Đọc thêm danh sách các nguồn thực phẩm giàu vitamin C để bạn dễ dàng “thiết kế” thực đơn hàng ngày giàu chất dinh dưỡng và giúp hạ sốt nhanh chóng.
7. Cách hạ sốt bằng bổ sung Canxi
Tác dụng của canxi có thể giúp giảm thời gian bị bệnh. Vì thế, bạn hãy bổ sung những thực phẩm giàu canxi qua chế độ ăn hằng ngày như cá, rau xanh, yến mạch…
8. Cách giảm sốt bằng chườm mát
Chườm khăn mát lên trán cũng là cách giúp bạn hạ nhiệt độ cơ thể trong thời gian ngắn. Cách hạ sốt nhanh này thường áp dụng khi bạn bị sốt vì những yếu tố bên ngoài như tập thể dục quá sức, ở ngoài nắng quá lâu, hay sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ môi trường bất ngờ.
Tuy nhiên, bạn không nên chườm lạnh bằng túi nước đá vì sẽ làm co mạch khiến nhiệt không thể thoát ra ngoài qua lỗ chân lông. Ngoài ra, chườm lạnh còn dễ khiến bạn bị bỏng lạnh gây nguy hiểm.
9. Cách hạ sốt nhanh bằng massage
Bạn có thể dùng các biện pháp massage thư giãn bằng tinh dầu bạc hà, bạch đàn… để làm ấm cơ thể, khiến người đổ mồ hôi và giảm nhiệt. Các vị trí để massage tinh dầu giảm sốt hiệu quả là khu vực phía sau gáy và lòng bàn chân.
10. Cách hạ sốt nhờ mặc quần áo thoáng mát
Đắp chăn ấm, mặc nhiều áo khi bị sốt cao dễ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Do đó, bạn không nên đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo khi sốt, mở cửa sổ cho phòng thông thoáng và uống thuốc hạ sốt để hạ nhiệt độ xuống.
Các cách hạ sốt tại nhà thường chỉ được áp dụng với tình trạng sốt nhẹ và trung bình. Đối với trường hợp sốt cao, bạn nên đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị.
Bạn chỉ nên áp dụng các cách giảm sốt từ từ để không khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột gây nguy hiểm. Điều này có nghĩa là bạn nên tránh kết hợp nhiều cách hạ sốt khác nhau cùng lúc như uống nhiều loại thuốc cùng nhau, uống thuốc kết hợp ngâm người nước nóng…
Lưu ý khi áp dụng cách hạ sốt nhanh tại nhà
Khi áp dụng cách hạ sốt nhanh tại nhà mà chưa biết rõ nguyên nhân gây sốt, bạn không nên tự ý kết hợp nhiều loại thuốc. Việc này không những không hiệu quả mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Cụ thể, bạn không được kết hợp uống acetaminophen (paracetamol) cùng ibuprofen nếu bị sốt xuất huyết. Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ bị quá liều thuốc nếu uống hai loại thuốc khác nhau trở lên và gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là loét dạ dày.
Người lớn bị viêm gan, vàng da do tắc mật nếu bị sốt thì nên đến bệnh viện ngay và chỉ dùng thuốc hạ sốt tại nhà khi có chỉ định từ bác sĩ.
Đối với trẻ em, ba mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc hạ sốt nhanh cho con bởi có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm, đặc biệt là khi trẻ bị sốt do nhiễm trùng. Loại thuốc hạ sốt nhanh được ưu tiên dùng hàng đầu cho trẻ em với ít tác dụng phụ là acetaminophen. Tuy nhiên, bạn cần nên chú ý về liều lượng, số lần dùng và thời gian dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ quá liều. Ngoài thuốc này, bạn không nên tự ý cho con dùng bất kỳ loại thuốc nào khác cho đến khi có sự chỉ dẫn từ bác sĩ.
Để an toàn hơn khi hạ sốt tại nhà, bạn nên đến các tiệm thuốc Tây để được các dược sĩ tư vấn các loại thuốc uống phù hợp. Nếu thực hiện cách hạ sốt tại nhà cho trẻ hay người lớn mà không thấy tác dụng sau 1 – 2 ngày, bạn nên đến bệnh viện ngay.
Trong mọi trường hợp, nếu cảm thấy không chắc chắn về nguyên nhân gây sốt và cảm thấy khó chịu, mệt mỏi thì tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tìm cách hạ sốt hiệu quả.
Với 10 cách hạ sốt tại nhà của Hello Bacsi, hy vọng bạn sẽ yên tâm hơn và không còn băn khoăn lo lắng mỗi lúc “trở gió trở trời”. Tuy nhiên, nếu bạn đã thử nhiều cách nhưng vẫn không có sự cải thiện, hãy liên hệ bác sĩ để được tiến hành các xét nghiệm cần thiết và điều trị thích hợp.