Thế nào là thống kinh?
Thống kinh (còn gọi là đau bụng kinh) là khi cơn đau xuất hiện cùng với chu kỳ kinh nguyệt.
Thống kinh có phổ biến không?
Thống kinh là một trong những bệnh phổ biến nhất liên quan đến kinh nguyệt. Có đến hơn một nửa phụ nữ bị đau 1-2 ngày hàng tháng khi có kinh.
Có bao nhiêu loại thống kinh?
Có hai loại thống kinh:
- Thống kinh nguyên phát
- Thống kinh thứ phát.
Thống kinh nguyên phát
Thống kinh nguyên phát là cơn đau xuất hiện cùng với chu kỳ kinh nguyệt, tiếng Anh còn gọi là “menstrual cramps”.
Nguyên nhân
Thống kinh nguyên phát là do chất hoá học tự nhiên prostaglandins gây ra. Prostaglandins được sản sinh ở bên trong tử cung.
Thống kinh nguyên phát xảy ra vào thời điểm nào của kỳ kinh?
Cơn đau thường xuất hiện ngay trước khi kỳ kinh bắt đầu, khi nồng độ prostaglandins ở nội mạc tử cung tăng lên. Nồng độ này cao nhất vào ngày đầu tiên của kỳ kinh. Cùng với quá trình hành kinh, nội mạc tử cung bị che lấp và nồng độ này giảm đi. Cơn đau thường giảm đi khi nồng độ prostaglandins giảm.
Thống kinh nguyên phát thường bắt đầu ở độ tuổi nào?
Thông thường thống kinh nguyên phát bắt đầu khi phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt. Đối với nhiều phụ nữ, các cơn đau sẽ giảm dần cùng với tuổi. Thống kinh nguyên phát cũng có thể giảm đi sau khi sinh.
Thống kinh thứ phát
Thống kinh thứ phát xảy ra do rối loạn hệ sinh sản. Nó có thể xảy ra muộn hơn so với thống kinh nguyên phát. Cơn đau thường trở nên nhiều hơn cùng với thời gian.
Thống kinh thứ phát xảy ra vào thời điểm nào của kỳ kinh?
Thống kinh thứ phát thường kéo dài hơn các cơn đau bụng kinh thông thường. Ví dụ, nó có thể bắt đầu vài ngày trước kỳ kinh. Cơn đau trở nên nặng hơn cùng với kỳ kinh và có thể kéo dài sau kỳ kinh.
Nguyên nhân
Các trường hợp sau có thể là nguyên nhân gây thống kinh thứ phát:
- Lạc nội mạc tử cung: trong trường hợp này, lớp nội mạc vốn hình thành ở bên trong tử cung bị lạc chỗ ra bên ngoài tử cung, có thể là ở buồng trứng, ống dẫn trứng, phía sau tử cung hoặc bàng quang (xem bài “Lạc nội mạc tử cung“ để biết thêm chi tiết). Cũng giống như lớp nội mạc tử cung, lớp nội mạc lạc chỗ có thể gây chảy máu khi nồng độ hormone cao lên. Chảy máu có thể gây đau, nhất là trong kỳ kinh. Mô sẹo dính có thể hình thành trong vùng chậu tại vị trí chảy máu. Các mô này có thể làm cho các cơ quan trong vùng chậu bị dính vào nhau và gây đau.
- Lạc nội mạc trong cơ tử cung: là trường hợp lớp nội mạc tử cung lạc chỗ vào lớp cơ của thành tử cung.
- U xơ tử cung: là trường hợp mà u xơ hình thành ở bên ngoài hay bên trong tử cung hoặc ngay trong thành tử cung (xem bài “U xơ tử cung“ để biết thêm chi tiết). U xơ tử cung có thể gây đau.
Cách chẩn đoán nguyên nhân thống kinh (đau bụng kinh)?
Bác sĩ phụ khoa sẽ kiểm tra bệnh án, bao gồm các triệu chứng và chu kỳ kinh nguyệt và tiến hành khám phụ khoa tổng quát.
Bác sĩ cũng có thể tiến hành siêu âm để kiểm tra. Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành nội soi ổ bụng. Đây là một loại phẫu thuật cho phép quan sát toàn bộ bên trong vùng chậu.
Điều trị thống kinh như thế nào?
Bác sĩ có thể cho thuốc giảm đau hoặc thuốc nội tiết, chẳng hạn như thuốc tránh thai. Nhiều khi thay đổi cách sinh hoạt cũng có thể giúp giảm đau như tập thể dục, tăng thời gian ngủ hoặc các biện pháp thư giãn.
Nếu việc sử dụng thuốc không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp để tìm nguyên nhân gây thống kinh. Có thể sẽ phải dẫn đến phẫu thuật. Trong vài trường hợp có thể phải kết hợp nhiều biện pháp.
Các thuốc dùng để điều trị thống kinh?
Một vài loại thuốc giảm đau, gọi là thuốc kháng viêm nonsteroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs, viết tắt là NSAIDs) có tác dụng lên prostaglandins. Chúng giúp làm giảm lượng prostaglandins do cơ thể sản sinh và do đó làm giảm tác dụng của prostaglandins. Việc này giúp làm giảm cơn đau bụng kinh.
NSAIDs có tác dụng tốt nhất nếu được dùng khi kỳ kinh hoặc khi cơn đau bắt đầu. Thông thường thuốc này chỉ dùng cho 1-2 ngày. Phụ nữ bị bệnh máu không đông, hen suyễn, bị dị ứng với aspirin, mắc các bệnh về gan, bị rối loạn dạ dày hoặc loét dạ dày không nên dùng NSAIDs.
Các biện pháp tránh thai nào có thể giúp kiểm soát thống kinh?
Các biện pháp tránh thai chứa estrogen và progestin như thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai và dụng cụ tử cung, có thể được sử dụng để điều trị thống kinh. Các biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin, ví dụ như que cấy tránh thai hoặc thuốc tiêm tránh thai cũng có thể dùng để giảm đau bụng kinh. Dụng cụ tử cung có chứa hormone cũng có thể được dùng để điều trị thống kinh.
Các thuốc dùng để điều trị thống kinh do lạc nội mạc tử cung?
Nếu có triệu chứng hoặc nội soi ổ bụng cho thấy nguyên nhân đau bụng kinh là do lạc nội mạc tử cung, có thể thử dùng thuốc viên tránh thai, que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai hoặc dụng cụ tử cung chứa hormone, để điều trị thống kinh. Chất đồng vận của hormone giải phóng gonadotropin cũng có thể dùng để giảm đau. Các thuốc này có thể có tác dụng phụ như loãng xương, làm nóng người và khô âm đạo. Chúng thường được chỉ định cho một thời gian nhất định. Và các loại thuốc này chống chỉ định cho trẻ em trong độ tuổi trưởng thành, trừ những trường hợp đặc biệt khi không có biện pháp nào khác có tác dụng.
Các phương pháp khác giúp giảm thống kinh?
Một số phương pháp khác có thể giúp giảm thống kinh. Vitamin B1 hoặc thuốc bổ sung magie có thể hữu ích, nhưng chưa có bằng chứng khoa học cụ thể cho thấy chúng thực sự điều trị thống kinh. Châm cứu cũng có thể giúp giảm đau bụng kinh phần nào.
Khi nào thì phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung (UAE) được sử dụng để điều trị thống kinh?
Nếu u xơ là nguyên nhân gây thống kinh thì phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung (UAE) cũng có thể có tác dụng.
Phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung là thế nào?
Trong phương pháp này, mạch máu dẫn đến tử cung được làm tắc nghẽn bằng các hạt nhỏ, đồng nghĩa với việc dòng máu nuôi u xơ cũng bị tắc nghẽn. Một số bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú với phương pháp này.
Các biến chứng đi kèm phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung?
Các biến chứng bao gồm viêm, đau và chảy máu.
Khi nào thì cần phẫu thuật để điều trị thống kinh?
Nếu các biện pháp điều trị thống kinh đều không có tác dụng, có thể sẽ phải dùng đến phẫu thuật. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân của cơn đau mà sẽ dùng các loại phẫu thuật khác nhau.
Nếu u xơ là nguyên nhân gây thống kinh thì có thể phẫu thuật loại bỏ chúng. Nếu lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân thì có thể phẫu thuật loại bỏ mô bệnh. Mô bệnh có thể tái phát sau phẫu thuật, nhưng việc phẫu thuật có thể làm giảm đau trong một thời gian. Sử dụng các biện pháp tránh thai chứa hormone hoặc các thuốc khác sau khi phẫu thuật có thể tránh hoặc đẩy lùi sự tái phát cơn đau.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể phải thực hiện nếu như các biện pháp khác không có tác dụng và bệnh nặng. Thường thì đây là biện pháp cuối cùng phải dùng đến.
Chú giải
- Chất đồng vận (chất có tác dụng tương tự) của hormone giải phóng gonadotropin: là loại thuốc dùng để ngăn chặn ảnh hưởng của các hormone nhất định.
- Bàng quang: là cơ quan chứa nước tiểu.
- Lạc nội mạc tử cung: là bệnh mà nội mạc tử cung bị lạc chỗ ra bên ngoài tử cung, thường là trên buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc các cơ quan khác trong vùng chậu.
- Buồng trứng: là hai tuyến nằm hai bên cạnh tử cung chứa trứng và sản xuất các hormone.
- Chu kỳ kinh nguyệt: là quá trình tống xuất máu và mô từ tử cung ra ngoài hàng tháng, xảy ra khi người phụ nữ không thụ thai.
- Thống kinh: còn gọi là đau bụng kinh, là cơn đau xuất hiện trong thời gian hành kinh.
- Estrogen: một loại hormone nữ do buồng trứng sản sinh ra.
- Khám phụ khoa tổng quát: là phương pháp kiểm tra cơ quan sinh dục nữ.
- Mô sẹo dính: là mô sẹo làm bề mặt các cơ quan dính liền với nhau.
- Ống dẫn trứng: là ống dẫn trứng từ buồng trứng đến tử cung.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: là phẫu thuật lấy bỏ tử cung.
- Progestin: là dạng tổng hợp của progesterone, gần giống với dạng do cơ thể sản sinh.
- Prostaglandins: là chất hoá học do cơ thể sản sinh ra, có nhiều tác dụng như làm cơ thành tử cung co thắt gây ra cơn đau bụng kinh.
- Siêu âm: là phương pháp dùng sóng âm để kiểm tra nội tạng.
- Soi ổ bụng: là phương pháp phẫu thuật dùng một dụng cụ gọi là kính soi, được đưa vào vùng chậu qua những đường rạch da nhỏ. Kính soi này được dùng để quan sát các cơ quan trong vùng chậu. Các dụng cụ khác được sử dụng cùng với kính soi để phẫu thuật.
- Tử cung: là một cơ quan nằm trong vùng chậu nữ giới, chứa và nuôi dưỡng thai nhi trong quá trình mang thai.
- Lạc nội mạc trong cơ tử cung: là trường hợp lớp nội mạc bên trong tử cung bị lạc chỗ đến lớp cơ của thành tử cung.
- Dụng cụ tử cung: là một dụng cụ nhỏ được đặt vào bên trong tử cung để phòng tránh thai.
- U xơ tử cung: là u lành tính phát triển ở lớp cơ của tử cung.
Chú ý:
Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa
Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq046.pdf?dmc=1&ts=20140214T1027261154