Định nghĩa
Hội chứng Carcinoid là bệnh gì?
Hội chứng Carcinoid hay còn gọi là hội chứng Thorson-Bioerck là một hội chứng rối loạn xuất hiện khi các khối u ung thư hiếm gặp có tên gọi là carcinoid tiết ra serotonin hoặc các hóa chất khác vào máu.
Hiện tượng này thường găp ở những người bị ung thư carcinoid nặng và có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau. Các khối u carcinoid phát triển khá chậm và chủ yếu được tìm thấy ở đường tiêu hóa hoặc ở phổi (phế quản), trong đó phổ biến nhất là ở ruột thừa.
Những ai thường mắc phải hội chứng Carcinoid?
Hội chứng carcinoid rất hiếm gặp với tỉ lệ mắc bệnh khoảng 3 trên 100.000 người và thường xuất hiện ở những người có khối u carcinoid đang ở giai đoạn phát triển mạnh.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Carcinoid là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng này phụ thuộc vào loại chất hóa học mà khối u Carcinoid tiết ra. Trong đó các triệu chứng chính thường xuất hiện bao gồm:
- Da đỏ bừng (xảy ra ở 75-90% bệnh nhân): khi triệu chứng này xuất hiện, da ở vùng mặt của bệnh nhân sẽ chuyển sang màu hồng, đỏ hoặc tím bầm và sau đó lan rộng ra cổ và phần thân trê Triệu chứng này thường kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ. Bệnh nhân có khối u carcinoid ở cuống phổi có thể xuất hiện triệu chứng này trong thời gian lâu hơn. Các tác nhân thông thường gây nên triệu chứng này bao gồm: cảm xúc mạnh, vận động nhiều, rượu, hoặc một số loại thực phẩm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hiện tượng này cũng có thể xuất hiện mà không cần một tác nhân kích thích nào.
- Tiêu chảy: đây cũng là một triệu chứng phổ biến của hội chứng Carcinoid. Chứng tiêu chảy xuất hiện trên 70% những người mắc bệnh và thường đi kèm tình trạng đau bụng.
- Thở gấp và thở khò khè: có thể xuất hiện do vấn đề về hô hấp như co thắt lớp cơ trơn ở phế quản (co thắt phế quản).
- Tim đập nhanh: có thể xuất hiện cùng lúc với triệu chứng da đỏ bừng.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người.
Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng Carcinoid là gì?
Nguyên nhân gây ra hội chứng Carcinoid là do các khối u carcinoid tiết ra serotonin hoặc một số loại hóa chất khác vào máu khiến cho các mạch máu giãn nở ra.
Thông thường, gan của chúng ta có thể vô hiệu hóa các hóa chất này trước khi nó gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, khi các khối u carcinoid di căn đến gan, nó có thể khiến gan không thể trung hòa các hóa chất này nữa. Do đó, hầu hết các bệnh nhân bị hội chứng Carcinoid thường sẽ bị ung thư gan di căn.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Carcinoid?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này, bao gồm:
- Tiền sử gia đình mắc chứng tân sinh đa tuyến nội tiết loại 1: tân sinh đa tuyến nội tiết loại 1 là một chứng bệnh di truyền làm tăng nguy cơ phát triển khối u ở tuyến yên, tuyến cận giáp và tuyến tụ. Ước tính rằng có khoảng 10% các trường hợp khối u carcinoid ở hệ tiêu hóa có liên quan đến chứng tân sinh đa tuyến nội tiết loại 1.
- Chủng tộc và giới tính: khối u carcinoid ở hệ tiêu hóa thường xuất hiện ở người da đen nhiều hơn người da trắng. Nam giới da đen thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ da đen. Đối với người da trắng, nam giới và phụ nữ có cùng tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh.
- Tuổi tác: đối với khối u carcinoid ở đường tiêu hóa, những người mắc bệnh có độ tuổi trung bình thường từ 55-65 tuổ Đối với khối u carcinoid ở ruột thừa, độ tuổi trung bình thường khoảng 40 tuổi. Đối với khối u carcinoid ở phổi, độ tuổi trung bình thường từ 45-55. Trẻ em hiếm khi mắc phải khối u carcinoid.
- Các bệnh lý dạ dày khác: những người mắc phải các chứng bệnh gây tổn thương dạ dày và làm giảm lượng axit sản sinh ra đều có nguy cơ bị khối u carcinoid ở dạ dày cao hơn. Đặc biệt, những người bị bệnh thiếu máu ác tính thường có nguy cơ bị khối u carcinoid ở dạ dày cao hơn.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng Carcinoid?
Thông thường, các khối u carcinoid được tình cờ phát hiện khi bệnh nhân làm các xét nghiệm hay thủ thuật dành cho các bệnh khác, chẳng hạn như phẫu thuật bụng dưới.
Do hội chứng Carcinoid khá hiếm còn triệu chứng lại giống với một số bệnh lý khác, bác sĩ thường chỉ nghi ngờ người bệnh mắc hội chứng Carcinoid khi không tìm ra nguyên nhân nào khác gây ra các triệu chứng.
Để chẩn đoán xác nhận nghi ngờ này, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp xét nghiệm bao gồm:
- Thử nước tiểu
- Xét nghiệm máu (bao gồm xét nghiệm nồng độ serotonin trong máu)
- Chụp CT và MRI ngực hoặc bụng
- Siêu âm tim
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng Carcinoid?
Để điều trị hội chứng carcinoid, các bác sĩ sẽ phải loại bỏ hoặc hạn chế sự lan rộng các khối u carcinoid.
Thông thường, phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ là phương pháp đầu được tiến hành. Nếu phương pháp phẫu thuật không thể giúp hạn chế các khối u lan rộng, bác sĩ có thể chuyển qua sử dụng thuốc (octreotide, lanreotide và interferon alfa) để thu nhỏ các khối u và kiểm soát triệu chứng.
Một số phương pháp điệu trị khác như liệu pháp thuyên tắc động mạch gan để cắt nguồn cung cấp máu đến khối u hay hóa trị cũng có thể được bác sĩ chọn lựa để điều trị nếu khối u đã di căn đến gan.
Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Carcinoid?
Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn
- Hạn chế uống rượu vì rượu có thể gây đỏ bừng mặt
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, hạn chế các bữa ăn có khẩu phần lớn
- Cân nhắc việc sử dụng các viên uống bổ sung vitamin nếu bạn bị tiêu chảy mãn tính vì cơ thể sẽ khó tổng hợp các loại vitamin và chất dinh dưỡng từ thức ăn
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.