Tăng sinh nội mạc tử cung là gì?
Tăng sinh nội mạc tử cung (hay còn gọi là quá sản nội mạc tử cung) xảy ra khi nội mạc tử cung – lớp lót trong cùng của tử cung trở nên quá dày. Tình trạng này không phải là ung thư, nhưng trong một vài trường hợp, nó có thể dẫn tới ung thư tử cung.
Hình hiển vi cho thấy tăng sinh nội mạc tử cung đơn giản (Nguồn: wikipedia.org)
Bình thường nội mạc tử cung thay đổi như thế nào trong chu kỳ kinh nguyệt?
Những thay đổi của nội mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt là sự đáp ứng với các hormone. Trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh, hormone estrogen được tạo ra từ buồng trứng. Estrogen làm cho lớp lót tử cung phát triển và dày lên để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Vào giữa chu kỳ, một trứng sẽ được phóng thích từ một trong hai buồng trứng (sự rụng trứng). Theo sau sự rụng trứng, nồng độ của một hormone khác là progesterone bắt đầu tăng. Progesterone chuẩn bị nội mạc tử cung cho việc đón nhận và nuôi dưỡng một trứng đã thụ tinh.
Nếu sự mang thai không xảy ra, nồng độ của estrogen và progesterone sẽ giảm. Chính sự sụt giảm của progesterone đã khởi đầu cho sự hành kinh hay sự bong của lớp lót tử cung. Một khi lớp lót đã bong ra hoàn toàn, một chu kỳ kinh mới bắt đầu.
Nguyên nhân gây nên tăng sinh nội mạc tử cung
Tăng sinh nội mạc tử cung hay gặp nhất là do thừa estrogen mà không có progesterone. Nếu sự rụng trứng không xảy ra, progesterone sẽ không được tạo thành và lớp lót tử cung sẽ không bong ra. Nội mạc tử cung sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng với lượng estrogen trong cơ thể. Các tế bào tạo nên lớp lót sẽ ngày càng chen chúc nhau và trở nên bất thường. Tình trạng này gọi là tăng sinh, có thể dẫn đến ung thư ở một số phụ nữ.
Tăng sinh nội mạc tử cung xảy ra vào lúc nào?
Tăng sinh nội mạc tử cung thường xảy ra sau khi mãn kinh, khi sự rụng trứng dừng lại và progesterone không còn được tạo ra. Nó cũng có thể xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh, khi sự rụng trứng xảy ra không đều đặn. Phụ nữ có nồng độ estrogen cao và không có đủ progesterone trong những trường hợp sau đây:
- Sử dụng các loại thuốc tương tự như estrogen
- Sử dụng estrogen liều cao kéo dài sau khi mãn kinh (ở những phụ nữ chưa cắt tử cung)
- Kinh nguyệt không đều, đặc biệt liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang hay vô sinh
- Béo phì
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến tăng sinh nội mạc tử cung?
Tăng sinh nội mạc tử cung thường xảy ra với những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ sau:
- Hơn 35 tuổi
- Người da trắng
- Chưa từng mang thai
- Mãn kinh muộn
- Bắt đầu có kinh nguyệt sớm
- Tiền sử bản thân có các bệnh, như đái tháo đường, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh túi mật hay bệnh lý tuyến giáp
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Tiền sử gia đình về ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng hay ung thư tử cung
Các thể tăng sinh nội mạc tử cung
Tăng sinh nội mạc tử cung được chia làm thể đơn thuần và phức tạp. Nó còn được phân loại dựa vào việc có các thay đổi về tế bào hay không. Nếu có các thay đổi bất thường, thì được gọi là thể không điển hình. Các thuật ngữ sau dùng để diễn đạt các thể của tăng sinh:
- Tăng sinh đơn thuần
- Tăng sinh phức tạp
- Tăng sinh không điển hình đơn thuần
- Tăng sinh không điển hình phức tạp
Các dấu hiệu và triệu chứng của tăng sinh nội mạc tử cung
Dấu hiệu thường gặp nhất của tăng sinh là sự chảy máu tử cung bất thường. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ của bạn:
- Chảy máu nhiều hơn hay kéo dài hơn bình thường trong giai đoạn hành kinh
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày (tính từ ngày đầu tiên của giai đoạn hành kinh này đến ngày đầu tiên của giai đoạn hành kinh tiếp theo)
- Chảy máu sau khi mãn kinh
Tăng sinh nội mạc tử cung được chẩn đoán như thế nào?
Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu tử cung bất thường. Nếu bạn bị chảy máu bất thường và bạn lớn hơn hay bằng 35 tuổi hoặc nếu bạn nhỏ hơn 35 tuổi nhưng sự chảy máu bất thường không đáp ứng với thuốc, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán tăng sinh và ung thư nội mạc tử cung.
Siêu âm qua âm đạo có thể được thực hiện để đo bề dày của lớp nội mạc tử cung. Trong kỹ thuật này, một thiết bị nhỏ sẽ được đặt trong âm đạo của bạn. Sóng siêu âm từ thiết bị sẽ chuyển thành hình ảnh của các cơ quan trong khung chậu. Nếu lớp nội mạc dày, đó có thể là sự biểu hiện của tăng sinh nội mạc tử cung.
Cách duy nhất để biết chắc chắn đó có phải là ung thư hay không, là lấy một mẫu mô nhỏ từ lớp nội mạc và phân tích nó dưới kính hiển vi. Điều này có thể thực hiện với các phương pháp như sinh thiết nội mạc tử cung, nong và nạo buồng tử cung hoặc nội soi buồng tử cung.
Các cách điều trị thích hợp cho tăng sinh nội mạc tử cung
Trong nhiều trường hợp, tăng sinh nội mạc tử cung có thể được điều trị bằng progestin. Progestin được sử dụng qua đường uống, tiêm, qua dụng cụ tử cung (intrauterine device) hoặc ở dạng kem bôi âm đạo. Liều lượng sử dụng phụ thuộc vào tuổi và thể tăng sinh. Việc điều trị bằng progestin có thể gây chảy máu âm đạo như trong quá trình hành kinh.
Nếu bạn bị tăng sinh không điển hình, đặc biệt là thể tăng sinh không điển hình phức tạp, nguy cơ ung thư sẽ cao hơn. Phẫu thuật cắt tử cung thường là cách điều trị tốt nhất nếu bạn không muốn sinh con nữa.
Làm sao để phòng tránh tăng sinh nội mạc tử cung?
Bạn có thể làm theo các bước sau để giảm nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung:
- Nếu bạn dùng estrogen sau mãn kinh, bạn còn cần dùng thêm progestin hay progesterone.
- Nếu chu kỳ hành kinh của bạn không đều, bác sĩ sẽ khuyên uống thêm các viên thuốc tránh thai. Chúng có chứa estrogen cùng với progestin, các dạng khác của progestin cũng có thể được sử dụng.
- Nếu bạn quá cân, nên giảm cân. Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung tăng theo mức độ béo phì.
Giải thích thuật ngữ
- Tế bào: Đơn vị nhỏ nhất của cấu trúc cơ thể; cấu thành tất cả các bộ phận của cơ thể.
- Đái tháo đường: Tình trạng của cơ thể với mức độ đường trong máu quá cao.
- Nong và nạo buồng tử cung: Một thủ thuật làm mở cổ tử cung và nhẹ nhàng lấy mô từ mặt trong của tử cung.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: Một xét nghiệm mà trong đó, một lượng nhỏ mô lót tử cung được lấy đi và kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Nội mạc tử cung: Lớp lót trong cùng của tử cung.
- Estrogen: một loại hormone phụ nữ được sản xuất ở buồng trứng, kích thích sự phát triển của lớp lót tử cung.
- Hormone: Chất được sản xuất bởi cơ thể để kiểm soát chức năng của nhiều cơ quan.
- Cắt tử cung: phẫu thuật loại bỏ tử cung
- Nội soi buồng tử cung: Một thủ thuật mà trong đó, một thiết bị nhỏ, dẫn ánh sáng, gọi là dụng cụ soi buồng tử cung, được đưa vào tử cung qua cổ tử cung để nhìn rõ phía trong của tử cung hoặc để thực hiện phẫu thuật.
- Dụng cụ tử cung: Một thiết bị nhỏ được đưa vào và đặt trong tử cung để tránh thai.
- Mãn kinh: Một giai đoạn trong cuộc đời của phụ nữ, khi các buồng trứng ngừng hoạt động, biểu hiện bằng sự vắng chu kỳ kinh nguyệt trong 1 năm.
- Sự hành kinh: Sự chảy máu và mô từ tử cung xảy ra hằng tháng ở phụ nữ không mang thai.
- Sự rụng trứng: Sự phóng thích một trứng từ một trong hai buồng trứng.
- Tiền mãn kinh: Khoảng thời gian chuyển tiếp trước khi mãn kinh, thường kéo dài từ 45 tới 55 tuổi.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Tình trạng trong đó nồng độ của một số hormone là bất thường và một vài khối tăng trưởng nhỏ (gọi là nang) xuất hiện ở các buồng trứng. Hội chứng này có liên quan với vô sinh và có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường và bệnh tim.
- Progesterone: Một loại hormone của phụ nữ được sản xuất ở các buồng trứng giúp chuẩn bị lớp lót tử cung cho sự mang thai.
- Progestin: Một dạng progesterone tổng hợp gần giống với hormone sản xuất tự nhiên bởi cơ thể.
- Siêu âm qua âm đạo: Một loại siêu âm trong đó đầu dò được thiết kế đặc biệt để đặt vào âm đạo.
- Tử cung: Một cơ quan dạng cơ, nằm ở vùng chậu của người phụ nữ, giúp mang và nuôi dưỡng bào thai trong khi mang thai.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy trao đổi với bác sĩ Sản phụ khoa.
Tài liệu tham khảo
Endometrial Hyperplasia – FAQ147 Gynecologic Problems – The American College of Obstetricians and Gynecologists