Những điều cần biết trước khi mang thai

(3.52) - 13 đánh giá

Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để làm gì?

Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai nhằm mục đích để tìm kiếm những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Xác định những yếu tố này trước khi mang thai giúp bạn thực hiện những bước để tăng cơ hội có một thai kỳ khỏe mạnh và một đứa con khỏe mạnh. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về chế độ ăn uống, lối sống, bệnh sử của bạn và gia đình, thuốc bạn đang uống và về những lần mang thai trước đó.

Ai nên kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai?

Nếu bạn dự định mang thai, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe trước. 8 tuần đầu của thai kỳ là thời điểm quan trọng đối với sự phát triển của đứa trẻ trong bụng của bạn. Đây là thời điểm mà hầu hết các cơ quan và hệ thống cơ thể quan trọng của đứa trẻ bắt đầu được hình thành. Sức khỏe và dinh dưỡng của bạn có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đứa trẻ trong những tuần đầu này của thai kỳ.

Tại sao một chế độ ăn lành mạnh lại quan trọng?

Cơ thể của bạn cần một sự cung cấp đều đặn chất dinh dưỡng để phát triển, để thay thế tế bào chết và cung cấp năng lượng. Lượng chất dinh dưỡng bạn cần hằng ngày được gọi là lượng khẩu phần ăn tham khảo. Lượng chất dinh dưỡng cần thiết hằng ngày theo khẩu phần ăn tham khảo có thể được cung cấp từ thức ăn và thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, hầu hết các chất dinh dưỡng nên được cung cấp từ thức ăn mà bạn ăn vào.

Làm thế nào để bảo đảm có một chế độ ăn lành mạnh?

Để đảm bảo rằng chế độ ăn của bạn cung cấp đủ chất dinh dưỡng, bạn cần phải biết những chất nào có trong thức ăn bạn ăn vào. Hướng dẫn chế độ ăn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, gọi là MyPlate có thể giúp bạn lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe. MyPlate đưa ra chế độ ăn theo tuổi, giới tính và mức độ vận động hằng ngày của bạn.

Xem thêm bài: "Chế độ ăn uống cho phụ nữ mang thai" của Nhóm Thực phẩm cộng đồng.

Thừa cân ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Thừa cân khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng lên thai kỳ và quá trình sinh nở, bao gồm tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, đái tháo đường thai kỳ (tiểu đường thai kỳ). Béo phì khi đang mang thai có liên quan đến hiện tượng thai nhi quá to (macrosomia), cũng như làm tăng nguy cơ gây thương tổn lúc sinh và nguy cơ phải sinh mổ. Nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh cũng tăng cao, đặc biệt là dị tật ống thần kinh. Quá nhiều lượng mỡ trong cơ thể cũng có thể gây khó khăn cho bác sĩ khi theo dõi thai nhi bằng siêu âm, hoặc khi nghe tim thai.

Xem thêm bài: "Béo phì và thai kỳ" của Y học cộng đồng

Làm thế nào để giảm cân nếu tôi bị thừa cân?

Để giảm cân, bạn cần tiêu thụ lượng calo lớn hơn lượng calo mà bạn nạp vào. Cách tốt nhất để giảm cân là thay đổi chế độ ăn và tăng cường vận động thể lực. Giảm lượng calo bạn nạp vào bằng lượng calo bạn tiêu thụ là một bước đầu tiên hữu hiệu. Tập thể dục sẽ đốt cháy năng lượng và giúp giảm cân. Trong vài trường hợp đặc biệt, kê đơn thuốc hoặc phẫu thuật giảm cân có thể được xem xét.

Thiếu cân ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Thiếu cân cũng đặt ra nhiều nguy cơ cho quá trình mang thai. Nó làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Những đứa trẻ này cũng có nguy cơ mắc những vấn đề xảy ra trong quá trình mẹ chuyển dạ sinh nở và cũng có thể gặp phải những vấn đề về sức khỏe và hành vi mà có thể kéo dài đến tận tuổi trưởng thành. Thiếu cân khi mang thai còn làm tăng nguy cơ sinh non.

Có nên uống viên bổ sung vitamin không?

Mặc dù hầu hết chất dinh dưỡng được lấy từ nguồn thức ăn bạn ăn vào, bạn nên bắt đầu uống bổ sung viên vitamin trước sinh trước khi mang thai. Viên vitamin trước sinh chứa đầy đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết hằng ngày được khuyến cáo cho trước và trong khi mang thai.

Tại sao cần phải cung cấp đủ acid folic trước khi mang thai?

Acid folic giúp ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh nếu được cung cấp trước khi mang thai và kéo dài đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ. Tất cả phụ nữ (cho dù họ không dự định mang thai) được khuyến cáo tiêu thụ 0.4 milligram (400 microgram) acid folic mỗi ngày.

Xem thêm bài: "Acid Folic và Thai kỳ" của Nhóm CLB SPK Đại học Y dược Huế

Tại sao cần phải cung cấp đủ sắt?

Sắt có vai trò quan trọng trong quá trình mang thai. Nó được sử dụng để tạo thêm máu cần thiết để cung cấp oxy cho thai nhi.

Hình minh họa cho sức khỏe thai phụ

Lối sống của tôi có ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ không?

Hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng ma túy khi mang thai có thể gây những tác hại xấu đến sức khỏe của đứa trẻ. Thời điểm bào thai dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những tác nhân này là trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ (3 tháng đầu của thai kỳ). Dừng những hành vi có hại này có thể làm giảm hoặc thậm chí loại bỏ nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh xảy ra sớm trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Môi trường xung quanh ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Một số chất được tìm thấy ở nhà hoặc ở nơi làm việc có thể khiến người phụ nữ khó thụ thai hoặc gây hại cho thai nhi. Nếu bạn dự định có thai, xem xét thật kỹ lưỡng nơi làm việc cũng như nhà ở của bạn. Suy nghĩ về những chất hóa học mà bạn dùng trong nhà hoặc trong vườn. Tìm hiểu thông tin từ người thuê bạn để biết liệu bạn có tiếp xúc với những chất độc tại nơi làm việc như chì hoặc thủy ngân, những hóa chất như thuốc trừ sâu hoặc các loại dung môi, hoặc phóng xạ.

Tình trạng bệnh lý của tôi có ảnh hưởng đến thai kỳ không?

Một vài bệnh lý – như đái tháo đường, tăng huyết áp, trầm cảm và rối loạn co giật – có thể gây nhiều vấn đề trong suốt quá trình mang thai. Nếu bạn mắc bệnh, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn những thay đổi bạn cần thực hiện để kiểm soát bệnh của bạn trước khi bạn có thai.

Thuốc tôi dùng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Một vài loại thuốc, bao gồm viên vitamin bổ sung, thuốc không cần kê đơn và thảo dược có thể gây hại đến thai nhi và vì vậy không nên dùng nếu bạn đang mang thai. Việc nói với bác sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng trong quá trình kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là rất quan trọng. Không được tự ý ngừng uống thuốc kê đơn của bác sĩ cho đến khi bạn đã nói chuyện với bác sĩ của mình.

Nếu tôi bị nhiễm khuẩn, thai có bị ảnh hưởng không?

Nhiễm khuẩn có thể gây hại cho cả mẹ lẫn thai nhi. Một số loại nhiễm khuẩn mẹ mắc trong khi mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh hoặc gây bệnh cho trẻ.

Nhiễm khuẩn lây qua quan hệ tình dục – còn gọi bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) – cũng có hại đối với thai kỳ. Nhiều loại STDs có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai của bạn. Chúng cũng có thể lây sang và gây bệnh cho thai nhi. Nếu bạn nghĩ bạn hoặc người bạn đời bị nhiễm STDs, hãy đi kiểm tra và điều trị ngay lập tức.

Tôi có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn không?

Tiêm vaccin có thể ngăn ngừa một số bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, một số loại vaccin không an toàn nếu sử dụng lúc đang mang thai. Điều quan trọng là phải biết loại vaccin nào cần tiêm chủng và tiêm nó trước khi mang thai.

Nếu tôi có vấn đề với lần mang thai trước thì thế nào?

Một số vấn đề xảy ra trong lần mang thai trước có thể làm tăng nguy cơ tái xuất hiện ở lần mang thai tiếp theo. Những vấn đề này bao gồm sinh non, tăng huyết áp, tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, chỉ vì bạn gặp vấn đề trong những lần mang thai trước không có nghĩa là nó sẽ xảy ra lại, nhất là khi bạn được theo dõi chăm sóc thích hợp trước và trong khi mang thai.

Tại sao việc tôi và người bạn đời chia sẻ với bác sĩ về bệnh sử của gia đình hai bên lại quan trọng?

Một số tình trạng sức khỏe xảy ra phổ biến hơn ở một số gia đình hoặc một số nhóm dân tộc nhất định. Những tình trạng này được gọi là rối loạn di truyền. Nếu một họ hàng gần mắc một bệnh di truyền, thì bạn và con bạn có nguy cơ cao mắc bệnh đó.

Giải thích thuật ngữ

Bào thai: thai nhi phát triển trong tử cung từ tuần 9 của thai kỳ cho đến khi thai kỳ chấm dứt.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục: những bệnh có khả năng lây lan qua quan hệ tình dục, bao gồm Chlamydia, lậu, nhiễm virut papilloma ở người (HPV), mụn giộp, giang mai và nhiễm virut suy giảm miễn dịch ở người (HIV, nguyên nhân gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS)).

Calories (hay calo): đơn vị nhiệt năng dùng để diễn tả giá trị năng lượng của thức ăn.

Chất dinh dưỡng: chất nuôi dưỡng cơ thể được cung cấp từ thức ăn, như là vitamin và khoáng chất.

Đái tháo đường thai kỳ: đái tháo đường xảy ra lúc mang thai.

Đái tháo đường: là tình trạng đường máu tăng quá cao.

Dị tật ống thần kinh: dị tật xảy ra do sự phát triển không hoàn chỉnh của não bộ, tủy sống, hoặc là lớp bao bọc quanh chúng.

Siêu âm: xét nghiệm dùng sóng âm để kiểm tra những cấu trúc bên trong cơ thế. Trong suốt thai kỳ, nó có thể được sử dụng để kiểm tra sự phát triển của bào thai.

Sinh non: sinh trước 37 tuần thai.

Tiền sản giật: tình trạng xuất hiện trong thai kỳ, với biểu hiện huyết áp tăng và protein niệu.

Trầm cảm: cảm giác đau buồn trong một khoảng thời gian ít nhất 2 tuần.

Nếu bạn có thêm những câu hỏi gì, hãy liên hệ bác sĩ sản-phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq056.pdf?dmc=1&ts=20140407T0934047562

Biên dịch - Hiệu đính

Lê Minh Hòa - BS. Lê Thanh Nhã Uyên
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Tính an toàn của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong thời gian mang thai và cho con bú

(55)
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ rất nhiều cho việc khám và chữa bệnh của bác sĩ. Bác sĩ quan tâm đến chẩn đoán đúng, điều trị khỏi bệnh cho ... [xem thêm]

HIV và phụ nữ

(38)
Sự nhiễm vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV) xảy ra như thế nào? Vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV) xâm nhập vào dòng máu thông qua một vài chất ... [xem thêm]

Những điều cơ bản cho cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn

(61)
Tại sao chúng tôi gặp khó khăn khi mang thai? Nguyên nhân không thể mang thai có thể đến từ người chồng, người vợ hoặc cả hai. Khi một cặp vợ chồng gặp ... [xem thêm]

Khi thai nhi ngôi mông

(45)
Thế nào là ngôi mông? Khoảng 3-4 tuần trước ngày sinh dự kiến, phần lớn thai nhi sẽ xoay đầu xuống dưới gần đường sinh (âm đạo). Nếu điều này không ... [xem thêm]

Tập thể dục giữ vóc dáng sau sinh

(48)
Lợi ích của việc tập thể dục sau khi sinh con là gì? Tập thể dục hàng ngày có thể giúp hồi phục sự dẻo dai của cơ bắp và tăng sức đề kháng của cơ ... [xem thêm]

5 kiểu cơn co tử cung trong thai kỳ và những điều sản phụ cần biết

(73)
Biên dịch: Vân Trần Hiệu đính: BS Lê Hữu Thắng Những cơn co tử cung có liên quan đến sự co thắt và dày lên của cơ tử cung. Cơn đau hay cơn co thắt ... [xem thêm]

Du lịch trong thai kỳ

(37)
Thời gian nào tốt nhất để đi du lịch trong thai kỳ? Thời gian tốt nhất để đi du lịch có lẽ là giữa thai kỳ của bạn, trong khoảng tuần thứ 14 đến tuần ... [xem thêm]

Bài 27 – Làm gì khi phát hiện nhiễm HIV khi có thai?

(31)
“Con trẻ là cái neo giữ lấy cuộc đời người mẹ…” (Sophocles – Pheadra). Đặc biệt là khi người mẹ có vấn đề về sức khỏe, liên quan đến sinh mệnh ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN