Hôi miệng khi mang thai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(4.48) - 62 đánh giá

Biên dịch: Hoàng Thị Minh Anh

Hiệu đính: BS. Phạm Thanh Hoàng

Hôi miệng, được định nghĩa là mùi khó chịu thoát ra từ miệng hoặc các khoang chứa khí khác như mũi, các xoang và hầu họng. Trong 90% các trường hợp, mùi này chỉ thoát ra từ khoang miệng. Hôi miệng là một tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ có thai. Nhưng liệu nguyên nhân gây nên hôi miệng có liên quan tới việc mang thai hay không? Trong bài viết của MomJunction dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày những nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục chứng hôi miệng trong khi mang thai.

Hôi miệng có phải là một tình trạng bình thường khi mang thai?

Hôi miệng khi mang thai là hiện tượng phổ biến, và thường xảy ra do những biến đổi trong cơ thể.

Mùi hôi từ miệng xuất phát từ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, trong đó chủ yếu là hydrogen sulfide và methyl mercaptan. Nhiều vi khuẩn trong miệng sản xuất ra những chất này dẫn tới mùi hôi.

Nguyên nhân gây ra hôi miệng khi mang thai là gì?

Sau đây là những lý do phổ biến có thể dẫn tới sự tiến triển của những hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và cuối cùng gây ra hôi miệng trong thai kỳ

  • Thay đổi nội tiết tố: Các hormone tăng lên trong cơ thể có thể làm miệng trở thành nơi sản sinh lí tưởng cho các mảng bám. Sự gia tăng nồng đồ estrogen và progesterone có thể làm trầm trọng thêm đáp ứng của nướu răng với các mảng bám và gây ra viêm nướu. Nướu bị sưng tạo ra các túi – nơi thức ăn đọng lại và tạo ra mùi hôi. Vệ sinh răng miệng tốt có thể làm giảm các mảng bám, từ đó giảm viêm nướu trong thai kỳ.
  • Nôn: 66% phụ nữ mang thai buồn nôn và nôn do ốm nghén trong thai kỳ. Nôn mửa thường xuyên dẫn tới việc tạo ra môi trường axit trong miệng và tiếp đó là quá trình hủy khoáng của răng. Điều đó làm thức ăn dễ bám vào răng hơn, dẫn đến sâu răng và tạo ra mùi hôi.
  • Thiếu hụt Canxi: Em bé trong bụng mẹ hấp thụ canxi từ cơ thể mẹ. Không đủ canxi trong máu người mẹ khiến cho khoáng chất thoát ra từ xương và răng. Điều này làm răng yếu hơn, dễ bị sâu và dẫn đến hôi miệng.
  • Mất nước: Nên uống nhiều nước hơn trong suốt thai kì để bù lại lượng nước đã mất do nôn nghén hoặc đi tiểu quá nhiều. Uống ít có thể gây mất nước và khô miệng, có thể gây ra mùi hôi. Uống nước đầy đủ có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn bám trong răng.
  • Thay đổi lối sống: Mang thai gây ra những cơn đói cồn cào ở các mẹ bầu. Thường xuyên ăn vặt và ăn đêm có thể gây ra hôi miệng. Hơn nữa, do cảm giác thèm ăn khi mang thai, một số mẹ bầu thường ăn nhiều đồ có đường và đồ ăn vặt.
  • Tiêu hóa chậm: quá trình tiêu hóa thường bị ảnh hưởng trong thai kỳ do sự nở rộng của tử cung và thay đổi nội tiết tố và dẫn tới sự trào ngược acid. Điều này có thể gây ra quá trình hủy khoáng của men răng, hình thành các vết nứt trên răng, tạo cơ hội cho thức ăn bám lại và có thể dẫn đến hôi miệng.
  • Giảm lưu lượng nước bọt: Nước bọt có tác dụng làm sạch răng. Nó quét sạch thức ăn còn sót lại ở các rãnh trên bề mặt răng và giữ cho trong miệng sạch sẽ. Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng lưu lượng nước bọt giảm khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ hôi miệng.
  • Thức ăn: Thực phẩm chứa các thành phần có mùi nồng như hành, tỏi, cà phê,… cũng có thể tạo ra mùi hôi miệng.
  • Tình trạng sức khoẻ: Các nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai – mũi – họng, đái tháo đường, các bệnh lí về gan, bệnh lí đường tiêu hóa, bệnh lí nội tiết và bệnh lí chuyển hóa là một vài nguyên nhân khác khiến gây ra tình trạng hôi miệng. Các triệu chứng thường giống nhau ở phụ nữ có thai và không có thai.

Các tình trạng trên có thể dẫn tới nhiều vấn đề về răng miệng, mà cuối cùng là gây ra hôi miệng. Hầu hết các trường hợp là do viêm nướu.

Điều quan trọng đáng lưu ý là bản thân việc mang thai có rất ít ảnh hưởng tới bệnh viêm nướu hay viêm nha chu. Phần lớn là do những mảng bám đã có hiện diện sẵn ở trong khoang miệng. Vì thế mà ở những người phụ nữ đang có ý định mang thai được khuyến cáo nên thường xuyên làm sạch và đánh bóng răng. Vệ sinh răng miệng là một việc hoàn toàn an toàn đối với phụ nữ mang thai, nhưng nếu bạn cần bất kì điều gì liên quan tới vấn đề nha khoa, hãy nói với bác sĩ để được hướng dẫn.

Triệu chứng của hôi miệng trong thai kỳ

Đôi khi, bạn không nhận thấy mình bị hôi miệng cho tới khi bạn bè và người thân nói cho bạn. Tuy vậy, bạn có thể nhận thấy tới một hoặc một vài triệu chứng sau đây đi kèm với hôi miệng:

  • Nướu đỏ, sưng và chảy máu.
  • Khô miệng hoặc giảm tiết nước bọt.
  • Lưỡi đóng bợn trắng.
  • Đắng miệng hoặc vị kim loại khó chịu trong miệng.

Làm thế nào để không bị hôi miệng trong khi mang thai?

Xử trí hôi miệng không phải lúc nào cũng cần tới can thiệp y tế. Một số biện pháp tự làm ở nhà có thể giúp khắc phục hôi miệng.

  • Đánh răng 2 lần một ngày, vì đây là bước đầu tiên để bảo vệ răng miệng hiệu quả.
  • Dùng chỉ nha khoa hàng ngày để không cho những mảng thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng.
  • Làm sạch lưỡi vì đó là nơi vi khuẩn trú ngụ, gây ra hôi miệng.
  • Dùng nước muối ấm hoặc nước súc miệng không chứa cồn sau khi ăn.
  • Không ăn các thức ăn chứa gia vị nồng hoặc đánh răng ngay sau khi ăn chúng.
  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ vì chúng có tác dụng làm sạch những mảng bám mềm trên răng. Đồng thời, thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp cải thiện tiêu hóa.
  • Uống nhiều nước làm bớt khô miệng và ngăn ngừa hôi miệng.
  • Bạn cũng có thể ăn kẹo cao su không đường, nó giúp làm giảm bớt mùi hôi và tăng tiết nước bọt.
  • Bổ sung Canxi giúp duy trì lượng canxi trong máu một cách tối ưu. Phải có ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Kiểm tra răng miệng thường xuyên, được khuyến cáo là 6 tháng một lần.

Khi nào nên đi khám?

Các chuyên gia thường khuyến cáo nên thực hiện một buổi làm sạch và đánh bóng răng trong quý thứ hai của thai kỳ (từ tuần thứ 13 đến cuối tuần 26), ngay cả khi mẹ bầu không có bất kì vấn đề nào về răng miệng. Bạn có thể thảo luận điều này với các bác sĩ và nha sĩ của mình.

Bạn nên tới gặp nha sĩ trong các trường hợp sau:

  • Hơi thở hôi khiến bạn tự ti.
  • Nướu chảy máu
  • Răng lung lay
  • Răng hoặc nướu bị đau
  • Cảm giác bỏng rát trong miệng
  • Vị kim loại trong miệng
  • Thức ăn bám giữa răng và nướu
  • Chảy mủ từ nướu răng
  • Một cục đỏ và bóng trên nướu, trông như quả mâm xôi, có thể chỉ ra sự hiện diện của một u hạt sinh mủ, một nhiễm trùng nướu thấy ở 5% trường hợp mang thai.

Chẩn đoán hôi miệng

Hôi miệng thường được nhận ra bởi chính bệnh nhân, thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Nếu bạn nghi ngờ mình bị hôi miệng, nha sĩ có thể giúp bạn chẩn đoán xác định bằng cách làm những kĩ thuật sau:

  • Đo lường cảm quan: Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn vàng trong xác định hôi miệng. Trong phương pháp này, người khám đo lường lượng không khí bệnh nhân thở ra qua mũi. Đây là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán hôi miệng.
  • Sắc ký khí: Đây được coi là phương pháp chẩn đoán hôi miệng có độ tin cậy cao. Sắc ký khí được sử dụng để đo các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi.
  • Đo lường Sulfide: Đây là một cách tương đôi rẻ để định lượng hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi. Nó đo phản ứng điện hóa của các hợp chất chứa lưu huỳnh trong không khí thải ra trên thiết bị giám sát Sulfide.
  • Cảm biến hóa học: Những cảm biến này có một đầu dò có sẵn giúp đo các hợp chất lưu huỳnh từ lưỡi và các túi nướu. Cảm biến này tạo ra một điện áp điện hóa mà điện áp này được đo bằng thiết bị điện tử.
  • Xét nghiệm BANA: Sử dụng benzoyl-DL-arginine-a-naphthylamide để phát hiện vi sinh vật gây hôi miệng.

Một vài xét nghiệm có thể làm:

  • Định lượng hoạt tính β-galactosidase
  • Thử nghiệm ủ nước bọt
  • Định lượng ammoniac
  • Phương pháp Ninhydrin

Hầu hết các trường hợp, tình trạng hôi miệng khó chịu này trong thai kỳ có thể giải quyết bằng phác đồ điều trị cơ bản như lấy cao răng và đánh bóng răng mà không cần phải thực hiện những xét nghiệm trên.

Nha sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng và quyết định xem có cần thiết làm các xét nghiệm này không.

Điều trị hôi miệng khi mang thai như thế nào?

Nha sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây hôi miệng và khắc phục nó. Họ có thể triển khai một trong các phương pháp điều trị sau đây:

  • Lấy cao răng sâu và bào chân răng để giảm bớt mảng bám trên răng và dưới nướu.
  • Trám răng bằng nhựa cho răng bị bào mòn vì trào ngược axit hoặc nôn mửa.
  • Trám răng bằng nhựa cho răng sâu.
  • Nạo nếu có nhiều mảng bám lắng đọng dưới nướu.
  • Phẫu thuật hoặc can thiệp bằng laser để loại bỏ u hạt sinh mủ.

Mọi phương pháp chỉ nên được thực hiện sau khi có chỉ định từ bác sĩ. Những phương pháp điều trị sau đây không nên làm:

  • Không làm bất kì phương pháp tự chọn và không khẩn cấp nào.
  • Không chụp X-quang khi đang mang thai. Trong trường hợp bất đắc dĩ, hãy yêu cầu nhà sĩ sử dụng một vài biện pháp tối ưu như dùng một tấm phủ có chì để che phủ.
  • Không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Các câu hỏi thường gặp

Mang thai có gây ra hôi miệng không?

Bản thân việc mang thai không gây ra hôi miệng, tuy nhiên ốm nghén, trào ngược axit, việc thèm ăn và ăn vặt liên tục,.. xảy ra trong thai kỳ có thể dẫn tới hôi miệng.

Hôi miệng có phải là dấu hiệu của có thai không?

Theo như một vài bằng chứng giai thoại (bằng chứng thu thập một cách ngẫu nhiên hoặc không chính thức, phần nhiều dựa vào lời kể cá nhân), khứu giác tăng lên khi mang thai. Nó có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với mùi hôi có ở miệng từ trước. Tuy nhiên, nếu chỉ có mỗi sự xuất hiện của hơi thở có mùi thì không thể được xem như một dấu hiệu của việc mang thai. Bạn cần kiểm tra những dấu hiệu phổ biến hơn như là trễ chu kì kinh nguyệt để liên kết với các triệu chứng có thai. Mỗi người phụ nữ sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, cho nên không có một tiêu chuẩn chung nào cả. Hãy đi khám nếu như bạn nghĩ mình có thai.

Hôi miệng có liên quan gì tới giới tính của em bé không?

Không có mối tương quan nào giữa giới tính của em bé và việc mẹ có hơi thở có mùi. Mặc dù mang thai không trực tiếp gây ra hôi miệng, nhưng các triệu chứng liên quan tới thai kỳ có thể gây hôi miệng. Các triệu chứng này có thể chữa khỏi chỉ với một vài thay đổi. Điều quan trọng là phần lớn hôi miệng sẽ biến mất sau khi sinh em bé.

Bạn đã từng bị hôi miệng khi có thai chưa? Bạn đối mặt với nó như thế nào? Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm của bạn với chúng tôi qua phần bình luận bên dưới nhé!

Tài liệu tham khảo

www.momjunction.com/bad-breath-during-pregnancy

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Phạm Thanh Hoàng
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Say tàu xe khi mang thai – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

(55)
Biên dịch: Trần Thị Mỹ Duyên, Hồ Thị Vi Hiệu đính: BS. Bùi Thị Phương Loan Bạn đã bao giờ bị say tàu xe khi mang thai chưa? Đó chắc chắn không phải là một ... [xem thêm]

Làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh non?

(99)
Chuyển dạ sinh non là chuyển dạ sớm trước 37 tuần của thai kỳ. Trẻ sinh quá sớm (sinh non) gặp nhiều vấn đề về sức khỏe lúc mới sinh, cũng như trong quá ... [xem thêm]

Bài 30 – Mẹ bầu giận dữ và em bé trong bụng

(60)
Khi tìm hiểu về trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh, mình tự hỏi “đang mang thai mà mình giận dữ, bực tức…vậy em bé có “biết” không ta?” – chắc biết ... [xem thêm]

Những vấn đề về sàn chậu

(69)
Những vấn đề về sàn chậu là gì? Các cơ quan vùng chậu bao gồm âm đạo, cổ tử cung, tử cung, bàng quang, niệu đạo, ruột non và trực tràng. Các cơ quan này ... [xem thêm]

Ngân hàng máu dây rốn

(75)
Máu dây rốn là gì? Máu dây rốn hay còn gọi là máu cuống rốn, được lấy từ dây rốn hoặc nhau thai của trẻ ngay sau khi được sinh ra. Máu dây rốn chứa ... [xem thêm]

21 lý do nên gặp bác sĩ phụ khoa trước tuổi 21

(30)
Hầu hết những phụ nữ trẻ không cần phải làm xét nghiệm pap trước 21 tuổi, nhưng có ít nhất 21 lý do vì sao bạn nên gặp bác sĩ phụ khoa trước độ tuổi ... [xem thêm]

Xét nghiệm tầm soát người mang mầm gen bệnh trước khi mang thai

(30)
Xét nghiệm tầm soát người mang mầm gen bệnh trước khi mang thai là gì? Xét nghiệm tầm soát người mang mầm gen bệnh trước khi mang thai là một loại xét ... [xem thêm]

Triệt sản sau sinh

(39)
Triệt sản là gì? Triệt sản là một phương pháp ngừa thai vĩnh viễn. Triệt sản ở nữ được thực hiện bằng cách thắt ống dẫn trứng, nghĩa là ống dẫn ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN