Tìm hiểu chung
Bệnh thần kinh quay là bệnh gì?
Thần kinh quay ở tay điều khiển các cơ ở cánh tay, cẳng tay, cổ tay và ngón tay làm động tác gấp duỗi cánh tay và duỗi ngón tay. Nó còn chi phối cảm giác ở bàn tay và một số ngón. Bệnh thần kinh quay là tình trạng viêm (sưng) của dây thần kinh do bị kẹp (mắc kẹt) lại, thường là ở mặt trước dưới khuỷu tay hoặc phần trên cẳng tay.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh quay là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh quay bao gồm:
- Cảm giác bất thường ở bàn tay hoặc cẳng tay, mặt trước của bàn tay, ngón tay hoặc ngón trỏ và ngón giữa;
- Khó khăn duỗi thẳng cánh tay ở khuỷu tay;
- Khó gập cổ tay lại, hoặc khó nắm bàn tay lại;
- Tê, giảm xúc giác, ngứa, hoặc có cảm giác rát;
- Đau.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh quay là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh quay, bao gồm:
- Chấn thương xuyên qua tay có thể gây tổn thương dây thần kinh;
- Chấn thương đè ép ở phía trên cánh tay (từ nách), có thể do sử dụng nạng không đúng cách;
- Chấn thương đè ép ở rãnh thần kinh quay kéo dài trong nhiều giờ:
- Xảy ra ở những người ngủ quên trong trạng thái say rượu hay phê thuốc với cánh tay gác lên ghế;
- Gãy xương cánh tay gây đứt dây thần kinh thứ phát vì dây này chạy trong rãnh thần kinh quay của xương cánh tay;
- Gặp ở những người sử dụng xe lăn do rãnh thần kinh quay của xương cánh tay bị đè ép trên mặt phẳng cứng của xe lăn.
- Trật xương quay bán phần gây tổn thương thần kinh quay ở đầu cẳng tay;
- Hội chứng thần kinh gian cốt sau thường xảy ra khi có sự đè ép đoạn dây thần kinh quay chỗ đi vào cơ ngửa ở đầu gần cẳng tay:
- Thường liên quan đến động tác ngửa cẳng tay lặp lại nhiều lần và phì đại cơ ngửa;
- Hội chứng cũng có thể do viêm bao hoạt dịch khuỷu tay, u nang hoạt dịch, giãn rộng túi hoạt dịch vùng khuỷu hay u (đặc biệt là u mỡ) tại chỗ thần kinh quay đi vào cơ ngửa.
- Liệt thần kinh quay hai bên do ngộ độc chì.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh thần kinh quay?
Bất cứ ai cũng đều có thể có thể mắc bệnh thần kinh quay. Những người hay bị chấn thương tay, hoặc mắc bệnh thận và tiểu đường thường sẽ dễ mắc bệnh hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết về tình trạng bệnh của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh quay?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh quay:
- Thường xuyên bị chấn thương ở tay;
- Mắc bệnh thận;
- Mắc bệnh tiểu đường.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh thần kinh quay?
Bác sĩ sẽ chấn đoán bệnh thần kinh quay thông qua khám lâm sàng cánh tay, bàn tay và ngón tay, đồng thời chỉ định siêu âm. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm khác bao gồm:
- Chụp X-quang;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI);
- Đo điện cơ ký (EMG): điện cơ ký sẽ đo hoạt động điện của các cơ;
- Khảo sát dẫn truyền thần kinh: xét nghiệm này có thể cho bác sĩ biết mức độ hoạt động của dây thần kinh và giúp tìm ra vị trí bị chèn ép.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh thần kinh quay?
Mục tiêu của việc điều trị là giúp bạn lấy lại khả năng sử dụng bàn tay và cánh tay càng nhiều càng tốt. Thông thường, bác sĩ sẽ tìm và điều trị nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh quay, chẳng hạn như bệnh thận và tiểu đường. Trong một số trường hợp, bạn có thể không cần điều trị, bệnh sẽ tự phục hồi dần dần.
Tuy nhiên, ở những ca chấn thương nặng, các sợi thần kinh tại vị trí tổn thương bị chết và những phần gốc còn lại phải mọc mới ra để thay thế phần bị mất đi. Quá trình tái tạo thần kinh diễn ra khá chậm, và có thể không bao giờ hồi phục được hoàn toàn. Vật lý trị liệu và đeo nẹp cổ tay sẽ giúp bàn tay dần hoạt động trở lại như trước. Cho đến khi các sợi thần kinh bị tổn thương được nối với sợi cơ thì bài tập hữu ích nhất cho bạn là các bài tập tăng tầm vận động thụ động.
Nếu những phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ có thể giúp giải phóng dây thần kinh khỏi vị trí bị chèn ép ở cẳng tay hoặc giúp sửa chữa các dây thần kinh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thần kinh quay?
Bệnh thần kinh quay có thể được hạn chế nếu bạn:
- Ăn uống lành mạnh: dùng nhiều loại vitamin hàng ngày có thể giúp dây thần kinh phục hồi;
- Tránh uống rượu: rượu có thể gây chấn thương và gây độc cho dây thần kinh;
- Cân nhắc phương pháp kích thích điện cơ bằng cách đặt điện cực trên da;
- Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và nhà vật lý trị liệu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.