Loãng xương không còn là vấn đề sức khỏe của riêng người cao tuổi. Đừng để đến khi gặp phải những dấu hiệu nghiêm trọng, bạn mới tìm đến bác sĩ chữa trị.
Bạn có đang lo lắng có nguy cơ bị loãng xương? Nếu bác sĩ nói bạn có nguy cơ cao mắc chứng loãng xương thì có nghĩa là bạn đang có một hoặc nhiều nguy cơ khiến bạn bị loãng xương. Tuy vậy, bạn cũng có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát chứng loãng xương bằng việc khống chế những nguy cơ này.
Loãng xương là gì?
Loãng xương là một căn bệnh khiến xương của bạn trở nên yếu và dễ gãy. Điều này xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương ở các tế bào mô xương. Phần lớn mọi người đều không biết mình bị loãng xương cho tới khi nhận ra chiều cao của họ bị sụt giảm hoặc khi xương bị gãy.
Ở những giai đoạn đầu, bạn có thể không biết mình bị loãng xương do không hề xuất hiện một dấu hiệu bên ngoài nào nhưng khi xương đã trở nên yếu, bạn có thể có những triệu chứng dưới đây:
- Đau lưng do bị gãy hay lún đốt sống
- Chiều cao giảm dần
- Lưng gù (lưng tôm)
- Gãy xương mặc dù chỉ do va chạm nhẹ.
Những ai có các triệu chứng trên có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Có những yếu tố bạn có thể và không thể kiểm soát. Việc phòng ngừa kỹ lưỡng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ bị loãng xương và giúp bệnh không tiến triển nặng thêm nếu bạn đã bị loãng xương.
Những yếu tố gây loãng xương không thể kiểm soát
- Tuổi tác: Khi lớn hơn 50 tuổi thì bạn có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Lúc bạn 30 tuổi thì mật độ xương đã đạt đến mốc đỉnh điểm. Kể từ đây, quá trình sản xuất những phần xương mới sẽ chậm lại trong khi những phần xương cũ lại không ngừng thoái hóa. Ở một thời điểm nhất định thì tốc độ thoái hóa xương sẽ bắt kịp và vượt qua tốc độ tạo ra xương mới;
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới.Theo ước tính của Hiệp hội loãng xương quốc tế thì có khoảng 200 triệu người bị loãng xương trên toàn thế giới. Phụ nữ trong độ tuổi 20 đã bắt đầu bị thiếu hụt khối lượng xương. Từ tuổi 20 đến tuổi 80 thì người phụ nữ đã mất khoảng 1/3 lượng mật độ xương trong khi con số này ở người đàn ông chỉ là ¼. Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh sẽ bị thiếu hụt estrogen và điều này có thể khiến xương bị yếu đi;
- Chủng tộc: Những người châu Á có tạng người và xương nhỏ hơn các chủng tộc khác nên sẽ có khối lượng xương thấp hơn so với tiêu chuẩn trung bình của thế giới. Ngoài ra, phụ nữ châu Á ít tiêu thụ phô mai, sữa và các sản phẩm từ bơ sữa nên dễ bị thiếu hụt canxi;
- Tiền sử mắc loãng xương trong gia đình: Việc có một thành viên trong gia đình từng bị loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các nghiên cứu gần đây đang cố xác định xem loại gen nào gây ra chứng loãng xương. Một nghiên cứu cho thấy rằng mỗi rối loạn di truyền sẽ làm gia tăng nguy cơ bị loãng xương thêm một chút;
- Thể trạng tự nhiên: Việc thấp bé nhẹ cân thường đồng nghĩa rằng bạn có khối lượng xương ít hơn những người khác. Điều này cũng có nghĩa rằng tốc độ mất xương của bạn sẽ nhanh hơn những người khác;
- Tai nạn: Gãy xương có thể dẫn đến việc thiếu hụt canxi và làm giảm chiều cao.
Những yếu tố gây loãng xương có thể kiểm soát
- Chế độ ăn uống: Cách dễ nhất để cung cấp canxi và vitamin D cho cơ thể là thông qua một chế độ ăn uống khỏe mạnh. Việc không hấp thụ đầy đủ lượng canxi và vitamin D, không ăn đầy đủ trái cây, rau củ hay tiêu thụ quá nhiều protein, natri và caffeine có thể dẫn đến thiếu hụt canxi.
- Tập thể dục thường xuyên: Việc không tập thể dục thường xuyên hay quá thụ động sẽ làm gia tăng nguy cơ bị loãng xương.
- Hút thuốc và uống rượu bia: Việc hút thuốc và uống rượu bia có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Trong một cuộc khảo sát gần đây thì khi so sánh với những người không hút thuốc thì những người đang hút thuốc ở thời điểm hiện tại có tần suất bị đau nhức cơ thể cao hơn 50%. Với những người sử dụng rượu bia thì họ có thể bị chuột rút và ốm tới mức chỉ còn da bọc xương.
- Cân nặng: Bạn càng đẫy đà thì áp lực lên xương và các khớp sẽ càng lớn. Béo phì có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khớp như viêm khớp, đau thắt lưng, gout và đau cơ xơ hóa.
- Công việc văn phòng: Khi bạn dành quá nhiều thời gian để ngồi thì nguy cơ bị loãng xương sẽ gia tăng. Việc ngồi một chỗ không chỉ khiến bạn thụ động hơn mà còn làm xấu dáng và gây ra các vấn đề về lưng. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách tập các bài tập giúp hỗ trợ cân bằng và tăng cường sự cứng cáp của xương.
- Sử dụng steroid: Việc sử dụng các loại corticosteroid trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương. Bạn có thể trò chuyện với bác sĩ để tìm kiếm những phương pháp chữa trị thay thế phù hợp với tình trạng của bạn.
Biện pháp chữa trị bệnh loãng xương hiệu quả
Thông qua các bài kiểm tra mật độ xương, bạn sẽ biết nguy cơ mình bị gãy xương do loãng xương trong 10 năm tới, từ đó sẽ có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Nếu nguy cơ mắc bệnh loãng xương của bạn ở mức thấp thì bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn nên quan tâm đến những thay đổi trong lối sống và việc kiểm soát nguy cơ bị bệnh, bao gồm:
- Không hút thuốc
- Tránh lạm dụng rượu bia
- Tăng cường vận động: Bạn có thể đi bộ hoặc bơi lội
- Hạn chế ngã: Hãy đảm bảo an toàn ở nhà và chỗ làm. Bạn nên đặt thảm chống trượt ở những nơi bạn có thể bị trượt ngã. Bạn cũng có thể mang giày gót thấp có đế chống trượt
- Duy trì cân nặng phù hợp: Đảm bảo rằng bạn không bị thừa cân hay béo phì do những căn bệnh này có thể khiến xương bạn chịu áp lực nặng hơn và dễ bị chấn thương hơn
- Duy trì chế độ ăn uống khỏe mạnh với đầy đủ canxi và vitamin D: Chế độ ăn uống của bạn nên có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp xương chắc khỏe. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị gãy xương.
Khi nguy cơ bị gãy xương tăng lên thì bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn sử dụng các loại thuốc để ngăn ngừa tình trạng bị mất xương và để chữa trị loãng xương. Những loại thuốc thuộc nhóm bisphosphonates bao gồm: Alendronate (Fosamax®), Risedronate (Actonel®, Atelvia®), Ibandronate (Boniva®), Zoledronic acid (Reclast®).
Những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, khó nuốt và khiến thực quản bị viêm hay loét. Uống thuốc đúng cách có thể hạn chế những tác dụng phụ trên. Bạn nên uống thuốc bằng nước lọc vào buổi sáng khi chưa ăn gì. Không nằm sấp ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc để tránh gây khó chịu thực quản. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn liều dùng phù hợp nhé.