Tìm hiểu chung
Nang tụy là bệnh gì?
Nang tụy là túi dịch ở trên hoặc trong tuyến tụy, cơ quan lớn nằm phía sau dạ dày có nhiệm vụ sản xuất một số hormone và enzyme giúp tiêu hóa thức ăn. Trên thực tế, hầu hết các nang tụy không phải là ung thư và nhiều trường hợp không gây ra triệu chứng. Chúng thường được phát hiện trong quá trình chẩn đoán bằng hình ảnh cho một bệnh khác. Một số túi chứa dịch lành tính được lót bằng mô sẹo hoặc mô viêm, không phải là loại tế bào có trong u nang. Tuy nhiên, một số nang tụy có thể trở thành ung thư. Bác sĩ có thể lấy một mẫu dịch nang tụy để xác định xem có các tế bào ung thư không.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nang tụy là gì?
Trên thực tế, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào vì nang tụy thường được phát hiện khi chẩn đoán hình ảnh vùng bụng vì lý do khác.
Dấu hiệu hoặc triệu chứng của nang tụy có thể bao gồm:
- Đau bụng dai dẳng, có thể lan đến lưng;
- Cảm thấy có u ở vùng bụng trên;
- Buồn nôn và nôn.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn ngừa diễn tiến nặng hơn và tránh các tình huống phải cấp cứu, vì vậy bạn hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh tình trạng này. Nếu bạn bị ngất, đau bụng trầm trọng, suy giảm ý thức, tim đập nhanh và yếu, ói ra máu, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh nang tụy?
Cho đến bây giờ, các chuyên gia không biết chính xác nguyên nhân gì gây ra bệnh nang tụy. Một sốnang có liên quan đến vài căn bệnh hiếm gặp như bệnh von Hippel-Lindau, một rối loạn di truyền có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy và các cơ quan khác. Nang giả thường theo sau một cơn đau, trong đó men tiêu hoá hoạt động sớm và kích thích tuyến tụy (viêm tụy). Nang giả cũng có thể do chấn thương bụng chẳng hạn như từ một tai nạn xe hơi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh nang tụy?
Bệnh này có thể ảnh hưởng đến cả nam lẫn nữ. Mỗi năm, các chuyên gia phát hiện ra 300 người bị bệnh này. Theo thời gian, họ đã phát hiện ra rằng nhiều người bị u nang chỉ cần được theo dõi cẩn thận chứ không cần điều trị.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nang tụy?
Uống rượu nhiều và sỏi mật là yếu tố gây ra viêm tụy, từ đó dẫn đến nang tụy. Hơn nữa, chấn thương bụng cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra nang giả.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nang tụy?
Nang tụy được phát hiện nhiều hơn so với trước đây nhờ sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh. Nhiều nang tụy được phát hiện sớm trong quá trình chụp hình bụng vì các vấn đề khác. Trở ngại chính trong chẩn đoán là xác định xem nang có thể trở thành ung thư hay không. Những phương pháp thường được dùng để chẩn đoán là:
- Xem xét bệnh sử. Tiền sử chấn thương bụng hoặc viêm tụy có thể giúp chẩn đoán nang giả;
- Chụp cắt lớp vi tính. Phương pháp này có thể cung cấp thông tin chi tiết về kích thước và cấu trúc của nang tụy;
- Chụp cộng hưởng từ. Quy trình này có thể làm nổi bật các chi tiết của nang tuyến, bao gồm thành phần có nguy cơ cao bị ung thư;
- Siêu âm qua ngã nội soi. Thủ thuật này, như chụp cộng hưởng từ, có thể cung cấp một hình ảnh nang chi tiết. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy dịch từ các nang để phân tích trong phòng thí nghiệm và tìm các dấu hiệu của bệnh ung thư (nếu có).
Các đặc điểm và vị trí của nang tụy, với độ tuổi và giới tính của bạn, có thể giúp bác sĩ xác định loại u:
- U nang thanh dịch. Khối u này có thể phình to và làm lệch vị trí các cơ quan lân cận, gây đau bụng và đầy bụng;
- U nang nhầy. Loại này thường nằm trong thân hoặc đuôi tụy và xảy ra thường xuyên nhất ở phụ nữ trung niên. U nang nhầy là tiền ung thư, nghĩa là có thể trở thành ung thư nếu không được điều trị;
- Tăng sản nhú dạng nhầy trong ống. Đây là sự tăng triển trong ống tụy chính hoặc trong các nhánh phụ của ống tụy. Tăng sản nhú dạng nhầy trong ống có thể là tiền ung thư hoặc ung thư;
- U nang nhú. Loại này thường nằm trong thân hoặc đuôi tụy và xảy ra thường xuyên nhất ở phụ nữ dưới 35;
- U nang tế bào đảo. Loại u này chủ yếu là dạng rắn nhưng có các thành phần giống nang. U nang tế bào đảo hiếm khi xuất hiện.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nang tụy?
Tùy thuộc vào loại nang, kích thước, đặc điểm và triệu chứng (nếu có), bác sĩ sẽ xác định cách điều trị, bao gồm:
- Chờ theo dõi. Một nang tụy lành tính, thậm chí kích thước lớn, có thể để yên khi nó không ảnh hưởng đến sức khỏe. U nang thanh dịch hiếm khi trở thành ung thư, do đó có thể để yên trừ khi gây ra triệu chứng hoặc lớn lên. Tuy nhiên, tất cả các nang tụy đều cần được theo dõi;
- Thoát lưu. Một nang tụy gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc lớn lên cần phải được thoát lưu. Bác sĩ sẽ đưa một ống mềm nhỏ (nội soi) qua miệng, vào dạ dày và ruột non. Ống nội soi được trang bị một đầu dò siêu âm (siêu âm nội soi) và một cây kim để lấy dịch từ các nang. Đôi khi thoát lưu qua da là cần thiết;
- Phẫu thuật. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ một nang giả lớn hoặc một u nang thanh dịch nếu nó gây ra đau hoặc các triệu chứng khác. Các loại nang tụy thường phải được phẫu thuật cắt bỏ vì có nguy cơ diễn tiến thành ung thư.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nang tụy?
Bạn sẽ có thể kiểm soát nang tụy nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Ngừng uống rượu, đặc biệt là khi bạn có tiền sử nghiện rượu hoặc bệnh nang tụy;
- Áp dụng chế độ ăn uống ít chất béo và cholesterol, nhiều trái cây, rau xanh và protein nạc có thể giảm lượng chất béo trung tính cũng như tránh mắc bệnh nang tụy.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.