Cảm giác bị rát lưỡi, miệng hoặc thậm chí là mất vị giác lâu ngày do hội chứng miệng bỏng rát thường không nguy hiểm nhưng lại vô cùng khó chịu, ảnh hưởng không ít đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vậy, do đâu bạn lại gặp phải tình trạng này? Làm thế nào để khắc phục các triệu chứng khó chịu nhanh chóng? Mời bạn cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung
Hội chứng miệng bỏng rát là gì?
Tình trạng bỏng rát liên tục (mãn tính) ở trong miệng mà không có nguyên nhân rõ ràng được gọi là hội chứng miệng bỏng rát. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển dần theo thời gian. Các bộ phận chịu ảnh hưởng thường gồm:
- Lưỡi
- Nướu
- Môi
- Má trong
- Vòm miệng
Đôi khi, cảm giác khó chịu này còn xảy ra ở toàn bộ khoang miệng.
Theo thống kê, chỉ khoảng 2% dân số mắc phải hội chứng trên. Trong đó, bệnh phổ biến ở phụ nữ hơn đàn ông.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng miệng bỏng rát?
Hầu hết trường hợp, người mắc hội chứng này sẽ có những biểu hiện như sau, bao gồm:
- Rát lưỡi kéo dài, kèm theo mất vị giác
- Khô miệng, khát nước thường xuyên
- Có cảm giác đắng trong miệng
- Cảm giác bỏng rát đôi khi có thể xảy ra ở môi, nướu, vòm miệng hoặc toàn bộ miệng
Những triệu chứng khó chịu trên thường bắt đầu ngay sau khi bạn thức dậy và kéo dài cả ngày với cường độ tăng dần theo thời gian. Chúng có thể xuất hiện liên tục trong thời gian dài và tạm thời dịu bớt khi người bệnh ăn uống. Tuy nhiên, nhìn chung hội chứng miệng bỏng rát thường không gây ra bất kỳ thay đổi vật lý đáng chú ý nào ở lưỡi hoặc miệng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng miệng bỏng rát?
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ phân loại hội chứng này thành 2 nhóm riêng biệt là:
Hội chứng miệng bỏng rát nguyên phát
Nếu các chuyên gia không thể tìm thấy bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào, họ có thể kết luận vấn đề đang diễn ra là hội chứng miệng bỏng rát nguyên phát (vô căn). Theo một số nghiên cứu, trường hợp này có khả năng liên quan đến vấn đề của thần kinh vị giác và giác quan thuộc hệ thần kinh ngoại biên hoặc trung ướng.
Hội chứng miệng bỏng rát thứ phát
Đôi khi hội chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như:
- Chứng khô miệng do tác dụng phụ của thuốc hoặc vấn đề ở tuyến nước bọt
- Nhiễm nấm miệng
- Thiếu hụt dưỡng chất cần thiết (sắt, kẽm, các vitamin B…)
- Răng giả không phù hợp với hàm
- Dị ứng thực phẩm hoặc thuốc nhuộm, hóa chất dùng trong thủ thuật nha khoa
- Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
- Miệng bị kích thích do thói quen nghiến răng hoặc cắn đầu lưỡi, lạm dụng nước súc miệng, dùng kem đánh răng không phù hợp…
- Rối loạn nội tiết tố, ví dụ như suy giáp
- Đái tháo đường (tiểu đường)
- Một số yếu tố tâm lý như lo âu, căng thẳng hoặc trầm cảm
Trong trường hợp này, bệnh được gọi là hội chứng miệng bỏng rát thứ phát.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng miệng bỏng rát?
Bên cạnh những nguyên nhân trên, một số yếu tố như sau cũng có khả năng góp phần gây bỏng rát lưỡi, miệng và mất vị giác:
- Nữ giới
- Mãn kinh
- Trên dưới 50 tuổi
- Bị bệnh gần đây
- Các thủ thuật nha khoa trước đó
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng miệng bỏng rát?
Để chẩn đoán hội chứng này, bác sĩ thường sẽ:
- Kiểm tra tổng quan vòm miệng, bệnh sử và toa thuốc của người bệnh
- Đặt câu hỏi về các triệu chứng và thói quen chăm sóc răng miệng
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cần thực hiện một số xét nghiệm để tìm kiếm nguyên nhân bị rát lưỡi hoặc mất vị giác, ví dụ như:
- Xét nghiệm máu
- Sinh thiết hoặc nuôi cấy mẫu mô lấy từ khoang miệng
- Xét nghiệm dị ứng
- Định lượng nước bọt
- Chụp CT hoặc MRI
- Kiểm tra tâm lý
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng miệng bỏng rát?
Đối với hội chứng miệng bỏng rát thứ phát, điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh tiềm ẩn gây ra cảm giác khó chịu ở miệng bạn. Ví dụ như, thay thế răng giả kém phù hợp hoặc uống bổ sung các vitamin thiếu hụt có thể giúp giảm sự khó chịu của bạn.
Do đó, việc xác định nguyên nhân là rất quan trọng. Khi bất kỳ nguyên nhân chính được điều trị, các triệu chứng bỏng rát lưỡi, miệng hay thậm chí là mất vị giác sẽ được cải thiện ngay.
Không có phương cách chữa trị cho hội chứng miệng bỏng rát nguyên phát và không có một cách chắc chắn để giảm triệu chứng của nó. Hiện nay thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về hội chứng này. Điều trị nhằm vào việc làm nhẹ các triệu chứng cụ thể mà bạn có. Bạn có thể phải thử một vài phương pháp điều trị trước khi tìm ra một hoặc vài phương pháp kết hợp giúp giảm cảm giác khó chịu trong miệng bạn.
Lựa chọn điều trị có thể bao gồm:
- Các sản phẩm thay thế nước bọt
- Nước súc miệng đặc biệt hoặc có chứa lidocain
- Capsaicin, một loại thuốc giảm đau chiết xuất từ ớt
- Thuốc chống co giật clonazepam (Klonopin)
- Một số thuốc chống trầm cảm
- Một số loại thuốc chặn đau dây thần kinh
- Trị liệu nhận thức hành vi
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng miệng bỏng rát?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với tình trạng sức khỏe này, bao gồm:
- Uống nhiều nước để giảm bớt cảm giác khô miệng hoặc bạn có thể ngậm cục nước đá
- Tránh các loại thực phẩm và thức uống có tính axit như cà chua, nước cam, nước giải khát có ga và cà phê
- Tránh uống rượu và các sản phẩm chứa rượu, vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc miệng
- Không hút thuốc lá
- Tránh thức ăn cay nóng
- Tránh các sản phẩm có quế hoặc bạc hà
- Hãy thử kem đánh răng không chứa chất phụ gia như kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm hoặc không có bạc hà hoặc quế
- Giảm stress.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.