Gây mê là quá trình sử dụng thuốc để ngăn ngừa cảm giác đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Dù nhiều chuyên gia khuyên đây là thủ thuật an toàn nhưng nhiều cha mẹ vẫn cảm thấy lo lắng về tác dụng phụ của thuốc gây mê đối với trẻ nhỏ.
Dù với trẻ nhỏ hay người lớn, phẫu thuật là cả một vấn đề không đơn giản. Nếu bé được chỉ định phẫu thuật, chắc chắn bạn sẽ có một tá các câu hỏi cần hỏi bác sĩ liên quan đến việc gây mê. Chúng tôi đã chọn lọc một số câu hỏi thường gặp của phụ huynh và giải đáp để giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về tác dụng phụ của thuốc gây mê với trẻ nhỏ.
Gây mê có an toàn cho trẻ sơ sinh không?
Rất nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, sợ rằng thuốc gây mê có thể ảnh hưởng đến trí não của trẻ. Tuy nhiên, theo hầu hết các phẫu thuật viên, chuyên gia về gây mê – hồi sức, với kỹ thuật hiện nay, việc gây mê – hồi sức hoàn toàn an toàn cho trẻ nhỏ và không có gì đáng ngại. Mặc dù thuốc gây mê cũng có những tác dụng phụ nhất định nhưng ít có dấu hiệu ảnh hưởng. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cao độ an toàn của các loại thuốc gây mê khi sử dụng cho trẻ nhỏ.
Thuốc gây mê có ảnh hưởng đến não bộ của bé không?
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng phụ của thuốc gây mê lên não bộ trong hơn 20 năm và đã chỉ ra rằng chỉ khi gây mê lâu và thường xuyên thì trẻ mới có thể gặp phải các vấn đề về học tập và hành vi trong tương lai. Còn nếu được sử dụng cẩn thận thì sẽ không gây ra nhiều vấn đề.
Gây mê toàn thân có an toàn cho trẻ sơ sinh không?
Đối với trẻ sơ sinh, cách an toàn nhất để thực hiện phẫu thuật là gây mê toàn thân. Nhìn chung, các loại thuốc gây mê này đều có một vài tác dụng nhất định. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào cân nặng, tuổi, tiền sử bệnh, tốc độ phát triển và loại phẫu thuật được thực hiện.
Những tác dụng phụ của thuốc gây mê nào thường gặp ở trẻ sơ sinh?
Sau khi gây mê, bé có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Cáu gắt
- Viêm họng
- Ho
- Buồn nôn và nôn
Nếu tình trạng này xảy ra, bác sĩ sẽ cho bé uống thuốc. Ngoài những tác dụng phụ này thì còn có những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong như:
- Có phản ứng dị ứng với thuốc
- Chấn thương não
- Tim ngừng đập
Những tác dụng phụ này rất hiếm gặp. Bác sĩ gây mê sẽ theo dõi bé chặt chẽ trong suốt quá trình phẫu thuật và xử lý nhanh chóng nếu có vấn đề xảy ra.
Bác sĩ làm thế nào để đảm bảo an toàn cho bé khi gây mê?
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi sẽ phản ứng với thuốc gây mê khác với người lớn. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận nhịp thở, nồng độ oxy, huyết áp, nhịp tim của bé để điều chỉnh lượng thuốc gây mê phù hợp.
Nếu bé cần phẫu thuật thì tôi phải làm gì?
Điều đầu tiên bạn nên làm là thảo luận với bác sĩ về tất cả những lợi ích và rủi ro có liên quan đến việc phẫu thuật. Bạn nên hỏi một số vấn đề sau:
- Thời gian phẫu thuật: Tình huống của trẻ có cần phải phẫu thuật gấp không? Nếu không gấp, bạn có thể đợi đến khi bé được 3 tuổi rồi mới phẫu thuật. Theo các nghiên cứu, tác dụng phụ của thuốc mê sẽ giảm dần theo tuổi tác.
- Nói chuyện với bác sĩ gây mê: Bạn nên nói với bác sĩ về tình trạng dị ứng của trẻ, các loại thuốc trẻ đang dùng, các vấn đề về hô hấp, tim mạch mà trẻ đang gặp phải, các bệnh trẻ mới bị gần đây như cảm, cúm… và tiền sử bệnh của trẻ cũng như gia đình.
- Giữ một tinh thần lạc quan: Đừng quá lo lắng về việc gây mê. Bạn nên hiểu rằng gây mê là một việc bắt buộc để tránh đau đớn nếu trẻ cần phải phẫu thuật.
Có biện pháp nào thay thế gây mê khi phẫu thuật không?
Hiện tại, các nhà khoa học đang cố gắng để tìm ra các loại thuốc an thần an toàn để thay thế biện pháp gây mê trong phẫu thuật. Theo nghiên cứu được thực hiện trên động vật, những loại thuốc được sử dụng để gây mê đều có ảnh hưởng đến sự phát triển của não nếu dùng trong thời gian dài, cũng có những loại thuốc không có tác dụng phụ nhưng nó lại không phù hợp với quy trình phẫu thuật của con người.
Gây mê có an toàn cho trẻ mới biết đi không?
Theo nghiên cứu, tác dụng phụ của thuốc gây mê sẽ giảm dần theo tuổi tác. Do đó, với những loại phẫu thuật không cần thực hiện gấp như phẫu thuật hở hàm ếch, chân vòng kiềng… bạn có thể đợi cho bé hơn 3 tuổi rồi thực hiện. Ngoài ra, nếu có thể sử dụng thuốc để điều trị thay vì phẫu thuật, bạn có thể thử và đợi cho đến khi bé lớn để giảm nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc gây mê.
Bé nhà tôi được chỉ định chụp MRI. Hiện tại bé mới 2 tuổi, vậy bé có thể chụp mà không cần gây mê không?
Hầu hết trẻ nhỏ không thể nằm yên để chụp MRI và cần gây mê toàn thân để bé ngủ trong suốt quá trình thực hiện. Khi chụp MRI, bé phải nằm yên bất động trong một đường ống hẹp dài trong khoảng từ 1 – 2 giờ. Do đó, nếu không gây mê, bé sẽ rất khó chịu và khó nằm yên.
Nếu bé bị bệnh trước khi phẫu thuật thì phải làm sao?
Bạn hãy đến gặp bác sĩ để hẹn lại lịch nếu bé bị bệnh gần với thời điểm chuẩn bị làm phẫu thuật. Nguyên nhân là do tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khi gây mê.
Tất cả các loại thuốc gây mê đều có những tác dụng phụ nhất định. Đa phần những tác dụng phụ này đều hiếm gặp nhưng nếu được, bạn hãy chờ đến khi bé lớn hơn rồi mới cho bé làm phẫu thuật nhé.
Ngân Phạm/HELLO BACSI