Cương cứng dương vật là bệnh hiếm gặp. Bé trai từ 5 – 10 tuổi bị chứng thiếu máu do thiếu hồng cầu hình liềm và nam giới 20 – 50 tuổi là nhóm dễ mắc bệnh nhất. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.
Định nghĩa
Chứng cương cứng dương vật là bệnh gì?
Bạn có thể quan tâm: 10 sự thật về dương vật đàn ông mà có thể bạn chưa nghe
Chứng cương dương vật là dương vật bị cương cứng không mong muốn kéo dài trong vài giờ. Hai dạng chính là cương dương vật lưu lượng máu thấp và lưu lượng máu cao. Dạng thứ nhất xảy ra do máu khó thoát ra khỏi dương vật. Dạng thứ hai là do quá nhiều máu chảy vào dương vật. Chứng cương dương vật thường hiếm gặp.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng dương vật cương cứng là gì?
Chứng cương dương vật có thể tái phát nhiều lần, kéo dài và dai dẳng. Trong dạng tái phát, dương vật cương cứng lặp đi lặp lại, kéo dài dưới 3 giờ và gây đau đớn. Dạng này rất phổ biến và xảy ra ở 10 – 40% nam giới khi quan hệ tình dục.
Dù đa số trường hợp, tình trạng dương vật cương cứng sẽ hết sau vài giờ, cũng có những trường hợp kéo dài vài ngày hoặc liên tục trong vài năm.
Chứng cương dương vật dạng cấp tính có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày. Sự cương cứng gây đau đớn và có thể dẫn đến liệt dương.
Chứng cương dương vật dai dẳng có thể kéo dài vài tuần đến vài năm và thường bắt đầu sau khi bệnh nhân trải qua một cơn bệnh cấp tính. Bệnh thường không gây đau. Dương vật cương (tích trữ nhiều máu) nhưng không cứng. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến liệt dương.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu dương vật cương cứng hơn 4 giờ, hãy gọi cấp cứu ngay. Nếu dương vật đau và cương kéo dài nhưng tự khỏi trong vòng ít hơn 4 giờ, hãy đi khám để được kiểm tra.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra chứng cương cứng dương vật là gì?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra chứng cương dương vật. Ở trẻ em, tình trạng này thường liên quan đến bệnh thiếu máu do hồng cầu hình liềm hoặc ung thư. Hồng cầu bất thường ở bệnh thiếu máu do hồng cầu hình liềm có thể chặn dòng máu ra khỏi dương vật. Các cơn bệnh thường đột ngột khởi phát trong khi ngủ.
Ở nam giới trưởng thành, thuốc dùng để điều trị chứng liệt dương có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thuốc an thần, thuốc chống đông máu, đồ uống có cồn và thuốc gây nghiện có thể dẫn đến các chứng rối loạn này. Các nguyên nhân khác bao gồm chấn thương, tổn thương tủy sống, các bệnh về hệ thần kinh và trao đổi chất, huyết khối.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng cương cứng dương vật?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ cương dương vật, bao gồm:
- Những căn bệnh làm rối loạn sự tuần hoàn của máu trong mạch máu.
- Sử dụng những thuốc gây nghiện đã bị cấm dùng.
- Uống quá nhiều thức uống có cồn hoặc dùng các chế phẩm có chứa hormone androgen steroids (những chất dùng để tăng kích thước cơ).
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị chứng cương cứng dương vật?
Chứng cương dương vật tái phát nhiều lần thường được điều trị tại nhà. Uống nhiều nước và đi tiểu cho hết nước tiểu là biện pháp điều trị chủ yếu khi dương vật cương cứng. Tắm nước ấm và tập thể dục sẽ giúp giảm số lượng cơn tái phát. Nếu tình trạng cương không thuyên giảm trong 3 giờ, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Bệnh nhân mắc chứng cương dương vật kéo dài thường phải nhập viện. Bác sĩ sẽ cho truyền nước và thuốc tê để giảm đau. Có thể bạn cần phải truyền máu hoặc thay máu. Đối với thủ thuật thay máu, bạn sẽ được nối với máy trao đổi máu mới với máu cũ. Nếu các phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể phải rút máu ra khỏi dương vật.
Không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào cho chứng cương cứng dương vật dai dẳng. Các thiết bị bơm phồng giả hoặc cố định có thể được dùng để điều trị liệt dương.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chứng cương cứng dương vật?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán cương dương vật bằng cách khám lâm sàng. Họ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm Doppler. Ngoài ra, bác sĩ khoa tiết niệu cũng có thể hỗ trợ để đánh giá và chẩn đoán bệnh. Bác sĩ khoa huyết học cũng có thể tham gia hội chẩn nếu bệnh nhân bị thiếu máu do hồng cầu hình liềm.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chứng cương cứng dương vật?
Để hạn chế diễn tiến của chứng cương dương vật, bạn nên:
- Luôn đi tiểu ngay khi mắc để ngăn ngừa bệnh bí tiểu.
- Tránh mất nước.
- Không quan hệ tình dục kéo dài.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.