Tìm hiểu chung
Rối loạn chảy máu là gì?
Rối loạn chảy máu là một tình trạng ảnh hưởng đến việc máu đông lại bình thường. Quá trình đông máu làm thay đổi máu từ chất lỏng thành chất rắn. Khi bị thương, máu thường bắt đầu đông lại để ngăn chặn sự mất máu lớn. Đôi khi, một số tình trạng làm cản trở quá trình máu đông đúng cách, có thể dẫn đến chảy máu nặng hoặc kéo dài.
Rối loạn chảy máu có thể gây chảy máu bất thường cả bên ngoài và bên trong cơ thể. Một số rối loạn có thể làm tăng đáng kể lượng máu mất đi của cơ thể. Những loại khác gây ra chảy máu dưới da hoặc ở các cơ quan quan trọng như não.
Có rất nhiều rối loạn chảy máu khác nhau, sau đây là những chứng bệnh thông thường nhất:
- Hemophilia A và B là những tình trạng xảy ra khi hàm lượng các yếu tố đông máu trong máu thấp. Nó gây ra chảy máu nặng hoặc chảy máu bất thường ở các khớp. Mặc dù hemophili là tình trạng hiếm, nó có thể gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng.
- Thiếu hụt các yếu tố II, V, VII, X hoặc XII là các rối loạn chảy máu liên quan đến vấn đề đông máu hoặc vấn đề chảy máu bất thường.
- Bệnh Von Willebrand là rối loạn chảy máu di truyền phổ biến nhất. Bệnh phát triển khi máu thiếu yếu tố von Willebrand, giúp máu đông lại.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn chảy máu?
Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn chảy máu cụ thể. Tuy nhiên, các dấu hiệu chính bao gồm:
- Chảy máu không rõ nguyên nhân và dễ bầm tím
- Xuất huyết kinh nguyệt nặng
- Thường xuyên chảy máu cam
- Xuất huyết quá nhiều từ một vết cắt hoặc thương tích nhỏ
- Chảy máu trong các khớp
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn chảy máu?
Để máu đông, cơ thể cần các tế bào gọi là tiểu cầu và protein được gọi là các yếu tố đông máu. Nếu bạn có một rối loạn chảy máu, cơ thể bạn có thể không có đủ tiểu cầu hoặc các yếu tố đông máu hay chúng không hoạt động đúng cách.
Phần lớn các rối loạn chảy máu là do di truyền, có nghĩa là chúng được truyền từ cha mẹ sang con cái. Tuy nhiên, một số rối loạn chảy máu có thể phát triển do các tình trạng bệnh lý khác như bệnh gan.
Rối loạn chảy máu cũng có thể gây ra do:
- Số lượng hồng cầu thấp
- Thiếu hụt vitamin K
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Các thuốc chống đông máu có thể gây trở ngại cho sự đông máu.
Chẩn đoán & Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn chảy máu?
Để chẩn đoán rối loạn chảy máu, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Bác sĩ cũng thực hiện kiểm tra thể chất. Khi gặp bác sĩ, hãy đề cập đến:
- Bất kỳ tình trạng sức khỏe nào bạn hiện có
- Bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào bạn đang dùng
- Bất kỳ trường hợp té ngã hoặc chấn thương gần đây
- Mức độ thường xuyên chảy máu
- Thời gian chảy máu kéo dài
- Những gì bạn làm trước khi bắt đầu chảy máu
Sau khi thu thập thông tin, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm máu để có được chẩn đoán thích hợp. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Công thức máu đầy đủ (cbc), đo lượng hồng cầu và bạch cầu trong cơ thể.
- Xét nghiệm kết tập tiểu cầu, kiểm tra xem độ gắn kết của các tiểu cầu.
- Đo thời gian máu chảy, xác định thời gian máu đóng cục để ngăn máu chảy.
Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn chảy máu?
Lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn chảy máu và mức độ nghiêm trọng của nó. Mặc dù các phương pháp điều trị không chữa trị các rối loạn chảy máu, chúng có thể giảm các triệu chứng liên quan đến một số rối loạn nhất định.
Bổ sung sắt
Bác sĩ có thể kê toa các chất bổ sung sắt để bổ sung lượng sắt trong cơ thể nếu bạn bị mất máu đáng kể. Mức độ sắt thấp có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy yếu, mệt mỏi và chóng mặt. Bạn có thể cần truyền máu nếu các triệu chứng không cải thiện với việc bổ sung sắt.
Truyền máu
Truyền máu để thay thế máu bị mất với máu của người hiến tặng. Người hiến máu phải có loại máu phù hợp với loại máu của bạn để ngăn ngừa các biến chứng. Thủ thuật này chỉ được thực hiện tại bệnh viện.
Các cách điều trị khác
Một số rối loạn chảy máu có thể được điều trị bằng các sản phẩm tại chỗ hoặc thuốc xịt mũi. Các rối loạn khác, bao gồm bệnh ưa chảy máu, có thể được điều trị bằng liệu pháp thay thế nhân tố. Cách này bao gồm việc tiêm yếu tố đông máu tập trung vào máu. Những mũi tiêm này có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát chảy máu quá nhiều.
Bạn cũng có thể được truyền máu tươi đông lạnh nếu thiếu một số yếu tố đông máu. Huyết tương tươi đông lạnh có chứa các yếu tố V và VIII, đó là hai protein quan trọng giúp cho việc đông máu. Việc truyền máu này phải được thực hiện tại bệnh viện.
Chế độ sinh hoạt hợp lý
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn kiểm soát rối loạn chảy máu?
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.