Bệnh lở miệng (giộp môi) là những tổn thương đau nhức xuất hiện quanh vùng miệng. Đây là một dạng nhiễm trùng gây ra bởi virus Herpes Simplex loại 1 (HSV-1).
Một khi nhiễm phải virus Herpes Simplex loại 1, virus sẽ tồn tại trong cơ thể bạn một thời gian dài. Khi gặp những điều kiện thuận lợi, chúng làm bạn bị giảm sức đề kháng. Virus HSV có thể gây triệu chứng. Các triệu chứng lở miệng không xuất hiện ngay lập tức mà có thể một vài ngày sau khi bị nhiễm virus. Bạn có thể bị tái phát định kỳ suốt đời sau khi tổn thương ban đầu đã lành.
Bệnh lở miệng do HSV thường phát triển theo các giai đoạn:
- Bạn sẽ cảm thấy ngứa và đau quanh vùng môi.
- Sau một vài ngày, một vết phồng rộp nhỏ, cứng và đau nhức sẽ xuất hiện. Thông thường vết phồng sẽ xuất hiện quanh miệng, nhưng đôi khi có thể nằm trên mũi hoặc hai má. Một vài nốt phồng có thể gộp vào nhau, nhiễm trùng và gây chảy mủ.
- Các vết phồng rộp sẽ vỡ ra sau vài ngày hay vài tuần. Sau đó, một vết mày sẽ được hình thành trên chỗ lở. Những chỗ lở này thường sẽ tự lành và không để lại sẹo.
Môi bị lở có thể đi kèm với các triệu chứng khác như đau họng, hơi thở có mùi, sốt hoặc bị sưng hạch bạch huyết trên cổ.
Nguyên nhân nào khiến bạn bị lở miệng ở môi?
Như đã đề cập, chứng lở miệng do virus Herpes Simplex loại 1 (HSV) gây ra. Bạn có thể bị lây nếu tiếp xúc với một người bị nhiễm virus HSV, nhất là khi hôn, dùng chung dụng cụ ăn uống, lưỡi lam, khăn mặt hay quan hệ qua đường miệng.
Sự phơi nhiễm đầu tiên với loại virus này thường xảy ra ở những năm đầu đời. Lần nhiễm loại virus này đầu tiên được xem là lần nhiễm chính. Sau lần nhiễm này, chứng lở miệng có thể khởi phát định kỳ về sau và có thể gây ra những đợt tái phát.
Một vài nhân tố khác có thể khiến bại bị lở miệng hoặc nhiệt môi ngoài bao gồm:
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Bị stress hoặc kiệt sức
- Các bệnh truyền nhiễm khác như cảm lạnh hay cảm cúm
- Dị ứng thực phẩm
- Điều trị nha khoa hoặc thương tổn phần môi và nướu
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Phẫu thuật thẩm mỹ bằng phương pháp mài mòn hay tái tạo da bằng laser
- Những thay đổi hormone hay trong giai đoạn thai kỳ gây ra bởi chu kỳ kinh nguyệt.
Bị lở môi phải làm sao?
Lở miệng do HSV thường tự biến mất sau một vài tuần mà không cần chữa trị. Nhưng nếu muốn hồi phục nhanh hơn, bạn có thể thử các phương pháp chữa trị dưới đây:
- Các loại kem hoặc thuốc kháng virus như Acyclovir (Xerese®, Zovirax®) hoặc Valacyclovir (Valtrex®). Khi sử dụng kem kháng virus, bạn nên dặm nhẹ nhàng lên vết lở thay vì thoa mạnh.
- Làm lạnh để giảm đau vùng bị lở.
- Các loại thuốc giảm đau như Ibuprofen hay Paracetamol để giảm cơn đau nhức.
Các mẹo để kiểm soát bệnh lở miệng
Bị lở môi phải làm sao cho nhanh hết? Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một vài mẹo để loại bỏ cảm giác khó chịu do lở miệng, nhất là nếu ở trẻ nhỏ:
- Uống nhiều nước
- Tránh các loại thực phẩm chua hoặc mặn, dùng những loại thức ăn mềm và mát
- Tránh các loại thực phẩm có chứa axit như cam, chanh và cà chua
- Tránh chạm vào vết lở trừ lúc thoa kem. Bạn nhớ rửa tay trước và sau khi thoa
- Đắp khăn mềm, ướt lên miệng để giảm mẩn đỏ và sưng tấy
- Dùng nước súc miệng nếu miệng bạn có cảm giác rất đau rát khi đánh răng
- Sử dụng các loại thuốc mỡ bôi bên ngoài có thể giảm đau và giúp chữa lành lở miệng
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể được chữa trị bằng thuốc giảm đau ngoài da như Zilactin-L Liquid®, Orajel Baby® và Anbesol®.
Dù khá dễ chữa nhưng lở miệng sẽ gây nhiều khó chịu cho bạn khi ăn uống. Nếu bạn muốn đẩy nhanh quá trình hồi phục thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp chữa trị mà bạn dự định áp dụng và nhớ tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ và trên nhãn thuốc.