Tìm hiểu chung
Bệnh liệt dạ dày là gì?
Bệnh liệt dạ dày là tình trạng các cơ co thắt của dạ dày hoạt động không bình thường làm cản trở khả năng tiêu hóa thức ăn. Khi đó, dạ dày sẽ không co bóp, nghiền nát thức ăn hoặc đưa thức ăn xuống ruột non một cách bình thường. Thức ăn có thể đông cứng lại thành khối rắn có thể gây buồn nôn, ói mửa và làm tắc nghẽn dạ dày.
Những ai thường mắc bệnh liệt dạ dày?
Phụ nữ trẻ và trung niên thường bị liệt dạ dày vô căn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh liệt dạ dày là gì?
Bạn sẽ gặp những triệu chứng phổ biến sau nếu bị liệt dạ dày:
- Chướng bụng hoặc cảm thấy đầy hơi
- Đau bụng
- Hạ đường huyết hoặc nồng độ đường huyết không ổn định
- Buồn nôn
- Cảm thấy no sau khi chỉ ăn một vài miếng và chán ăn
- Sụt cân vì không có đủ chất dinh dưỡng
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trên kéo dài hoặc không thuyên giảm. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra liệt dạ dày là gì?
Nguyên nhân gây bệnh liệt dạ dày hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này xảy ra do các dây thần kinh điều khiển dạ dày gặp vấn đề. Các dây thần kinh này có thể bị tổn thương do tiểu đường hoặc đã thực hiện các cuộc phẫu thuật liên quan đến dạ dày.
Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc ngủ, thuốc ức chế canxi, thuốc chống trầm cảm, các loại thuốc hóa trị liệu cũng như bị các căn bệnh về nội tiết, miễn dịch… cũng có thể là một trong các nguyên nhân gây liệt dạ dày.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh liệt dạ dày?
Các yếu tố nguy cơ đó là:
- Bệnh tiểu đường
- Phẫu thuật ổ bụng hoặc thực quản
- Nhiễm trùng (thường là do virus)
- Một số loại thuốc làm chậm tốc độ tiêu hóa như thuốc ngủ
- Một số phương pháp điều trị ung thư như xạ trị hoặc hóa trị
- Mắc các bệnh về mô liên kết
- Bệnh hệ thần kinh, chẳng hạn như Parkinson hay đa xơ cứng
- Suy giáp
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh liệt dạ dày?
Những người đang bị tiểu đường nên kiểm soát lượng đường trong máu để giảm các triệu chứng liệt dạ dày. Bạn cần chia nhỏ các bữa ăn và tránh ăn những thức ăn quá cứng, có quá nhiều chất xơ hoặc chất béo để việc tiêu hóa được tốt hơn. Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc tăng co bóp cơ trơn như metoclopramid và erythromycin.
Nếu bạn bị buồn nôn hoặc ói mửa, bác sĩ sẽ cho bạn dùng các loại thuốc chống nôn như prochlorperazine, thiethylperazine và diphenhydramine. Nếu người bệnh liệt dạ dày không thể dung nạp được bất kỳ loại thực phẩm hay thức uống nào, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật đặt ống dẫn thức ăn đến ruột non.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán liệt dạ dày?
Để chẩn đoán, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp:
- Chụp cản quang barium đường tiêu hóa trên và đo lường xem lượng barium đi qua dạ dày ra sao
- Nội soi đường tiêu hóa trên, phương pháp này để xem lớp niêm mạc dạ dày có gì bất thường hay không
- Kiểm tra hơi thở
- Chụp CT
Lối sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh liệt dạ dày?
Những thói quen sinh hoạt và lối sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của căn bệnh này:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Kiểm soát mức độ đường huyết. Bạn có thể cần phải thay đổi một số các loại thuốc điều trị tiểu đường hoặc insulin.
- Tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu béo. Các loại thực phẩm giàu chất béo bao gồm mỡ thực vật, bánh quy giòn, bánh kẹo, bánh quy, bánh snack, chiên và các loại thực phẩm chế biến, bơ và sữa nguyên kem. Các loại thực phẩm này sẽ làm cho tình trạng tiêu hóa của bạn trầm trọng thêm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.