Động mạch vành

(4.37) - 75 đánh giá

Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý tim mạch. Căn bệnh này có xu hướng ngày càng gia tăng tại nước ta. Để tìm hiểu rõ hơn, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là thuật ngữ mô tả tình trạng các mạch máu lớn cung cấp máu nuôi tim (động mạch vành) bị tổn thương hoặc bị xơ cứng và thu hẹp lại. Kết quả là cơ tim không nhận được đủ lượng máu hay oxy cần thiết để hoạt động. Do đó, bệnh gây ra triệu chứng đau ở lồng ngực hoặc cơn đau thắt ngực.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là các mảng bám cholesterol xuất hiện bên trong lòng động mạch vành và các phản ứng viêm liên quan. Trong khi các động mạch vành có vai trò cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi tim thì sự tích tụ các mảng bám có thể khiến lòng mạch bị thu hẹp lại. Cuối cùng, lưu lượng máu đến tim giảm dần và gây ra nhiều triệu chứng.

Bệnh mạch vành còn có một số tên gọi khác là bệnh động mạch vành, bệnh tim mạch vành hay thiếu máu cơ tim cục bộ.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh mạch vành là gì?

Nếu các động mạch vành bị thu hẹp lại, chúng không thể cung cấp đủ lượng máu giàu oxy đến cho tim, đặc biệt khi tim cần hoạt động mạnh như lúc tập thể dục. Lúc đầu, lưu lượng máu giảm có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thế nhưng, khi mảng bảm tích tụ và lớn dần trong lòng động mạch vành, bạn có thể gặp phải những dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Đau ở ngực. Bạn có thể cảm thấy có một lực nặng đè lên ngực, như thể có vật gì đó đè lên trên lồng ngực. Cơn đau này thường xuất hiện ở giữa hoặc bên trái lồng ngực. Các hoạt động thể chất mạnh hoặc thay đổi cảm xúc mãnh liệt có thể khiến cơn đau tồi tệ hơn. Sau đó, chúng biến mất trong vòng vài phút khi các tác nhân kích thích không còn. Ở một số người, đặc biệt là phụ nữ, cơn đau có thể nhói lên trong thời gian ngắn, cảm nhận được ở cổ, cánh tay hoặc lưng.
  • Thở nông, thở hụt hơi. Nếu tim không thể bơm đủ lượng máu đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của cơ thể, bạn sẽ cảm thấy khó thở hoặc vô cùng mệt mỏi khi vận động.
  • Đau thắt ngực. Khi một nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra cơn đau thắt ngực. Những dấu hiệu và triệu chứng điển hình cho tình trạng này là cảm giác bị đè nặng ở ngực, đau ở vai hay cánh tay, đôi khi cảm thấy khó thở và đổ mồ hôi nhiều.

Phụ nữ có nhiều khả năng trải qua ít các triệu chứng điển hình của cơn đau thắt ngực nhưng có thể có những biểu hiện khác, như khó thở, mệt mỏi và buồn nôn.

Đôi khi, cơn đau thắt ngực xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng nào.

Nguyên nhân gây bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành xảy ra do có các mảng bảm tích tụ ở bên trong thành động mạch vành và các mạch máu khác của cơ thể. Mảng bám này tạo thành từ sự lắng đọng của cholesterol và các chất khác có trong máu, chẳng hạn như tế bào viêm, tế bào chết, protein và canxi.

Theo thời gian, kích thước của mảng bám ngày càng lớn dần khiến lòng động mạch bị thu hẹp lại, ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ lưu lượng máu chảy qua. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Nếu bề mặt mảng bám vỡ ra, các tiểu cầu trong máu sẽ kết dính với nhau tại vị trí đó để cố gắng chữa lành thương tổn ở động mạch. Tuy nhiên, khối tiểu cầu này có thể kích thích hình thành cục máu đông gây tắc mạch, dẫn đến cơn đau thắt ngực.

Các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành

Yếu tố không thay đổi được bao gồm:

  • Giới tính. Nam giới có nguy cơ bị đau thắt ngực cao hơn nữ giới và thời điểm xuất hiện tình trạng này cũng sớm hơn. Tuy nhiên, từ tuổi 70 trở lên, nguy cơ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau.
  • Độ tuổi. Bệnh mạch vành có nhiều khả năng xảy ra ở người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nói chung nếu như cha, mẹ có tiền sử mắc bệnh, đặc biệt khi họ được chẩn đoán trước 50 tuổi.

Các yếu tố thay đổi được gồm:

  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc của người khác
  • Cholesterol và triglycerid trong máu cao
  • Huyết áp cao (≥ 140/90mmHg)
  • Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt (HbA1C > 7.0)
  • Lười vận động
  • Thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 25) hay chu vi vòng bụng lớn (hơn 88cm ở nữ và 101cm ở nam)
  • Căng thẳng kéo dài
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh

Khi bạn càng có nhiều các yếu tố nguy cơ ở trên, khả năng mắc bệnh mạch vành càng lớn.

Chẩn đoán bệnh mạch vành

Bác sĩ sẽ bắt đầu từ việc thăm khám sức khỏe thông thường, xem xét bệnh sử và hỏi về tiền sử bệnh trong gia đình bạn, đồng thời yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu thường quy. Ngoài ra, một số xét nghiệm khác có thể được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Siêu âm tim
  • Thử nghiệm gắng sức
  • Chụp động mạch vành
  • Chụp CT tim
  • Chụp CT động mạch vành

Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành là gì?

Việc điều trị bệnh lý này thường bao gồm thay đổi lôi sống và sử dụng thuốc nếu cần. Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần can thiệp bằng một thủ thuật y khoa.

Thay đổi lối sống

Khi bạn cố gắng thực hiện một lối sống lành mạnh sẽ thúc đẩy cải thiện sức khỏe của các động mạch trong cơ thể. Đây là một quá trình dài và cần được duy trì liên tục, bạn cần:

  • Bỏ hút thuốc
  • Xây dựng chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
  • Tập luyện thể dục thường xuyên
  • Giảm cân, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
  • Giảm căng thẳng
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên

Thuốc điều trị bệnh mạch vành

Có rất nhiều loại thuốc khác nhau thường được chỉ định trong điều trị bệnh lý này, bao gồm:

  • Thuốc có tác dụng làm giảm cholesterol. Những thuốc này giúp làm giảm mức cholesterol “xấu” LDL ở trong máu – một thành phần chính của các mảng bám trong động mạch. Bác sĩ có thể lựa chọn các thuốc nhóm statin, niacin, fibrat hay chất gắn kết với axit mật (bile acid sequestrants).
  • Aspirin. Bác sĩ có thể khuyến cáo dùng aspirin hàng ngày để ngăn ngừa hình thành cục máu đông có khả năng làm tắc nghẽn động mạch vành.
  • Thuốc chẹn beta. Những thuốc này có tác dụng làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, giảm nhu cầu sử dụng oxy của tim. Nếu ạn có cơn đau thắt ngực, sử dụng thuốc chẹn beta giúp phòng ngừa các cơn đau tim sau này.
  • Thuốc chẹn kênh canxi. Nhóm thuốc này có thể phối hợp sử dụng với thuốc chẹn beta hoặc thay thế thuốc chẹn beta ở người không sử dụng được. Thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng đau ngực.
  • Ranolazine thường dùng để điều trị triệu chứng đau ngực.
  • Nitroglycerin giúp kiểm soát cơn đau ở ngực bằng cách làm giãn tạm thời các mạch màu và giảm nhu cầu nhận máu ở tim.
  • Thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II giúp làm giảm huyết áp, ngăn ngừa tiến triển của bệnh mạch vành.

Các thủ thuật giúp hồi phục và cải thiện lưu lượng máu

Trường hợp bệnh nghiêm trọng, bạn sẽ cần phải điều trị xâm lấn hơn, các lựa chọn khi đó có thể là:

Nong và đặt stent mạch vành

Bác sĩ sẽ luồn một ống dài, mảnh và dễ điều khiển đến phần động mạch bị hẹp. Sau đó, một quả bóng dẹp được đưa đến vị trí đó và bơm phồng lên, ép các mảng bám sát vào thành động mạch.

Tiếp đến, một ống lưới bằng thép không gỉ gọi là stent được bung ra để giữ động mạch luôn mở rộng.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Bác sĩ phẫu thuật sẽ nối một đoạn mạch máu lấy từ bộ phận khác của cơ thể để nối qua đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn. Kết quả là máu có thể chảy xung quanh vị trị động mạch bị chặn hoặc thu hẹp để đến tim. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một phẫu thuật hở nên thường chỉ thực hiện ở những bệnh nhân có nhiều nhánh động mạch bị hẹp.

Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Khi các nhánh động mạch vành bị xơ vữa nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Hội chứng vành cấp (acute coronary syndrome), bao gồm cơn đau ngực hay đau thắt ngực
  • Rối loạn nhịp tim
  • Suy tim
  • Sốc tim
  • Ngưng tim đột ngột

Các biến chứng bệnh mạch vành có thể gây đe dọa tính mạng và dẫn đến tàn tật.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh mạch vành

Các thói quen và lối sống được khuyến cáo trong điều trị cũng giúp phòng ngừa bệnh mạch vành. Để cải thiện sức khỏe tim mạch, bạn hãy:

  • Bỏ hút thuốc
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như huyết áp, nồng độ cholesterol hay bệnh đái tháo đường
  • Duy trì hoạt động thể chất đều đặn
  • Ăn chế độ ăn ít chất béo, ít muối, giàu trái cây, rau củ và ngũ cốc
  • Duy trì căn nặng khỏe mạnh
  • Tìm cách giảm bớt hoặc quản lý căng thẳng hiệu quả

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch là việc bất kỳ ai cũng đều nên thực hiện. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành như cholesterol cao, tăng huyết áp hay đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nếu kiểm tra định kỳ và phát hiện sớm, bạn sẽ dễ dàng điều trị và thay đổi lối sống để duy trì sức khỏe tim mạch tốt hơn.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Đau khớp gối

(56)
Định nghĩaĐau khớp gối là bệnh gì?Đau khớp gối là tình trạng liên quan đến cơn đau xảy ra ở trong và xung quanh khớp gối. Đau khớp gối có thể gây ra ... [xem thêm]

Thai trứng (Chửa trứng)

(53)
Tìm hiểu chungThai trứng (Chửa trứng) là gì?Thai trứng (chửa trứng) là một khối u lành tính phát triển trong tử cung. Nguyên nhân của thai trứng là do trứng ... [xem thêm]

Mề đay lạnh

(12)
Tìm hiểu chungMề đay lạnh là bệnh gì?Mề đay lạnh là tình trạng da phản ứng với không khí lạnh. Biểu hiện của bệnh là da sẽ nổi những mảng mề đay ... [xem thêm]

Triệu chứng ngoại tháp

(71)
Tìm hiểu chungCác triệu chứng ngoại tháp là gì?Các triệu chứng ngoại tháp là các hình thức chuyển động bất thường của cơ thể xảy ra ở những người ... [xem thêm]

Vôi hóa tiền liệt tuyến

(81)
Vôi hóa hay sỏi tiền liệt tuyến thường gặp ở nam giới tuổi trung niên và thường liên quan với viêm tiền liệt tuyến mạn tính. Bệnh không gây ảnh hưởng ... [xem thêm]

Lao kê

(27)
Tìm hiểu chungLao kê là bệnh gì?Hình ảnh lao kêBệnh lao kê là một dạng bệnh lao đặc trưng bởi các tổn thương nhỏ với kích thước 1–5mm lan khắp cơ thể. ... [xem thêm]

Nhuyễn xương

(43)
Tìm hiểu về bệnh nhuyễn xương Bệnh nhuyễn xương là gì?Bệnh nhuyễn xương là sự suy yếu của xương, thường là do cơ thể thiếu vitamin D trầm trọng. Chứng ... [xem thêm]

Sâu răng

(13)
Sâu răng là tình trạng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Nếu không sớm được chữa trị, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng răng hoặc ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN