Tìm hiểu chung
Thai trứng (Chửa trứng) là gì?
Thai trứng (chửa trứng) là một khối u lành tính phát triển trong tử cung. Nguyên nhân của thai trứng là do trứng được thụ tinh và phát triển một cách bất thường. Mặc dù thai trứng không phải là một bào thai thật sự nhưng nó vẫn gây ra các triệu chứng giống như thai kỳ bình thường. Bện này có thể gây tử vong và cần phải điều trị kịp thời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng thai trứng (chửa trứng) là gì?
Các triệu chứng thường gặp của thai trứng là:
- Chảy máu âm đạo màu đỏ tươi hay nâu đậm trong ba tháng kinh nguyệt đầu tiên;
- Buồn nôn và ói mửa nhiều;
- Đau trằn, nặng vùng bụng dưới;
- Tử cung lớn hơn so với tuổi thai;
- Các dấu hiệu của cường giáp: cảm giác lo lắng, mệt mỏi, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đổ mồ hôi rất nhiều.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có những trường hợp sau đây:
- Tử cung to hơn so với tuổi thai;
- Huyết áp cao;
- Xuất hiện protein trong nước tiểu sau tuần thứ 20 của thai kỳ;
- U nang buồng trứng;
- Thiếu máu;
- Cường giáp với các triệu chứng như lo lắng nhiều, đổ mồ hôi, cảm thấy nóng,…
Nguyên nhân gây bệnh
Những nguyên nhân nào gây ra thai trứng (chửa trứng)?
Nguyên nhân của thai trứng là do trứng được thụ tinh bất thường sau đó phát triển thành những túi dịch dính chùm như trứng ếch thay vì phát triển thành bào thai như bình thường. Có hai loại thai trứng là thai trứng toàn phần và bán phần.
- Thai trứng toàn phần. Đây là loại thai trứng do sự kết hợp của một trứng không chứa bất kỳ thông tin di truyền nào với một tinh trùng bình thường. Nó sẽ không phát triển thành một thai nhi bởi vì không có một hệ thống di truyền đầy đủ, thay vào đó nó sẽ phát triển thành thai trứng;
- Thai trứng bán phần. Một trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng, tuy đủ thông tin di truyền từ bố và mẹ nhưng hợp tử này không bình thường.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh thai trứng (chửa trứng)?
Mức độ thường gặp của thai trứng khác nhau theo khu vực, địa lý và chủng tộc. Tại Mỹ, tần suất thai trứng là 1 trong 12000 thai kỳ. Phụ nữ những năm đầu tuổi teen và đang trong giai đoạn mãn kinh là có nguy cơ cao nhất. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị thai trứng (chửa trứng)?
Có nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ đối với thai trứng, chẳng hạn như:
- Tuổi sinh sản: nguy cơ bị thai trứng tăng cao khi người phụ nữ mang thai ở độ tuổi lớn hơn 35 hoặc trẻ hơn 20;
- Đã từng mang thai trứng: nếu đã từng mang thai trứng, bạn có nhiều khả năng bị tái phát lại. Trung bình thì có khoảng 1-2% phụ nữ sẽ tiếp tục bị thai trứng sau lần đầu;
- Đã từng bị sẩy thai;
- Thiếu vitamin A: những phụ nữ không nhận được đủ vitamin A sẽ có nguy cơ bị thai trứng cao hơn bình thường.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào để chẩn đoán thai trứng (chửa trứng)?
Bác sĩ có thể xác nhận thai trứng bằng cách:
- Khám âm đạo và bụng dưới;
- Xét nghiệm máu để đo hormone thai kỳ của bạn;
- Siêu âm qua âm đạo hay bụng.
Những phương pháp nào để điều trị thai trứng (chửa trứng)?
Để loại bỏ hoàn toàn thai trứng, các bác sĩ sẽ làm nở rộng cổ tử cung và dùng hút chân không để lấy thai trứng ra.
Nếu mô thai trứng xâm lấn quá sâu và bạn không có ý định sinh thêm con, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật cắt tử cung.
Sau khi phẫu thuật, mức độ hormone HCG trong máu sẽ được đo để xác định xem thai trứng đã hoàn toàn được loại bỏ chưa. Việc giám sát theo dõi có thể kéo dài 6 tháng đến một năm. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi muốn có thai trở lại.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế thai trứng (chửa trứng)?
Nếu bạn đã mang thai trứng, trước khi muốn mang thai lại, bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ và họ có thể khuyên bạn nên chờ đợi 6 tháng đến một năm để theo dõi bệnh trước khi có thai lại.
Nếu mang thai lại, bạn nên đi khám thai sớm và đều đặn để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai có bình thường hay không.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.