Sâu răng là tình trạng có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Nếu không sớm được chữa trị, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng răng hoặc gãy, mất răng.
Vậy, nguyên nhân là gì? Làm thế nào để nhận biết sâu răng và điều trị hiệu quả? Có thể phòng ngừa tình trạng này không? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề trên.
Tìm hiểu chung
Sâu răng là gì?
Theo nhiều chuyên gia, sâu răng là một trong những tình trạng sức khỏe răng miệng phổ biến nhất thế giới, đặc trưng bởi các lỗ hổng hình thành trên bề mặt hoặc thân răng khi lớp men răng bị ăn mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, vi khuẩn và vệ sinh răng miệng kém là hai nguyên nhân thường gặp nhất.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng sâu răng
Triệu chứng sâu răng ở người lớn thường là:
- Đau răng
- Răng nhạy cảm
- Cảm thấy đau nhẹ hoặc buốt cả răng khi ăn hoặc uống đồ ngọt, quá nóng hoặc quá lạnh
- Trên thân răng xuất hiện các lỗ đen có thể quan sát bằng mắt thường
- Bề mặt của răng (cả trong lẫn ngoài) ngả màu nâu, đen hoặc trắng ngà
- Đau khi nhai, cắn thức ăn
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bị sâu răng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:
- Sốt
- Đau răng dữ dội
- Hôi miệng
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây sâu răng
Bạn dễ bị sâu răng vì 2 nguyên nhân chính:
- Vi khuẩn trong miệng
- Các mẩu thức ăn còn mắc kẹt trong kẽ răng
Thực tế, sự hiện diện của vi khuẩn trong khoang miệng là điều bình thường. Tuy nhiên, chúng sẽ tiết ra axit khi phân giải lượng đường trong các mẩu vụn thức ăn. Loại axit này có khả năng ăn mòn lớp men cứng phủ bên ngoài răng và hình thành lỗ sâu. Nếu kéo dài, các lớp bên trong như ngà răng hoặc thậm chí tủy răng chứa các dây thần kinh và mạch máu cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng.
Một số yếu tố nguy cơ
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân lớp men răng bị ăn mòn còn có khả năng đến từ những yếu tố như:
- Chăm sóc răng không tốt, sai cách: thường xuyên quên đánh răng hoặc sử dụng tăm nhọn, cứng để xỉa răng
- Thói quen ăn vặt: thường xuyên ăn các món ăn vặt như kẹo cứng, bánh quy hoặc uống soda, nước ngọt… rất dễ tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong miệng hoạt động bởi lượng đường trong đây quá cao
- Một số thực phẩm, thức uống có thể góp phần ăn mòn men răng do tính axit cao như chanh, nước trái cây…
- Axit dạ dày đôi khi cũng có khả năng tiếp xúc với răng ở những người đang bị chứng trào ngược dạ dày – thực quản
- Thiếu flo khiến sức khỏe răng suy giảm đáng kể, dễ chịu tác động bởi vi khuẩn
- Lượng nước bọt quá ít cũng gây khó khăn cho việc loại bỏ các mẩu vụn thức ăn kẹt lại trong kẽ răng và các vi khuẩn gây bệnh
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Chẩn đoán sâu răng
Bên cạnh quan sát các dấu hiệu răng bị sâu, bác sĩ cũng có thể đặt câu hỏi về bệnh sử răng miệng, đồng thời yêu cầu bạn chụp X-quang hàm răng để xác định chính xác vị trí bị sâu cũng như mức độ nghiêm trọng của lỗ sâu.
Cách chữa sâu răng
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của lỗ sâu mà bạn sẽ có thể một hoặc nhiều lựa chọn để điều trị. Thông thường, các cách chữa sâu răng phổ biến sẽ gồm:
- Điều trị bằng florua: cách này có khả năng hỗ trợ phục hồi men răng hiệu quả
- Trám răng: đôi khi được gọi là phục hồi răng, là phương pháp điều trị chủ yếu khi sâu răng đã tiến triển qua các giai đoạn men răng bị xói mòn nhưng trong giai đoạn còn sớm
- Làm mão răng: giúp bảo vệ răng trước những tác nhân gây hại, thường áp dụng cho trường hợp lỗ sâu lớn hoặc răng yếu đi nhiều
- Nạo tủy: dành cho các trường hợp vi khuẩn đã tấn công đến tủy răng
- Nhổ răng: nếu các dây thần kinh hoặc mạch máu ở răng bị tổn thương nghiêm trọng, nhổ răng là điều cần thiết
Phòng ngừa
Cách phòng ngừa sâu răng
Một số thói quen dưới đây có thể giúp bạn ngăn chặn sự hình thành của các lỗ sâu trên răng ngay từ đầu, bao gồm:
- Tập thói quen vệ sinh răng miệng tốt:
- Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày với kem đánh răng có chứa florua
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất một lần một ngày
- Súc miệng với nước sạch hoặc dung dịch súc miệng sau bữa ăn
- Dùng các thức ăn tốt cho răng
- Khám răng định kỳ để được các chuyên gia kiểm tra sức khỏe răng miệng và lạm sạch răng
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về sâu răng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.