Phụ nữ có con muộn ngày càng nhiều, điều này có thể giải thích bởi nhiều nguyên nhân. Cũng dễ hiểu, ngoài học hành, phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội, đi đây đó ngắm nhìn thế giới, việc sinh con đẻ cái sẽ bị trì hoãn chút ít.
Về mặt Y học, nếu bạn từ 35 tuổi trở lên, mang thai lần đầu, tự nhiên bạn sẽ được tặng cho cái chẩn đoán thiệt là mất lòng “Con so lớn tuổi”.
Tại sao lại cần lưu ý khi có thai muộn?
Vì có thai sau 35 tuổi, sẽ nhiều nguy cơ cho bạn và thai nhi hơn. Trong suốt quá trình mang thai và sinh nở, tỷ lệ bệnh nhiều hơn, nguy cơ cho sức khoẻ em bé cũng nhiều hơn so với nhóm tuổi trẻ.
Xem thêm bài: "Sinh con muộn" của Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương vs Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc NhânTuổi tác ảnh hưởng như thế nào đến sinh sản?
- Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm từ 32 tuổi, sau 37 tuổi thì “tuột dốc không phanh”. Số lượng trứng – chất lượng trứng (gọi chung là dự trữ buồng trứng) giảm, chưa kể tuổi tác gia tăng rủ theo nhân xơ, lạc nội mạc tử cung đến “thăm nhà”. Vì vậy chuyện có thai, sinh con bị ảnh hưởng nhiều .
- Ngoài ra, những bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường cũng là mối nguy hại cho việc mang thai, sinh nở. Ví dụ, trước 30 tuổi trẻ, khoẻ mạnh, sau 35 tuổi mang thai là đánh dấu cột mốc “tăng huyết áp thai kỳ” ngay. Cao huyết áp và tiểu đường là những bệnh lý tác động trực tiếp đến bánh nhau, sự phát triển của thai nhi.
- Mẹ lớn tuổi còn kéo theo nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh. Ví dụ: mẹ 20 tuổi nguy cơ này là 1/525; 30 tuổi là 1/385 – lên 35 tuổi là 1/200 và 40 tuổi là 1/65 – thật đáng ngại!
- Phụ nữ lớn tuổi được thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể mang đa thai. Khi đa thai lại tăng nguy cơ sinh non, cao huyết áp – tiền sản giật…
- Khả năng mổ lấy thai ở thai phụ lớn tuổi cũng nhiều hơn, đi kèm theo các nguy cơ, tai biến phẫu thuật tăng hơn.
Nếu tôi mang thai khi tôi lớn tuổi – tôi cần làm những xét nghiệm gì?
Ngoài việc khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm thường quy, bạn cần nghiêm túc thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật, tầm soát bất thường ở thai nhi. Tuỳ trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể. Có thể bạn sẽ nghe những loại xét nghiệm như: sinh thiết gai nhau, chọc ối, NIPT…
Tôi phải làm gi để đảm bảo sức khỏe bản thân – thai nhi khỏe mạnh hơn nếu có thai muộn?
- Khám sức khoẻ trước khi mang thai (bạn tìm lại bài Khi bạn quyết định có thai để thêm thông tin).
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh.
- Uống 0,4mg acid folic mỗi ngày, ít nhất 1 tháng trước khi có thai và trong suốt thai kỳ để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ.
- Tập thể dục.
- Giảm cân nếu dư cân, béo phì.
- Không hút thuốc, uống rượu. Tìm hiểu về hoá chất độc hại trong môi trường sống và làm việc để hạn chế khả năng tiếp xúc. Mình cũng đã viết bài: giảm nguy cơ dị tật thai nhi – cũng có thể giúp ích cho bạn.
Đừng lên án, đừng gán ghép cho cái vụ “thiên chức” rồi làm tổn thương những phụ nữ có con muộn nha. Đến độ tuổi nào đó, bản năng trỗi dậy, tự nhiên họ sẽ muốn có đứa con để ôm ấp, yêu thương, nuôi nấng, dạy dỗ. Tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh, bản năng này đến sớm hay muộn hơn chút đỉnh. Không ai có quyền lên án, chê trách phụ nữ lo học hành, sự nghiệp bản thân mà có con muộn, chỉ có trách nhiệm hỗ trợ họ, giúp đỡ họ mà thôi.