Xét nghiệm thường quy trong thai kì

(3.77) - 18 đánh giá

Tại sao cần phải làm xét nghiệm khi đang mang thai?

Những xét nghiệm được làm cho tất cả phụ nữ mang thai như là một phần của kế hoạch chăm sóc trước sinh thường quy. Những xét nghiệm này có thể giúp tìm ra những tình trạng bệnh có thể làm gia tăng nguy cơ gặp biến chứng cho thai nhi và cho bà mẹ.

Xét nghiệm thường quy trong thai kì

Những xét nghiệm nào cần phải làm trong giai đoạn sớm của thai kì?

Những xét nghiệm bao gồm:

  • Công thức máu (CTM)
  • Nhóm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Cấy nước tiểu
  • Rubella
  • Viêm gan B và viêm gan C
  • Bệnh lây qua đường tình dục (STDs)
  • Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)
  • Lao (TB)

Công thức máu (CTM) là gì và kết quả nói lên điều gì?

Công thức máu (CTM) là số lượng các loại tế bào khác nhau cấu thành nên máu. Số lượng hồng cầu có thể cho biết liệu bạn có bị thiếu máu hay không. Số lượng bạch cầu cho thấy bạn có bao nhiêu tế bào chống lại bệnh đang có trong máu bạn, và số lượng tiểu cầu cho thấy bạn có vấn đề về đông máu hay không.

Định nhóm máu là gì và kết quả nói lên điều gì?

Kết quả định nhóm máu sẽ cho biết liệu bạn có yếu tố Rh trong cơ thể không. Yếu tố Rh là một protein có trên bề mặt tế bào hồng cầu. Hầu hết mọi người có yếu tố Rh – họ mang Rh dương. Một số khác không có yếu tố Rh – họ là Rh âm. Nếu bào thai là Rh dương và bạn là Rh âm, cơ thể của bạn có thể tạo ra kháng thể để chống lại yếu tố Rh. Trong những lần có thai tiếp theo, những kháng thể này có thể làm tổn thương tế bào hồng cầu của bào thai.

Xét nghiệm nước tiểu là gì và kết quả nói lên điều gì?

Nước tiểu của bạn sẽ được kiểm tra xem có hồng cầu (để kiểm tra liệu bạn có bị bệnh ở đường tiết niệu không), bạch cầu (kiểm tra xem liệu bạn có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không), hoặc glucose (hàm lượng cao là chỉ điểm của bệnh đái tháo đường) hay không. Hàm lượng protein cũng sẽ được định lượng. Hàm lượng trong giai đoạn đầu của thai kì sẽ được đối chiếu với hàm lượng trong giai đoạn sau. Hàm lượng protein cao trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một tình trạng nguy hiểm có thể xuất hiện trong giai đoạn sau của thai kì hoặc sau khi sinh.

Cấy nước tiểu là gì và kết quả nói lên điều gì?

Cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn, tiêu chuẩn để xác định bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Rubella là gì và kết quả xét nghiệm bệnh này nói lên điều gì?

Rubella (đôi khi được gọi là sởi Đức) có thể gây ra những dị tật bẩm sinh nếu người phụ nữ bị nhiễm virus khi đang mang thai. Bạn sẽ được xét nghiệm máu để xem bạn có tiền sử bị nhiễm rubella không, hoặc liệu bạn đã được tiêm vaccine hay chưa. Nếu bạn chưa từng bị nhiễm rubella hoặc nếu bạn chưa tiêm vaccine, bạn nên tránh tiếp xúc với bất kì ai đang nhiễm nếu bạn đang mang thai vì bệnh rất dễ lây. Nếu bạn chưa được tiêm vaccine, bạn nên tiêm sau khi sinh kể cả khi bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn không nên tiêm vaccine rubella khi đang mang thai.

Viêm gan B và viêm gan C là gì và kết quả xét nghiệm bệnh này nói lên điều gì?

Virus viêm gan B và viêm gan C gây nhiễm ở tế bào gan. Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan C có thể truyền virus sang cho con. Tất cả phụ nữ mang thai đều sẽ được xét nghiệm viêm gan B. Nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ cao, có thể bạn cũng sẽ được xét nghiệm tìm virus viêm gan C.

Những xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục (STD) nào được thực hiện ở phụ nữ có thai?

Tất cả phụ nữ có thai đều được kiểm tra giang mai và chlamydia trong giai đoạn sớm của thai kì. Giang mai và chlamydia có thể gây nên những biến chứng cho bạn và con bạn. Nếu bạn có bất kì bệnh nào trong những bệnh STDs, bạn sẽ được điều trị khi mang thai và xét nghiệm lại để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu bạn có nguy cơ bị lậu (nếu bạn 25 tuổi trở xuống và sống trong vùng mắc lậu phổ biến), bạn sẽ được kiểm tra bệnh này.

Tại sao tất cả phụ nữ có thai phải xét nghiệm HIV?

Nếu phụ nữ có thai nhiễm HIV, có nguy cơ người mẹ sẽ truyền HIV sang cho con. HIV tấn công tế bào miễn dịch của cơ thể và gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Nếu bạn có thai và nhiễm HIV, bạn sẽ được cho dùng thuốc và thực hiện nhiều biện pháp khác để ngăn ngừa hiệu quả việc lây virus sang con.

Những phụ nữ mang thai nào phải được xét nghiệm lao?

Những phụ nữ có nguy cơ bị lao cao (ví dụ, phụ nữ nhiễm HIV hoặc phụ nữ tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm lao) nên được kiểm tra về bệnh này.

Những xét nghiệm nào sẽ được làm trong giai đoạn sau của thai kỳ?

Những xét nghiệm bao gồm:

  • CTM
  • Tìm kháng thể Rh
  • Xét nghiệm dung nạp đường
  • Liên cầu nhóm B (GBS)

Khi nào thì tôi phải xét nghiệm tìm kháng thể Rh?

Nếu bạn là Rh âm, máu bạn sẽ được xét nghiệm tìm kháng thể Rh trong khoảng từ tuần thứ 28 đến 29 của thai kỳ. Nếu bạn không có kháng thể Rh, bạn sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh. Mũi thuốc này sẽ giúp ngăn ngừa hình thành kháng thể Rh trong cơ thể bạn cho suốt thời gian còn lại của thai kì. Nếu bạn có kháng thể Rh, bạn sẽ cần được chăm sóc đặc biệt.

Xét nghiệm dung nạp đường là gì và kết quả nói lên điều gì?

Xét nghiệm sẽ giúp định lượng mức glucose trong máu. Một lượng glucose cao có thể là dấu hiệu của đái tháo đường thai kì. Xét nghiệm này thường được thực hiện trong tuần lễ thứ 24 đến 28 của thai kì. Nếu bạn có nguy cơ cao hoặc đã từng bị đái tháo đường thai kì trong lần có thai trước đó, xét nghiệm theo dõi sẽ được thực hiện vào tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ.

Liên cầu nhóm B (GBS) là gì và tại sao cần phải làm xét nghiệm GBS?

GBS là một loại vi khuẩn sống ở âm đạo và trực tràng. Nhiều phụ nữ mang GBS và không biểu hiện bất kì triệu chứng nào. GBS có thể lây sang con khi sinh. Hầu hết những đứa trẻ mắc GBS từ mẹ sẽ không có biểu hiện gì cả. Một số ít, có thể biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh. GBS có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm thường quy thực hiện trong khoảng từ tuần 35 đến 37 của thai kì. Đối với xét nghiệm này, một tăm bông sẽ được sử dụng để lấy mẫy xét nghiệm từ tử cung và trực tràng.

Làm gì khi kết quả sàn lọc GBS dương tính?

Nếu kết quả GBS dương tính, bạn sẽ được cho dùng thuốc kháng sinh trong khi chuyển dạ để giúp ngăn ngừa lây bệnh cho con.

Phân biệt xét nghiệm sàn lọc và xét nghiệm chẩn đoán dị tật thai ?

Xét nghiệm sàn lọc được thực hiện trong thai kì nhằm xác định nguy cơ liệu thai nhi có bị những dị tật bẩm sinh phổ biến hay không. Xét nghiệm sàn lọc không thể cho biết được liệu đứa trẻ có bị dị tật bẩm sinh hay không. Thai nhi sẽ không gặp nguy hiểm gì khi thực hiện xét nghiệm sàn lọc.

Xét nghiệm chẩn đoán có thể phát hiện nhiều, nhưng không phải là tất cả, các dị tật bẩm sinh gây nên bởi khiếm khuyết gen hoặc nhiễm sắc thể. Xét nghiệm chẩn đoán có thể được áp dụng cho những cặp vợ chồng có tiền sử gia đình về dị tật bẩm sinh, nằm trong vùng dịch tể, hoặc khi cặp vợ chồng đã sinh ra con mang dị tật bẩm sinh. Xét nghiệm chẩn đoán có thể trở thành lựa chọn trước tiên do tất cả phụ nữ mang thai, kể cả khi họ không có các yếu tố nguy cơ. Một vài xét nghiệm chẩn đoán có thể mang nhiều nguy cơ, bao gồm một nguy cơ nhỏ có thể dẫn đến sẩy thai.

Bước đầu tiên của xét nghiệm sàng lọc dị tật thai là gì?

Sàng lọc trước sinh bắt đầu bằng việc xác định yếu tố nguy cơ của bạn. Trong giai đoạn sớm của thai kì, bác sĩ sẽ đưa cho bạn một danh sách các câu hỏi nhằm tìm hiểu về yếu tố nguy cơ của bạn, ví dụ như tiền sử cá nhân và gia đình về dị tật bẩm sinh, nằm trong vùng dịch tể, mang thai ở tuổi 35 trở lên, hoặc đang mắc đái tháo đường. Trong một số trường hợp, bạn nên đến gặp chuyên gia tư vấn di truyền để biết thêm thông tin chi tiết về nguy cơ của bạn.

Xét nghiệm người mang gen (carrier) là gì?

Xét nghiệm người mang gen (carrier) có thể cho biết liệu bạn hoặc chồng của bạn có mang gen gây nên bệnh lý nào đó không, ví dụ xơ nang. Xét nghiệm có thể được thực hiện trước hoặc trong khi mang thai. Xét nghiệm thường được áp dụng nếu bạn hoặc chồng của bạn mang bệnh rối loạn di truyền, đã sinh con mang rối loạn di truyền, có tiền sử gia đình của bệnh rối loạn di truyền, hoặc nằm trong nhóm dịch tể của một bệnh di truyền nào đó. Hơn nữa, xét nghiệm sàn lọc carrier bệnh xơ nang được áp dụng cho tất cả phụ nữ tuổi sinh nở vì nó là một trong những rối loạn di truyền phổ biến nhất.

Các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai khác có thể thực hiện khi mang thai?

Các xét nghiệm sàng lọc bao gồm siêu âm kết hợp với xét nghiệm máu để tìm nồng độ một số chất trong máu mẹ.

Các xét nghiệm chẩn đoán dị tật thai khác có thể thực hiện khi mang thai?

Các xét nghiệm bao gồm chọc dò dịch ối, sinh thiết gai nhau và siêu âm xác định.

Tôi có thể lựa chọn để không phải làm xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán dị tật thai trước sinh không?

Muốn làm xét nghiệm hay không là quyền của bạn. Biết trước sức khỏe của thai nhi sẽ cho bạn lựa chọn liệu có nên tiếp tục mang thai hay không. Nếu bạn chọn tiếp tục mang thai, biết trước kết quả sẽ giúp bạn có thời gian chuẩn bị tâm lý đón nhận một đứa con mang một số rối loạn và để sắp xếp các kế hoạch chăm sóc sức khỏe mà con bạn cần. Bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn di truyền sẽ bàn bạc về các phương án để bạn chọn lựa.

Chú giải

Bào thai: Một cá thể phát triển trong tử cung từ tuần 9 của thai kì cho đến khi sinh.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục: những bệnh có khả năng lây lan qua quan hệ tình dục, bao gồm chlamydia, lậu, nhiễm virut papilloma ở người, mụn rộp, giang mai, và nhiễm virut suy giảm miễn dịch ở người (HIV, nguyên nhân gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS)).

Chăm sóc trước sinh: Một chương trình chăm sóc bà mẹ mang thai trước khi sinh.

Chlamydia: Bệnh lây truyền qua đường tình dục gây nên bởi vi khuẩn, có thể dẫn đến bệnh nhiễm trùng vùng chậu và gây vô sinh.

Chọc dò dịch ối: Một thủ thuật sử dụng một kim tiêm để hút lấy một chút dịch ối và tế bào để đem xét nghiệm.

Chuyên gia tư vấn di truyền: Bác sĩ được đào tạo chuyên về di truyền và tư vấn về các rối loạn di truyền và sàng lọc ba mẹ.

Đái tháo đường thai kì: Đái tháo đường xuất hiện trong thai kì.

Đái tháo đường: Một tình trạng mà đường huyết quá cao trong máu.

Gen: Một đoạn của DNA chứa thông tin điều khiển sự phát triển về tính trạng của một người cũng như điều khiển các quá trình diễn ra trong cơ thể. Gen là đơn vị cơ bản của di truyền và có thể truyền từ bố mẹ sang con cái.

Giang mai: một bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây nên bởi một vi sinh vật gọi là Treponema pallidum, nó có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tử vong nếu ở giai đoạn muộn.

Globulin miễn dịch Rh: Một chất được tiêm vào để ngừa kháng thể của người Rh âm phản ứng với hồng cầu có Rh dương

Glucose: Đường có trong máu và là nguồn năng lượng chính của cơ thể.

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS): Một nhóm các triệu chứng, thường là nhiễm trùng nặng, xảy ra ở những người bị suy giảm hệ miên dịch gây ra bởi nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)

Kháng sinh: Thuốc trị một sốt loại nhiễm trùng.

Kháng thể: Protein trong máu được tạo ra bởi phản ứng của cơ thể với các yếu tố ngoại lai, như là vi khuẩn hoặc virus gây nhiễm khuẩn.

Lao: Một nhiễm trùng dễ lây, thường ảnh hưởng đến phổi người.

Lậu: Một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây nên bệnh nhiễm trùng vùng chậu, vô sinh và viêm khớp.

Sinh thiết gai nhau: Một thủ thuật lấy một mẫu tế bào từ nhau thai và đem đi xét nghiệm.

Người mang gen: Một người không bộc lộ triệu chứng của một rối loạn nào cả, nhưng có thể truyền gen bệnh cho con.

Nhiễm sắc thể: Cấu trúc nằm trong từng tế bào của cơ thể, chứa gen qui định tính trạng của một cá thể.

Siêu âm: Một xét nghiệm dùng sóng âm để thăm khám các tạng trong cơ thể. Trong thai kì, nó có thể được dùng để quan sát thai nhi.

Tam cá nguyệt: Cứ mỗi 3 tháng kề nhau được chia đều ra của thai kì

Tế bào: Đơn vị cấu trúc đơn giản nhất của cơ thể, cấu thành nên mọi mô của cơ thể.

Thiếu máu: hàm lượng máu hoặc tế bào hồng cầu thấp bất thường trong máu. Hầu hết các trường hợp thiếu máu là do thiếu sắt.

Tiền sản giật: Một tình trạng xảy ra khi mang thai, đặc trưng bởi cao huyết áp và tiểu đạm.

Vi khuẩn: Cơ thể sống đơn bào gây nhiễm trùng cho con người.

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV): Một loại virus tấn công một số tế bào đặc biệt của hệ miễn dịch cơ thể người và gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Xơ nang: Rối loạn di truyền có thể dẫn đến những vấn đề về tiêu hóa và hô hấp.

Yếu tố Rh: Một protein xuất hiện trên bề mặt hồng cầu.

Nếu bạn có thêm những câu hỏi gì, hãy liên hệ bác sĩ sản-phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Routine-Tests-During-Pregnancy

Biên dịch - Hiệu đính

Lê Minh Hòa - BS. Phạm Thanh Hoàng
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Sinh mổ lần thứ 4 có nguy hiểm tới tính mạng không?

(93)
Sinh mổ lần 4 có nguy hiểm tới tính mạng không? Bác sĩ cho em hỏi là em có chị gái chuẩn bị sinh mổ lần 4. Vậy có nguy hiểm tới tính mạng không ạ? Em cảm ... [xem thêm]

Sự triệt sản cho nữ giới và nam giới

(29)
Thế nào là triệt sản? Triệt sản là biện pháp tránh thai vĩnh viễn. Quy trình triệt sản nữ được gọi là thắt ống dẫn trứng, quy trình triệt sản nam ... [xem thêm]

Làm gì khi thai quá ngày dự sinh?

(54)
Ngày sinh dự kiến là gì và nó có ý nghĩa như thế nào? Ngày sinh dự kiến của bạn được xem như một chỉ dẫn để kiểm tra sự tiến triển của thai kỳ cũng ... [xem thêm]

Thuốc tiêm tránh thai có tác dụng thế nào và ai không nên sử dụng?

(85)
Depo-provera là gì? Depo-provera (medroxyprogesterone acetate) là thuốc tránh thai dạng tiêm, với mỗi liều có hiệu quả ngừa thai trong vòng 3 tháng. Depo-provera là thuốc ... [xem thêm]

Phòng ngừa sẩy thai

(30)
Nhiều trường hợp nguyên nhân sẩy thai thường không rõ và chúng ta sẽ không thể dự phòng nó. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp giúp làm giảm nguy cơ ... [xem thêm]

Tự chăm sóc để giảm đau trong chuyển dạ – Tư thế và vận động

(99)
Tư thế và vận động Đứng thẳng và di chuyển trong khi sinh có thể giúp giảm đau và giúp em bé di chuyển xuống thấp trong đường âm đạo (ống sinh). Bạn ... [xem thêm]

Tiểu không tự chủ

(75)
Thế nào là tiểu không tự chủ? Sự rò rỉ nước tiểu được gọi là tiểu không tự chủ. Một vài phụ nữ bị rò nước tiểu với số lượng ít. Những ... [xem thêm]

Lần trước bạn sinh mổ, lần này có sinh thường được không?

(82)
Lần trước sinh mổ lần này có sinh thường được không? Thưa bác sĩ, bác sĩ cho em hỏi lần trước em sinh mổ thì lần này em có sinh thường được không? Cám ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN