Mỗi khi một câu chuyện xâm hại tình dục lan truyền trên mạng xã hội, không chỉ nạn nhân mà cả những người xung quanh cũng cảm thấy đau đớn và phẫn nộ vì những “con yêu râu xanh”. Đặc biệt, các bậc cha mẹ có con gái lại càng cảm thấy bất an mỗi khi rời xa con!
Nạn nhân bị xâm hại tình dục thường chịu rất nhiều áp lực tâm lý, không chỉ về việc bị xâm hại mà còn vì những lời chỉ trích của những người xung quanh. Vì thế, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin cần thiết để bảo vệ chính mình trước những “con yêu râu xanh” nhé.
Hiện trạng xâm hại tình dục ở Việt Nam
Xâm hại tình dục là vấn đề xã hội đáng báo động ở Việt Nam. Đặc biệt là khi nạn nhân bị xâm hại tình dục ở nước ta đa số là các bé gái. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2017 nước ta có 1.592 vụ xâm hại tình dục, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 700 vụ. Nạn nhân 80% là các bé gái.
Điều đáng buồn hơn là những con số trên chỉ là những trường hợp nạn nhân và gia đình báo cáo cho cơ quan chức năng. Còn rất nhiều trường hợp bị xâm hại tình dục nhưng vì sợ hãi nên nạn nhân vẫn giữ im lặng, vì vậy chưa được thống kê hết.
Những hành vi xâm hại tình dục
Xâm hại tình dục không chỉ là hành vi dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc quan hệ tình dục (cưỡng dâm, hiếp dâm) như nhiều người vẫn lầm tưởng. Mọi hành vi dưới đây đều được xem là xâm hại tình dục:
- Nhìn vào chỗ kín (thị dâm)
- Nói chuyện về hoạt động tình dục và bộ phận sinh dục (khẩu dâm)
- Động chạm, ôm, hôn các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là vùng kín khi không được cho phép (quấy rối tình dục)
- Ép buộc người khác quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng, hậu môn…(cưỡng hiếp, cưỡng dâm)
Xâm hại tình dục để lại những hậu quả rất lớn đối với nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân nữ. Những hành vi xâm hại tình dục ở mức nhẹ (chưa bị ép buộc quan hệ tình dục) để lại nỗi sợ hãi, khủng hoảng tinh thần rất lớn cho nạn nhân.
Xâm hại tình dục ở mức nghiêm trọng bao gồm ép buộc quan hệ tình dục có giao cấu gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất, tinh thần cho nạn nhân bao gồm nguy cơ bị thương trên cơ thể, nguy cơ có thai ngoài ý muốn, nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục nguy hiểm, đặc biệt là HIV/AIDS và để lại nỗi ám ảnh lâu dài cho nạn nhân.
Bạn nên làm gì khi bị xâm hại tình dục?
Xâm hại tình dục là một chuyện không ai muốn nhưng khi gặp phải vấn đề này, bạn có thể thực hiện một số việc sau để bảo vệ chính mình.
Nếu bạn dưới 18 tuổi
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị xâm hại tình dục do các em còn nhỏ và chưa có khả năng bảo vệ bản thân. Trước đây, đa số trẻ em bị xâm hại thường ở độ tuổi từ 13–18 tuổi, tuy nhiên, gần đây độ tuổi đã giảm xuống 5–13 tuổi, thậm chí còn nhỏ hơn. Nếu bạn ở trong các nhóm tuổi này thì hãy lưu ý một số điểm sau.
1. Tránh xa kẻ tấn công càng sớm càng tốt
Kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể là người lạ mặt, người sống gần nhà với trẻ hay người thân trong nhà. Khi bị xâm hại tình dục, trẻ em cần tìm mọi cách tránh xa kẻ tấn công càng sớm càng tốt để giữ an toàn cho bản thân. Trẻ hãy tìm đến đồn công an hoặc tìm người lớn đáng tin cậy để được bảo vệ và giúp đỡ.
2. Báo cho người lớn ngay sau khi bị xâm hại
Khi bị xâm hại tình dục, bạn cần giữ bình tĩnh. Ngay sau khi gặp được người thân hoặc những người đáng tin cậy, bạn cần nói rõ những điều làm mình lo sợ như có người theo dõi, bị đụng chạm hay bị cưỡng hiếp… Người lớn sẽ giúp bạn kiểm tra, đánh giá mức độ nghiêm trọng của xâm hại tình dục và giúp bạn điều trị y tế cũng như bảo vệ bạn.
Bạn tuyệt đối không được tự vệ sinh, giữ im lặng và chịu đựng vì xâm hại tình dục có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Một số trường hợp đáng tiếc là chính người thân lại không tin hay coi nhẹ vấn đề bạn nói, đặc biệt là khi kẻ tấn công lại chính là người quen. Trong trường hợp này, bạn cần tìm người đáng tin cậy như thầy cô giáo, công an để trình báo về hành vi bị xâm hại tình dục.
3. Chia sẻ cảm xúc với người bạn tin cậy
Bạn sẽ cần được an ủi, hỗ trợ trên nhiều phương diện, vì vậy người lớn cần được biết về những gì bạn đã trải qua. Sau khi bị xâm hại tình dục, bạn có thể vẫn bị khủng hoảng tâm lý trong một thời gian dài. Khi gặp bất kỳ khó khăn hay thấy bất thường nào về mặt sức khỏe, tinh thần, bạn nên chia sẻ với người lớn để xử lý kịp thời.
Nếu bạn đã trên 18 tuổi
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc, dưới đây là thứ tự những điều bạn cần làm khi bị xâm hại tình dục.
1. Đảm bảo sự an toàn cho bản thân
Khi bị xâm hại, điều đầu tiên là bạn cần giữ bình tĩnh và đảm bảo sự an toàn cho bản thân khỏi kẻ tấn công. Bạn cần tránh xa kẻ tấn công càng sớm càng tốt, tìm đến nơi an toàn, tin cậy, không nên ở một mình và ở những nơi vắng vẻ. Nếu bạn đang ở một nơi xa lạ, hãy báo cảnh sát ngay lập tức.
Nhiều trường hợp, kẻ tấn công không chỉ xâm hại tình dục một lần mà thậm chí còn lặp đi lặp lại nhiều lần nếu kẻ xâm hại không bị vạch mặt, hoặc đang ở gần nơi bạn sống và có cơ hội hành động. Bạn nên báo cảnh sát hoặc báo cho người thân để được bảo vệ nếu vẫn còn bất kỳ nguy hiểm nào từ kẻ tấn công.
Nhiều trường hợp kẻ xâm hại tình dục sẽ có những hành vi đe dọa để bạn không dám tố cáo. Trong trường hợp này, bạn cần tìm đến một nơi an toàn rồi báo công an và gia đình để được bảo vệ và giúp đỡ.
2. Lên tiếng báo cáo về vụ việc
Bị xâm hại tình dục để lại một trải nghiệm kinh hoàng và có phần xấu hổ cho nạn nhân, vì vậy ai cũng muốn quên đi. Tuy nhiên, việc bị xâm hại tình dục, đặc biệt là hành vi cưỡng dâm có thể làm bạn bị thương trên cơ thể, có thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm như HIV/AIDS và nguy cơ bị xâm hại nhiều lần bởi cùng một kẻ tấn công. Bạn cần lên tiếng để được giúp đỡ xử lý các nguy cơ trên.
Bạn nên bình tĩnh và tìm một người bạn có thể tin tưởng (cảnh sát hoặc người thân) để báo về vụ việc. Tại Việt Nam, ngoài báo công an nơi gần nhất, bạn có thể gọi khẩn cấp tới một trong 4 đường dây nóng 111, 113, 1900 545 559 hoặc 1800 9069 để báo vụ việc. Ngay sau khi nhận được báo cáo, ủy ban nhân dân cấp phường, xã nơi xảy ra vụ việc sẽ được hỗ trợ bảo vệ an toàn, khám và điều trị khẩn cấp cho bạn tại bệnh viện gần nhất.
3. Không vệ sinh trước khi khám và chăm sóc y tế
Để bảo tồn bằng chứng về việc bị xâm hại tình dục (đặc biệt là khi ở mức độ bị cưỡng dâm), bạn không nên tắm, vệ sinh, chải tóc hoặc thay quần áo cho tới khi được bác sĩ khám sức khỏe. Bạn cũng không nên dọn dẹp bất kỳ thứ gì tại địa điểm bị tấn công để giúp các bác sĩ và nhân viên điều tra lưu giữ các bằng chứng và tìm ra kẻ xâm hại. Bác sĩ sẽ thu thập tóc, tinh dịch, sợi vải quần áo và các bằng chứng khác có thể giúp cung cấp danh tính của kẻ tấn công.
4. Tuân thủ điều trị y tế sau khi bị xâm hại tình dục
Bác sĩ sẽ nhanh chóng khám để phát hiện bất kỳ chấn thương nào trên cơ thể bạn do kẻ xâm hại tình dục gây ra. Bạn cũng sẽ được điều trị các bệnh lây qua đường tình dục và được sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 72 giờ sau khi bị tấn công.
5. Vượt qua khủng hoảng sau khi bị xâm hại tình dục
Ngoài việc khám sức khỏe thể chất, bạn cũng sẽ cần gặp bác sĩ tâm lý để điều trị các tổn thương về mặt tinh thần và vượt qua khủng hoảng khi bị xâm hại tình dục. Bạn có thể có cảm giác xấu hổ, tội lỗi, sợ hãi và sốc sau khi bị xâm hại tình dục nhưng hãy trấn an bản thân rằng mình không làm gì sai và xứng đáng được bảo vệ, chăm sóc.
Tổn thương về mặt tinh thần có thể lâu hồi phục và tạo thành nỗi sợ hãi lâu dài. Vì vậy, chính bản thân bạn cần nỗ lực rất lớn để vượt qua khủng hoảng. Bất cứ khi nào có các vấn đề tâm lý có liên quan tới chuyện bị xâm hại, bạn cần tìm kiếm hỗ trợ ngay lập tức.
6. Tìm kiếm môi trường sống an toàn
Trong nhiều trường hợp, nếu bác sĩ và công an không tìm đủ bằng chứng để kết tội kẻ đã xâm hại bạn thì người đó sẽ có thể tìm cách trả thù hay lặp lại hành vi xâm hại bạn. Để bảo vệ an toàn cho bản thân, bạn nên tìm cách tránh nơi mình từng bị xâm hại trong quá khứ.
Bạn hãy xem xét việc chuyển nhà, nơi làm việc tới nơi an toàn hơn. Bạn hãy tránh xa những nơi vắng vẻ, an ninh không đảm bảo và tránh sống một mình hoặc đi lại ở những nơi vắng vẻ một mình. Đây là cách tốt nhất để bạn bảo vệ thể chất và tinh thần của mình.
7. Mạnh mẽ để quay lại cuộc sống bình thường
Khi bị xâm hại tình dục, việc hạn chế tối đa mọi xáo trộn cuộc sống đời thường là điều rất cần thiết. Việc sẽ bị ám ảnh, sợ hãi sẽ khó tránh khỏi, vì vậy bạn cần mạnh mẽ và nỗ lực nhiều trong cuộc sống. Bạn hãy chuẩn bị tinh thần tốt để không quá ám ảnh khi phải nghe, nhìn thấy hình ảnh gợi lại ký ức cũ, khi khám phụ khoa…
Làm gì khi con bạn bị xâm hại tình dục?
Nếu không phải bạn mà là con bạn bị xâm hại tình dục thì sao? Khi trẻ kể, mô tả những hành động xâm hại tình dục hoặc khi thay quần áo, vệ sinh cho con bạn thấy các dấu hiệu trẻ đã bị hành hung hoặc xâm hại thì bạn nên:
– Trấn an con và gửi bé ở nơi an toàn. Bạn cũng nên kiểm tra những tổn thương trên cơ thể trẻ, nếu bé bị chảy máu hoặc bị thương nặng cần sơ cứu và đưa bé tới bệnh viện ngay lập tức.
– Giữ lại những bằng chứng có liên quan và báo công an.
– Xua tan nỗi sợ hãi của trẻ bằng cách chia sẻ, động viên và hỗ trợ kịp thời để đề phòng bất kỳ khủng hoảng tâm lý nào trẻ phải đối mặt.
– Không để trẻ ở nhà một mình, đi học về một mình hoặc để trẻ với những người không tin tưởng.
Xâm hại tình dục dù dưới bất cứ hình thức nào hay xảy ra ở độ tuổi nào đều gây những nỗi đau ám ảnh suốt một thời gian dài. Nếu bạn hay những người thân xung quanh rơi vào tình trạng này, hãy tìm cách chia sẻ những tổn thương tinh thần và chăm sóc sức khỏe thể chất để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé.
Hồng Nhung | HELLO BACSI