Thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp mắc bệnh dại ở người khi bị chó cắn, dẫn đến nhiều vụ tử vong thương tâm. Vậy, những ai có nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó cắn? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu để tự bảo vệ bản thân và người thân trong gia đình.
Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm lây lan từ động vật sang người. Virus dại gây bệnh bằng cách lây nhiễm vào các dây thần kinh ở động vật và người. Chúng di chuyển đến não (thông qua các dây thần kinh bên trong não), sinh sản và sau đó di chuyển trở lại qua các dây thần kinh đến hầu hết các bộ phận của cơ thể. Cuối cùng, virus xâm nhập vào tuyến nước bọt nơi nó được giải phóng. Đến thời điểm này, bệnh thường gây tổn thương não, đôi khi tạo ra hành vi bạo lực ở người bệnh và cuối cùng là cái chết.
Trẻ em trong độ tuổi từ 5–14 là nạn nhân thường xuyên của bệnh dại, cũng là đối tượng tử vong hàng đầu. Điều trị bệnh dại cần nhiều chi phí nên là gánh nặng tài chính nghiêm trọng đối với các gia đình có thu nhập thấp.
Hàng năm, hơn 15 triệu người trên toàn thế giới được tiêm vaccine sau khi bị chó cắn, nhờ vậy đã ngăn chặn được hàng trăm ngàn cái chết mỗi năm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh dại là bệnh gì?
Bệnh tiến triển theo hai thể
- Thể viêm não: Những người mắc bệnh dại biểu hiện các dấu hiệu hiếu động, dễ bị kích động, sợ nước và đôi khi là sợ khí (sợ nước bọt hoặc không khí). Tử vong xảy ra sau vài ngày do ngừng tim và hô hấp.
- Thể liệt hay “câm”: chiếm khoảng 20% tổng số ca mắc ở người. Hình thức bệnh dại này diễn ra ít kịch tính hơn và thường kéo dài hơn thể viêm não. Ở thể này, cơ bắp dần dần bị tê liệt, bắt đầu từ vị trí vết cắn hoặc vết xước. Người bệnh dần bị hôn mê và tử vong. Dạng bệnh dại này thường bị chẩn đoán sai, góp phần gia tăng nguy cơ tử vong của người bệnh.
Đường lây truyền của bệnh dại
Mọi người thường bị nhiễm bệnh sau khi cắn hoặc cào từ động vật bị bệnh dại. Trong đó, chó dại chiếm 99% trường hợp. Châu Phi và châu Á có tỷ lệ mắc bệnh dại ở người cao nhất, chiếm 95% số ca tử vong trên toàn thế giới.
Sự lây truyền cũng có thể xảy ra khi vật liệu truyền nhiễm (thường là nước bọt) tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc của con người hoặc vết thương trên da. Lây truyền từ người sang người qua vết cắn về mặt lý thuyết là có thể nhưng chưa bao giờ xảy ra.
Mắc bệnh dại thông qua việc hít khí dung có chứa virus hoặc thông qua cấy ghép các cơ quan bị nhiễm bệnh là rất hiếm. Ngoài ra, nhiễm bệnh dại do tiêu thụ thịt sống có nguồn gốc động vật bị dại chưa được xác nhận ở người.
Chẩn đoán bệnh dại
Hiện nay, vẫn chưa có công cụ chẩn đoán đơn giản nào có thể phát hiện sự nhiễm bệnh dại từ lúc bị nhiễm đến khi bùng phát bệnh, trừ khi bệnh nhân có những dấu hiệu đặc trưng của bệnh dại như chứng sợ nước hay sợ khí. Tốt hơn hết bạn nên biết cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ của bệnh dại.
Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt có thể dùng các phương pháp xét nghiệm sau:
- Phân lập virus dại bằng cách nuôi cấy bệnh phẩm vào não chuột
- Phát hiện kháng thể IgG, IgM bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA): cho phép đánh giá khả năng miễn dịch và giúp cho việc quyết định có tiêm nhắc lại vaccine dại hay không
- PCR: mới được ứng dụng gần đây, có giá trị cao trong việc phát hiện ADN đặc hiệu của virus trong nước bọt, mảnh sinh thiết.
Vì sao sau khi bị chó cắn phải chích ngừa để tầm soát bệnh dại?
Chó khi mắc dại thường trở nên dễ bị kích động, hung dữ, đi lang thang không mục đích và cắn mà không có lý do.
Khi bị chó cắn, bệnh nhân sẽ trải qua thời kỳ ủ bệnh. Thời điểm này được tính từ lúc bị cắn đến khi phát bệnh, đây là khoảng thời gian quý báu quyết định khả năng cứu sống người bệnh. Vì vậy, người bị động vật cắn cần phải đi khám để tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thời gian ủ bệnh dại ở người là bao lâu?
Điều trị cho những người bị động vật dại cắn
Không có cách điều trị bệnh dại ở người thành công khi bệnh đã tiến triển đến mức xuất hiện các triệu chứng. Điều trị y tế chỉ giúp kéo dài thêm sự sống nhưng căn bệnh này hầu như luôn kết thúc bằng cái chết. Điều rất quan trọng là ngăn chặn căn bệnh phát triển ở những người đã tiếp xúc với virus bệnh dại bằng vaccine.
Nếu bị cắn bởi một con vật bị dại, bạn sẽ phải tiêm một loạt mũi tiêm để ngăn chặn virus dại lây nhiễm. Nếu bạn không thể xác định con vật nào đã cắn mình và nó có bị dại hay không, tốt nhất vẫn nên tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn.
Thuốc tiêm ngừa dại bao gồm
Thuốc tiêm có tác dụng nhanh (globulin): giúp ngăn chặn kịp thời virus lây nhiễm cho bạn.
Vaccine bệnh dại: giúp cơ thể bạn học cách xác định và chống lại virus dại. Vaccine cho bệnh dại được tiêm dưới cánh tay và phải tiêm 4 mũi trong 14 ngày.
Xác định xem con vật cắn bạn có bị bệnh dại không
Trong một số trường hợp, bạn cần xác định xem con vật cắn mình có bị bệnh dại trước khi tiêm. Nếu xác định được con vật khỏe mạnh, bạn sẽ không cần tiêm ngừa.
Thú cưng và vật nuôi cần được quan sát trong 10 ngày để xem chúng có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh dại hay không. Nếu con vật cắn bạn vẫn khỏe mạnh trong suốt thời gian quan sát, thì có nghĩa là nó không bị bệnh dại và bạn sẽ không cần tiêm ngừa bệnh dại. Nói chuyện với bác sĩ để xác định xem bạn có nên tiêm ngừa bệnh dại ở người hay không.