Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường có những vấn đề trong ba lĩnh vực quan trọng của sự phát triển bao gồm giao tiếp xã hội, ngôn ngữ và hành vi. Nhưng vì các triệu chứng của tự kỷ và mức độ nghiêm trọng của bệnh không hằng định, nên nếu hai trẻ em có cùng chẩn đoán mắc tự kỷ, có thể hành động khá khác nhau và có thể có những kỹ năng nổi bật khác nhau. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, trẻ mắc chứng tự kỷ nặng thường có biểu hiện đặc trưng với những khiếm khuyết hoặc mất hoàn toàn khả năng giao tiếp hoặc tương tác với những người khác.
Một số trẻ có dấu hiệu của rối loạn tự kỷ ngay từ giai đoạn nhũ nhi. Một số trẻ khác có thể phát triển bình thường trong những tháng đầu tiên hoặc những năm đầu tiên của cuộc sống, nhưng sau đó đột nhiên trở nên thu mình hoặc hung dữ, hoặc mất các kỹ năng ngôn ngữ mà chúng đã đạt được.
Mặc dù mỗi đứa trẻ mắc tự kỷ có thể có những kiểu hành vi đặc trưng riêng, nhưng một số triệu chứng phổ biến của chứng tự kỷ bao gồm:
Kỹ năng xã hội
- Không đáp ứng khi có người khác gọi tên mình
- Giao tiếp bằng mắt kém
- Đôi khi dường như không nghe thấy bạn
- Kháng cự hành động ôm ấp, âu yếm hoặc nắm, giữ
- Có vẻ không ý thức được về cảm giác của người khác
- Có vẻ thích chơi một mình, rút lui vào thế giới riêng của mình
- Không đòi hỏi nhờ sự giúp đỡ hay yêu cầu điều gì
Ngôn ngữ
- Không nói được hoặc bị chậm phát triển ngôn ngữ
- Mất khả năng nói các từ hoặc câu đã đạt được trước đó
- Không giao tiếp bằng mắt khi đưa ra yêu cầu
- Nói với giọng hoặc ngữ điệu bất thường, trẻ có thể sử dụng giọng nói ê a hoặc lời nói như robot
- Không thể bắt đầu hoặc duy trì một cuộc trò chuyện
- Có thể lặp lại các từ hoặc cụm từ đúng nguyên văn, nhưng lại không biết cách để sử dụng chúng
- Dường như không hiểu những câu hỏi đơn giản hoặc xác định phương hướng
Hành vi
- Thực hiện những động tác lặp đi lặp lại, như lắc lư, quay vòng, hoặc vỗ tay
- Phát triển những thói quen hay nghi thức riêng, và trẻ sẽ trở nên khó chịu với những thay đổi dù là nhỏ nhất
- Di chuyển liên tục
- Có thể bị thu hút bởi những chi tiết của một vật thể, như các bánh xe quay của một chiếc xe đồ chơi, nhưng không thể nhận biết được “bức tranh lớn” của vật thể đó (ở ví dụ trên là chiếc xe đồ chơi)
- Có thể nhạy cảm bất thường với ánh sáng, âm thanh và cảm giác sờ, nhưng không có ý thức về cảm giác đau
- Không tham gia vào trò chơi bắt chước hoặc tưởng tượng
- Có thể có sở thích kỳ quái về thức ăn, như chỉ ăn một vài loại thức ăn, hoặc thèm ăn một số thứ không phải là thực phẩm, như phấn hoặc chất bẩn
- Có thể thực hiện những hành động có thể gây hại cho bản thân, như lắc hoặc đập đầu mạnh
Trẻ nhỏ mắc tự kỷ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chia sẻ kinh nghiệm với người khác. Ví dụ, khi đọc, trẻ không thể chỉ vào những hình ảnh trong cuốn sách. Những kỹ năng xã hội trong giai đoạn phát triển ban đầu này rất quan trọng đối với sự phát triển kỹ năng xã hội và ngôn ngữ về sau.
Khi trưởng thành, một số trẻ mắc tự kỷ trở nên hòa nhập hơn với những người xung quanh và giảm các biểu hiện rối loạn trong hành vi. Một số trẻ, thường là những trẻ chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ, thật sự có thể sống một cuộc sống bình thường hoặc gần như bình thường. Tuy nhiên, những trẻ khác vẫn tiếp tục gặp khó khăn về ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội, và trẻ có thể có những vấn đề về hành vi nặng hơn trong những năm thiếu niên.
Hầu hết trẻ tự kỷ chậm tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, và một số trẻ có dấu hiệu kém thông minh trong khi những trẻ tự kỷ khác có trí thông minh bình thường hoặc cao. Những trẻ này học nhanh, nhưng lại có vấn đề về giao tiếp, về áp dụng những gì trẻ biết vào cuộc sống hàng ngày và về khả năng điều chỉnh trong các tình huống xã hội. Một số ít trẻ tự kỷ là những nhà bác học với các kỹ năng đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó, như nghệ thuật, toán học hoặc âm nhạc.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Trẻ em phát triển theo tốc độ của riêng trẻ, và nhiều trẻ không theo kịp một cách chính xác những mốc thời gian được nêu trong một số sách nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trẻ mắc tự kỷ thường xuất hiện một số dấu hiệu chậm phát triển trong năm đầu tiên. Nếu bạn nghi ngờ con bạn có thể mắc tự kỷ, hãy thảo luận mối quan tâm, lo lắng của bạn với bác sĩ. Những triệu chứng liên quan đến chứng tự kỷ cũng có thể liên quan đến những rối loạn về phát triển khác. Lưu ý rằng việc điều trị được bắt đầu càng sớm, hiệu quả đạt được sẽ càng cao.
Bác sĩ có thể đề nghị thêm một số khảo sát sự phát triển của con bạn nếu trẻ:
- Không phản ứng lại bằng một nụ cười hay biểu hiện vui mừng khi 6 tháng tuổi
- Không bắt chước âm thanh hoặc những biểu hiện khuôn mặt khi 9 tháng tuổi
- Không trọ trẹ, bi bô khi 12 tháng tuổi
- Không ra hiệu bằng cử chỉ như chỉ tay hoặc vẫy tay khi 12 tháng tuổi
- Không nói những từ đơn lẻ khi 16 tháng tuổi
- Không nói được cụm từ gồm có hai chữ khi 24 tháng tuổi
- Mất ngôn ngữ đã đạt được trước đó hoặc những kỹ năng xã hội ở mọi lứa tuổi
Tài liệu tham khảo
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/basics/symptoms/con-20021148