Định nghĩa
Tình trạng nôn mửa (ói) là gì?
Nôn mửa, hay còn gọi là ói, là tình trạng rối loạn tiêu hóa buộc những gì trong dạ dày đi ngược lên thực quản và thoát qua đường miệng hoặc đôi khi qua mũi. Điều này có thể xảy ra tự nhiên hoặc có chủ ý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nôn mửa. Nôn mửa là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, từ bệnh phổ biến cho tới hiếm gặp.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của nôn mửa (ói) là gì?
Những triệu chứng đi kèm với nôn mửa bao gồm cảm giác buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu nhẹ, hoa mắt, chóng mặt, ngoài ra còn có thế bị toát mồ hôi lạnh hay khô miệng. Trong trường hợp nghiêm trọng, đau ngực, ngất xỉu và nôn ra máu có thể xảy ra.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nôn mửa (ói) rất phổ biến, nó thường là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý khác trong cơ thể. Hãy gọi cấp cứu nếu bạn buồn nôn hoặc nôn mửa kèm theo các triệu chứng khác, ví dụ như:
- Đau ngực;
- Đau bụng dữ dội hoặc đau quặn;
- Mờ mắt;
- Ngất xỉu;
- Nhầm lẫn;
- Ớn lạnh, màu da nhợt nhạt;
- Sốt cao;
- Cứng cổ;
- Có phân hoặc mùi phân trong khi nôn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra nôn mửa (ói) là gì?
Có rất nhiều bệnh và chứng rối loạn có thể gây ra ói mửa. Những nguyên nhân thường gặp nhất có thể là:
- Do nhiễm virus gây ra viêm dạ dày – ruột. Viêm dạ dày là tình trạng viêm (đỏ, sưng) ở dạ dày có thể gây ra nôn mửa. Ngoài ra, các bệnh về ruột như tắc nghẽn ruột, đau túi mật, loét dạ dày và viêm ruột thừa cũng là những nguyên nhân có thể gây ra nôn mửa;
- Do các loại thuốc như hóa trị liệu, thuốc giảm đau, morphine và thuốc kháng sinh thường gây buồn nôn và nôn mửa;
- Do các vấn đề về tâm lý liên quan đến căng thẳng và chứng rối loạn ăn uống và các nguyên nhân phổ biến khác như đau, chóng mặt, phẫu thuật, nóng bức, chấn thương hoặc các chứng say khi di chuyển (say máy bay, say xe, say tàu thủy hoặc tàu lửa).
Nguy cơ mắc bệnh
Những ai thường mắc phải nôn mửa (ói)?
Nôn mửa (ói) xảy ra ở mọi đối tượng bất kể tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, phụ nữ có thai, những người mắc các bệnh dạ dày hoặc đường tiêu hóa là nhóm người có nguy cơ cao bị nôn mửa. Trong một số trường hợp, những người đang trị liệu bệnh ung thư cũng sẽ có nguy cơ nôn mửa cao hơn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nôn mửa (ói)?
Bạn có thể có nguy cơ bị nôn mửa nếu bạn đang mang thai, đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ (triệu chứng ốm nghén) hoặc nếu bạn bị các bệnh về đường tiêu hóa và dạ dày. Việc điều trị bằng xạ trị cũng có thể gây ra nôn mửa. Một số người bị chứng say tàu xe cũng có nguy cơ nôn mửa thường xuyên hơn khi di chuyển.
Điều trị
Những tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị nôn mửa (ói)?
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu chính của việc điều trị là thay thế lượng chất lỏng hoặc chất điện giải đã mất (những chất đặc biệt kiểm soát sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể).
Giải pháp uống nước canh ấm hoặc dung dịch điện giải glucose thường được sử dụng. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể phải nhập viện và truyền dịch dưới tĩnh mạch. Các loại thuốc kháng sinh có thể hiệu quả đối với vi khuẩn nhưng không hiệu quả đối với virus và các bệnh nhiễm trùng. Các loại thuốc kháng axit không kê toa như thuốc kháng thụ thể histamine-2 (H2) và thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole có thể kiểm soát các triệu chứng viêm dạ dày nhẹ.
Nếu bạn bị đau túi mật, viêm ruột thừa và tắc nghẽn ruột, bạn có thể cần phải nhập viện và phẫu thuật.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh gây nôn mửa (ói)?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách kiểm tra sức khoẻ, có thể làm các xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp X-quang cho bạn. Một số bác sĩ sẽ hỏi về tính chất của dung dịch nôn ra để xác định nguyên nhân.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của nôn mửa (ói)?
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bao gồm:
- Chỉ uống chất lỏng nếu bạn bị nôn mửa (ói) liên tục. Bắt đầu một chế độ ăn đồ ăn mềm và nhạt nếu có thể, sau đó hãy từ từ trở lại chế độ ăn bình thường.
- Uống thuốc theo như hướng dẫn của bác sĩ.
- Dựa vào ghế, hít thở chậm và sâu khi bạn đang ở trên xe, thuyền hoặc máy bay. Cố gắng ngồi ở nơi có ít chuyển động nhất.
- Nghỉ ngơi trên giường gần phòng tắm hoặc với bô tiện dụng.
- Liên hệ với các cơ quan y tế địa phương nếu nhiều người bị bệnh sau khi ăn ở cùng một sự kiện để giúp tìm ra nguồn lây nhiễm bệnh.
- Nấu và bảo quản thức ăn đúng cách.
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chuẩn bị thức ăn. Giữ khu vực nấu ăn và các dụng cụ sạch sẽ.
Gọi cho bác sĩ nếu:
- Các triệu chứng không cải thiện sau 48 giờ hoặc xấu đi sau khi việc điều trị bắt đầu.
- Bạn nôn mửa, ngất xỉu hoặc chóng mặt khi thay đổi vị trí đột ngột.
- Tình trạng nôn mửa của bạn rất nặng mà bạn không thể kiểm soát được.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.