Kích thích não sâu

(4.37) - 59 đánh giá

Kỹ thuật kích thích não sâu đã được sử dụng từ nhiều thập niên trong điều trị đau kháng trị. Gần đây, kỹ thuật này được xem là hiệu quả và an toàn trong điều trị run vô căn, cũng như trong run và rối loạn vận động trong bệnh Parkinson, loạn trương lực cơ và xơ cứng rải rác. Với hơn 35.000 dụng cụ cấy kích thích não sâu được sử dụng trên toàn thế giới. Phương pháp kích thích não sâu ngày càng được nhanh chóng ứng dụng rộng rãi.

Kỹ thuật này được so sánh giống như máy tạo nhịp tim trong việc giúp duy trì nhịp tim thích hợp. Kích thích não sâu giúp điều hòa chu trình chức năng của não, do vậy não hoạt động hiệu quả hơn. Kỹ thuật này hoạt động bằng cách truyền tín hiệu thần kinh liên tục đến các vùng đích chuyên biệt ở não, ức chế các xung động gây ra rối loạn chức năng thần kinh. Các vùng đích bao gồm nhân bụng trung gian đồi thị (Vim), nhân cầu nhạt trong (GPi), nhân dưới đồi thị (STN).

Hệ thống kích thích não sâu bao gồm 3 thành phần:

  • Điện cực: là vật nhỏ được đưa vào sọ qua lỗ nhỏ và cấy vào trong não.
  • Dây dẫn dưới da vùng đầu, cổ, vai, gắn kết điện cực với pin phát xung điện.
  • Thiết bị phát xung điện là thành phần thứ 3 và thường được cấy dưới da gần xương đòn. Trong một số trường hợp, có thể cấy ở vùng cổ hoặc dưới da trên bụng.

Phẫu thuật mở một lỗ nhỏ trong sọ dưới tác dụng của gây tê tại chỗ. Trong suốt quá trình phẫu thuật kích thích não sâu, bệnh nhân vẫn tỉnh táo để các bác sĩ có thể đánh giá các chức năng não. Bệnh nhân không có cảm giác đau khi đưa điện cực vào trong não, bởi vì vùng phát tín hiệu đau riêng biệt đã bị bất hoạt. Kỹ thuật hình ảnh vi tính não được dùng để định vị chính xác vị trí chính xác trong não, nơi mà các tín hiệu thần kinh gây ra run và các triệu chứng khác. Các phương tiện hình ảnh học tinh vi được ứng dụng để định vị cả cấu trúc và chức năng sinh lý não. Điện cực được gắn kết với dây dẫn vào thiết bị phát xung điện nằm ở thành ngực.

Dụng cụ lập trình được sử dụng cùng với thiết bị phát xung điện nhằm điều chỉnh các thông số phù hợp với mức độ kích thích. Bệnh nhân được hướng dẫn để điều chỉnh pin phát xung điện qua chế độ bật và tắt tại nhà. Tùy thuộc vào ứng dụng, pin có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm. Khi cần thay pin, thiệt bị phát xung điện cũng được thay ra, thường qua gây tê tại chỗ

Ưu điểm

  • Có thể thực hiện phẫu thuật ở cả 2 bên não để kiểm soát triệu chứng ở cả 2 bên cơ thể.
  • Hiệu quả có thể đảo ngược và đáp ứng nhu cầu với tình trạng bệnh nhân.
  • Có thể hiệu chỉnh các thông số kích thích để giảm thiểu tác dụng phụ và nâng cao hiệu quả.
  • Có thể kiểm soát triệu chứng liên tục 24 giờ trong ngày.
  • Bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật kích thích não sâu có thể là ứng viên cho các phương pháp điều trị khác, ví dụ như tế bào gốc hoặc liệu pháp gen nếu phù hợp.

Nguy cơ

Ở những bệnh nhân đã lựa chọn kỹ lưỡng, kích thích não sâu là phương pháp hoàn toàn an toàn và hiệu quả, tuy nhiên, vẫn tồn tại vài nguy cơ, mặc dù các tác dụng phụ này nhìn chung là nhẹ và có thể phục hồi.

Ước tính nguy cơ xuất huyết não là 2-3%, có thể xem như không có đáng kể, hoặc có thể gây ra liệt, đột quỵ, rối loạn lời nói, hoặc một vài biến chứng nghiêm trọng khác. Có nguy cơ nhỏ rò rỉ dịch não tủy, điều này có thể dẫn đến đau đầu hoặc viêm màng não. Khoảng 15% nguy cơ biến chứng nhẹ và tạm thời liên quan đến dụng cụ cấy, ví dụ như nhiễm trùng. Bản thân nhiễm trùng không gây ra tổn thương lâu dài, tuy nhiên điều trị nhiễm trùng có thể cần phải loại bỏ điện cực.

Tác dụng phụ có thể bao gồm:

  • Cảm giác châm chích tạm thời ở mặt hoặc tay chân.
  • Đau hoặc phù tạm thời ở vị trí dụng cụ cấy.
  • Phản ứng dị ứng với dụng cụ cấy.
  • Liệt nhẹ.
  • Rối loạn thị giác hoặc lời nói.
  • Cảm giác choáng váng.
  • Mất thăng bằng.
  • Chóng mặt.
  • Giảm phối hợp vận động.
  • Mất tập trung.

Điện cực và hệ thống điện cực thường dung nạp tốt với vùng mô não xung quanh. Có thể xảy ra sự di chuyển lạc chỗ điện cực so với vị trí gốc ban đầu. Khi ngưng kích thích, có thể xảy ra phản ứng tạm thời làm nặng thêm tình trạng run. Nguy cơ của phẫu thuật tăng lên khi bệnh nhân trên 70 tuổi và ở bệnh nhân có vấn đề sức khỏe kèm theo, ví dụ như bệnh lý mạch máu, hoặc cao huyết áp. Cần xem xét kỹ lưỡng giữa hiệu quả và nguy cơ của phẫu thuật. Mặc dù phần lớn bệnh nhân cải thiện rõ rệt sau kích thích não sâu, tuy nhiên không có gì bảo đảm phẫu thuật sẽ giúp ích cho tất cả mọi đối tượng.

Bệnh Parkinson

Có hiện tượng mất các tế bào não sản xuất dopamine ở bệnh Parkinson giai đoạn sớm. Bình thường, dopamine cùng với các chất dẫn truyền thần kinh khác giúp điều hòa thăng bằng và giúp phối hợp hàng triệu tế bào cơ và thần kinh trong vận động. Không có đủ dopamine, hệ thống thăng bằng bị phá vỡ, dẫn đến run (bàn tay, cánh tay, chân và hàm), cứng cơ (tay chân), chậm cử động, mất thăng bằng và phối hợp động tác – triệu chứng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Parkinson.

Kích thích não sâu, bởi vì tính hiệu quả và an toàn, ngày càng được xem là phương pháp hiệu quả trong điều trị bệnh Parkinson kháng trị với thuốc. Phương pháp này đem lại hiệu quả lâm sàng ổn định và có thể giảm liều điều trị dopamine 50-70%. Kích thích não sâu làm giảm triệu chứng nhưng không làm chậm hoặc phục hồi quá trình thoái hóa thần kinh của bệnh Parkinson.

Ứng viên cho kích thích não sâu là những bệnh nhân bệnh Parkinson tự phát kháng trị với thuốc, chẩn đoán bằng bác sĩ chuyên khoa thần kinh có kinh nghiệm trong lĩnh vực rối loạn vận động. Biểu hiện bệnh ít nhất 3 năm với ít nhất 2 trong 4 triệu chứng trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Parkison nói trên, trước khi xem xét kích thích não sâu. Chỉ định khác của kích thích não sâu bao gồm biến chứng loạn vận động hoặc tác dụng phụ với các nhiều liệu pháp, bao gồm levodopa, và điều chỉnh thuốc không làm giảm bớt biến chứng/tác dụng phụ.

Các chỉ định khác

Loạn trương lực cơ

Các nghiên cứu gần đây cho thấy kích thích não sâu nhân cầu nhạt trong cải thiện rõ rệt các triệu chứng loạn trương lực cơ vặn xoắn ở phần lớn bệnh nhân. Kích thích não sâu có vẻ có hiệu quả hơn ở bênh nhân loạn trương lực cơ nguyên phát hơn là thứ phát, do sự bất thường trong cấu trúc não. Không giống bệnh Parkinson đáp ứng sớm sau khi kích thích, loạn trương lực cơ có thể cần nhiều tuần sau kích thích để cải thiện rõ. Hơn nữa, hiệu quả đầy đủ của kích thích có thể không nhận ra sau 12-18 tháng từ khi bắt đầu liệu pháp. Vì vậy biến chứng cũng ít và nhẹ.

Xơ cứng rải rác

Mục tiêu chính của kích thích não sâu trong xơ cứng rải rác là kiểm soát triệu chứng run. Nên quyết định điều trị kích thích não sâu để làm giảm run tay và có thể làm giảm run đầu và thân người. Kích thích não sâu không giúp cải thiện các triệu chứng khác của xơ cứng rải rác, ví như mất thị lực, triệu chứng về cảm giác hoặc sức cơ, và không thể chữa, phục hồi hoặc làm chậm tiến triển bệnh

Rối loạn tâm thần nặng

Nghiên cứu ban đầu cho thấy kích thích não sâu cải thiện rõ rệt tính cách, trí nhớ khơi gợi, cũng như làm giảm triệu chứng lo âu, ám ảnh, cưỡng chế, ở một số bệnh nhân có cả rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm kháng trị. Hiện nay, phương pháp này được sử dụng cho một số ít bệnh nhân trên lâm sàng và chưa được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các nghiên cứu hứa hẹn cho thấy sự cần thêm các bằng chứng và nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của kích thích não sâu.

Tài liệu tham khảo

http://www.aans.org/en/Patient%20Information/Conditions%20and%20Treatments/Deep%20Brain%20Stimulation.aspx

Biên dịch - Hiệu đính

Ths.BS. Võ Nguyễn Ngọc Trang - TS.BS. Huỳnh Kim Hiệu
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Viêm cơ – viêm đa cơ và viêm da cơ

(39)
Biên dịch: Ths.BS. Phan Hoàng Phương Khanh Hiệu đính: BS. Minh Ngọc Viêm đa cơ và viêm da cơ là các bệnh lý của mô liên kết đặc trưng bởi tình trạng viêm cơ. ... [xem thêm]

Tâm thần phân liệt

(43)
Định nghĩa Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mạn tính và nặng nề, nó ảnh hưởng tới cách suy nghĩ, cảm giác và hành vi của người bệnh. ... [xem thêm]

Hội chứng ống cổ tay

(50)
Hình minh họa hội chứng ống cổ tay: (1) mạc giữ gân gấp, (2) thần kinh giữa bị chèn ép, (3) xương cổ tay. Hội chứng ống cổ tay là do một dây thần ... [xem thêm]

Cảm giác mệt mỏi sau đột quỵ

(65)
Sau một cơn đột quỵ, hầu hết những người bệnh đều cảm thấy mệt mỏi ở một mức độ nào đó. Những bệnh nhân sau đột quỵ thường phải ... [xem thêm]

Động kinh

(21)
Động kinh là gì? Động kinh là bệnh của hệ thần kinh trung ương trong đó hoạt động của tế bào thần kinh bị rối loạn, biểu hiện bởi những cơn co giật ... [xem thêm]

Những thay đổi gây ra do đột quỵ

(37)
Bộ não kiểm soát khả năng vận động, cảm giác, giao tiếp, suy nghĩ và hành động. Tổn thương não do đột quỵ có thể ảnh hưởng tới bất kỳ khả năng ... [xem thêm]

Hội chứng cơ hình lê (cơ tháp)

(96)
Hình: Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp Hội chứng cơ hình lê là gì? Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng cơ tháp (Piriformis syndrome) là một rối ... [xem thêm]

Bệnh nhược cơ

(25)
Giới thiệu về bệnh nhược cơ Bệnh nhược cơ tiếng Anh là Myasthenia Gravis, phát âm là My-as-theen-ee-a Grav-us, xuất phát từ tiếng Hy Lạp và Latin, có nghĩa là ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN