Rối loạn lưỡng cực là gì?
Rối loạn lưỡng cực, còn được biết đến với tên gọi rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay bệnh lý hưng-trầm cảm, là một rối loạn của não bộ gây ra những biến đổi bất thường về cảm xúc, sinh lực, mức độ hoạt động và khả năng thực hiện những sinh hoạt thường nhật. Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực rất nặng nề. Các biểu hiện thường khác với cảm xúc lúc thăng lúc trầm mà mọi người thường gặp phải. Các triệu chứng rối loạn lưỡng cực có thể làm hủy hoại các mối quan hệ, giảm khả năng làm việc hay học tập và thậm chí dẫn đến tự sát. Tuy nhiên, rối loạn lưỡng cực có thể được điều trị và người mắc rối loạn này vẫn có thể sống và làm việc hiệu quả.
Nguyên nhân nào gây rối loạn lưỡng cực?
Các nhà khoa học đang nghiên cứu những nguyên nhân có thể gây ra rối loạn lưỡng cực. Đa số đồng tình rằng không có nguyên nhân nào là đơn lẻ. Hơn thế, nhiều yếu tố có thể tác động lẫn nhau hình thành nên rối loạn hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Di truyền
Rối loạn lưỡng cực có xu hướng di truyền. Một số nghiên cứu cho thấy người có một vài gene nhất định có khả năng bị rối loạn lưỡng cực cao hơn so với những người khác. Trẻ em có bố mẹ hoặc anh chị em mắc rối loạn lưỡng cực có khả năng bị bệnh này cao hơn người khác. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em có người thân trong gia đình bị rối loạn lưỡng cực không mắc bệnh này.
Tiến bộ về kỹ thuật đang cải thiện điều kiện và chất lượng nghiên cứu di truyền học về rối loạn lưỡng cực. Một ví dụ là sự khởi động dự án Cơ sở dữ liệu kiểu hình Rối loạn lưỡng cực do Viện Sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ tài trợ. Khi sử dụng cơ sở dữ liệu này, các nhà khoa học có thể liên hệ các biểu hiện thấy được của rối loạn này với các gene có thể tác động lên những biểu hiện đó.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu các rối loạn có triệu chứng tương tự như vậy như là trầm cảm và tâm thần phân liệt để xác định những khác biệt về di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. Phát hiện được các “chỉ dấu” hay đặc thù di truyền (genetic hotspots) này có thể giúp giải thích được cách thức mà các yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh của một cá nhân.
Tuy nhiên, gene không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất trong rối loạn lưỡng cực. Các nghiên cứu trên những cặp sinh đôi cùng trứng cho thấy anh chị hay em sinh đôi với người mắc rối loạn lưỡng cực không phải luôn bị bệnh, mặc dù họ có cùng kiểu gene. Nghiên cứu cho thấy các yếu tố ngoài di truyền cũng có vai trò. Có vẻ như nhiều gene khác nhau và các yếu tố môi trường đều có liên quan. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa hiểu rõ bằng cách nào mà các yếu tố này tương tác với nhau để gây ra rối loạn lưỡng cực.
Cấu trúc và chức năng não bộ
Các công cụ chẩn đoán hình ảnh não, như chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), cho phép các nhà nghiên cứu lưu lại hình ảnh hoạt động của bộ não. Những công cụ này giúp các nhà khoa học nghiên cứu cấu trúc và hoạt động của não bộ.
Một vài nghiên cứu về chẩn đoán hình ảnh đã chỉ ra khác biệt giữa bộ não của người bị rối loạn lưỡng cực với người khỏe mạnh hoặc với người mắc các rối loạn tâm thần khác. Ví dụ, một nghiên cứu sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ đã phát hiện ra rằng mẫu hình của sự phát triển bộ não ở trẻ em mắc rối loạn lưỡng cực tương tự như trẻ em bị “thiếu sót đa phương diện”, một rối loạn gây ra các triệu chứng xuất hiện ở cả rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt. Điều này gợi ý rằng sự tương đồng ở mô hình phát triển não bộ có thể liên quan đến nguy cơ chung về cảm xúc không ổn định.
Một nghiên cứu cộng hưởng từ khác phát hiện ra rằng vỏ não vùng trước trán (prefrontal cortex) của người lớn mắc rối loạn lưỡng cực có xu hướng nhỏ hơn và chức năng kém hơn so với người không mắc bệnh này. Vỏ não vùng trước trán là cấu trúc não liên quan đến chức năng “thực thi” như giải quyết vấn đề và ra quyết định. Cấu trúc này và các liên kết của nó đến các phần khác của bộ não sẽ trưởng thành dần trong tuổi vị thành niên, gợi ý rằng sự phát triển bất thường của vùng này có thể liên quan đến việc vì sao rối loạn có khuynh hướng xảy ra trong độ tuổi 10-20. Việc chỉ điểm được những biến đổi của bộ não ở tuổi thanh niên có thể giúp chúng ta phát hiện sớm căn bệnh hoặc chỉ ra tiêu điểm để can thiệp sớm.
Những liên kết giữa các vùng não có vai trò quan trọng trong việc hình thành và điều phối các chức năng như hình thành ký ức, học tập, và thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, hiểu biết về cách thức mà những phần khác nhau của bộ não người kết nối với nhau vẫn còn rất ít. Hiểu biết về những kết nối này cùng với thông tin thu được qua nghiên cứu di truyền sẽ giúp khoa học hiểu rõ hơn về rối loạn lưỡng cực. Các nhà khoa học đang cố gắng hướng đến khả năng tiên đoán được loại điều trị nào có hiệu quả nhất.
Những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực
Người có rối loạn lưỡng cực sẽ trải qua những trạng thái cảm xúc căng thẳng xuất hiện theo các chu kỳ rất khác biệt, gọi là các “cơn rối loạn cảm xúc”. Mỗi cơn rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi sự biến đổi rõ rệt trong cảm xúc và hành vi so với lúc bình thường. Trạng thái vui vẻ quá mức hoặc quá kích động gọi là cơn hưng cảm. Ngược lại trạng thái cực kỳ buồn bã hoặc thất vọng gọi là cơn trầm cảm. Đôi khi, một cơn rối loạn cảm xúc có thể bao gồm cả các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm. Đây được gọi là cơn hỗn hợp. Người rối loạn lưỡng cực cũng có thể có cảm xúc bùng nổ hoặc cáu gắt trong một cơn rối loạn cảm xúc.
Biến đổi nghiêm trọng về sinh lực, hoạt động, giấc ngủ, và hành vi thường xuất hiện cùng với những biến đổi về cảm xúc. Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực được mô tả như sau:
Các triệu chứng hưng cảm hoặc cơn hưng cảm bao gồm: | Triệu chứng của trầm cảm hoặc cơn trầm cảm gồm có: |
Biến đổi cảm xúc
Biến đổi hành vi
| Biến đổi cảm xúc
Biến đổi hành vi
|
Rối loạn lưỡng cực có thể xuất hiện ngay cả khi biến đổi cảm xúc ít trầm trọng. Ví dụ, có người mắc rối loạn lưỡng cực có hưng cảm nhẹ, một thể ít trầm trọng hơn hưng cảm. Trong giai đoạn hưng cảm nhẹ, họ cảm thấy rất ổn, rất năng suất và chức năng hoàn hảo. Họ không cảm thấy có gì bất ổn mặc dù gia đình và bạn bè có thể nhận ra những biến đổi về cảm xúc giống như khả năng bị rối loạn lưỡng cực. Nếu không điều trị kịp thời, người có hưng cảm nhẹ có thể tiến triển thành hưng cảm nặng hoặc trầm cảm.
Rối loạn lưỡng cực có thể biểu hiện với tình trạng hỗn hợp, trong đó người rối loạn biểu hiện cả hưng cảm và trầm cảm đồng thời. Khi trong giai đoạn hỗn hợp, bệnh nhân có thể cảm thấy rất bực bội, rối loạn giấc ngủ, biến đổi rõ rệt về khẩu vị, và có ý tưởng tự sát. Người rối loạn cảm xúc hỗn hợp có thể cảm thấy rất buồn chán và vô vọng và đồng thời cảm thấy tràn đầy năng lượng.
Đôi khi, người trong cơn hưng cảm nặng hoặc trầm cảm nặng cũng có các triệu chứng loạn thần, là các triệu chứng ảo giác hoặc hoang tưởng. Các triệu chứng loạn thần có khuynh hướng phản ảnh mức độ rối loạn cảm xúc trầm trọng đó. Ví dụ, nếu bạn có triệu chứng loạn thần trong cơn hưng cảm, bạn có thể cho rằng mình là người nổi tiếng, có rất nhiều tiền hoặc có quyền lực đặc biệt. Nếu bạn có triệu chứng loạn thần trong cơn trầm cảm, bạn có thể cho rằng mình thối tha và vô giá trị hoặc đã phạm tội ác nào đó. Hậu quả là, người bị rối loạn lưỡng cực có triệu chứng loạn thần đôi khi bị chẩn đoán nhầm là tâm thần phân liệt.
Người mắc rối loạn lưỡng cực có thể cũng lạm dụng chất có cồn (rượu, bia) hoặc chất gây nghiện, gặp trở ngại với các mối quan hệ, hoặc thể hiện khả năng kém cỏi trong học tập và công tác. Việc nhận biết những trở ngại này như là dấu hiệu của một bệnh tâm thần nặng có thể khó khăn.
Rối loạn lưỡng cực thông thường kéo dài cả đời người. Các cơn hưng cảm và trầm cảm điển hình có thể xuất hiện lặp đi lặp lại. Giữa các cơn, nhiều người mắc rối loạn lưỡng cực không biểu hiện triệu chứng gì, tuy nhiên nhiều người khác có thể có các triệu chứng dai dẳng.
Ai có nguy cơ cao bị rối loạn lưỡng cực?
Rối loạn lưỡng cực thường khởi phát vào những năm cuối tuổi vị thành niên hoặc thanh niên. Ít nhất một nửa số trường hợp khởi phát trước 25 tuổi. Một số có các triệu chứng đầu tiên trong thời thơ ấu, trong khi đó số khác có thể khởi phát các triệu chứng khi đã lớn tuổi.
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực thế nào?
Các bác sĩ chẩn đoán rối loạn lưỡng cực dựa vào hướng dẫn từ Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (Viết tắt là DSM-của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ). Để chẩn đoán được rối loạn lưỡng cực, các triệu chứng phải biến đổi rõ rệt từ trạng thái cảm xúc hoặc hành vi bình thường của bạn. Có bốn dạng cơ bản của rối loạn lưỡng cực:
- Rối loạn lưỡng cực I được định nghĩa là cơn hưng cảm hoặc là hỗn hợp hưng trầm cảm kéo dài ít nhất là bảy ngày, hoặc các triệu chứng hưng cảm trầm trọng đến mức một người cần phải nhập viện ngay lập tức. Thông thường, cơn trầm cảm cũng xuất hiện, điển hình là kéo dài ít nhất trong hai tuần.
- Rối loạn lưỡng cực II được định nghĩa là có dạng các cơn trầm cảm và hưng cảm nhẹ, nhưng không có cơn hưng cảm bùng phát đầy đủ hoặc là các cơn hỗn hợp hưng trầm cảm.
- Rối loạn lưỡng cực không biệt định (BP-NOS) được chẩn đoán khi các triệu chứng của bệnh lý biểu hiện nhưng không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán cho cả rối loạn lưỡng cực I hay II. Tuy nhiên, các triệu chứng rõ ràng là lệch ra khỏi khoảng biến động hành vi bình thường của người đó.
- Rối loạn khí sắc chu kỳ hay khí sắc chu kỳ là một dạng nhẹ của rối loạn lưỡng cực. Người có khí sắc chu kỳ có những cơn hưng cảm nhẹ cũng như trầm cảm nhẹ trong ít nhất là 2 năm. Tuy nhiên, các triệu chứng không đáp ứng yêu cầu của bất kỳ loại rối loạn lưỡng cực nào khác.
Một dạng nặng của rối loạn này gọi là rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh. Chu kỳ nhanh xảy ra khi một người có nhiều hơn bốn cơn trầm cảm nặng, hưng cảm, hưng cảm nhẹ hoặc cơn hỗn hợp, tất cả xuất hiện trong một năm. Chu kỳ nhanh dường như phổ biến hơn ở những người khởi phát cơn rối loạn lưỡng cực đầu tiên khi tuổi còn trẻ. Có nghiên cứu phát hiện thấy người mắc chu kỳ nhanh bị cơn đầu tiên sớm hơn khoảng 4 năm trong độ tuổi trước 20 so với người không có rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh. Phụ nữ bị chu kỳ nhanh nhiều hơn so với nam giới. Chu kỳ nhanh có thể xuất hiện, mất đi và tái diễn.
Khi làm chẩn đoán, bác sĩ hoặc nhân viên y tế cần khám thực thể, hỏi bệnh và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Hiện nay, ta không thể chẩn đoán rối loạn lưỡng cực dựa vào xét nghiệm máu hay chụp cắt lớp sọ não, tuy nhiên những xét nghiệm này sẽ giúp loại trừ những yếu tố khác có thể liên quan đến rối loạn cảm xúc như là đột quỵ, u não hoặc bệnh tuyến giáp. Nếu rối loạn này không phải do các bệnh lý khác gây ra, nhân viên y tế có thể khám sức khỏe tâm thần cho bạn hoặc chuyển bạn đến gặp bác sĩ tâm thần, người có kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị rối loạn lưỡng cực.
Bác sĩ hoặc nhân viên sức khỏe tâm thần cần thảo luận với bạn về bệnh sử gia đình liên quan đến rối loạn lưỡng cực hoặc các bệnh tâm thần khác và thu thập đầy đủ thông tin về triệu chứng của bạn. Họ cũng nên nói chuyện với người thân hoặc vợ/chồng của bạn về các triệu chứng của bạn và bệnh sử gia đình.
Người có rối loạn lưỡng cực thường tìm kiếm giúp đỡ khi họ bị trầm cảm hơn là khi họ đang hưng cảm hay hưng cảm nhẹ. Vì vậy, cần phải thu thập bệnh sử y khoa cẩn thận để đảm bảo không chẩn đoán nhầm với trầm cảm đơn độc. Không giống như người rối loạn lưỡng cực, người chỉ có trầm cảm (còn gọi là trầm cảm đơn cực) không có biểu hiện hưng cảm.
Rối loạn lưỡng cực có thể tồi tệ nếu không được chẩn đoán và điều trị. Các cơn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn hoặc trầm trọng hơn theo thời gian nếu không điều trị. Ngoài ra, việc trì hoãn chẩn đoán và điều trị đúng có thể góp phần gây ra những xáo trộn trong đời sống cá nhân, xã hội và công việc. Chẩn đoán và điều trị đúng sẽ giúp người rối loạn lưỡng cực có cuộc sống lành mạnh và năng suất lao động tốt. Trong đa số các trường hợp, việc điều trị sẽ làm giảm tần suất và mức độ trầm trọng của các cơn hưng cảm hoặc trầm cảm.
Lạm dụng chất gây nghiện là rất phổ biến ở những người có rối loạn lưỡng cực mặc dù lý do của mối liên hệ này vẫn chưa được rõ. Một số người bị rối loạn lưỡng cực có lẽ tự điều trị các triệu chứng bằng rượu hay ma túy. Tuy nhiên, lạm dụng ma túy có thể kích hoạt hay kéo dài các triệu chứng lưỡng cực. Các rối loạn kiểm soát hành vi liên quan đến hưng cảm có thể gây ra hậu quả là uống nhiều bia rượu.
Rối loạn lo âu, như là rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý ( PTSD ) và sợ xã hội, cũng thường đồng thời xuất hiện trong nhóm người rối loạn lưỡng cực. Rối loạn lưỡng cực cũng xuất hiện đồng thời cùng với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trong đó một số triệu chứng được tìm thấy trong rối loạn lưỡng cực, như biểu hiện bồn chồn và mất tập trung.
Người rối loạn lưỡng cực cũng có nguy cơ cao về bệnh tuyến giáp, đau nửa đầu, bệnh tim, béo phì và các bệnh thực thể khác. Những bệnh này có thể gây ra các triệu chứng của hưng cảm và trầm cảm. Chúng cũng có thể là hệ quả của việc điều trị rối loạn lưỡng cực.
Điều trị rối loạn lưỡng cực như thế nào?
Rối loạn lưỡng cực không khỏi hoàn toàn nhờ điều trị, nhưng có thể được điều trị có hiệu quả về lâu dài. Điều trị đúng có thể giúp nhiều bệnh nhân ngay cả với các thể nặng nhất của rối loạn này cũng có thể kiểm soát được sự biến đổi cảm xúc và các triệu chứng có liên quan. Tuy nhiên, ngay cả khi được điều trị đúng, rối loạn cảm xúc vẫn diễn ra. Trong một chương trình nghiên cứu Điều trị hệ thống tích cực Rối loạn lưỡng cực do NIMH tài trợ (STEP-BD) (nghiên cứu lớn nhất từng được tiến hành trong điều trị rối loạn lưỡng cực) gần một nửa số người hồi phục vẫn còn triệu chứng dai dẳng. Việc mắc thêm một rối loạn tâm thần khác làm tăng khả năng tái phát rối loạn lưỡng cực. Vui lòng xem STEP-BD để biết thêm thông tin.
Điều trị sẽ có hiệu quả hơn nếu bạn hợp tác chặt chẽ với bác sĩ và cởi mở về những lo ngại cũng như lựa chọn của bản thân mình. Kế hoạch điều trị duy trì hiệu quả thường là phối hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu.
Thuốc
Các loại thuốc khác nhau có thể giúp kiểm soát triệu chứng rối loạn lưỡng cực. Không phải tất cả mọi người đều đáp ứng với thuốc theo cách giống nhau. Bạn có thể phải thử qua vài loại thuốc khác nhau trước khi tìm được loại thuốc có hiệu quả nhất cho mình.
Việc ghi lại những triệu chứng cảm xúc, điều trị, giấc ngủ hằng ngày và các sự kiện trong đời sống sẽ giúp bạn và bác sĩ theo sát và điều trị hiệu quả nhất. Nếu triệu chứng của bạn thay đổi hoặc bạn không chịu được tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể thay đổi hoặc bổ sung thêm thuốc.
Các loại thuốc sử dụng điều trị rối loạn lưỡng cực nói chung gồm có các thuốc thuộc nhóm điều chỉnh khí sắc, các thuốc chống loạn thần mới, và các thuốc chống trầm cảm. Để có thông tin cập nhật về cách sử dụng thuốc và các tác dụng phụ không mong muốn, hãy liên hệ với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Các thuốc chỉnh khí sắc thường được lựa chọn đầu tiên để điều trị rối loạn lưỡng cực. Nói chung, người mắc rối loạn lưỡng cực có thể được điều trị liên tục bằng thuốc chỉnh khí sắc trong nhiều năm. Muối Lithium (còn có các tên biệt dược như Eskalith hay Lithobid) là một loại thuốc chỉnh khí sắc hiệu quả được FDA công nhận từ những năm 1970 dùng để điều tị cả các cơn hưng cảm và trầm cảm.
Các thuốc nhóm trấn kinh (chống co giật) cũng được dùng như tác dụng điều chỉnh khí sắc. Trước đây các thuốc này được tổng hợp để điều trị các cơn co giật, tuy nhiên chúng còn có tác dụng kiểm soát cảm xúc. Các thuốc chống co giật được dùng như chỉnh khí sắc bao gồm:
- Valproicacid hoặc muối natri divalproex (Depakote), được FDA chấp nhận từ năm 1995 để điều trị hưng cảm. Đây là một phương tiện điều trị thay thế phổ biến cho muối lithium. Tuy nhiên, phụ nữ trẻ sử dụng Valproic acid phải lưu ý đến một số cảnh báo đặc biệt.
- Lamotrigine (Lamictal), được FDA chấp nhận trong điều trị duy trì rối loạn lưỡng cực. Thuốc này thường hiệu quả để điều trị các triệu chứng trầm cảm.
- Các thuốc chống co giật khác, gồm có gabapentin (Neurontin), topiramate (Topamax), và oxcarbazepine (Trileptal).
Valproic acid, lamotrigine, và các thuốc chống co giật khác được FDA cảnh báo, bao gồm việc tăng nguy cơ có ý tưởng tự sát và hành vi tự sát. Người sử dụng thuốc chống co giật điều trị rối loạn lưỡng cực hoặc các bệnh khác cần được giám sát chặt chẽ về biểu hiện mới xuất hiện hoặc sự xấu đi các triệu chứng trầm cảm, ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Nếu bạn sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào thuộc nhóm này, không được tự ý thay đổi liều lượng mà không báo với bác sĩ.
Các tác dụng phụ phụ của thuốc chỉnh khí sắc là gì ?
Lithium có thể gây ra các triệu chứng không mong muốn như:
- Bồn chồn
- Khô miệng
- Đầy bụng khó tiêu
- Mụn
- Khó chịu hoặc ớn lạnh
- Đau khớp hoặc cơ
- Móng hoặc tóc dễ gãy
Khi sử dụng lithium, bác sĩ của bạn cần phải kiểm tra nồng độ lithium trong máu của bạn thường xuyên cũng như giám sát chức năng gan và thận đều đặn. Điều trị bằng lithium có thể làm giảm chức năng tuyến giáp ở một số bệnh nhân. Giảm chức năng tuyến giáp, hay suy giáp, đã từng liên quan đến chu kỳ nhanh ở một số người rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là ở nữ giới.
Do hormone tuyến giáp tăng hay giảm đều dẫn đến biến đối cảm xúc và sinh lực, vì vậy quan trọng là bác sĩ của bạn phải kiểm tra chức năng tuyến giáp kỹ càng. Bạn có thể cần thuốc điều trị tuyến giáp, ngoài các thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, để giữ chức năng tuyến giáp được cân bằng.
Các tác dụng phụ chung của các thuốc chỉnh khí sắc bao gồm:
- Xoàng đầu
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Tức ngực
- Thay đổi cảm xúc
- Nghẹt mũi hay chảy mũi nước, hoặc các triệu chứng giống cảm cúm.
Các thuốc này cũng có thể có liên quan đến các tác dụng phụ tuy hiếm nhưng trầm trọng. Hãy tham vấn với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để đảm bảo bạn hiểu rõ các dấu hiệu nặng của tác dụng phụ do thuốc đang sử dụng. Nếu các triệu chứng khó chịu hoặc tác dụng phụ bất thường xuất hiện, hãy báo cho bác sĩ biết càng sớm càng tốt.
Phụ nữ trẻ tuổi có nên sử dụng valproic acid?
Valproic acid có thể làm tăng nồng độ testosterone (một loại hormone nam) ở các bé gái trong tuổi vị thành niên. Nó có thể dẫn đến tình trạng gọi là hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS) ở phụ nữ khi bắt đầu sử dụng thuốc trước tuổi 20. PCOS có thể gây béo phì, nhiều lông trên cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt thất thường và các triệu chứng nghiêm trọng khác. Đa số các triệu chứng này có thể cải thiện sau khi ngừng điều trị. Các bé gái và phụ nữ trẻ tuổi cần được bác sĩ theo dõi kỹ khi sử dụng valproic acid.
Các thuốc chống loạn thần mới đôi khi được sử dụng để điều trị các triệu chứng rối loạn lưỡng cực. Thông thường, các thuốc này thường dùng phối hợp với các thuốc khác như chống trầm cảm. Các thuốc chống loạn thần mới gồm có:
- Olanzapine (Zyprexa), khi cho kèm với một thuốc chống trầm cảm, có thể giúp giảm triệu chứng hưng cảm hay loạn thần. Olanzapine có thể dùng bằng viên uống hoặc tiêm. Mũi tiêm thường dùng trong điều trị khẩn cấp do kích động có liên quan đến hưng cảm hoặc là cơn hỗn hợp. Olanzapine còn được dùng để điều trị duy trì, ngay cả khi các triệu chứng loạn thần không còn.
- Aripiprazole (Abilify), được dùng để điều trị hưng cảm hoặc cơn hỗn hợp. Aripiprazole còn được dùng để điều trị duy trì. Giống olanzapine, aripiprazole có thể dùng viên uống hoặc tiêm. Mũi tiêm cũng thường dùng điều trị cấp cứu với triệu chứng nặng.
- Quetiapine (Seroquel), risperidone (Risperdal) và ziprasidone (Geodon) cũng là những thuốc được kê đơn để làm giảm triệu chứng trong các cơn hưng cảm.
Các tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần mới là gì?
Nếu đang sử dụng thuốc chống loạn thần, bạn không nên lái xe trừ khi đã thích nghi với thuốc. Các tác dụng phụ của nhiều thuốc chống loạn thần bao gồm:
- Xoàng đầu
- Chóng mặt khi thay đổi tư thế
- Nhìn mờ
- Nhịp tim nhanh
- Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
- Ngứa trên da
- Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ
Các thuốc chống loạn thần mới có thể làm tăng cân nhiều và thay đổi chuyển hóa. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng cholesterol máu. Bác sĩ cần giám sát cân nặng, đường máu và nồng độ lipid của bạn thường xuyên khi bạn đang sử dụng những thuốc này.
Trong những trường hợp hiếm hơn, sử dụng thuốc chống loạn thần kéo dài có thể dẫn đến tình trạng gọi là loạn vận động muộn (tardive dyskinesia). Tình trạng này gây ra các vận động cơ không kiểm soát, thường là quanh miệng. Loạn vận động muộn có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Có người phục hồi một phần hoặc hoàn toàn sau khi ngưng thuốc, nhưng có người thì không như vậy.
Các thuốc chống trầm cảm đôi khi được dùng để điều trị các triệu chứng trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực. Fluoxetine (Prozac), paroxetine (Paxil), sertraline (Zoloft), và bupropion (Wellbutrin) là những ví dụ về các loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn điều trị các triệu chứng của trầm cảm lưỡng cực.
Tuy nhiên, việc chỉ dùng một loại chống trầm cảm có thể tăng nguy cơ đảo ngược khí sắc sang hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ, hoặc gây ra các triệu chứng kiểu chu kỳ nhanh. Để phòng tránh tình trạng này, các bác sĩ thường yêu cầu bạn sử dụng kèm một loạn thuốc ổn định khí sắc đồng thời với thuốc chống trầm cảm.
Các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm là gì?
Các thuốc chống trầm cảm có thể gây ra:
- Đau đầu
- Buồn nôn (cảm giác bụng nôn nao)
- Cáu gắt (bồn chồn bất an)
- Rối loạn về tình dục, có thể ảnh hưởng cả nam và nữ giới. Chúng bao gồm giảm ham muốn tình dục và rối loạn khoái cảm tình dục.
Hãy báo cho bác sĩ của bạn biết sớm những lo ngại về tác dụng phụ. Bạn có thể cần thay đổi liều lượng thuốc hoặc đổi loại thuốc. Bạn không nên ngưng thuốc mà không hỏi ý bác sĩ. Việc ngưng thuốc đột ngột có thể dẫn đến phản ứng “dội” hoặc các triệu chứng rối loạn lưỡng cực trầm trọng hơn. Các biểu hiện do ngưng thuốc gây khó chịu hoặc nguy cơ nguy hiểm khi ngưng thuốc cũng có thể xảy ra.
Một số thuốc chống trầm cảm có khả năng gây tác dụng phụ nhiều hơn các nhóm khác. Bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn có thể trả lời các câu hỏi về các thuốc này. Bất cứ phản ứng bất thường nào hoặc tác dụng phụ nào đều phải thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
Phụ nữ đang mang thai hoặc có thể có thai có nên uống thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực không?
Phụ nữ bị rối loạn lưỡng cực đang mang thai hoặc có thể có thai phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Các thuốc ổn định khí sắc có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển hay trẻ đang bú mẹ. Tuy nhiên, việc ngưng thuốc, dù là từ từ hay đột ngột, sẽ gia tăng nguy cơ tái phát triệu chứng rối loạn lưỡng cực trong thai kỳ.
Nói chung lithium là thuốc được ưa chuộng để ổn định khí sắc cho phụ nữ mang thai bị rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, lithium có thể gây ra những vấn đề về tim mạch cho thai nhi. Thêm vào đó, phụ nữ cần biết rằng đa số các thuốc điều trị lưỡng cực đều đi qua sữa mẹ. FDA đã ban hành cảnh báo về nguy cơ có liên quan đến sử dụng thuốc chống loạn thần trong thai kỳ. Nếu bạn có thai hoặc đang nuôi con, hãy thảo luận với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của các biện pháp điều trị hiện có.
Cảnh báo của FDA về thuốc chống trầm cảm
Các thuốc chống trầm cảm là an toàn và phổ biến, tuy nhiên một số nghiên cứu đã cho thấy các thuốc này có thể gây tác dụng không mong muốn ở một số đối tượng, đặc biệt là trẻ vị thành niên và thanh niên. FDA cho rằng bệnh nhân thuộc tất cả các lứa tuổi cần được theo dõi chặt chẽ đặc biệt là trong vài tuần đầu khi mới điều trị. Tác dụng phụ có thể có bao gồm khả năng tình trạng trầm cảm nặng lên, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, hoặc biến đổi bất thường về hành vi như rối loạn giấc ngủ, cáu gắt hoặc thu mình khỏi đời sống xã hội bình thường. Để có thông tin mới nhất, vui lòng truy cập website của FDA.
Tâm lý trị liệu đối với rối loạn lưỡng cực
Khi phối hợp với thuốc, tâm lý trị liệu có thể là biện pháp điều trị có hiệu quả trong rối loạn lưỡng cực. Biện pháp này sẽ hỗ trợ, giáo dục và hướng dẫn người rối loạn lưỡng cực và gia đình của họ. Một số liệu pháp tâm lý điều trị rối loạn lưỡng cực gồm có:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) sẽ giúp người rối loạn lưỡng cực học cách thay đổi những suy nghĩ và hành vi có hại hoặc tiêu cực.
- Liệu pháp gia đình: có sự tham gia của thành viên trong gia đình. Liệu pháp này giúp tăng cường các chiến lược đối phó hữu hiệu, ví như nhận biết được các cơn tái phát mới sớm nhất và giúp đỡ cho người thân yêu của mình. Liệu pháp này còn cải thiện khả năng giao tiếp trong gia đình, cũng như giải quyết các xung đột.
- Liệu pháp tương tác cá nhân và hài hoà xã hội giúp người rối loạn lưỡng cực cải thiện các mối quan hệ của họ với người xung quanh và các quản lý sinh hoạt thường ngày. Có nếp sinh hoạt và giấc ngủ điều độ sẽ hạn chế tái cơn hưng cảm.
- Giáo dục tâm lý giúp người rối loạn lưỡng cực hiểu biết về bệnh lý và điều trị. Giáo dục tâm lý giúp bạn nhận biết dấu hiệu nguy cơ biến đổi cảm xúc nhờ vậy mà bạn tìm kiếm điều trị sớm, trước khi cơn toàn phát xảy ra. Thường biện pháp này được tiến hành theo nhóm, giáo dục tâm lý còn hữu ích đối với người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân.
Trong nghiên cứu STEP-BD về các liệu pháp tâm lý, các nhà nghiên cứu so sánh hai nhóm. Một nhóm được điều trị phố hợp (ba buổi giáo dục tâm lý trong 6 tuần). Nhóm thứ hai điều trị với thuốc và trị liệu tâm lý tích cực (30 buổi trong 9 tháng theo liệu pháp nhận thức hành vi, tương tác cá nhân và xã hội hài hoà, hoặc liệu pháp gia đình). Các nhà nghiên cứu phát hiện nhóm thứ hai có tỷ lệ tái phát thấp hơn, tỷ lệ nhập viện thấp hơn và tuân thủ theo kế hoạch điều trị tốt hơn. Nhóm này cũng có khuynh hướng hồi phục nhanh hơn và ổn định sức khỏe lâu hơn. Trên tổng thể, hơn một nửa đối tượng tham gia nghiên cứu phục hồi trong vòng 1 năm điều trị.
Những bác sĩ tâm lý, nhân viên công tác xã hội hoặc nhà tư vấn là những người có thể điều trị tâm lý. Họ sẽ làm việc với bạn và bác sĩ tâm thần để theo dõi hiệu quả điều trị. Số lượt tư vấn, tần suất và phương pháp trị liệu phụ thuộc vào nhu cầu điều trị của mỗi cá nhân. Cũng như điều trị bằng thuốc, việc làm theo chỉ định của bác sĩ về tâm lý trị liệu sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.
Tham khảo NIMH website để có thêm thông tin về tâm lý trị liệu.
Các phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực khác
Liệu pháp sốc điện (ECT): Trong một số trường hợp, khi thuốc và tâm lý trị liệu không có hiệu quả, liệu pháp sốc điện có thể có tác dụng. Liệu pháp sốc điện, thường gọi là liệu pháp choáng điện, trước đây có tiếng tăm không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, phương pháp này những năm gần đây đã được cải tiến rất nhiều và rất hiệu quả trong điều trị rối loạn lưỡng cực mức độ nặng mà không phục hồi được bằng những phương thức điều trị khác.
Trước khi sốc điện, bệnh nhân được cho thuốc giãn cơ và gây mê thời gian ngắn. Bệnh nhân sẽ ở trong tình trạng mê nên sẽ không cảm nhận có ý thức xung điện. Trung bình, một lần sốc điện kéo dài 30–90 giây. Bệnh nhân được sốc điện thường sẽ tỉnh lại hoàn toàn sau 5–15 phút và có thể về nhà ngay trong ngày.
Đôi khi, sốc điện được dùng để điều trị triệu chứng lưỡng cực nếu các tình trạng bệnh, hay việc mang thai có thể làm tăng nguy cơ do uống thuốc. Sốc điện hiệu quả cao đối với cơn trầm cảm nặng, hưng cảm hoặc cơn hỗn hợp. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn điều trị trước tiên.
Sốc điện có thể gây tác dụng phụ trong ngắn hạn, bao gồm lú lẫn, mất định hướng, suy giảm trí nhớ. Người mắc rối loạn lưỡng cực cần thảo luận với bác sĩ nhiều kinh nghiệm về lợi ích và nguy cơ có thể có khi điều trị sốc điện.
Thuốc ngủ: Người mắc rối loạn lưỡng cực có rối loạn giấc ngủ thưởng ngủ tốt hơn nếu được điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất ngủ không cải thiện, bác sĩ có thể đề xuất thay đổi thuốc. Nếu vẫn còn khó ngủ, bác sĩ sẽ cho các thuốc bình thần an dịu hoặc các thuốc gây ngủ khác.
Thảo dược: Nói chung, chưa có nhiều nghiên cứu về thảo dược hoặc các thực phẩm chức năng thiên nhiên và hiệu quả của chúng trên rối loạn lưỡng cực. Một loại thảo mộc gọi là St. John’s wort (tên khoa học là Hypericum perforatum), thường được quảng cáo là chống trầm cảm có nguồn gốc tự nhiên, có thể gây đảo ngược sang hưng cảm ở một số người rối loạn lưỡng cực. St. John’s wort cũng có thể làm thuốc giảm hiệu quả, trong đó có một số thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật-ổn định khí sắc. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu acid omega-3 (phổ biến có trong dầu cá) để xem hiệu quả của chúng trong việc điều trị dài hạn rối loạn lưỡng cực. Các kết quả nghiên cứu hiện đang rất khác nhau.
Bạn hãy trình bày cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc đang dùng, cả loại được kê đơn, không cần kê đơn lẫn các thực phẩm chức năng mình đang sử dụng. Một số thuốc và thực phẩm chức năng có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng chung với thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực.
Nghiên cứu nào Viện Sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (NIMH) đang tiến hành để cải tiến điều trị rối loạn lưỡng cực?
Các nhà khoa học đang xác định những hướng mới để cải tiến những thuốc hiện có để điều trị rối loạn lưỡng cực. Thêm vào đó, các nghiên cứu viên của NIMH đã có những tiến bộ rất hứa hẹn để phát hiện ra thuốc điều trị tác dụng nhanh. Trong một nghiên cứu nhỏ trên người bị rối loạn lưỡng cực mà các triệu chứng không đáp ứng với điều trị trước đây, liều ketamine (một loại thuốc gây mê) đơn độc đã làm giảm đáng kể triệu chứng trầm cảm chỉ sau một thời gian ngắn là 40 phút. Tác dụng này kéo dài trung bình là khoảng 1 tuần.
Bản thân ketamine có lẽ không được sử dụng rộng rãi để điều trị bởi vì nó có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng ở liều cao, như gây ảo giác. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang tìm hiểu cơ chế thuốc tác động lên não bộ để hoàn thiện các phương pháp điều trị khác có ít tác dụng phụ hơn và tác động tương tự ketamine. Các thuốc đó có thể được dùng để kiểm soát triệu chứng về lâu dài.
Thêm vào đó, NIMH cũng đang nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn rối loạn lưỡng cực và các rối loạn tâm thần khác qua dự án tiên phong Research Domain Criteria (RDoC), là một trong những nỗ lực để khái quát hoá những hiểu biết về khu vực não bộ liên quan đến chức năng hành vi và nhận thức. Bằng cách phân tách các rối loạn tâm thần thành các cấu phần nhỏ, dự án RDoC có mục tiêu là bổ sung thêm kiến thức, ngoài những điều đã thu được từ các nghiên cứu truyền thống đã có vốn chỉ tập trung tìm hiểu các rối loạn tâm thần dựa vào các triệu chứng. Hy vọng rằng nhờ việc thay đổi cách tiếp cận trên, dự án RDoC sẽ giúp chúng ta mở ra cánh cửa đi đến mục tiêu mới để điều trị và phòng bệnh.
Chung sống với rối loạn lưỡng cực
Nếu bạn quen biết một người có rối loạn lưỡng cực, việc đó cũng tác động đến bạn. Điều quan trọng nhất và trước hết mà bạn làm được là giúp đỡ người đó để có chẩn đoán và điều trị đúng. Bạn có thể hẹn gặp và đi cùng họ tới gặp bác sĩ. Hãy động viên người thân của mình đi điều trị.
Để giúp đỡ một người bạn hay người thân, chúng ta có thể:
- Hỗ trợ tinh thần, thấu hiểu, kiên nhẫn và động viên cho họ
- Tìm hiểu về rối loạn lưỡng cực để hiểu được bạn mình hoặc người thân đang trải qua những gì
- Chuyện trò với bạn hoặc người thân của mình và hãy lắng nghe họ kỹ càng
- Lắng nghe những cảm nhận mà bạn hoặc người thân của mình đang chia sẻ và hiểu được tình huống có thể gây ra các triệu chứng rối loạn lưỡng cực
- Mời bạn hoặc người thân của mình giao lưu bên ngoài, để phân tán tích cực, như là đi dạo, giao lưu, và các hoạt động khác
- Nhắc nhở bạn hoặc người thân rằng cùng với thời gian và cách điều trị đúng thì họ sẽ khá hơn.
Đừng bao giờ lờ đi những ý tưởng tự gây hại bản thân của bạn mình hoặc người thân của mình. Luôn nhớ thông báo những ý tưởng đó cho bác sĩ của họ.
Người chăm sóc có thể tìm kiếm hỗ trợ ở đâu?
Cũng giống như các bệnh nặng khác, rối loạn lưỡng cực có thể gây khó khăn cho người bạn đời, người thân trong gia đình, bạn bè và người chăm bệnh. Người thân và bạn bè thường phải đối phó với những rối loạn hành vi nghiêm trọng của người bệnh, như chi tiêu phung phí trong cơn hưng cảm, tự cô lập nặng nề trong cơn trầm cảm, hoặc giảm sút năng lực học tập và làm việc. Những hành vi đó có thể gây hậu quả kéo dài.
Người chăm bệnh thường phải quan tâm đến nhu cầu y tế của người thân. Tuy nhiên, người chăm bệnh còn phải đối mặt với việc những điều trên ảnh hưởng đến bản thân mình nữa. Căng thẳng (stress) sẽ làm cho người chăm bệnh bỏ dở công việc hoặc mất thời gian, mất quan hệ với những người không thông hiểu sự việc, và kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần.
Việc đối mặt với các triệu chứng rối loạn lưỡng cực của người thân có thể rất khó khăn. Có nghiên cứu cho thấy nếu người chăm sóc bị stress quá nhiều, người bệnh sẽ gặp trở ngại nhiều hơn khi theo kế hoạch điều trị, và điều này làm tăng nguy cơ bị cơn rối loạn lưỡng cực nặng. Nếu bạn đang chăm sóc ai đó bị rối loạn lưỡng cực, điều quan trọng là bạn cũng phải dành thời gian chăm sóc cho bản thân mình.
Nếu tôi bị rối loạn lưỡng cực, tôi sẽ giúp mình theo cách nào?
Việc tiến hành bước đầu tiên để tự giúp mình có thể rất khó khăn. Điều đó có thể mất thời gian, tuy nhiên bạn sẽ tốt lên khi được điều trị. Để giúp mình, bạn cần:
- Thảo luận với bác sĩ của mình về các lựa chọn điều trị và tiến triển trong điều trị
- Giữ điều độ, ví như đi ngủ đúng giờ mỗi ngày và ăn cũng đúng giờ hàng ngày
- Cố gắng ngủ đủ
- Duy trì thuốc uống đều đặn
- Tìm hiểu các dấu hiệu nguy cơ biến đổi sang cơn trầm cảm hoặc hưng cảm
- Mong đợi là các triệu chứng cải thiện dần dần, không phải là ngay tức thì
Tôi đi đâu để được giúp đỡ?
Nếu bạn không chắc chắn nơi đâu có thể giúp mình, hãy gặp bác sĩ gia đình của mình. Những người có thể giúp bạn được liệt kê như sau.
- Chuyên gia sức khỏe tâm thần, như là bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý
- Các tổ chức bảo vệ sức khỏe
- Trung tâm sức khỏe tâm thần cộng đồng
- Khoa tâm thần của bệnh viện hoặc phòng khám tâm thần
- Các chương trình sức khỏe tâm thần của trường đại học
- Phòng khám ngoại trú của bệnh viện công
- Các dịch vụ gia đình, tổ chức xã hội
- Các nhóm hỗ trợ
- Phòng khám và cơ sở y tế tư
- Chương trình hỗ trợ người lao động
- Hiệp hội y khoa hoặc tâm thần học ở địa phương
Tài liệu tham khảo
http://www.nimh.nih.gov/health/topics/bipolar-disorder/index.shtml