Tìm hiểu chung
Nhiễm trùng Escherichia coli là bệnh gì?
Coli (Escherichia coli) là tên của một loại vi trùng hay vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của người và động vật. Có rất nhiều loại E. coli và hầu hết trong số đó là vô hại. Tuy nhiên, một số có thể gây tiêu chảy có máu. Một vài chủng vi khuẩn E. coli cũng có thể gây thiếu máu nặng hoặc suy thận, có thể dẫn đến tử vong. Các chủng khác của E. coli có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các nhiễm trùng khác.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng Escherichia coli là gì?
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng Escherichia Coli bao gồm:
- Tiêu chảy có thể dao động từ nhẹ và phân nước đến nặng và có máu;
- Bụng co thắt, đau;
- Buồn nôn và ói mửa ở một số người.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng sau: tiêu chảy kéo dài, nặng hoặc có máu.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh nhiễm trùng Escherichia coli?
Trong số nhiều chủng E. coli, chỉ một số ít gây ra tiêu chảy. Một trong những nhóm E. coli — bao gồm O157: H7 — tạo ra một chất độc mạnh làm tổn thương lớp niêm mạc của ruột non có thể gây ra tiêu chảy có máu. Bạn bị nhiễm trùng E. coli khi ăn phải chủng vi khuẩn này. Không giống như nhiều các bệnh gây ra bởi vi khuẩn, E. coli có thể gây nhiễm trùng ngay cả khi bạn chỉ ăn một lượng nhỏ. Do đó, bạn có thể bị bệnh do E. coli từ ăn một chiếc bánh hamburger có nhân chưa nấu chín hoặc từ uống một miếng nước bị ô nhiễm ở hồ bơi. Các nguồn có thể tiếp xúc bao gồm thực phẩm bị ô nhiễm hoặc nước và tiếp xúc trực tiếp người với người.
Cách phổ biến nhất để bị nhiễm trùng E. coli là do ăn uống thực phẩm ô nhiễm, chẳng hạn như:
- Thịt bò xay. Khi bò được mổ và xử lý, vi khuẩn E. coli trong ruột của chúng có thể dính vào thịt. Thịt bò xay kết hợp thịt từ nhiều động vật khác làm tăng nguy cơ ô nhiễm;
- Sữa chưa được tiệt trùng. Vi khuẩn E. coli ở bò hoặc dụng cụ vắt sữa có thể nhiễm vào sữa nguyên chất;
- Sản phẩm tươi sống. Chất thải từ các trang trại gia súc có thể dùng để trồng các sản phẩm tươi sống. Một số rau như cải bó xôi, rau diếp là đặc biệt dễ bị nhiễm nhất.
Phân người và động vật có thể gây ô nhiễm đất và nước gồm các dòng suối, sông, hồ và nước dùng để tưới cho cây trồng. Mặc dù hệ thống nước công cộng sử dụng clo, tia cực tím hoặc ozon để diệt E. coli, một số đợt bùng phát có liên quan đến nguồn nước thành phố bị ô nhiễm. Giếng chính là mối quan tâm lớn vì chúng thường không có bất kỳ hệ thống khử khuẩn nào. Nguồn cung cấp nước nông thôn có nhiều khả năng bị ô nhiễm. Một số người cũng bị nhiễm sau khi bơi trong hồ bơi hoặc hồ bị ô nhiễm do phân. Vi khuẩn E. coli có thể dễ dàng lây từ người này sang người, đặc biệt là khi người lớn bị nhiễm bệnh và trẻ em không rửa tay đúng cách. Các thành viên gia đình của trẻ nhiễm trùng E. coli đặc biệt dễ bị lây nhiễm. Dịch cũng xảy ra ở các trẻ đến thăm sở thú và các chuồng động vật ở chợ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh nhiễm trùng Escherichia coli?
Nhiễm trùng Escherichia coli là tình trạng rất thường gặp, có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng Escherichia coli?
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng Escherichia Coli, chẳng hạn như:
- Tuổi tác. Trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn nhiễm E. coli và các biến chứng nghiêm trọng hơn do nhiễm trùng;
- Hệ miễn dịch suy yếu. Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu – AIDS hoặc các loại thuốc để điều trị ung thư hoặc ngừa thải ghép – dễ bị bệnh này do nuốt phải E. Coli;
- Một số loại thực phẩm. Thực phẩm dễ gây bệnh bao gồm hamburger có nhân nấu chưa chín; sữa chưa tiệt trùng, nước táo hoặc rượu táo và pho mát mềm làm từ sữa tươi;
- Thời gian trong năm. Mặc dù không rõ ràng lý do tại sao, phần lớn các bệnh nhiễm trùng E. coli xảy ra từ tháng sáu đến tháng chín;
- Nồng độ axit dạ dày giảm. Axit trong dạ dày bảo vệ chống lại vi khuẩn E. coli. Nếu bạn uống các thuốc làm giảm nồng độ axit trong dạ dày như esomeprazole (Nexium®), pantoprazole (Protonix®), lansoprazole (Prevacid®) và omeprazole (Prilosec®), bạn sẽ tăng nguy cơ nhiễm E. coli.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng Escherichia coli?
Để chẩn đoán bệnh do nhiễm E. coli, bác sĩ sẽ gửi một mẫu phân của bạn đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn E. coli. Các vi khuẩn có thể được nuôi cấy để xác định chẩn đoán và xác định các độc tố cụ thể chẳng hạn như những độc tố do E. coli O157: H7.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhiễm trùng Escherichia coli?
Đối với bệnh do E. coli, không có phương pháp điều trị hiện tại nào có thể chữa khỏi bệnh nhưng có thể làm giảm các triệu chứng hoặc ngăn ngừa các biến chứng. Đối với hầu hết mọi người, phương pháp điều trị bao gồm:
- Nghỉ ngơi;
- Truyền dịch để giúp ngừa mất nước và mệt mỏi.
Bạn tránh dùng thuốc chống tiêu chảy vì điều này làm chậm hệ tiêu hóa, ngăn cơ thể loại bỏ các độc tố. Kháng sinh thường không được khuyến khích vì chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng.
Nếu bị nhiễm E. coli nghiêm trọng mà gây ra hội chứng urê tán huyết, bạn phải nhập viện và được chăm sóc hỗ trợ, bao gồm truyền dịch, truyền máu và lọc thận.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm trùng Escherichia coli?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách áp dụng các biện pháp sau:
- Uống nhiều dịch bao gồm nước, nước ngọt và nước canh, gelatin và nước trái cây. Bạn cũng nên tránh nước ép táo và lê, cà phê và rượu;
- Thêm thức ăn dần dần. Khi bạn bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, hãy ăn thức ăn ít chất xơ trước. Bạn hãy thử bánh xốp, bánh mì nướng, trứng hoặc cơm;
- Tránh một số loại thực phẩm nhất định. Các sản phẩm sữa, thực phẩm béo, thực phẩm nhiều chất xơ hoặc các loại thực phẩm khô có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.