Thuốc giãn phế quản dạng uống

(4.4) - 24 đánh giá

Thuốc giãn phế quản dạng uống là loại thuốc được dùng để điều trị các vấn đề hô hấp trong bệnh hen suyễn và các bệnh liên quan đến phổi khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở Anh, có hai nhóm thuốc giãn phế quản dạng uống được phép kê đơn là nhóm thuốc đồng vận beta-2 (salbutamol, albuterol và terbutaline) và nhóm methylxanthine (theophylline và aminophylline). Thuốc giãn phế quản giúp giảm các triệu chứng như ho, khò khè và khó thở, bằng cách làm thông các đường dẫn khí trong phổi để không khí có thể đi vào phổi dễ dàng hơn.

Thuốc giãn phế quản dạng uống là gì?

Thuốc giãn phế quản dạng uống là loại thuốc được dùng để điều trị các vấn đề hô hấp trong bệnh hen suyễn và các bệnh liên quan đến phổi khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Thuốc giúp giảm các triệu chứng như ho, khò khè và khó thở.

Có 2 nhóm thuốc giãn phế quản được phép kê đơn ở Anh. Đó là:

  • Nhóm thuốc đồng vận beta-2 (salbutamol, bambuterol và terbutaline).
  • Nhóm Methylxanthines (theophylline và aminophylline).

Aminophylline là một hỗn hợp tỷ lệ 2:1 của theophylline và ethylenediamine. Ethylenediamine được thêm vào để cải thiện khả năng tan trong nước của theophylline. Thuốc giãn phế quản dạng uống thường được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén và dung dịch uống. Aminophylline còn được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, thường sử dụng ở bệnh viện. Các biệt dược cho nhóm thuốc này khá đa dạng.

Hai thuốc giãn phế quản khác cũng được cấp phép sử dụng ở Anh là ephedrine và orciprenaline. Tuy nhiên, hiện nay hai thuốc này rất ít được sử dụng để điều trị các bệnh hô hấp vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như loạn nhịp tim.

Thuốc giãn phế quản còn được bào chế dưới dạng thuốc hít, được dùng phổ biến hơn dạng thuốc uống. Tuy nhiên, phần còn lại của bài viết này chỉ đề cập đến cách dùng của thuốc giãn phế quản dạng uống (đó là các dạng thuốc sử dụng bằng cách uống, như viên nang, viên nén, dung dịch uống). Xem các bài viết khác để tìm hiểu thêm về thuốc hít dùng cho bệnh hen và thuốc hít dùng cho COPD.

Thuốc giãn phế quản dạng uống tác dụng như thế nào?

Từ “thuốc giãn phế quản” có nghĩa là làm mở rộng (làm giãn) phế quản. Thuốc giãn phế quản tác dụng bằng cách mở rộng các đường dẫn khí (phế quản và tiểu phế quản), làm không khí đi vào phổi dễ dàng hơn. Hai nhóm thuốc giãn phế quản có cơ chế tác dụng hơi khác nhau.

Nhóm thuốc đồng vận beta-2

Tác dụng bằng cách kích thích các thụ thể beta-2 ở các cơ dọc theo các đường dẫn khí, từ đó làm giãn cơ, mở rộng đường dẫn khí, giúp việc hít thở trở nên dễ dàng hơn.

Nhóm Methylxanthines

Cơ chế tác dụng của nhóm này hiện nay vẫn chưa được biết chính xác. Có giả thiết cho rằng chúng tác dụng bằng cách ức chế một chất trong cơ thể có tên là phosphodiesterase, từ đó làm giãn cơ ở đường dẫn khí, giúp quá trình hô hấp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý khi phosphodiesterase bị ức chế thì có thể dẫn đến một số tác dụng khác như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu và buồn nôn.

Khi nào thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giãn phế quản?

Như đã nêu ở trên, các loại thuốc này thường được dùng cho những người có vấn đề về phổi với triệu chứng khó thở. Chúng được dùng phổ biến nhất ở bệnh nhân hen suyễn hoặc COPD. Tuy nhiên vì dạng hít cho hiệu quả tốt nên hầu hết bệnh nhân hen suyễn không cần đến thuốc giãn phế quản dạng uống.

Trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già, bệnh nhân được kê thuốc giãn phế quản dạng viên nén thuộc nhóm đồng vận beta-2 (dung dịch uống đối với trẻ em), nhưng trên thực tế thì dạng thuốc hít vẫn cho hiệu quả cao hơn và mang lại ít tác dụng phụ hơn.

Methylxanthine thường dùng cho bệnh nhân COPD ổn định hơn là COPD đợt cấp. Aminophylline dạng tiêm thỉnh thoảng vẫn dùng tại bệnh viện khi bệnh nhân lên cơn hen nặng.

Sử dụng thuốc giãn phế quản dạng uống như thế nào?

Viên nén salbutamol cần uống 3 hoặc 4 lần trong ngày. Terbutaline cần uống 3 lần trong ngày, trong khi bambuterol chỉ cần uống 1 lần trong ngày, trước khi đi ngủ (chỉ dùng cho người lớn).

Theophylline dạng viên nén hay viên nang có thể uống 1 hoặc 2 lần trong ngày, tùy thuộc vào biệt dược mà bác sĩ kê đơn. Bạn chỉ nên dùng cố định một loại biệt dược theophylline, vì lượng theophylline được hấp thu bởi cơ thể thay đổi đáng kể giữa các biệt dược khác nhau. Nếu bạn dùng một biệt dược theophylline khác với loại mà bạn thường sử dụng thì lượng theophylline được cơ thể hấp thu lúc này có thể quá nhiều hoặc quá ít so với lượng cần thiết. Aminophylline thường được uống 2 lần trong ngày.

Tôi nên dùng liều như thế nào?

Liều thuốc giãn phế quản thường được kê dựa vào khả năng đáp ứng điều trị và tuổi của từng bệnh nhân. Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu với liều thấp và tăng dần (nếu cần thiết) trong vài tuần cho đến khi tìm được liều phù hợp nhất.

Để chọn được liều theophylline và aminophylline phù hợp không phải là việc dễ dàng. Cơ thể phá vỡ (chuyển hóa) theophylline ở gan. Quá trình chuyển hóa này thay đổi ở mỗi người do đó nồng độ thuốc trong máu có thể rất khác nhau. Điều này đặc biệt đúng ở những người hút thuốc, người có tổn thương hoặc suy giảm chức năng gan và người suy tim.

Trong một số trường hợp, quá trình phân hủy thuốc giảm và nồng độ thuốc trong máu tăng lên. Ở một số trường hợp khác, sự phân hủy lại tăng lên làm giảm nồng độ theophylline trong máu. Điều này rất cần chú trọng, vì liều gây độc (nguy hiểm) của theophylline cao hơn không nhiều so với liều điều trị. Khi bạn bắt đầu điều trị với một thuốc trong nhóm này, bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm máu để chắc chắn rằng bạn đang nhận được liều điều trị thích hợp, xét nghiệm này giúp định lượng được hàm lượng theophylline trong máu. Hàm lượng theophylline trong máu lý tưởng nhất là từ 10 đến 20 mg/l. Nếu bạn điều trị lâu dài, bác sĩ có thể cho làm nhiều xét nghiệm máu liên tục để theo dõi nồng độ theophylline trong máu của bạn.

Quá trình điều trị thường kéo dài bao lâu?

Nếu thuốc giãn phế quản làm giảm được các triệu chứng của bạn thì chúng thường được sử dụng lâu dài. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ theo dõi vấn đề hô hấp của bạn thường xuyên để xem xét có nên sử dụng tiếp các loại thuốc này hay không.

Những tác dụng phụ có thể xảy ra là gì?

Như tất cả thuốc khác, thuốc giãn phế quản dạng uống cũng có một số tác dụng phụ. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến:

  • Nhóm thuốc đồng vận beta-2 – tác dụng phụ phổ biến bao gồm: run (ví dụ, run bàn tay), căng thẳng thần kinh, đau đầu, chuột rút, cảm giác tim đập mạnh liên hồi (đánh trống ngực).
  • Nhóm Methylxanthines – tác dụng phụ phổ biến bao gồm: đánh trống ngực, cảm giác ốm (buồn nôn), nhức đầu, loạn nhịp tim, co giật.

Để biết các thông tin chi tiết hơn, vui lòng xem trên các tờ rơi đi kèm với thuốc.

Tôi có thể sử dụng các loại thuốc khác khi đang sử dụng thuốc giãn phế quản hay không?

Hầu như tất cả các thuốc đều có thể dùng cùng với salbutamol. Tuy nhiên, có một số thuốc có thể ảnh hưởng đến theophylline. Ví dụ, cimetidine, ciprofloxacin, erythromycin, fluvoxamine, và dịch chiết của cây St John có thể làm tăng nồng độ theophylline trong máu. Ngoài ra, phenytoin, carbamazepin, hoặc rifampin lại làm giảm nồng độ theophylline trong máu.

Khi bạn bắt đầu sử dụng một thuốc có ảnh hưởng đến nồng độ theophylline trong máu, bác sĩ sẽ cần điều chỉnh tăng hoặc giảm liều theophylline (hay aminophylline) của bạn.

Nếu bạn dùng thuốc nhóm methylxanthine như theophylline hay aminophylline, hãy luôn nhớ hỏi dược sĩ trước khi dùng để được tư vấn về các loại thuốc an toàn khi sử dụng đồng thời.

Hút thuốc lá

Nếu bạn đang hút thuốc và quyết định bỏ hút, bạn cần phải được điều chỉnh giảm liều theophylline và aminophylline. Điều này là do ở những người hút thuốc, chuyển hóa những thuốc này khá nhanh (so với những người không hút thuốc) nên thường được kê với liều cao hơn so với những người không hút thuốc. Điều dưỡng hoặc dược sĩ sẽ tư vấn cho bạn trong trường hợp này.

Tôi có thể tự mua thuốc giãn phế quản dạng uống được không?

Không – bạn không thể tự mua thuốc giãn phế quản dạng uống; bạn cần phải được kê đơn để có những loại thuốc này.

Trường hợp nào không dùng được thuốc giãn phế quản dạng uống?

Phần lớn mọi người đều có thể dùng được ít nhất một loại thuốc giãn phế quản dạng uống.

Tài liệu tham khảo

http://patient.info/health/oral-bronchodilators

Biên dịch - Hiệu đính

Thái Khoa Bảo Châu - BS. Bùi Diễm Khuê
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Hen

(49)
Hen là một tình trạng thường gặp gây ảnh hưởng đến đường thở. Triệu chứng điển hình thường là khò khè, ho, nặng ngực và khó thở. Triệu chứng có ... [xem thêm]

Tràn dịch màng phổi

(56)
Tổng quan Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch trong khoang màng phổi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi ... [xem thêm]

Hội chứng ngừng thở khi ngủ

(59)
Nếu bị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở, bạn có nhiều giai đoạn ngừng thở khi ngủ khoảng 10 giây hoặc hơn. Bạn choàng tỉnh giấc ... [xem thêm]

COPD – Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

(86)
Tổng quan Phổi có 2 phần chính là hệ thống phế quản (đường hô hấp) và phế nang (các túi khí). Khi chúng ta hít vào, không khí di chuyển xuống khí quản qua ... [xem thêm]

Tràn khí màng phổi

(73)
Tác giả: Bác sĩ Jacqueline Payne, Hiệu đính: Giáo sư Cathy Jackson. Chỉnh sửa lần cuối ngày 1 tháng 2 năm 2017. Được chứng nhận bởi The information standard. Người ... [xem thêm]

Thở khò khè

(46)
Khò khè là một tiếng rít xuất hiện khi bạn thở. Đây là một triệu chứng thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây khò khè. Nếu bạn bị khó thở hoặc có ... [xem thêm]

Bệnh thiếu hụt men Alpha-1-Antitripsin

(19)
Alpha-1-Antitripsin là gì? Alpha-1 antitrypsin (A1AT) là một loại protein do tế bào gan sản xuất. A1AT di chuyển từ gan vào máu và có thể đi đến phổi. Chức năng của ... [xem thêm]

Viêm sụn sườn

(38)
Viêm sụn sườn (hay còn gọi là viêm khớp sụn sườn) là một tình trạng đau của thành ngực. Nguyên nhân là do viêm các khớp nối giữa sụn xương sườn với ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN